Năm 2019, mặc dù tình hình thế giới có những biến chuyển phức tạp do cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, Chính phủ đã dẫn dắt quốc gia đạt được những thành tựu ấn tượng trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội tới đối ngoại, an ninh.

Đặt biệt là về kinh tế, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN (dự báo khoảng 7%) và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là thành quả rất quan trọng. Có thể nói, tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội trong năm 2019 đều đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.

Những thành quả đạt được là nhờ nhiều yếu tố trong đó có khát vọng xây dựng đất nước của đông đảo nhân dân, nỗ lực của các doanh nghiệp, nhưng không thể không nhắc tới vai trò của chính phủ trong quản lý điều hành. Trong năm 2019, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách, quyết định quan trọng, có tính chất định hướng, tạo động động lực và mở đường cho sự phát triển đất nước,  đảm bảo sự ổn định xã hội và tạo ra sự tin tưởng cho nhân dân. Có thể điểm lại những quyết sách của Chính phủ năm 2019 đã trực tiếp mang lại những thành quả cho Việt Nam.

Thứ nhất, Chính phủ đã có quyết định đánh giá tình hình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về Việt Nam khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ Trung ngày một căng thẳng, trong đó làm rõ các quan điểm tiếp nhận đầu tư có tính toán, chọn lọc để tránh Việt Nam trở thành bãi rác thải công nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo cao cấp của Chính phủ đã tham dự nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư tầm quốc gia và ở khắp các địa phương. Ở các Hội nghị Quốc tế lớn, người đứng đầu Chính phủ cũng tận dụng mọi diễn đàn để quảng bá Việt Nam như một điểm đến mới đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Đặc biệt, ngày 20 tháng 8 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 NQ/TW về “Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030”. Nghị quyết đưa ra những định hướng về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này mà vẫn giữ quyền chủ động của quốc gia.

Ngày 12-9-2019 tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp bàn thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị, rà soát lại tất cả các dự án FDI, đặc biệt các dự án có vấn đề về an ninh quốc phòng ở các khu vực, lĩnh vực nhạy cảm. Các cơ các quan chức năng đã phát hiện không ít doanh nghiệp nước ngoài núp bóng để mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt, từ đó lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất hàng đi Mỹ. Việc rà soát và ngăn chặn đã chứng tỏ hiệu quả, khẳng định với đối tác sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc kiểm soát xuất xứ, giúp Việt Nam không trở thành đối tượng bị áp thuế trừng phạt và tiếp tục là điểm đến đầu tư mới ở Châu Á Thái Bình Dương.

Thứ hai, Chính phủ coi doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quan trọng để phát triển hưng thịnh đất nước, và đã có những chính sách để giải quyết cơ chế như về đất đai và tài chính để hỗ trợ khối doanh nghiệp này.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định doanh nghiệp tư nhân là lực lượng đóng góp mạnh cho nền kinh tế khi khối này tạo ra khoảng hơn 42% GDP và hơn 60% việc làm cho Việt Nam trong năm 2018. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định doanh nghiệp tư nhân tạo ra những giá trị thương hiệu trên thị trường được người dân tin tưởng. Thủ tướng nhấn mạnh “tinh thần và trí tuệ Việt cháy bỏng khát vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn tầm quốc tế để tiếp nối ra đời nhiều niềm tự hào Việt Nam”.

Với quan niệm như vậy, Chính phủ đã chỉ đạo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân, trước hết là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định cơ bản tỷ giá đồng Việt Nam, đặc biệt là giảm các cuộc thanh tra,  kiểm tra,  kiểm toán chồng chéo. Quan trọng không kém, Chính phủ bảo vệ quyền tài sản của tư nhân theo đúng Hiến pháp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Chính phủ khen thưởng thích đáng những doanh nghiệp tư nhân, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “cần thiết tặng anh hùng, các loại huân huy chương cho doanh nghiệp tư nhân đạt thành tích đóng góp xây dựng Tổ quốc”.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, riêng 9 tháng đầu năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với trên 102.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh, đạt trên 12 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Những con số này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với Chính phủ.

Thứ ba, trong năm 2019, Chính phủ đã rất tập trung chỉ đạo tháo gỡ khúc mắc trong việc giải ngân các dự án đầu tư công.

Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, trong đó có tập trung phân tích, đánh giá và làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công. Chính phủ xác định một số quy định của một số văn bản pháp luật về đầu tư công còn bất cập, thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp, nhiều việc phải thực hiện theo quy định của nhiều luật nên chồng chéo và vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao cho các cơ quan tiếp tục rà soát trong thời gian tới để phát hiện những điểm cần phải chỉnh sửa, cần phải thống nhất lại trong hệ thống.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 94 với một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ về phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019. Chính phủ cũng kiên quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời. Thủ tướng trong năm 2019 cũng ra nhiều công điện đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Thứ tư, về nông nghiệp, Chính phủ có nhiều quyết sách thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Việc Chính phủ ban hành kịp thời chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được xem là yếu tố quan trọng nhất, thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghị quyết mới của Chính phủ hướng đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới.

Doanh nghiệp nông nghiệp được Chính phủ xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã cơ bản đầy đủ từ chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính, hạ tầng, bảo hiểm, liên kết, tín dụng… Hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó số doanh nghiệp nông lâm, thủy sản chiếm trên dưới 1%.

Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều chỉ đạo chuyển biến lại cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, tháo gỡ thị trường để tăng xuất khẩu nông nghiệp. Nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng EU của Việt Nam đã được Châu Âu ghi nhận là quyết liệt và đồng bộ. Dịch tả lợn Châu Phi cũng được giải quyết rất rốt ráo và toàn diện.

Thứ năm, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trên nhiều lĩnh vực khác để ổn định an sinh xã hội, để ổn định đất nước; Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định thuộc về quản lý, quản trị của các cơ quan chính phủ để khắc phục các “căn bệnh” kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững và kỷ cương trật tư cho toàn xã hội, như giải quyết vấn đề rác thải nhựa, xả khí thải, chất độc gây ô nhiễm môi trường, gian lận lừa đảo, hàng giả thuốc giả, bệnh dịch, cháy nổ, chống tội phạm ma túy, hàng lậu, dán mác giả…; đưa ra các thiết chế chống quan liêu, cửa quyền và tham nhũng trong các cơ quan công quyền.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên chính phủ đã ra nhiều biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để thực hiện mục tiêu kéo giảm từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Thủ tướng cũng ra Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 về tăng cường bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Theo đó đã chỉ đạo ráo riết các cơ quan chức năng của chính phủ mở mang mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không; đôn đốc và xử lý nghiêm các nhà đầu tư vi phạm các dự án làm chậm tiến độ thi công đường xá, cầu cảng, trạm thu phí, đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể.

Thứ sáu, Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều quyết định và ra được các chính sách để hội nhập, hợp tác với các nước; ký được nhiều hiệp định về thương mại đầu tư; đã mở rộng được thị trường xuất khẩu của nước ta ra nhiều nước, nhờ đó mà xuất khẩu hàng hóa của nước ta đạt tỷ lệ cao trong những năm qua và năm 2019.

Thứ bảy, Chính phủ đã có nhiều biện pháp phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán, sụt lở đất; ra nhiều chính sách, chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ đảm bảo cuộc sống cho người dân gặp nạn, hỗ trợ tài chính, công cụ giúp các doanh nghiệp và nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, bù lại những thiệt hại do thiên tai gây ra, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Thứ tám, chính phủ đã nắm bắt và chỉ đạo tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang đưa đến những sự thay đổi sâu sắc cả về cơ cấu sản xuất, lao động, tiêu dùng, lưu thông hàng hóa và lối sống, phong cách quản trị kinh doanh, quản lý nhà nước, giao dịch quốc tế, an ninh, quốc phòng… Điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển của nước ta.

Chúng ta hoan nghênh sự đổi mới trong điều hành của Chính phủ. Năm 2020 vẫn đầy thử thách, nhưng chúng ta tin tưởng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, đảm bảo sự phát triển của nước nhà, thực hiện được các mục tiêu Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra./.

P.V

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC