Theo dự báo tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Cùng với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế toàn cầu là hai thực tế buộc chúng ta phải suy nghĩ.

  Trước hết, đó là hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo trên toàn cầu ngày càng rộng hơn. Năm 2020 trong đại dịch, các tỉ phú đã kiếm thêm được hơn 3.000 tỉ đô la, nhờ giá bất động sản và cổ phiếu gia tăng. Hơn 10% dân số giàu nhất thế giới sở hữu hơn ba phần tư tài sản của nhân loại, trong lúc 50% dân cư thế giới, gồm những người nghèo nhất, chỉ sở hữu 2%.

  Thực tế thứ hai là sự “lội ngược dòng” trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu dẫn đến sự “phân hóa” khá lớn giữa hai nhóm nước. Đó là nhóm những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phục hồi kinh tế nhanh như Mỹ dự kiến là 6,0%, khu vực đồng Euro là 5%, các nền kinh tế mới nổi là 6,4%. Các nước châu Á lớn như Ấn Độ dự báo sẽ tăng hơn 9%, Trung Quốc là 8%, Nhật sẽ tăng 2,4%.

  Bên cạnh đó, rất đáng tiếc, là nhóm các nước Đông Nam Á, những nước trong nhiều năm luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao thì dự báo sẽ có mức tăng trưởng rất thấp cho năm 2021 và phục hồi kinh tế chậm. Nhóm 5 nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề, dự báo tăng trưởng chỉ còn khoảng 2,9%. Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng gần 3% (đạt 2,58%).

  Vậy các quốc gia ở nhóm thứ nhất đã làm gì để có thể sớm khôi phục kinh tế và giữ được tăng trưởng? Chúng tôi xin chia sẻ lại một số kinh nghiệm để bạn đọc rộng đường tham khảo.

1. Điểm chung đầu tiên, dễ nhận thấy nhất của những quốc gia thành công đó là cách tiếp cận linh hoạt trong dịch bệnh (trừ Trung Quốc cho đến nay vẫn áp dụng chính sách Zero Covid). Cho dù mở rất mạnh, rất sớm để phục hồi và tạo miễn dịch cộng đồng (như Brazil và Thụy Điển), hoặc mở cửa vẫn phải có điều kiện (Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…), nhưng họ có điểm chung là không bế quan tỏa cảng, không đóng cửa hoàn toàn mà áp dụng chính sách vừa kiểm soát dịch, vừa khôi phục dần dần kinh tế.

  Các quốc gia này đã tập trung vào hai mục tiêu là nâng cao năng lực và khả năng chữa trị của ngành y tế, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để kiềm chế dịch bệnh. Bên cạnh đó tìm mọi biện pháp để bảo đảm cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân ổn định; Không tiến hành phong tỏa trên diện rộng.  

Đa số các quốc gia đều ưu tiên kích cầu và phục hồi ngành du lịch bởi đây là ngành dịch vụ đem lại nguồn thu lớn và liên kết chặt chẽ với các ngành khác như hàng không, giao thông, nhà hàng, khách sạn… (Ảnh minh họa)

2. Hầu hết các nước trên là những nước có tiềm lực, họ đã chủ động được nguồn cung cấp vaccine và đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao trong thời gian ngắn và sớm so với các quốc gia khác do có nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của vaccine, coi đây là biện pháp đầu tiên, quan trọng nhất.

Ngay từ khi khởi phát dịch (2019), các quốc gia này đã tập trung mọi tiềm lực cho việc nghiên cứu, sản xuất và kể cả đăng ký đặt mua vaccine với số lượng đôi khi vượt quá nhu cầu. Việc tiêm chủng được tiến hành rất sớm và trên diện rộng. Từ đầu tháng 12/2020, ngay sau khi vaccine được phê chuẩn đến 23/9/21, Mỹ đã đạt tỷ lệ 65% tiêm một mũi và 56% tiêm hai mũi; cho đến gần cuối năm 2021, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất 89%; Bồ Đào Nha 80%; Tây Ban Nha 79%, Iceland 77%…

  Chính hai yếu tố cơ bản: Chủ động được nguồn cung vaccine và sớm đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao đã giúp các quốc gia dễ dàng khởi động và mạnh dạn áp dụng các biện pháp khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.

3. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, tất cả các quốc gia trên, cho dù tiềm lực kinh tế không đồng đều, song đều áp dụng một chính sách tương đối giống nhau, đó là sự can thiệp mạnh của nhà nước. Họ sử dụng các gói hỗ trợ kinh tế được coi là những gói giải cứu, các gói kích thích kinh tế hoặc các gói hỗ trợ người dân, gói phục hồi kinh tế, gói cứu trợ, gói phòng chống Covid-19 nhằm phục vụ mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn.

Mục tiêu của các gói giải cứu ngắn hạn, thông qua hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp là để giải quyết những vấn đề cấp bách như kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao năng lực của ngành y tế, giảm thiểu tác hại của Covid-19, duy trì và đảm bảo cuộc sống của người dân, giúp các doanh nghiệp tránh phá sản, bảo đảm vận hành của hệ thống y tế và giáo dục.

  Về trung hạn, thông qua khoản vay ưu đãi, khấu trừ thuế, thuê nhà, các thanh khoản khác. Về dài hạn, thông qua việc nâng cao năng lực và tác động vào thị trường đều nhằm mục tiêu khắc phục hậu quả, khởi động lại các hoạt động kinh tế và xây dựng lại một cấu trúc kinh tế có khả năng đối phó và trụ vững trước các thiên tai, thảm họa.

  Những quyết sách trên đã giúp cho từng bang, từng địa phương ở mỗi quốc gia bớt gánh nặng về chi tiêu, tăng thêm ngân sách và sớm phục hồi sản xuất, giữ chân được người lao động.

4. Cho dù hệ thống xã hội khác nhau, các quốc gia trên đều sử dụng ngân sách của quốc gia cho các gói cứu trợ ngay khi những dấu hiệu đầu tiên của sự suy giảm kinh tế xuất hiện. Họ đều sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua các hình thức như miễn thuế, các loại phí, giảm lãi suất vay, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm các loại nợ xấu… qua đó giúp các doanh nghiệp tồn tại, tái cấu trúc lại cơ cấu hoạt động. Nhìn chung, nguồn chi của các gói cứu trợ này đến từ nợ công, quy mô lớn, nước Nhật đã sử dụng số tiền tương đương với 59% của GDP cho các gói cứu trợ; Đức 26%; Mỹ 23%; Anh 21,2%; Úc 17,9%, Hàn Quốc 15,5%,Trung Quốc là 15%, Việt Nam là 2%. Có thể nói đây là biện pháp mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản áp dụng cách “cung cấp tiền” qua hệ thống ngân hàng, ài chính để gia tăng thanh khoản thông qua cơ chế thị trường mở. Nới lỏng những quy định về điều kiện tài chính cho vay. Mở rộng quy mô và thời hạn trái phiếu Chính phủ. Chính phủ Thái Lan cũng dành khoảng 12,7 tỷ USD cho các dự án phục hồi kinh tế và xã hội.

  Nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm rằng quyết định sử dụng các nguồn chi từ ngân sách sớm, quy mô đủ lớn, ngay khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm đã giúp kiềm chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống, ổn định xã hội. Năng lực kinh tế được bảo vệ. Khi dịch có đấu hiệu suy giảm, do doanh nghiệp được bảo vệ nên sẽ sớm ổn định, phục hồi sản xuất và kích thích tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân sách lại có nguồn thu, bù lại những gì đã chi ra. Đây được coi là điểm cộng chứ không phải điểm trừ.

  Theo đó, việc quyết định dùng ngân sách, trong đó có nợ công để góp phần chặn dịch và phục hồi kinh tế sớm là một biện pháp đem lại lợi ích và rất cần tính đến.

5. Một đặc điểm nữa dễ nhận thấy là các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt và hiệu quả ví dụ: (1) Hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân. Chính phủ Mỹ đã quyết định chi 21 tỉ hỗ trợ thuê nhà; 5 tỉ cho người vô gia cư. Chi 300 đô la/tuần trong 18 tháng cho người mất việc; Đức chi 337 đô la trợ cấp cho một trẻ em. Nhật chi 930 đô la, sau đó Chính phủ tiếp tục mở rộng các khoản trợ cấp thất nghiệp. (2) Hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề thông qua việc cho vay vốn, miễn, giảm thuế, bảo hiểm xã hội, giảm phí thuê mặt bằng. Tất cả đã giúp doanh nghiệp sớm vực dậy sau đại dịch. (3) Mặt khác, nhân dịp này, Chính phủ cũng tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, thanh lý các doanh nghiệp yếu, không hiệu quả… (4) Chính sách của đa số các quốc gia thành công là tập trung hỗ trợ các ngành và lĩnh vực đặc thù, mang lại nhiều thu nhập và bị ảnh hưởng nặng.

  Đa số các nước đều ưu tiên kích cầu và phục hồi ngành du lịch bởi lẽ đây là ngành dịch vụ đem lại nguồn thu lớn và liên kết chặt chẽ với các ngành dịch vụ khác như hàng không, giao thông, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cơ sở làm đẹp, buôn bán, vui chơi giải trí. Các chính phủ đều dành ra ngân sách đáng kể trợ cấp cho du lịch thông qua các dự án có liên quan đến ngành công nghiệp du lịch, nâng cao chất lượng và phục hồi các điểm đến du lịch, tăng cường an ninh và y tế.

  Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch “Go To Travel” (1,7 nghìn tỷ Yên tức là khoảng 15,5 tỷ USD) ngay từ tháng 7/2020. Trong khoản hỗ trợ cho vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trị giá 15,9 tỷ USD, các Ngân hàng Thái Lan đã dành 317,5 triệu USD cho du lịch. Mỹ và Trung Quốc cũng sử áp dụng nhiều biện pháp tài chính như tăng ngân sách quảng cáo, giảm thuế, đáo nợ. Bên cạnh đó chính phủ cũng yêu cầu các Bộ có liên quan như Y tế, Tài chính, Giao thông phải có chính sách phù hợp phối hợp giúp phục hồi sớm ngành du lịch.

6. Quan sát các chính sách và các biện pháp đã áp dụng của các quốc gia thành công, chúng ta thấy nổi lên mấy điều sau:

  Các chính sách đưa ra đều bám sát với diễn biến của từng giai đoan, diễn tiến của dịch bệnh để có thể đưa ra những gói cứu trợ phù hợp. Thông thường các quyết sách này đều được đưa ra sớm (phần lớn từ đầu và giữa năm 2020, Mỹ đã ba lần tung ra các gói cứu trợ), sau đó điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu; quy mô và tầm vóc của các gói trợ giúp đều lớn.

  Đặc biệt, Chính phủ sử dụng nguồn nợ công để hỗ trợ tài chính người dân, doanh nghiệp và thiết kế chính sách theo hướng “dễ dàng thực thi”, giải ngân nhanh. Thông tin minh bạch, công khai, người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận. Hình thức linh hoạt, phù hợp, trực tiếp hoặc gián tiếp. Đối tượng được tiếp cận rộng, nhưng tập trung chủ yếu là những doanh nghiệp và nhóm người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, những người lao động thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội, các ngành bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó chính phủ khuyến khích phổ biến, ứng dụng công nghệ.

Về tình hình Việt Nam, tại một cuộc Hội thảo gần đây, Ban Kinh tế Trung ương đã cho biết: Nếu năm 2020 – 2021 không có đại dịch, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng đến 7%. Tuy nhiên năm 2021, chỉ tăng 2,58%. Giá trị thiệt hại năm 2020 khoảng 160.000 tỷ đồng, năm 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng. Tổng 2 năm cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng, nếu tính giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Như vậy, có 9 trên 10 doanh nghiệp buộc phải cho người lao động thôi việc. Trong khảo sát năm 2021 có khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch Covid-19 “phần lớn là tiêu cực”, trong đó 34% doanh nghiệp cho rằng “hoàn toàn tiêu cực”, cao hơn nhiều so với mức 15% của khảo sát năm 2020.

Điều đó cho thấy, quá trình phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 và việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 sẽ gặp những trở ngại lớn nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách.

7. Chúng ta bước vào năm 2022 với những tín hiệu vui. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp để kích thích nền kinh tế. Trong đó gói kích cầu 350.000 tỷ đồng đã tạo ra động lực thúc đẩy thị trường phát triển, kích cầu đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên cả nước. Đây là những giải pháp vừa mang tầm nhìn dài hạn, vừa có tác động trong ngắn hạn kích thích nền kinh tế phát triển sau đại dịch. Tập trung ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất, giải quyết vấn đề lao động ngay đầu năm 2022, chăm sóc cho người lao động. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam còn nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy việc cải cách thể chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, huy động tối đa nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đầu tư. Đây thực sự là động lực thúc đẩy, phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

  Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, từ quyết sách để đi vào thực hiện cũng còn nhiều thách thức. Đó chính là những “rủi ro” có thể đến bất cứ lúc nào của tình hình địa chính trị thế giới. Đó là xung đột vũ trang, là sự ngưng đọng của kinh tế thế giới, là lạm phát, phá sản, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống. Bên cạnh đó không loại trừ những rủi ro có thể phát sinh ngay trong quá trình thực hiện chính sách phục hồi kinh tế, khi cơ chế “chưa thay đổi kịp” để thích ứng, dẫn đến tình trạng nợ xấu, lạm phát, thất nghiệp tăng cao, khó kiểm soát.

  Với bất cứ quốc gia nào, giai đoạn phục hồi hậu khủng hoảng luôn có tính “nhạy cảm” rất cao. Do đó rất cần quan tâm, theo dõi sát sao, điều chỉnh, để kịp thời xử lý và thích ứng; qua đó tận dụng cao nhất các cơ hội và vận hội, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.■

Nguyên Mi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC