Lịch sử thế giới trong vài trăm năm trở lại đây luôn chứng kiến những biến chuyển liên tục. Mỗi thời kỳ luôn có một quốc gia vươn lên nắm giữ vị trí lãnh đạo thế giới và sau đó buộc phải nhường vị trí này cho một quốc gia khác.

Vào thế kỷ thứ XV và XVI, Tây Ban Nha là quốc gia nắm giữ vị thế bá chủ này nhờ tiên phong thám hiểm thế giới, tìm ra những vùng đất mới, mở lộ trình giao thương qua đại dương và và bắt đầu bành trướng thuộc địa. Cụ thể, những người Tây Ban Nha khai phá thuộc địa đã lật đổ những nền văn minh Aztec, Inca, Maya và tuyên bố chủ quyền với một dải đất bao la ở Châu Mỹ rộng lớn. Đế quốc Tây Ban Nha có được một lãnh thổ rộng nhất trên thế giới lúc đó. Đế quốc Tây Ban Nha thống trị các đại dương nhờ hạm đội tàu giàu kinh nghiệm. Họ cũng thống trị châu Âu với một lực lượng bộ binh dày dạn và thiện chiến. Về mặt kinh tế, từ giữa thế kỷ XVI, vàng và bạc từ các mỏ ở châu Mỹ đã tăng cường tiềm lực cho Tây Ban Nha.

Như vậy, nguyên nhân sự nổi lên của Tây Ban Nha với tư cách một quốc gia chi phối toàn cầu là năng lực hàng hải vượt trội, tìm ra các vùng đất mới và tận dụng tài nguyên của các lục địa mới làm giàu cho mình. Đây vẫn là cách thức của chủ nghĩa đế quốc nên thường xuyên vấp phải cạnh tranh với các lục địa bị xâm chiếm và các đế quốc khác. Chính những xung đột về lãnh thổ, giao thương và tôn giáo này góp phần không nhỏ vào sự suy tàn dần của đế chế Tây Ban Nha từ giữa thế kỷ XVII. Ở Địa Trung Hải, Tây Ban Nha thường xuyên giao chiến với Đế quốc Ottoman. Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan cũng dần vươn lên cạnh tranh với Tây Ban Nha ở châu Âu với sức mạnh không thua kém. Đế quốc Tây Ban Nha không còn nắm giữ vị thế bá chủ sau thất bại trong Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha và Hiệp ước Utrecht được kí vào năm 1713, hiệp ước đã cắt bỏ nhiều phần lãnh thổ quan trọng nằm trong sự kiểm soát của Tây Ban Nha.

Đế quốc Anh vươn lên chiếm giữ vị thế này của Tây Ban Nha, trước hết cũng nhờ xâm chiếm thuộc địa và thiết lập các trạm mậu dịch hải ngoại từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII. Anh sau đó trở thành đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đánh bại cả Pháp của Napoleon và góp phần khiến Tây Ban Nha suy tàn. Vào thời kỳ đỉnh cao của quyền lực, đế quốc Anh được gọi là “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” bởi lãnh thổ mở rộng ra khắp toàn cầu. Thời bấy giờ, lãnh thổ của Anh dài trên khắp 5 châu lục với hơn 100 vùng lãnh thổ và các quần đảo hải ngoại, chiếm gần ¼ tổng diện tích toàn cầu và cai trị khoảng 413 triệu người, chiếm 1/5 dân số thế giới lúc bấy giờ. Với sức mạnh này, những di sản văn hóa, ngôn ngữ và luật pháp của Anh được truyền bá rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Những vùng lãnh thổ đã từng là một phần của Đế quốc Anh. Ảnh: iStock

Nước Anh vươn lên vị trí bá chủ còn bởi một lý do quan trọng khác, đây là nơi cuộc cách mạng tư sản đã diễn ra sớm nhất và cũng là nơi bắt đầu cách mạng công nghiệp. Chủ nghĩa tư bản đã phát triển đầu tiên ở Anh cùng với những phát minh quan trọng giúp nước này trở thành trung tâm công nghiệp, công xưởng của thế giới. James Hagreaves phát minh ra máy kéo sợi, Cartwright phát minh ra máy dệt, đến lượt James Watt đã phát minh ra máy hơi nước nhằm tăng thêm sức mạnh đế quốc của Anh. Cha đẻ của đường sắt là George Stephenson xây dựng tuyến đường sắt liên đô thị công cộng đầu tiên trên thế giới, đó là đường sắt Liverpool và Manchester. Sự ra đời của ngành đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc khai khẩn Bắc Mỹ. Người Anh cũng đã tạo ra động cơ phản lực, máy xe sợi công nghiệp đầu tiên, máy tính đầu tiên, máy hút bụi cơ giới hoá, máy cắt cỏ, tàu đệm khí, động cơ điện, động cơ hơi nước. Thủ đô Luân Đôn trở thành một trung tâm thương mại với 80 vạn dân và là thủ đô đầu tiên của châu Âu tiến lên con đường công nghiệp hóa. Với sức mạnh kinh tế vượt trội của mình, Anh nhanh chóng có một đội thương thuyền và một lực lượng hải quân hùng mạnh nhằm thực hiện khát vọng bành trướng lãnh thổ. Trong suốt thế kỷ XIX, hải quân Anh có sức mạnh vô địch, tàu thuyền Anh liên tục tuần tra các nước thuộc địa của đế quốc mình.

Về mặt kinh tế, dưới thời cai trị của Nữ hoàng Anh Victoria, đồng bảng Anh do là đồng tiền thống lĩnh trong mọi giao dịch quốc tế. Với sự thành lập công ty Đông Ấn để phát triển thuộc địa, sự cai trị và di cư của người Anh để lại dấu ấn tại nhiều quốc gia. Đế quốc Anh thiết lập việc sử dụng tiếng Anh tại các khu vực khắp thế giới. Các cựu thuộc địa đều chọn hệ thống cai trị và hệ thống tư pháp của đế quốc Anh, cũng như chọn tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến cho tới ngày nay.

Anh đã thể hiện sức mạnh bá chủ của mình bằng cách tiếp tục xâm chiếm và củng cố hệ thống thuộc địa rộng lớn của mình. Anh sử dụng lực lượng hải quân hùng hậu và mạnh nhất thế giới nhằm thôn tính và củng cố các vùng đất rộng lớn. Bên cạnh đó, Anh thực hiện chiến lược đồng hóa hoặc tiêu diệt bằng ngôn ngữ, văn hóa bản địa. Cho tới Chiến tranh Thế giới I (1914), các thuộc địa của đế quốc Anh đã trải rộng khắp thế giới và Anh đã thể hiện quyền thống trị bằng cả ép buộc quân sự, chi phối kinh tế và xâm lấn văn hoá.

Tuy vậy, những chính sách bóc lột như vậy cũng chính là nguyên nhân dẫn tới phong trào giải phóng thuộc địa dâng cao trên khắp thế giới. Trong Thế chiến 2 (1939 – 1945), Anh mất hầu như toàn bộ thuộc địa của mình ở Đông Nam Á vào tay quân Nhật. Anh chính thức suy tàn vào năm 1945 khi trật tự thế giới mới được thiết lập, các quốc gia thuộc địa dần giành được độc lập. Sau chiến tranh, Anh phải trao trả độc lập cho Ấn Độ, thuộc địa đông dân và giàu có nhất của mình. Sau đó, các thuộc địa còn lại của Anh cũng dần dần giành được độc lập, đánh dấu sự kết thúc của đế quốc Anh.

Tiếp nối Anh là sự nổi lên của đế quốc Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII. Mỹ giành lại các vùng đất thuộc địa của Tây Ban Nha và Anh, lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ rộng lớn với nền công nghiệp thép, dầu mỏ, điện, thông tin phát triển đứng đầu thế giới. Mỹ trỗi dậy từ trong Chiến tranh thế giới hai, tiến tới trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới. Nước Mỹ làm được điều này bởi nhiều lý do. Trước hết, vị trí địa lý của Mỹ rất thuận lợi. Nước Mỹ ở bên kia đại dương, lãnh thổ rộng tới hơn 9,3 triệu km2, tài nguyên phong phú, khoáng sản dồi dào. Vị trí biệt lập lại khiến Mỹ không bị bất kỳ cuộc chiến tranh nào tàn phá. Lê-nin từng nói nước Mỹ “ở vào địa vị an toàn nhất xét về điều kiện địa lý”, trong một thời gian dài từ khi lập quốc, Mỹ không phải lo ngại về việc an ninh quốc gia bị các thế lực bên ngoài xâm phạm. Kể từ năm 1865, sau khi xảy ra cuộc nội chiến Nam – Bắc, Mỹ chưa hề đối mặt với cuộc chiến tranh quy mô lớn nào trên lãnh thổ của mình.

Tận dụng vị trí đắc địa này và thế cuộc rối ren của Chiến tranh thế giới lần II, các ngành kinh tế Mỹ nhất là công nghiệp quân sự đã phát triển vượt trội. Tới năm 1945, thu nhập quốc dân của Mỹ tăng hơn gấp đôi năm 1939, tổng trọng tải của đội tàu buôn lên tới 57 triệu tấn, chiếm 2/3 đội tàu buôn toàn thế giới, lượng vàng và kim loại quý Mỹ sở hữu cũng chiếm 59% toàn thế giới, đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền mạnh thực sự duy nhất trên thế giới lúc đó. Sức mạnh quân sự Mỹ cũng bắt đầu nổi lên từ đó, khi nước này mở rộng căn cứ tại châu Âu và nhiều cứ điểm chiến lược quan trọng tại các vùng khác. Độc quyền vũ khí hạt nhân càng làm cho Mỹ trở thành cường quốc quân sự có sức răn đe nhất.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ đã từ bỏ chủ nghĩa biệt lập truyền thống của mình trước đây, hướng tới can dự vào các vấn đề toàn cầu. Thời điểm đó, Mỹ đã có ý đồ quyết tâm phải lãnh đạo thế giới nên chủ động thiết lập một trật tự thế giới có lợi cho Mỹ, giúp Mỹ truyền bá giá trị của mình trên toàn cầu. Cụ thể, Mỹ xây dựng cơ cấu an ninh quốc tế trên nền tảng Hội đồng Bảo an, đảm bảo địa vị chủ đạo của Mỹ tại Liên hợp quốc, thiết lập Tổ chức thương mại thế giới WTO, Ngân hàng thế giới WB và Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF. Tại các mặt trận chiến lược như châu Âu, Mỹ công bố kế hoạch Marshall trợ giúp châu Âu phục hồi sau chiến tranh từ đó chi phối khu vực này. Mỹ cũng thành lập liên minh quân sự NATO nhằm đối trọng với đối thủ lớn nhất là Liên Xô trong suốt giai đoạn Chiến tranh lạnh. Ở châu Á, Mỹ can dự vào Triều Tiên và sau đó là Việt Nam nhằm ngăn chặn sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản, mối nguy lớn nhất đe doạ bá quyền Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Cho tới năm 1991 khi Liên Xô và khối XHCN tan rã, Mỹ đã thực hiện được giấc mộng trở thành siêu cường duy nhất chi phối thế giới của mình.

Với quyền bá chủ, đồng đô la đã thống trị thế giới và ngược lại, giá trị của đồng đô la Mỹ chính là một phần khiến Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới. Từ năm 1944 đến 1971, đồng Đô la Mỹ được đo bằng vàng (Bản vị vàng), và từ năm 1971 tới nay nó được định giá bởi dầu mỏ (Bản vị dầu mỏ). Mỹ đã có thoả thuận với Arập Xêút và các nước vùng vịnh khác buộc thanh toán dầu bằng đồng đô la, khiến cho đô la này trở thành đồng tiền trung gian chủ yếu trong  giao dịch thương mại cũng như trở thành ngoại tệ dự trữ của thế giới. Cả thế giới đều cần dầu mỏ nên đều cần đô la, phải ưu tiên bán hàng cho Mỹ, giao dịch với Mỹ để có ngoại tệ này, do đó, nước Mỹ được hưởng lợi lớn từ các quốc gia trên thế giới nhờ quyền bá chủ của mình.

Nước Mỹ trỗi dậy từ trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và dần trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới. Ảnh minh họa

Chính ở thời điểm đỉnh cao quyền lực này, Mỹ tiếp tục mở rộng hơn nữa sức ảnh hưởng toàn cầu bằng cách áp đặt giá trị ở nhiều khu vực, lấy chiêu bài dân chủ nhân quyền để gây sức ép, nếu không thành công lại dùng các biện pháp mạnh hơn như trừng phạt kinh tế thậm chí can thiệp quân sự. Phương pháp của Mỹ là nuôi chiến tranh để xác lập quyền bá chủ, dùng chiến tranh để làm giàu. Năm 1999, Mỹ đã dẫn dắt NATO tấn công Nam Tư mà không có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạo tiền lệ thách thức luật pháp quốc tế. Mỹ cũng hậu thuẫn cho những cuộc cách mạng màu ở một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ và một vài quốc gia khác trong những năm đầu thập niên 2000. Trong những cuộc cách mạng này, Mỹ cổ xuý những người tham gia tổ chức các cuộc đấu tranh bất bạo động để lật đổ chính quyền. Điển hình là Cách mạng nhung ở Tiệp Khắc (1989), Cách mạng 5 tháng 10 ở Serbia (2000), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở  Ukraina (2004), và Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan (2005), cách mạng cây tuyết tùng tại Liban (2005), cách mạng xanh tại Kuwait (2005).

Cách tiếp cận bạo lực và lật đổ này của Mỹ khiến giá trị Mỹ bị thù ghét ở không ít nơi, gián tiếp gây ra vụ khủng bố 11 tháng 9 khiến 3000 người thiệt mạng. Lợi dụng điều này, Mỹ mở cuộc chiến chống khủng bố theo kiểu tấn công quân sự phủ đầu. Cuối năm 2001, các lực lượng Hoa Kỳ đã lãnh đạo NATO đánh vào Afghanistan lật đổ Chính phủ Taliban và phá hủy các trại huấn luyện khủng bố của al-Qaeda. Năm 2002, Chính quyền Bush bắt đầu gây áp lực thay đổi chế độ tại Iraq, tiến tới gần như đơn phương xâm chiếm Iraq năm 2003, lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein khỏi quyền lực mà gần như không có lý do nào chính đáng.

Những can dự vô cớ này càng khiến nhiều quốc gia không đồng tình với trật tự thế giới do Mỹ áp đặt. Thực tế, chính sách đối ngoại của Mỹ bị chi phối bởi giới tài phiệt, để làm giàu cho tài phiệt, nên liên tục phải dùng chiến tranh và lật đổ để mở rộng thị trường cũng như sức ảnh hưởng.  Kiểu thống trị thế giới theo cách ép buộc này đã suy yếu từ sự kiện 11 tháng 9. Từ đó tới nay, Mỹ không còn bá chủ được như trước nữa. Các nước không còn tuân theo các nguyên tắc, luật lệ… do Mỹ lập ra sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và sau Chiến tranh lạnh, nổi bật nhất là Trung Quốc và Nga, hai nước đang nổi lên như hai cường quốc cạnh tranh quyền bá chủ với Mỹ. Gần nhất, Nga tiến hành cuộc chiến tranh tại Ukraine để răn đe những khiêu khích của NATO. Mỹ tố cáo Nga xâm lược và thực hiện hàng chục ngàn lệnh trừng phạt Nga, nhưng không phải quốc gia nào cũng đồng ý. Liên Hợp quốc phủ quyết nhiều đề nghị của Mỹ, các nước OPEC không tuân theo đề xuất về sản lượng và giá dầu của Mỹ. Thực tế, cả Nga, Trung Quốc và nhiều nước Nam Bán Cầu đang tạo ra những cực mới cân bằng với Mỹ, hợp sức với nhau hình thành khối BRICS để cạnh tranh chiến lược với Mỹ và G7.

Cục diện đa cực đang hình thành rõ rệt với việc Mỹ không còn đơn phương bá quyền được như trước. Nhưng sự cạnh tranh này sẽ dẫn đến đâu và quốc gia nào có thể nắm vị thế chi phối trong sân chơi toàn cầu là câu hỏi lớn cần thời gian trả lời.

Có thể thử nhìn một cách tổng quát xem các yếu tố nào tạo ra một siêu cường có năng lực gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Nhìn lại toàn bộ lịch sử, các tiêu chí về một siêu cường không được định nghĩa hoàn toàn rõ ràng nhưng những yếu tố sau thường được coi là có tầm quan trọng lớn:

Thứ nhất là sức mạnh quân sự. Siêu cường phải thể hiện năng lực quân sự vượt trội trên thế giới. Điều này đòi hỏi không chỉ một lực lượng quân sự mạnh mà còn là năng lực vận tải đường biển, đường không để triển khai lực lượng quân sự đó nhằm tăng cường lợi ích quốc gia. Các trường hợp Tây Ban Nha, Anh và Mỹ đều cho thấy điều này. Sức mạnh quân sự đi kèm với việc chi phối được các tuyến giao thông hàng hải quan trọng là chìa khoá để mở ra vị thế bá chủ.

