Năm 2024, thế giới tiếp tục đối mặt với rất nhiều biến chuyển phức tạp, đặc trưng bởi xung đột địa chính trị nghiêm trọng, và nhiều vấn đề toàn cầu khác. Cuối năm là thời điểm nhìn lại những sự kiện có ảnh hưởng lớn đến trật tự toàn cầu năm 2024, nhằm tiên liệu những diễn tiến sẽ còn phức tạp trong năm 2025.
Thứ nhất, tình hình thế giới năm 2024 chứng kiến những cuộc xung đột vũ trang tiếp diễn ở châu Âu và Trung Đông, với cường độ và mức độ căng thẳng lớn hơn nhiều. Cho tới cuối năm 2024, cả hai cuộc chiến này đều cho thấy chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí leo thang mạnh hơn, đẩy thế giới nhiều thời điểm tới bên bờ vực chiến tranh toàn diện.
Cuộc chiến tranh Ukraine trước hết phải thấy không phải xung đột bạo lực giữa quốc gia này và quốc gia khác, không chỉ là vấn đề lãnh thổ mà còn là đối đầu giữa các cường quốc và nhóm nước. Trước hết, đây là là sự đối đầu giữa Nga và NATO do Mỹ lãnh đạo. Chính vì thế, đây là cuộc chiến không có điểm dừng, cả hai bên đều muốn kéo dài cuộc chiến để làm suy yếu bên còn lại. Dù chiến dịch phản công năm 2023 đã thất bại, phương Tây vẫn viện trợ vũ khí liên tục để Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa bằng UAV phá hoại các cơ sở năng lượng và quân sự của Nga. Đặc biệt, NATO hậu thuẫn để Ukraine tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào khu vực Kursk của Nga. Không nhượng bộ, Nga mở rộng diện tích chiếm đóng ở các vùng phía Đông và phía Nam Ukraine, duy trì vị trí áp đảo trên chiến trường này. Nga cũng đáp trả bằng các đợt tấn công bằng bom lượn, vũ khí nhiệt áp, không kích và bắn tên lửa vào cơ sở hạ tầng quân sự, hạ tầng và hậu cần của Ukraine. Nga đang duy trì chiến lược tiêu hao chủ động nhằm làm suy yếu ý chí kháng cự của Ukraine.
Cuộc xung đột dự báo sẽ tiếp tục ác liệt hơn, đặc biệt nếu có sự tham gia của quân đội nước ngoài và NATO cho phép sử dụng vũ khí tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga. Khả năng kết thúc chiến tranh tuỳ thuộc vào các nước lớn nhưng Mỹ chưa muốn kết thúc. Mỹ cần cuộc chiến này để làm suy yếu Nga và nắm lại quyền kiểm soát châu Âu. Ngược lại, Tổng thống Nga Putin cũng không chấp nhận giải quyết đơn phương với Ukraine mà buộc NATO và Mỹ phải chấp nhận những điều kiện của Nga. Sự nguy hiểm của cuộc chiến này nếu không được giảm thiểu có thể đẩy thế giới vào bờ vực huỷ diệt.
Cuộc chiến Trung Đông cũng vậy, đây không chỉ là chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine mà ngược lại, là xung đột toàn diện giữa nhà nước Do Thái và các phong trào Hồi giáo được hậu thuẫn bởi Iran. Cuộc chiến này còn kéo dài dai dẳng bởi vừa mang tính chất lãnh thổ, vừa có tính sắc tộc, tôn giáo. Không thể không tính tới yếu tố địa chính trị cũng đang lôi kéo nhiều cường quốc đứng sau giật dây bằng cách viện trợ vũ khí.
Với tính chất như vậy, cuộc xung đột ở Trung Đông leo thang nghiêm trọng chưa từng thấy trong năm 2024. Ngòi nổ là cuộc khủng bố đẫm máu và bắt cóc con tin lớn nhất trong lịch sử của Hamas nhắm vào dân thường Israel. Israel sau đó đã tiến hành tấn công trên bộ và không kích tàn bạo nhắm vào Gaza để đáp trả. Từ đó, chiến tranh nay đã mở rộng ra toàn khu vực. Israel hiện đang chiến đấu với liên minh “Trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo, bao gồm các nhóm như Hezbollah, Hamas và Houthis. Trong năm 2024, Israel đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm tiêu diệt các thủ lĩnh cấp cao của các nhóm Hồi giáo này, giết chết hai lãnh đạo cao nhất của Hamas là Yahya Sinwar và Ismail Haniyeh. Ở Lebanon, Israel cũng đã tiêu diệt nhiều chỉ huy của Hezbollah, trong số đó có hầu hết các thủ lĩnh như Hussein Awada và Fuad Shukr. Iran và Israel thực hiện những đợt không kích và tấn công tên lửa dồn dập vào lãnh thổ của nhau trong năm 2024. Đây đều là những cuộc tấn công lớn nhất trong chuỗi xung đột trực tiếp giữa hai nước.
Với việc Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel, sự leo thang này đã làm tăng mối lo ngại về an ninh khu vực, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu khi Trung Đông là rốn dầu của thế giới. Không loại trừ, khu vực này trở thành chiến trường cho cuộc chiến toàn diện giữa một bên là các quốc gia Hồi giáo và bên kia là Israel do Mỹ hậu thuẫn.
Hai cuộc chiến tranh ở Trung Đông và châu Âu dẫn đến hệ quả chạy đua vũ trang mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Mỹ và NATO liên tục tuyên bố đã cạn kiệt kho vũ khí do viện trợ ồ ạt cho Ukraine, kêu gọi ngành quốc phòng đầu tư sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh. Ngược lại, Nga cũng tìm mọi nguồn lực tập trung cho quốc phòng, liên minh với Iran và Bắc Triều Tiên để sản xuất vũ khí mới. Các nước trên thế giới đều gia tăng mua sắm vũ khí. Ngay cả một quốc gia nhỏ như Ukrane cũng tuyên bố về khả năng tái sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhìn chung, tình hình thế giới năm 2024 vô cùng phức tạp nhiều điểm nóng chiến đã vượt quá làn ranh đỏ, đòi hỏi sự phối hợp quốc tế để tránh xung đột leo thang hơn nữa, tái ổn định an ninh toàn cầu.
Thứ hai, chiến tranh đã tác động tiêu cực, kéo kinh tế toàn cầu suy giảm từ 2022 tới nay. Năm 2024, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn từ lạm phát tới suy giảm tăng trưởng. Dự kiến GDP sẽ giảm còn 2,4% trong năm. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine ở châu Âu và cuộc chiến Israel với các phong trào Hồi giáo ở Trung Đông đã gây đứt gẫy đường vận tải biển, hàng không, nguồn cung ứng bị gián đoạn gây thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Các lệnh trừng phạt của Mỹ không chỉ có ảnh hưởng Nga mà tác động ngược vào kinh tế toàn cầu, đặc biệt châu Âu hứng chịu hậu quả lớn, kinh tế nhiều nước châu Âu xuống thảm hại.
Nền kinh tế Đức đối mặt với nhiều thách thức nhất. Sau khi trải qua suy thoái vào năm 2023, kinh tế Đức chỉ dự kiến tăng trưởng nhẹ 0,1% trong năm 2024, khiến Đức trở thành nền kinh tế G7 có mức tăng trưởng thấp nhất. Khả năng cạnh tranh của Đức giảm khi nguồn năng lượng rẻ từ Nga không còn, khiến mô hình sản xuất công nghiệp của nước này gặp khó khăn. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng ngày càng trầm trọng do dân số già, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn. Triển vọng kinh tế năm 2024 của Đức và nhiều nước châu Âu vẫn rất khó.
Năm 2024, nền kinh tế Mỹ cũng đối diện với nhiều thách thức lớn. GDP dự kiến sẽ giảm tốc còn khoảng 0.7% trong năm 2024. Tăng trưởng tiêu dùng cũng dự báo sẽ chững lại do nhiều người tiêu dùng đã sử dụng hết khoản tiết kiệm từ giai đoạn đại dịch và gặp khó khăn trong việc trả nợ. Thị trường lao động Mỹ cũng đang điều chỉnh với tăng trưởng việc làm chậm lại, và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khoảng 4% vào cuối năm. Nợ công của nước Mỹ lên tới 35 ngàn tỉ đôla trong đó riêng năm 2024 là trên 2 ngàn tỉ.
Kinh tế Trung Quốc hiện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng do dịch Covid gây ra. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự suy thoái trong ngành bất động sản, lĩnh vực chiếm phần lớn giá trị tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc và là nguồn thu chính của các địa phương. Giá nhà tiếp tục giảm, làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và gây thêm áp lực lên chi tiêu nội địa.
Nhìn tổng thể toàn cầu, thị trường và thương mại giữa các nước lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều phải duy trì lãi suất cao nhằm kiểm soát lạm phát, gây thêm áp lực tài chính cho nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên toàn cầu. Mọi lĩnh vực kinh tế đều giảm duy chỉ có nền công nghiệp quốc phòng tăng mạnh. Những biến động chính trị như hiện nay có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Thứ ba, thế giới năm 2024 đang dịch chuyển từ một hệ thống đơn cực, do Mỹ lãnh đạo, sang một cấu trúc đa cực ngày càng rõ rệt với sự nổi lên của các quốc gia và liên minh mới, trong đó khối BRICS đóng vai trò ngày càng quan trọng. Trong năm 2024, Nga đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tập trung vào tăng cường chủ nghĩa đa phương nhằm đạt được sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức khi BRICS không chỉ gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi mà đã mở rộng thành 9 nước, với sự góp mặt của các thành viên mới gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Hiện có hơn 30 quốc gia đang mong muốn tham gia hoặc hợp tác với BRICS dưới các hình thức khác nhau. Điều này thể hiện sự hấp dẫn của BRICS và vai trò quan trọng của khối trong việc định hình trật tự thế giới và hệ thống kinh tế toàn cầu.
Sự kiện này nói lên xu hướng hình thành thế giới đa cực mới ngày càng rõ ràng. Hiện Nga và Trung Quốc đang nỗ lực khởi xướng trật tự này, thoát khỏi trật tự một cực do Mỹ lãnh đạo. Liên minh BRICS được xem là biểu tượng của phong trào này. BRICS đóng góp đáng kể vào nền kinh tế toàn cầu, chiếm gần 30% GDP toàn cầu và nắm giữ gần một nửa sản lượng năng lượng toàn cầu. Mục tiêu của BRICS theo tuyên bố của Tổng thống Putin không phải là đối đầu trực tiếp với phương Tây, mà là cung cấp một lựa chọn khác biệt, nơi các quốc gia có thể hợp tác dựa trên quyền lợi chung mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào các định chế tài chính phương Tây. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường công bằng hơn cho các quốc gia đang phát triển.
Một trong những mục tiêu của BRICS hiện nay là xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán nội khối và cho ra đời một đồng tiền chung trong tương lai có thể tạo ra thách thức đáng kể đối với sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Đề xuất này không chỉ nhằm thúc đẩy tự chủ tài chính cho các nước thành viên mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng đô la trong giao dịch quốc tế, giúp các nước BRICS tăng cường khả năng chống chịu trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Động thái này có thể ảnh hưởng đến vị thế của đồng đô la, giúp mở rộng tầm ảnh hưởng tài chính của khối BRICS và xây dựng một nền tảng đa cực trong hệ thống tài chính quốc tế.
BRICS dự kiến sẽ ngày càng lớn mạnh trong những năm tới. Sự phát triển của BRICS thể hiện sự phân cực trong trật tự thế giới và sẽ là nhân tố mà Mỹ và thế giới phương Tây không thể bỏ qua.
Thứ tư, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo AI được nhiều nước đặt thành trọng tâm trong tiến trình phát triển kinh tế quốc gia. Đây không chỉ là xu hướng ở các quốc gia công nghệ tiên tiến mà ở cả những nước mới phát triển. Năm 2024, thế giới thực sự đang ở trong thời đại của AI với những tiến bộ đáng kể và tiềm năng ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, tới đời sống từng người dân, không những tác động lớn tới các mảng kinh tế như thương mại, dịch vụ, thanh toán mà còn cải tạo nhận thức xã hội và phân hoá lực lượng lao động.
AI cũng đang tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới, chẳng hạn như các hệ thống tự động hóa và các trợ lý ảo. AI cũng đặt ra thách thức về công việc khi nhiều vị trí do con người nắm giữ có thể bị thay thế bởi tự động hóa. Liệu công nghệ và trí tuệ nhân tạo có thay thế kỹ năng của con người trong thời đại mới này hay không là câu hỏi. Vấn đề này đang tác động mạnh tới quốc gia có lực lượng lao động lớn, dễ dẫn bất ổn xã hội nếu không được kiểm soát tốt. Đồng thời, đây cũng là xu hướng không thể cưỡng lại, còn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2025, đòi hỏi các nước phải nỗ lực tận dụng và giải quyết. Thời đại AI đang thực sự mang đến những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro và thách thức.
Thứ năm, năm 2024, biến đổi khí hậu đã khiến nhiều khu vực trên thế giới chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là năm được ghi nhận nóng nhất trong lịch sử thế giới. Khắp toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt nắng nóng kỷ lục. Đặc biệt nguy hiểm, 2024 cũng là năm có nhiều cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp, xảy ra ở khắp các châu lục từ châu Mỹ, châu Âu tới Nam Á và Đông Nam Á.
Bão Yagi xuất hiện vào đầu tháng 9 năm 2024, là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Quốc trong hàng chục năm qua, gây mưa lớn, lũ quét và sạt lở trên diện rộng, thương vong nhân mạng và tổn hại vật chất rất lớn. Tại Mỹ, siêu bão Milton, một trong những cơn bão mạnh nhất trong 100 năm qua, đã gây ra thiệt hại lớn khi quét qua Florida, làm hư hỏng nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Hàng triệu người dân phải di tản và nhiều khu vực bị cắt điện diện rộng. Sự nhân cấp mạnh mẽ của các cơn bão này được các chuyên gia cho là có liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc các siêu bão tương tự có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã đề ra lộ trình cắt giảm khí nhà kính để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu nhưng mới chỉ dừng ở cam kết. Nhiều nước trong đó có Mỹ rút khỏi hiệp định chung, không thực hiện cam kết. Ngoài ra, phải kể đến những vấn đề tự nhiên của quả đất nằm ngoài ý thức con người. Đó là sự vận hành của vũ trũ. Vì vậy, năm 2025, khả năng những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu như vậy sẽ tiếp tục, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Thứ sáu, từ cuối năm 2023 tới hết năm 2024, tình hình địa chính trị ở châu Phi có những biến động mạnh, sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn ngày càng rõ hơn. Nhiều cuộc nổi dậy nhằm thoát khỏi ảnh hưởng phương Tây đã diễn ra. Châu Phi đã chứng kiến loạt cuộc rút quân của quân đội phương Tây, chẳng hạn như ở Mali, Burkina Faso, Chad và gần đây là Niger vào năm 2024. Quan hệ giữa Pháp với nhiều quốc gia châu Phi vốn là thuộc địa cũ không những không được cải thiện mà còn xấu đi nhanh chóng trong năm 2024. Hầu hết các nước thuộc địa của Anh cũ cũng nổi lên đòi Anh bồi thường, đền bù những tài nguyên mà nước này đã vơ vét trước đây. Ý thức độc lập của các nước thuộc địa cũ đang trở thành vấn đề mới của thời đại, sự thức tỉnh này sẽ tiếp tục lan rộng trong những năm tới.
Nhiều nước châu Phi đang có xu hướng hướng vào Nga và Trung Quốc. Sự hiện diện của Trung Quốc và Nga ở châu Phi ngày càng rõ nét. Trung Quốc bước chân vào châu Phi thông qua các sáng kiến hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Trung Quốc dường như đã xem xét về khả năng thiết lập các căn cứ quân sự ở Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Guinea Xích đạo. Sự hiện diện của Nga lại thường được biết tới thông qua việc viện trợ lương thực và qua tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, vốn đã đứng chân ở Mali, Burkina Faso, Niger, Libya, Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Không còn nghi ngờ gì nữa, châu Phi lại sẽ trở thành nơi đối đầu địa chính trị giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc, Nga.
Thứ bảy, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chắc chắn là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng bậc nhất bởi Mỹ là cường quốc hàng đầu có sức ảnh hưởng chi phối toàn cầu. Thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ có tác động toàn cầu từ kinh tế tới an ninh quốc phòng. Tổng thống Mỹ đi theo xu hướng nào thì các chính sách của chính quyền mới sẽ đi theo xu hướng đó. Dù vậy, cho dù bất kỳ Tổng thống nào nắm quyền, nước Mỹ vẫn có xu hướng chung coi Nga và Trung Quốc là hai đối tượng đe doạ an ninh và quyền bá chủ Mỹ. Mỹ sẽ phải tìm cách gây căng thẳng với Nga và Trung Quốc để xác lập vị thế của mình, tức là đẩy thế giới vào trật tự không ổn định. Cuộc bầu cử năm 2024 đã kết thúc với chiến thắng thuộc về cựu Tổng thống Donald Trump, trước sự phân hóa sâu sắc trong nền chính trị nước Mỹ do cuộc tranh cử giữa đương kim Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris của đảng Dân chủ với cựu Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa. Với kết quả này, nước Mỹ khả năng sẽ quay lại chính sách thực dụng trong nhiệm kỳ 2016-2020 của ông Trump là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, xem nhẹ liên kết với các đồng minh, phản đối toàn cầu hóa và tiếp tục cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Cách tiếp cận này vì thế sẽ tác động đến diễn biến các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông cũng như thay đổi tương quan mối quan hệ của Mỹ với các cường quốc, các nước đồng minh và các tổ chức quốc tế khác.
Tổng kết lại, có thể khẳng định năm 2024 đã chứng khiến những thách thức vô cùng phức tạp trên nhiều mặt, từ biến đổi khí hậu đến căng thẳng địa chính trị. Thế giới đầy bất ổn với một mùa hè nóng nhất trong lịch sử và những cơn bão mạnh chưa từng thấy trong hàng chục năm qua quét qua các châu lục. Tình hình xung đột tại các điểm nóng như Ukraine, Trung Đông gây tổn thất hàng trăm ngàn sinh mạng, tạo ra khủng hoảng nhân đạo sâu sắc với đời sống hàng triệu người, thậm chí đẩy thế giới tới bờ của cuộc chiến huỷ diệt hàng loạt. Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với khó khăn do lạm phát và giảm tốc tăng trưởng, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nhiều người trên thế giới. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khối BRICS, nổi lên như một lực lượng quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và thúc đẩy hệ thống tài chính đa cực. Sự thức tỉnh của châu Phi cũng đóng góp vào xu hướng đa cực đang mở ra này. Những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo AI tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực đồng thời cũng gây các mối lo ngại về tác động của nó đối với việc làm, quyền riêng tư, và đạo đức của con người.
Nhìn chung, năm 2024 đã chứng kiến những thay đổi lớn mang tính toàn cầu, tạo ra cả cơ hội và thách thức mới, để ngỏ khả năng năm 2025 còn phức tạp hơn. Hợp tác quốc tế chặt chẽ và tầm nhìn tỉnh táo của các nhà lãnh đạo sẽ là chìa khóa để đối phó với những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.■