Vào cuối tháng 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 của Chính phủ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận và cơ bản tán thành những nhận định về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,72%, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. Tuy vậy, do kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, cùng với một số hạn chế trong nước, kinh tế nước ta chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sụt giảm.
Bộ Chính trị đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục các chính sách trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất. Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, cần duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng. Các cơ quan đều phải hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư công cần được thúc đẩy giải ngân. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán, khoa học công nghệ phải hoạt động an toàn, bền vững. Nguồn cung xăng dầu, điện cho sản xuất, tiêu dùng phải được đảm bảo. Sản xuất tiêu dùng trong nước được đẩy mạnh cùng với việc đa dạng thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Tiếp thu chỉ đạo và chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Nghị quyết tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu toàn diện để hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2023. Một số nội dung chính yếu trong các quyết sách điều hành của Chính phủ như sau:
Thứ nhất là tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế Xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai là tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất ít nhất khoảng từ 1,5 – 2%. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 – 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn), bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chính phủ cũng yêu cầu rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Thứ ba là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài. Các ưu tiên quan trọng là triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.
Thứ tư là kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm cung ứng điện ổn định, liên tục, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng. Chính phủ đã và đang khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Các trọng điểm khác là sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu, thí điểm giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phát triển điện gió ngoài khơi.
Thứ năm, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho vay. Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tóm lại, trước tình hình kinh tế xã hội còn nhiều thách thức trong nửa đầu năm 2023, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có những nhận định đúng đắn và ngay lập tức đưa ra những quyết sách đúng và trúng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là những quyết sách hợp lý, thể hiện sự năng động, sáng tạo của Đảng và Chính phủ. Đây là những bước đi xã hội đang rất cần và rất hợp lòng dân cũng như doanh nghiệp. Làm sao để tạo ra một thể chế thúc đẩy doanh nghiệp cùng chung tay với toàn bộ hệ thống chính trị hướng tới mục tiêu tăng trưởng, đó là điều Bộ Chính trị và Chính phủ đã nhìn rõ và đang tìm mọi biện pháp thực thi. Tin tưởng với những quyết sách này, kinh tế xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023 sẽ vượt qua khó khăn và khởi sắc trở lại.■