Thứ hai là sức mạnh văn hoá. Ảnh hưởng văn hóa là “quyền lực mềm”. Siêu cường chi phối phải có hệ tư tưởng mạnh, các giá trị văn hoá có sức thu hút với các nước khác, phổ cập được ngôn ngữ và các giá trị văn hoá từ điện ảnh, văn học, âm nhạc sang các quốc gia khác. Văn hoá lại là yếu tố tiềm ẩn mang lại sức mạnh lâu dài cho một quốc gia. Trong văn hoá thì quan trọng nhất là hệ thống học thuyết, giá trị truyền thống, bề dày dân tộc, những yếu tố giúp quốc gia đứng vững trong mọi thay đổi liên tục của môi trường xung quanh.

Thứ ba là vấn đề địa lý, diện tích lớn và vùng biển rộng, dân số đông được coi là yếu tố quan trọng. Lãnh thổ rộng cho phép một quốc gia khai thác tài nguyên và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, có thể tự trở thành một thế giới của riêng mình mà không phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Đây là một yếu tố quan trọng trong chiến tranh, cho phép khả năng chống chịu cô lập, tự tổ chức và tái phát triển độc lập.

Căn cứ vào các yếu tố được các học giả quốc tế đưa ra như trên, chúng ta thấy trong thế giới hiện đại chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc hội đủ các phương diện này. Mỹ như đã phân tích đương nhiên vẫn là một siêu cường nhưng vai trò bá chủ đã suy giảm. Trung Quốc và Nga đang nổi lên như một cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.

Vai trò của Trung Quốc

Về mặt lãnh thổ, Trung Quốc là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới xét theo tổng diện tích, sau Nga, Canada, và Hoa Kỳ. Tổng diện tích của Trung Quốc là khoảng 9.600.000 km2 với dân số đông thứ 2 thế giới (1,4 tỉ người). Trung Quốc có tổng chiều dài đường biên giới trên bộ lớn nhất thế giới, với 22.117 km.

Về mặt văn hoá, Trung Quốc có lịch sử rất lâu đời, nền văn minh chịu ảnh hưởng mạnh từ Khổng giáo, Nho giáo và các triết lý cổ điển với trọng tâm là củng cố tính đoàn kết, hoà hợp dân tộc, tôn ti trật tự, mối quan hệ gia đình và thống nhất cao về chính trị. Trong hầu hết các triều đại, văn hoá Trung Quốc cổ xuý thăng tiến xã hội thông qua con đường học hành khoa cử. Văn hóa Trung Quốc từ lâu đã tập trung vào ý thức lịch sử sâu sắc và rất có lợi cho việc xây dựng nền chính trị tập quyền mạnh.

Về mặt quân sự, theo Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower thì Trung Quốc hiện có tiềm lực quân sự lớn thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Nga, với mức chi tiêu quân sự đạt 292 tỷ USD. Với tổng quân số vào khoảng hơn ba triệu người, Trung Quốc có lực lượng quân sự thường trực lớn nhất trên thế giới và nằm dưới quyền chỉ huy của Quân ủy Trung ương. Là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đang hiện đại hoá quân đội, hải quân Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới.

10 quốc gia đứng đầu thế giới về sức mạnh quân sự theo xếp hạng của trang “Global Firepower” vào tháng 1/2024 (0.0000 = chỉ số sức mạnh hoàn hảo)

Về kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn thứ hai thế giới xét theo GDP danh nghĩa, tổng giá trị khoảng 19.911 tỉ USD theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nếu xét riêng GDP trong lĩnh vực quan trọng nhất là sản xuất chế tạo thì Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về giá trị với 3.860 tỷ USD vào năm 2020, vượt trội so với các nước đứng sau là Mỹ với 2.338 tỷ USD. Trung Quốc đang dần đuổi kịp Mỹ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP của Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ vào khoảng năm 2030.

Với sức mạnh ngày càng vượt trội như trên, Trung Quốc đã từ bỏ chính sách ém mình chờ thời và đang thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm và đang tích cực xây dựng thế giới đa cực. Tuy vậy, Trung Quốc có trở thành bá chủ được trong tương lai hay không còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, Mỹ vẫn ra sức kìm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc, coi đây là đối thủ tiềm tàng nhất cạnh tranh với Mỹ. Trung Quốc phát triển đặc biệt mạnh về sản xuất chế tạo, nhưng nghiên cứu khoa học và phát minh vẫn ở vị thế kém hơn so với Hoa Kỳ. Kinh tế Trung Quốc cũng vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng và thị trường nước ngoài như năng lượng của Nga và phụ thuộc vào thị trường Mỹ và châu Âu. Đồng nhân dân tệ chưa được quốc tế hoá mạnh mẽ. Kinh tế Trung Quốc lớn mạnh về nhiều mặt nhưng nước này vẫn là một lục địa không có đường ra biển rộng lớn.

Là một quốc gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, Trung Quốc đang tìm mọi cách mở rộng lãnh hải, tự khẳng định chủ quyền trên toàn bộ biển Đông nhưng vấp phải tranh chấp chủ quyền với nhiều nước lân bang. Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc lại tác dụng ngược, gây mất niềm tin cho nhiều quốc gia láng giềng như Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á. Nền văn hoá lâu đời của Trung Quốc có nhiều ưu điểm, các nước nhỏ và nghèo hướng vào Trung Quốc nhiều hơn vì lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, họ đều biết người Trung Quốc tính toán sâu xa, khó đoán. Đây lại là điểm yếu của Trung Quốc khi nhiều quốc gia vẫn nghi ngờ mục đích thật sự của nước này và cho rằng những chính sách của Trung Quốc còn nhiều ẩn ý nên vẫn đề phòng cảnh giác để tránh bị lệ thuộc. Thực tế, chiến lược Vành đai Con đường cũng đang chững lại phần vì thực lực kinh tế của Trung Quốc cũng đang suy giảm, phần vì các nước chưa thật sự tin tưởng do tác động tuyên truyền của phương Tây. Nền văn hóa Trung Quốc phát triển rực rỡ hàng ngàn năm, song người dân trên thế giới, kể cả người Trung Quốc, đều tìm đến Mỹ và nền văn hóa Mỹ để phát triển bản thân. Đặc biệt, cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc vào giữa thế kỷ 20 đã hủy hoại ảnh hưởng của Trung Quốc với thế giới, rất khó lấy lại được các giá trị văn minh cổ đại của Trung Quốc. Vì vậy, các nước đều phải thăm dò chứ không phải lúc nào cũng vội vã hồ hởi trong mối quan hệ với Trung Quốc. Do đó, sức mạnh mềm của Trung Quốc không phải lúc nào cũng có ảnh hưởng tích cực với các quốc gia. Để trở thành bá chủ thế giới, Trung Quốc còn phải trải qua một quá trình dài để trở thành một cường quốc trung tâm của thế giới.

Về nước Nga

Nói về nước Nga, xét về kinh tế chưa mạnh như Mỹ và Trung Quốc nhưng nước này đã từng là một cực quan trọng trong Chiến tranh lạnh, từng là ngọn cờ quy tụ các nước dân tộc chủ nghĩa, bao gồm cả Trung Quốc. Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã là đối cực của Mỹ. Khi khối Xã hội Chủ nghĩa sụp đổ, tiềm lực và ảnh hưởng của Liên Xô suy yếu mới giúp Mỹ nổi lên bá chủ thế giới. Tuy vậy, sau hai thập kỷ Tổng thống V. Putin nắm quyền, nước Nga đang tìm lại ánh hào quang của mình trên cơ sở những giá trị nền tảng sẵn có.

Về địa lý, Liên bang Nga có diện tích lớn nhất thế giới, trải rộng từ châu Á sang châu Âu. Phần lớn đất đai Nga là các đồng bằng rộng lớn, các đồng bằng này chủ yếu là thảo nguyên về phía nam và rừng rậm về phía bắc. Nga có đường bờ biển dài trên 37,000 km dọc theo Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, cũng như dọc theo các biển mang tính nội địa như biển Baltic, biển Đen và biển Caspi.

Về kinh tế, năm 2021, GDP của Nga đạt 4.020 tỷ USD theo sức mua tương đương, vẫn là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và thứ 2 ở châu Âu. Nga được thừa nhận là một siêu cường năng lượng. Nga là một trong các quốc gia có sản lượng khí đốt hàng đầu thế giới, trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tám, thứ hai về trữ lượng than. Nga là nhà xuất khẩu và sản xuất khí tự nhiên hàng đầu thế giới. Ngành dầu khí chiếm đến 46% tổng chi tiêu của chính phủ Nga và đóng góp tới 30% GDP của nước này. Nga là nước sản xuất điện hàng thứ 4 thế giới và nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng thứ 5. Nga là nước đầu tiên phát triển lò phản ứng hạt nhân dân sự và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hiện tại, Nga là nhà sản xuất điện hạt nhân đứng thứ 4 thế giới. Nền kinh tế Nga vừa tự cung tự cấp lại vừa là quốc gia cung ứng các tài nguyên cho các quốc gia đứng đầu thế giới.

Về quân sự, Nga có nền quân sự được ước tính đứng thứ hai thế giới và trình độ khoa học kĩ thuật tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Nga thừa hưởng ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của Liên Xô. Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo đứng thứ hai và là nước duy nhất ngoài Hoa Kỳ có một lực lượng máy bay ném bom chiến lược hiện đại. Lực lượng xe tăng Nga lớn nhất thế giới, đồng thời có lực lượng không quân và hải quân hùng hậu đứng thứ 3 thế giới. Nga nằm trong top các quốc gia cung cấp vũ khí, chiếm 30% thị phần thế giới và có sản phẩm bán tới 80 quốc gia.

Về mặt văn hoá, Nga là một quốc gia bảo tồn nghiêm túc lịch sử và di sản văn hóa phong phú, cũng như các giá trị tinh thần và đạo đức; bảo vệ, gìn giữ, phát huy truyền thống và đặc tính bình đẳng của nền văn hóa tất cả các dân tộc. Về văn hoá, khó quốc gia nào có một quyền lực mềm đáng kể như Nga, với những đóng góp to lớn đối với nền nghệ thuật, âm nhạc và văn học thế giới. Hệ tư tưởng yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của Nga đã thể hiện rõ ràng trong quá trình lãnh đạo dân tộc chiến thắng chủ nghĩa phát xít, vẫn còn nguyên sức hấp dẫn đối với các nước cho tới ngày nay.

Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin vẫn đang tiếp tục cuộc cách mạng thay đổi trật tự toàn cầu. Hình ảnh ông Putin phát biểu tại cuộc mít-tinh ở Moskva nhân dịp Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào tháng 9/2022. Ảnh: AFP

Tổng kết lại, hai thập kỷ qua, Nga đã trở thành lực lượng quân sự hùng mạnh và thiện chiến nhất thế giới, đặc biệt là tiềm lực vũ khí hạt nhân. Dù kinh tế chưa bằng Mỹ và Trung Quốc, Nga là nước có thể tự cung tự cấp, không phụ thuộc vào bên ngoài, đồng thời lại là nguồn cung cấp nguyên liệu cho thế giới như lương thực cho châu Phi, phân bón, khí đốt cho châu Âu và Mỹ, dầu mỏ cho Ấn Độ, Trung Quốc. Thế giới trong đó có Mỹ vẫn phải lệ thuộc vào nguyên liệu và năng lượng Nga để phát triển. Quan trọng hơn, Nga kế thừa giá trị tốt đẹp ưu việt của Chủ nghĩa Xã hội do Liên Xô để lại, đó là tinh thần quốc tế hỗ trợ các nước nghèo, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc xóa bỏ chế độ thực dân thuộc địa. Tinh thần quốc tế này có sức mạnh rất lớn trong bối cảnh các nước đều mong muốn độc lập, thoát khỏi đói nghèo và có bình đẳng quốc tế, Nga vẫn thể hiện sẵn lòng hợp tác vô tư khiến các nước tin tưởng. Các nước Châu Phi, châu Mỹ Latinh đang muốn sự bảo trợ an ninh và hợp tác từ Nga. Đây là sức mạnh mềm quan trọng của Nga, xuất phát từ tiềm lực quân sự và giá trị văn hoá đặc trưng chỉ Nga mới có. Thực tế, Nga đang là cường quốc được nhiều nước ở Nam Bán Cầu chấp nhận. Nga cùng Trung Quốc tiên phong và đang thành công lập khối BRICS và liên kết với các nước nam bán cầu. Nga cũng thành công liên kết với Iran và các nước Ả Rập, cộng đồng Hồi giáo. Họ hướng vào Nga làm trung gian giải quyết tình hình biến động ở Trung Đông do cuộc chiến giữa Hamas và Israel được Mỹ và phương Tây đứng sau.

Trong bối cảnh thế giới biến động và thay đổi, nước Nga có một nhà lãnh đạo xuất sắc được dư luận thế giới đánh giá cao về trí tuệ và quyền lực. Tổng thống V. Putin có tầm nhìn về xây dựng một nước Nga vĩ đại với các giá trị truyền thống hòa hợp với thế giới, đã được ông theo đuổi trong suốt 25 năm cầm quyền. Ông Putin vẫn đang tiếp tục cuộc cách mạng thay đổi trật tự toàn cầu từ một cực do Mỹ lãnh đạo sang thế giới đa cực. Đây là cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng được phương Tây gọi là “cuộc thập tự chinh” của ông Putin. Chiến dịch ở Ukraine được xem là bước đi quyết liệt trong kế hoạch lớn của ông Putin nhằm tấn công phương Tây và khôi phục lại trật tự ở châu Âu và thế giới và khẳng định Mỹ là nguyên nhân dẫn đến bất ổn toàn cầu.

Lời tuyên bố của Tổng thống Putin mới đây đã thể hiện rõ luận điểm này: “Chúng ta có thể thấy những gì đang diễn ra ở một số nước, nơi các tiêu chuẩn đạo đức và gia đình đang bị cố tình phá hoại, đất nước bị đẩy đến bên bờ tuyệt chủng và suy đồi. Nga đang thể hiện là thành trì của các giá trị truyền thống nền tảng của nền văn minh nhân loại”.

Từ khi nhậm chức 25 năm trước, ông Putin đã tuyên bố “Tôi sẽ đưa nước Nga trở lại vũ đài thế giới”. Sau hơn hai thập kỷ ông Putin lãnh đạo, nước Nga đã làm được, với vị thế đang lên và sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Nga vẫn là một siêu cường đầy sức hấp dẫn bởi có một lãnh tụ thế giới như Putin, có học thuyết rõ ràng bảo tồn các giá trị truyền thống, có nền văn hoá nhân bản phản đối mọi hình thức xâm lược thuộc địa, có nền quân sự mạnh mẽ đủ sức đối đầu với Mỹ và phương Tây. Quan trọng hơn cả, các quốc gia tìm thấy ở nước Nga một lý tưởng tiến bộ, giúp thế giới thấy đúng sai, thấy những sai lầm của phương Tây.

Có một thực tế đang diễn ra là Nga là quốc gia bị Mỹ và phương Tây tấn công mạnh nhất, nhưng lại là nước vươn lên mạnh mẽ nhất. Nga đã thể hiện là một quốc gia tiên phong trong nỗ lực làm sụp đổ vị thế dẫn đầu của Mỹ và làm suy yếu phương Tây. Những giá trị chung do Tổng thống Nga V. Putin khởi xướng được phần lớn các nước ngoài phương Tây hưởng ứng. Hai phần ba quốc gia trên thế giới không theo Mỹ chống Nga, nhờ đó Nga đang trở thành một trung tâm để liên kết hợp tác với Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, châu Á. Họ tìm đến Nga để hỗ trợ an ninh và phát triển kinh tế. Tổng thống Nga Putin được dư luận quốc tế đánh giá cao về những ý tưởng xây dựng một trật tự thế giới đa cực, mọi quốc gia bình đẳng, được tôn trọng, chủ quyền quốc gia không bị đe dọa, các quốc gia sống trong hòa bình, cùng tồn tại, cùng phát triển. Tổng thống Nga V. Putin được đánh giá là vị lãnh đạo đang làm thay đổi trật tự thế giới hướng tới một thế giới đa cực.

Như vậy, trong 3 cường quốc Nga, Trung Quốc và Mỹ thì Nga đang vươn tới một quốc gia trung tâm của thế giới, được nhiều nước chọn làm chỗ dựa về kinh tế và an ninh với sự tin cậy cao về chiến lược.

Tuy nhiên, Nga có thể là bá chủ của thế giới hay không còn là một quá trình dài, trước mắt phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đến từ các cường quốc, trực tiếp là Mỹ và Liên minh châu Âu qua chiến sự Ukraine, và tùy thuộc vào chế độ nước Nga sau Tổng thống V. Putin.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC