Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (gọi tắt là “Nhân đại”, tức Quốc hội) và Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc (gọi tắt là “Chính hiệp”, tức Mặt trận) đã tiến hành kỳ họp thứ hai, khóa 14, từ 4/3 – 11/3/2024, tại Bắc Kinh, được gọi là Kỳ họp Lưỡng Hội năm 2024, sự kiện chính trị quan trong nhất của Trung Quốc năm 2024.
“Lưỡng Hội” 2024 diễn ra trong bối cảnh “môi trường quốc tế phức tạp khác thường, nhiệm vụ ổn định phát triển cải cách của Trung Quốc khó khăn, nặng nề” (nhận định của Hội nghị Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 29/2/2024). Bên ngoài, cạnh tranh đối đầu địa chính trị gay gắt, xung đột quân sự leo thang, kinh tế khôi phục chậm, nguy cơ suy thoái vẫn treo lơ lửng. Trong nước, nhìn chung Trung Quốc đã đứng vững trước những áp lực quốc tế, cơ bản hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2023, các điều kiện có lợi lớn hơn các nhân tố bất lợi nhưng Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt đáng chú ý là Hội nghị Trung ương 3, khóa XX vẫn chưa họp được như thông lệ (thường là vào tháng 1 – tháng 2 của năm sau đại hội, theo đó, HNTW 3, khóa XX đáng lẽ phải được họp vào tháng 1 – tháng 2/2023, nay đã quá 1 năm vẫn chưa họp được), do còn vướng mắc trong nhiều vấn đề nội bộ, trong đó có sự biến động nhân sự cấp cao đến nay vẫn chưa rõ lý do (Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, Tư lệnh lực lượng tên lửa Lý Ngọc Siêu… bị mất chức), tạo ra nhiều nghi vấn về chính trị nội bộ Trung Quốc.
Do phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bên trong và bên ngoài, lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt chú ý theo sát chỉ đạo kỳ họp lần này. Trong tháng 12/2023, nhiều Hội nghị quan trọng như Hội nghị Bộ Chính trị, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, Hội nghị Công tác Đối ngoại Trung ương… đã tổng kết tình hình năm 2023 và định rõ phương hướng phát triển kinh tế xã hội, đối ngoại năm 2024. Đặc biệt là trong Hội nghị ngày 29/2, một tuần trước khi khai mạc “Lưỡng hội”, Bộ Chính trị đã họp nghe và cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp Lưỡng Hội này (đây là văn bản chủ yếu của kỳ họp).
Báo cáo công tác của Chính phủ (Báo cáo đầu tiên của Lý Cường trên cương vị Thủ tướng trước Quốc hội) đã đưa ra yêu cầu tổng thể và xu hướng chính sách phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc năm 2024 bao gồm: (i) Phải đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương do Tập Cận Bình làm hạt nhân và dưới sự chỉ đạo của “Tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình”; (ii) Kiên trì tổng phương châm công tác “ổn trung cầu tiến, dĩ tiến thúc ổn, tiên lập hậu phá”(tiến lên trong ổn định, lấy “tiến lên” thúc đẩy “ổn định”, bảo đảm cho “cái mới” trước khi “phá cái cũ”); (iii) Tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao, đi sâu toàn diện cải cách mở cửa, thúc đẩy tự lập tự cường khoa học kỹ thuật trình độ cao, gia tăng cường độ điều tiết vĩ mô; (iv) Thực hiện đồng bộ giữa hiện đại hóa thành thị kiểu mới và chấn hưng nông thôn, đồng bộ giữa phát triển chất lượng cao với an ninh trình độ cao, thiết thực nâng cao sức sống của nền kinh tế, đề phòng hóa giải các nguy cơ; (v) Củng cố và tăng cường xu thế tốt lên của khôi phục kinh tế, tiếp tục thúc đẩy thực hiện nâng cấp hiệu quả về chất và tăng trưởng hợp lý về lượng của nền kinh tế, tăng cường phúc lợi dân sinh, giữ vững ổn định xã hội, toàn diện thúc đẩy xây dựng cường quốc hiện đại và sự nghiệp phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Báo cáo đồng thời đã nêu ra 10 nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc năm 2024, tập trung vào thúc đẩy xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại hóa, đẩy nhanh phát triển “sức sản xuất chất lượng mới”; đi sâu thực hiện chiến lược “Khoa Giáo hưng quốc” (Phát triển quốc gia bằng chiến lược Khoa học – Giáo dục); tập trung mở rộng nội nhu, thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng ổn định; kiên định đi sâu cải cách, tăng cường động lực nội sinh của các chủ thể kinh tế thuộc mọi thành phần sở hữu, đẩy nhanh xây dựng đại thị trường thống nhất toàn quốc; mở rộng mở cửa đối ngoại trình độ cao, thúc đẩy mậu dịch đối ngoại “chất tăng lượng ổn”; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy cùng xây dựng BRI chất lượng cao; đồng bộ tốt hơn giữa phát triển và an ninh, đề phòng và hóa giải hữu hiệu nguy cơ trên các lĩnh vực trọng điểm; thiết thực thúc đẩy toàn diện chấn hưng nông thôn, bảo đảm ổn định sản lượng và cung ứng lương thực; đẩy nhanh xây dựng “thành thị hóa kiểu mới”, phát triển hài hòa thành thị – nông thôn và giữa các khu vực; tăng cường xây dựng văn minh sinh thái, đẩy nhanh xây dựng hệ thống năng lượng mới; thiết thực bảo đảm và cải thiện dân sinh, tăng cường quản trị xã hội một cách sáng tạo.
Báo cáo cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể chủ yếu cho phát triển năm 2024:
Tăng trưởng GDP đạt khoảng 5% (mục tiêu này tương đương năm 2023 nhưng thực tế là cao hơn nhiều vì 5% của năm 2023 trên cơ sở tăng trưởng thấp 3% của năm 2022, còn 5% của 2024 là trên cơ sở tăng trưởng cao 5,2% của năm 2023); tạo 12 triệu việc làm trở lên; tỉ lệ thất nghiệp theo điều tra ở thành thị khoảng 5,5%; giá tiêu dùng tăng khoảng 3%; sản lượng lương thực đạt 650 triệu tấn trở lên; tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm khoảng 2,5%; tỉ lệ thâm hụt 3%, quy mô thâm hụt đạt 4.060 tỉ tệ; quy mô đầu tư công đạt 28,5 nghìn tỉ tệ; trái phiếu chuyên dùng cho chính phủ địa phương đạt 3.900 tỉ tệ; phát hành quốc trái đặc biệt siêu dài hạn 1.000 tỉ tệ/năm, bắt đầu từ 2024 và liên tục trong nhiều năm…
Bài viết này chủ yếu nhìn nhận Trung Quốc từ góc độ kinh tế qua kỳ họp Lưỡng hội 2024.
Lưỡng hội 2024 rõ ràng tập trung cao vào vấn đề kinh tế, xoay quanh 5 chủ đề: (i) Xác định mục tiêu phát triển kinh tế năm 2024 (ii) Làm thế nào thúc đẩy cải cách trên các lĩnh vực trọng điểm (iii) Làm thế nào nâng cao sức sản xuất chất lượng mới (iv) Làm thế nào bảo đảm và cải thiện dân sinh (v) Làm thế nào thúc đẩy mở cửa đối ngoại trình độ cao?
Giải quyết 5 chủ đề trên trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn:
(i) Nguy cơ thu hẹp lưu lượng đồng tiền, tốc độ tăng trưởng PPI (chỉ số giá cả xuất xưởng của nhà sản xuất) và tăng trưởng GDP giảm liên tục 13 tháng (nguy cơ này còn lớn hơn nguy cơ lạm phát); thu hẹp đồng tiền có khả năng càng tăng thêm nợ của doanh nghiệp, nợ doanh nghiệp quá lớn quay trở lại làm cho thu hẹp lưu lượng đồng tiền càng nghiêm trọng, từ đó lâm váo vòng tuần hoàn ác tính (nợ-thu hẹp đồng tiền-lại nợ). Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc coi đây là nguy cơ phải hết sức cảnh giác
(ii) Thị trường nhà đất xuất hiện sự thu hẹp về quy mô, một số doanh nghiệp lâm vào nguy cơ nợ. Cống hiến của ngành nhà đất đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm, từ 2,4% giai đoạn 2006-2010 xuống 1,9% giai đoạn 2011 – 2015, lại xuống 1,1% giai đoạn 2016-2021. Tỉ lệ đầu tư cho phát triển ngành nhà đất từ 2015 bất đầu giảm. Kim ngạch bán nhà thương mại năm 2016 tăng 34,8% đã giảm xuống 4,8% năm 2021; 10 tháng đầu năm 2022 lại xuống – (âm) 26,1%
(iii) Nợ của chính quyền địa phương nghiêm trọng: Năm 2020, nợ của chính quyền địa phương đã gần đến 100 ngàn tỉ tệ, tương đương với 100% GDP; các khoản nợ tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở, chiếm tới 76% tổng số nợ (năm 2020), tương đương khoảng 73% GDP; trong đó nợ của các doanh nghiệp quốc hữu chiếm đến 80% (2020).
– Nợ của chính quyền địa phương đã đến mức không có khả năng trả nợ: Quy mô thu nhập tài chính của địa phượng cộng với nguồn tài chính khả dụng của doanh nghiệp quốc hữu địa phương chỉ bằng khoảng 2% tổng số nợ, không đủ để trả lãi các khoản nợ, chưa nói gì đến khả năng thanh toán nợ.
– Các khoản nợ khổng lồ này dẫn đến hậu quả là chính quyền địa phương không còn khả năng đầu tư cho phát triển kinh tế địa phương. Nguồn nợ của chính quyền địa phương chủ yếu đến từ các ngân hàng, nợ càng tăng, nhất là các khoản nợ xấu càng tác động tiêu cực đến hệ thông ngân hàng, uy hiếp nghiêm trọng sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, gia tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính
(iv) Sức sống của kinh tế dân doanh yếu: Phát triển của kinh tế dân doanh đã xuất hiện xu hướng thiếu lòng tin, giảm sút tính tích cực, còn nhiều lo ngại, nghi ngờ, thậm chí là hiểu lầm chính sách, bi quan về tương lai phát triển của kinh tế dân doanh, khó thích nghi với quá trình chuyển đổi khoa học kỹ thuật, nâng cấp sản nghiệp; hình thành trở ngại tương đối lớn cho tăng trưởng kinh tế.
(v) Tốc độ tăng của tiêu dùng tiếp tục giảm: Tiêu dùng bình quân của cư dân năm 2014 là 0,7%, giảm xuống 0,65% năm 2022.
(vi) Tính tích cực của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế chưa đầy đủ, thiếu quyền tự chủ, không dám làm, thiếu tinh thần chịu trách nhiệm…
(vii) Tổng dân số giảm, dân số lão hóa: dẫn đến giảm lực lượng lao động, tăng gánh nặng tài chính quốc gia (số nhân khẩu trong lứa tuổi lao động (16-59) năm 2020 là 880 triệu người, giảm 40 triệu người so với năm 2010, và sẽ càng tiếp tục giảm; trong khi tỉ lệ số nhân khẩu phải nuôi dưỡng (dưới 14 tuổi và trên 65 tuổi) năm 2020 lại tăng 11,7% so với 2010).
(viii) Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên lên cao: Từ 2018, tỉ lệ thất nghiệp của lứa tuổi 16-24 có xu hướng gia tăng, cao hơn nhiều so với tỉ lệ thất nghiệp chung (tháng 10/2022, tỉ lệ này là 17,9%, cao hơn12,4% so với tỉ lệ thất nghiệp chung là 5,5%).
(ix) Xu thế tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới và sự sụt giảm của thương mại, đầu tư toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc bước vào năm 2024 còn có tiềm lực lớn để vươn lên, thúc đẩy sự hình thành “sức sản xuất chất lượng mới”, thể hiện trên các mặt:
1. Sự chuyển dịch, điều chỉnh ưu hóa của địa kinh tế dân số còn có không gian lớn sẽ giải phóng lớn cho sức sản xuất và tiềm lực phát triển kinh tế. Trong 20 năm tới, dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung tại thành thị, tác động có lợi cho phát triển của sức sản xuất và chuyển dịch của kết cấu sản nghiệp, sẽ kéo theo sự gia tăng đầu tư xây dựng hiện đại hóa đô thị, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành kinh tế liên quan; đặc biệt là dịch vụ công cộng đô thị, phát triển nhanh chóng quần thể thu nhập trung bình (trung lưu – hiện có khoảng 400 triệu người và dự tính sẽ lên 700 triệu người trong vòng 20 năm tới), trở thành đội quân chủ lực để thúc đẩy tiêu dùng, phát huy vai trò nội nhu, một trong những động lực mới của tăng trưởng.
2. Có tỉ lệ tích lũy cao: Tích lũy quốc dân là cơ sở quan trọng để hóa giải các khó khăn kinh tế; tỉ lệ tích lũy cao càng có nhiều dư địa ứng phó khi kinh tế đi xuống, có thể giúp xử lý các khoản nợ, là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường cho đầu tư, thúc đẩy cùng giàu lên và phát triển chất lượng cao.
3. Mặc dù dân số và lực lượng lao động giảm là một xu thế lâu dài nhưng ít nhất trong vòng 10-20 năm tới Trung Quốc vẫn sở hữu một nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao làm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn Trung Quốc, tổng lương nguồn nhân lực của Trung Quốc vào trước 2050 là ổn định, vào năm 2020 là 1,4249 tỉ người, năm 2050 là 1,6440 tỉ người, tăng khoảng 15,4% so với 2020. Nếu nguồn nhân lực được nâng cao và lợi dụng đầy đủ, thì tiềm lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2021-2030 có thể đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2031-2040 đạt 4,9%/năm và giai đoạn 2041-2050 vẫn có thể đạt 4,1%/năm.
4. Tiềm lực sáng tạo khoa học kỹ thuật lớn: Số lượng bản quyền quốc tế số 1 toàn cầu; ngân sách cho nghiên cứu phát triển đứng thứ hai thế giới; có số lượng lớn nhân tài khoa học công nghệ làm cơ sở cho sáng tạo kỹ thuật; trong số tốt nghiệp cao học và nghiên cứu sinh năm 2020, có 41,1% là chuyên ngành công nghệ, là nguồn dự trữ lớn cho phát triển công nghệ, trong khi ở Mỹ chỉ là 18,3%.
5. Thị trường siêu lớn của Trung Quốc đã sản sinh ra một loạt các công ty kinh tế số hàng đầu thế giới, ảnh hưởng tích cực đến sư chuyển đổi nâng cấp của kinh tế truyền thống, kích hoạt sức sống của kinh tế thị trường. Trên lĩnh vực kỹ thuật số, Trung Quốc và Mỹ đang có ưu thế chủ đạo, có một nửa các trung tâm số có quy mô siêu lớn toàn cầu nằm ở hai nước này; hai nước này chiếm tới 94% trong tổng đầu tư khởi nghiệp của các công ty trí tuệ nhân tạo của thế giới trong 5 năm qua, chiếm 70% số nhân viên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, chiếm gần 90% giá trị thị trường số toàn cầu (UNCTAD. “Báo cáo kinh tế số 2021”).
6. Năng lực của Trung Quốc ứng phó và tổ chức lại kinh tế quốc tế được nâng cao: Trong cục diện quốc tế biến đổi chưa từng thấy hiện nay, kinh tế Trung Quốc không chỉ có thể ứng phó với sự tấn công của xu hướng đi ngược với toàn cầu hóa mà còn có tiềm lực trở thành người dẫn dắt toàn cầu hóa kinh tế mới; tổng lượng kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc ngày càng có hiệu quả, ảnh hưởng quốc tế ngày càng cao; năng lực điều tiết lợi ích kinh tế trong nước ứng phó với toàn cầu hóa của Trung Quốc tương đối mạnh và ngày càng được chứng minh trên thực tế.
7. Đại thị trường thống nhất toàn quốc mà Trung Quốc đang hướng tới sẽ giải phóng thêm một bước tiềm năng tăng trưởng lâu dài của kinh tế Trung Quốc: Đại thị trường thống nhất có khả năng thúc đẩy tổ chức lại các yếu tố sản xuất quy mô lớn, xuyên khu vực, xuyên ngành nghề, qua đó có thể thực hiện sự phân bổ tài nguyên có hiệu quả hơn, năng suất lao động được nâng cao hơn, tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc được phát huy đầy đủ hơn. Đại thị trường thống nhất có thể tạo điều kiện tăng cường nghiên cứu khoa học kỹ thuật và năng lực tự chủ sáng tạo khoa học công nghệ; tạo ra thị trường ứng dụng khao học kỹ thuật lớn nhất thế giới, nâng cao năng lực ứng phó với các tác động có thể có từ bên ngoài[1].
Bảy tiềm năng này cộng với sự hiệu quả của chính sách, nhất là sự tập trung cho điều chỉnh chính sách vĩ mô sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Trung Quốc 2024 và một số năm tiếp theo tiếp tục “tiến lên trong ổn định” theo hướng thúc đẩy “sức sản xuất chất lượng mới”, một cách tiếp cận mới của Tập Cận Bình[2].
Trên lĩnh vực kinh tế vĩ mô, lĩnh vực mà Trung Quốc sẽ tập trung điều chỉnh cho phù hợp hơn với giai đoạn “phát triển chất lượng cao”, sẽ tập trung vào 10 điểm nhấn:
(i) Tăng cường thúc đẩy lẫn nhau giữa tiêu dùng và đầu tư. Thúc đẩy tiêu dùng vẫn là mục tiêu hàng đầu của chính sách vĩ mô năm 2024. Tiêu dùng và đầu tư thúc đẩy lẫn nhau là vấn đề then chốt của tiêu dùng năm 2024.
(ii) Cải cách tài chính đi đôi với giải quyết vấn đề nợ. Chính sách tài chính tích cực cần được tăng cường thích hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn. Năm 2024 mức thâm hụt được dự tính ở mức 3% nhưng quy mô thâm hụt thực tế sẽ cao hơn nhiều so với năm 2023.
(iii) Chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ linh hoạt trong khuôn khổ “ổn định có nới rộng”; vẫn tiếp tục hạ thấp lãi suất, hạ thấp mức dự trữ pháp định của ngân hàng; nâng cao hiệu quả sử dụng của các nguồn tài chính, duy trì tăng trưởng cho vay hợp lý, bình ổn và ưu hóa về kết cấu.
(iv) Tăng cường phát hành cổ phiếu có hiệu quả thực tế hơn: Cải cách chế độ đăng ký phát hành cổ phiếu, tăng cường diện bao trùm, tính bao dung và tính hấp dẫn của cổ phiếu, tăng cường vai trò của thị trường vốn đối với phát triển kinh tế.
(v) Đề phòng, hóa giải các nguy cơ nhà đất, nguy cơ nợ, nhất là nợ của chính quyền địa phương, nguy cơ tài chính mang tính hệ thống, bảo đảm cho tiến trình phát triển chất lượng cao.
(vi) Tăng cường chính sách hỗ trợ hai đầu cung và cầu đối với lĩnh vực nhà đất. Trên cơ sở các chính sách đã ra đời năm 2023, càng phải đưa ra các chính sách hỗ trợ cung và cầu nhà đất; đồng thời đẩy nhanh hơn việc xây dựng chính sách trung và dài hạn về nhà đất. Đáp ứng và cải thiện nhu cầu nhà ở của người dân đồng thời hóa giải một cách tích cực và ổn thỏa nguy cơ nhà đất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
(vii) Thúc đẩy thực hiện mở cửa đối ngoại trình độ cao một cách ổn định; coi đây là một trọng điểm công tác năm 2024.
(viii) Loại bỏ sức cản, kích thích động lực nội sinh của các chủ thể kinh doanh. Doanh nghiệp quốc hữu, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều là lực lượng quan trọng của xây dựng hiện đại hóa và sẽ tạo môi trường tốt đẹp cạnh tranh công bằng, cùng nhau phát triển cho tất cả các loại doanh nghiệp này.
(ix) Đẩy mạnh các biện pháp đi sâu cải cách doanh nghiệp quốc hữu.
(x) Lấy sáng tạo khoa học kỹ thuật đẩy nhanh hình thành ưu thế mới của phát triển trong tương lai, đóng vai trò dẫn dắt tiến trình xây dựng hệ thống sản nghiệp hiện đại hóa, đặc biệt là trên các lĩnh vực kỹ thuật mũi nhọn, mang tính then chốt.
10 điểm nhấn trong điều chỉnh vĩ mô này phản ánh hướng đi, quá trình vận hành, cũng là các tiêu điểm để quan sát hiệu quả của kinh tế Trung Quốc năm 2024.
Kỳ họp Lưỡng Hội 2024 đã cho thấy một số đặc điểm nổi bật mới của kinh tế Trung Quốc:
– “Phát triển chất lượng cao” trở thành “đạo lý cứng”, là con đường tất yếu phải đi qua của quá trình xây dựng cường quốc hiện đại hóa của Trung Quốc; trong quá trình thực hiện “đạo lý cứng” đó, việc hình thành “sức sản xuất chất lượng mới” mang hàm lượng kỹ thuật cao, hiệu suất cao là một nhiệm vụ trung tâm mới.
– Tuy không chạy theo phát triển tốc độ cao bằng mọi giá nhưng Trung Quốc sẽ tập trung cho việc ngăn chặn sự giảm sút liên tục trong nhiều năm qua của tốc độ tăng trưởng, thực hiện “nâng cấp hiệu quả về chất và tăng trưởng hợp lý về lượng” của nền kinh tế, chủ yếu thông qua phát huy tối đa động lực nội sinh của các chủ thể kinh tế dưới các hình thức sở hữu quốc hữu, dân doanh và đầu tư nước ngoài; cộng với thúc đẩy mở cửa đối ngoại trình độ cao mới, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời “lấy sáng tạo khoa học kỹ thuật dẫn dắt phát triển”, đẩy mạnh “tự chủ khoa học công nghệ”… tập trung chặn đứng đà suy giảm của tôc độ tăng trưởng.
– Kinh tế Trung Quốc 2024 và một số năm tiếp theo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, thậm chí là nguy cơ, nhất là trên các lĩnh vực nhà đất, nguy cơ nợ của chính quyền địa phương, khả năng thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động có tố chất cao; tác động của các yếu tố tiêu cực của kinh tế thương mại, đầu tư toàn cầu… Việc Trung Quốc đề ra “đồng bộ giữa phát triển kinh tế chất lượng cao với đảm bảo an ninh trình độ cao” cho thấy Trung Quốc còn nhiều vấn đề an ninh trong phát triển, và sự bảo đảm an ninh cho phát triển càng là vấn đề hệ trọng trong tiến trình “tiến lên trong ổn định” của Trung Quốc.
– Nhìn chung lãnh đạo Trung Quốc đã nhận rõ cả những khó khăn thách thức, cả các tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho tiếp tục phát triển, đã đưa ra các biện pháp điều chỉnh cơ bản là đúng hướng, nhất là trên lĩnh vực chính sách vĩ mô. Mặc dù Trung Quốc phải tập trung cho việc hóa giải các thách thức, nguy cơ, kể cả các nguy cơ vốn có, mang tính kết cấu, lâu dài lẫn các thách thức mới nhưng về cơ bản, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục “tiến lên trong ổn định”, có thêm các bước “tiến” để thúc đẩy “ổn định”.
– Tuy vẫn còn những đánh giá tiêu cực về khả năng phát triển của kinh tế Trung Quốc nhưng đa phần phản ứng quốc tế đối với kinh tế Trung Quốc hiện là tích cực. Trong dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (tháng 2/2024), mặc dù tổ chức này dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2024 chỉ tăng trưởng 4,7% nhưng đánh giá “sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc và sức cạnh tranh của nền kinh tế này vẫn được giữ vững” là một trong những lý do quan trọng làm cho IMF điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới lên đến 3,1% (tăng 0,2%) và của BRICS lên 5,2% (tăng 0,4%) so với dự báo trước (tháng 10/2023); Mới đây, Thương hội Mỹ tại Trung Quốc công bố báo cáo điều tra cho biết, 50% số công ty Mỹ được phỏng vấn đều đưa Trung Quốc vào vị trí số 1 hoặc trong nhóm 3 địa điểm đầu tiên để đầu tư; các công ty Châu Âu thì có 59% chọn Trung Quốc là 1 trong 3 mục tiêu đầu tư chủ yếu; 91% các công ty Đức nói họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều đoàn đại biểu của các tổ chức quốc tế, của Mỹ, Nhật, EU… đã liên tục đến Trung Quốc để khảo sát thực tế, tìm cơ hội mới cho phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. Gần đây IMF đã cử đoàn khảo sát đến làm việc tại Trung Quốc, trong báo cáo kết thúc chuyến khảo sát, Trưởng đoàn khảo sát IMF cho biết, các chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc đang phát huy vai trò tích cực, mỗi 1% tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo theo 0,3% tăng trưởng của toàn cầu; tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2024 vẫn cao hơn mức bình quân tăng trưởng của thế giới và Trung Quốc sẽ là nước cống hiến lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu năm 2024; Trung Quốc hiện là bạn hàng chủ yếu của trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, có vai trò nặng nhẹ trong cán cân kinh tế, mậu dịch toàn cầu.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, muốn thực hiện được mục tiêu đạt thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tương đương với các nước phát triển trung bình vào năm 2035 như Đại hội XX đã đề ra, kinh tế Trung Quốc trong 12 năm tới, từ 2023 đến 2035 phải tăng trưởng bình quân 4,61%/năm. Với sự nỗ lực cao cho phát triển “sức sản xuất chất lượng mới”, với những tiềm năng hùng hậu sẵn có đang được tích cực phát huy, xem ra Trung Quốc có thể thực hiện mục tiêu này.
Sự phát triển ổn định của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nhân tố chủ yếu cho ổn định kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, Trung Quốc “tiến lên trong ổn định” cơ bản tạo ra nhiều cơ hội hơn là thách thức, Việt Nam cần tận dụng các yếu tố có lợi về chính trị, địa lý, khả năng bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, ưu thế của Việt Nam trong quan hệ ASEAN với Trung Quốc… để tối đa hóa lợi ích của Việt Nam thông qua thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.■
Chú thích:
[1] “Báo cáo triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc”, Viện nghiên cứu Tư tưởng và thực tiễn kinh tế Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, 29/12/2023
[2] Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 9/2023, trong dịp khảo sát Hắc Long giang, hàm ý là sức sản xuất có hàm lượng kỹ thuật cao, hiệu suất cao, chất lượng cao, phù hợp với trạng thái chất lượng của sức sản xuất tiên tiến trong quan niệm phát triển mới