Đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt các nước đang phát triển. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam được nằm trong tốp 20 quốc gia đứng đầu về thu hút nguồn vốn bên ngoài với những lợi thế như những ưu đãi về chính sách, sự ổn định chính trị và lực lượng nhân công dồi dào… Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề trên tất cả mọi lĩnh vực, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt giữa các cường quốc ngày càng khốc liệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư nước ngoài. Bức tranh đầu tư nước ngoài đang có nhiều biến động. Theo dõi chính sách đầu tư số 24 của UNCTAD (Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển) cho biết: Trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 12/2020, 52 nước và Liên minh châu Âu đã có 96 biện pháp liên quan đến chính sách đầu tư nước ngoài. Gần một nửa số biện pháp này đưa ra những quy định và hạn chế đầu tư – tỷ lệ cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Hầu hết những quy định mới này đều đề cập lo ngại về an ninh quốc gia do ngày càng có nhiều nước lo ngại rằng tài sản cũng như công nghệ của mình có thể là mục tiêu của hoạt động sáp nhập sau đại dịch. 18 nước và nền kinh tế: Áo, Canada, Trung Quốc, Phần Lan, Pháp, Đức, Hungary, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malta, Tân Tây Lan, Ba Lan, Liên bang Nga, Slovenia, Tây Ban Nha, Anh và Liên minh châu Âu tăng cường chế độ sàng lọc FDI hiện có hoặc thông qua cơ chế mới. Kenya, Oman và Mỹ đưa ra nhiều loại biện pháp mới. Trong bài viết này, Tạp chí Phương Đông xin đưa lại kinh nghiệm chọn lọc, rà soat đầu tư của một số quốc gia để bạn đọc tham khảo.
1. Với Trung Quốc, đầu tư nước ngoài trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ là điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu mà còn là một nguồn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2019, đã có 27.000 công ty Trung Quốc thành lập 44.000 công ty con ở 188 nước và lãnh thổ. Năm 2020, Trung Quốc trở thành nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Trong số 133 tỷ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, khoảng 60% là của công ty nhà nước hay công ty có liên quan đến nhà nước. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các các nước Liên minh châu Âu và Anh đã đạt đỉnh điểm vào năm 2016 với hơn 44,2 tỷ đô la, gấp gần năm lần năm 2013 khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và gấp 442 lần năm 2000 khi Trung Quốc bắt đầu chính sách “ra toàn cầu”.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang làm nhiều nước lo ngại. Trước hết là các nước như Mỹ và châu Âu thì cho rằng FDI của Trung Quốc không có mục đích gì hơn ngoài việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi các nước đang phát triển thì sợ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Thêm vào đó là những lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ, giá cả bị bóp méo, trợ giá của chính phủ, an ninh và trật tự công cộng cũng như không công bằng trong tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Chính vì thế nhiều nước châu Âu và Mỹ đã có những biện pháp sàng lọc lại đầu tư nước ngoài tại chính nước mình. Hơn nữa, châu Âu và Mỹ lại có kế hoạch cùng hành động, phối hợp để sàng lọc đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.
2. Liên minh châu Âu (EU) từ trước đến nay vẫn mở cửa với các nhà đầu tư Trung Quốc, tuy nhiên năm 2020, đã thay đổi thái độ của mình. Nhiều tin tức cho rằng thay đổi này là do EU lo ngại làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cao ở châu Âu. Mức đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này ở Liên minh châu Âu bằng đầu tư của Trung Quốc vào cùng một lĩnh vực ở Mỹ. Đây là một trong những lý do Liên minh đã đưa ra hạn chế chặt hơn trong quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực tháng 10/2020 sau khi đã thông qua khuôn khổ quy định về vấn đề này vào tháng 3/2019. Theo quy định của EU, trong lĩnh vực đầu tư, từng nước thành viên sẽ tự quyết định quy định của mình. Do đó Liên minh châu Âu sẽ tạo ra một cơ chế chia sẻ thông tin giữa Uỷ ban châu Âu và các nước thành viên, qua đó nâng cao điều kiện cốt lõi nhất cho hoạt động của cơ chế sàng lọc FDI. Ngoài ra, Liên minh châu Âu còn có thể chính thức bình luận và nêu vấn đề đối với những giao dịch mà các nước thành viên đã thông qua.
Đến cuối năm 2020, 16 trong số 27 thành viên của Liên minh châu Âu đã thiết lập cơ chế sàng lọc quốc gia với những thủ tục rất khác nhau. Năm 2021, 18 nước thành viên đã thông báo với Uỷ ban châu Âu về cơ chế sàng lọc theo yêu cầu của quy định. Trong đầu năm 2021, Cộng hoà Czech và Slovakia đã thông qua luật sàng lọc FDI. Dự kiến đến cuối năm nay, 23 thành viên Liên minh sẽ có luật sàng lọc đầu tư, trong đó có các nước Bỉ, Estonia, Hy Lạp, Ireland và Thuỵ Điển… Các nước đã có quy định sẽ sửa quy định của mình theo hướng chặt chẽ hơn, bao gồm nhiều biện pháp thắt chặt các thủ tục sàng lọc và thể hiện tốt hơn ý tưởng của Liên minh châu Âu về an ninh và nguy cơ đối với trật tự công cộng. Thí dụ như Đức cũng quy định bắt buộc sàng lọc FDI vào những lĩnh vực như hệ thống vệ tinh, trí tuệ nhân tạo, người máy, máy bay tự hành và không người lái, cơ khí lượng tử và vật liệu rất quan trọng trong sửa đổi luật được thông qua tháng 5/2021. Ở Mỹ, nhiều chính trị gia đã kêu gọi phải xem xét lại vai trò của Uỷ ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ, cho Uỷ ban nhiều quyền hơn và phạm vi hoạt động lớn hơn để sàng lọc những giao dịch kỹ thuật cao. Ở châu Âu và Australia cũng có nỗi lo tương tự.
3. Đức và Hà Lan là hai điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao là minh chứng cho thấy sự đa dạng trong việc sàng lọc FDI ở các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Đức đã nhanh chóng mở rộng quy định của mình tháng 10/2020 để phù hợp với những quy định mới được cập nhật của Liên minh châu Âu và đã mở rộng các lĩnh vực cần thiết phải sàng lọc. Đức quy định có hai loại FDI cần phải sàng lọc: loại FDI vào một lĩnh vực cụ thể và loại FDI có tác động đến nhiều lĩnh vực. Loại FDI cần phải xin phép là đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể như quốc phòng hoặc an ninh công nghệ thông tin hoặc đầu tư vào hạ tầng cơ sở rất quan trọng. Hạ tầng rất quan trong bao gồm: Y tế, năng lượng, thông tin, công nghệ thông tin, viễn thông, giao thông, cung cấp nước và lương thực, tài chính và bảo hiểm.
Trong cả hai loại FDI, ngưỡng buộc phải xin phép là 10% đối với nhà đầu tư nước ngoài không nằm trong Liên minh châu Âu. Nhà đầu tư bắt buộc phải thông báo cho Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang (BMWi). Sau khi thông báo, BMWi có hai tháng để tính đến việc tiến hành điều tra và nếu không có điều tra thì dự án đó được coi là không có vấn đề gì. Sau thời điểm này thì BMWi không thể can thiệp hay ngăn cản giao dịch nữa. Trong trường hợp tiến hành điều tra thì BMWi có bốn tháng để xác định giao dịch đó có “khả năng tác động” đến trật tự và an ninh công của Đức hay của một nước thành viên của EU hay không.
Sửa đổi mới đã mở rộng khu vực áp dụng của “cơ cấu hạ tầng rất quan trọng” ra 16 lĩnh vực (theo quy định cũ thì chỉ có 11 lĩnh vực). Sàng lọc cũng được tiến hành trong FDI liên quan đến quốc phòng được định nghĩa là “công ty phát triển, sản xuất hoặc sở hữu hàng hoá trong danh sách cấm xuất hay nằm trong phạm vi quyền sở hữu trí tuệ bí mật.
Nếu Đức tích cực làm việc để chế độ sàng lọc FDI của mình phù hợp với hướng dẫn chung của EU thì Hà Lan lại là nước rất chần chừ không chịu đưa ra quy định về FDI. Từ trước đến nay Hà Lan là điểm đến FDI ưa chuộng. Năm 2019 Hà Lan tiếp nhận 84 tỷ đô la Mỹ FDI, đứng thứ ba trên thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Đây là do chính sách thương mại mở và tự do Hà Lan theo đuổi hàng thế kỷ nay. Tuy nhiên do đại dịch Covid 19 và những biện pháp bảo hộ cũng như lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng tầm anh hưởng thông qua FDI, Hà Lan đã thông qua Luật về Sàng lọc liên quan đến An ninh quốc gia và Kinh tế, và Luật Kiểm soát Viễn thông.
Luật về Sàng lọc liên quan đến An ninh Quốc gia và Kinh tế bắt đầu có hiêu lực ngày 4 tháng Mười hai năm 2020, tuy nhiên việc sàng lọc được tiến hành lùi lại với các dự án đầu tư bắt đầu từ ngày 02/6/2020. Theo quy định của Luật này, các giao dịch sau đây cần phải xin phép: (1) giao dịch coi là có tác động đến tính liên tục và tự cường của nền kinh tế hoặc là (2) giao dịch ở lĩnh vực công nghệ nhậy cảm. Không như luật của Đức, Hà Lan không đặt ra ngưỡng để xem xét mà chỉ quy định khi có thay đổi về “kiểm soát”. Chữ “kiểm soát” ở đây có nghĩa là có ảnh hưởng quyết định đối với hoạt động kinh doanh.
Bộ Kinh tế là nơi xử lý việc này. Một khi nhận được hồ sơ xin phép, Bộ sẽ có tám tuần để xem xét và nếu cần thêm thì thời gian xem xét có thể được kéo dài thêm sáu tuần. Trong thời gian xem xét, giao dịch vẫn chưa có hiệu lực. Nếu Bộ Kinh tế kết luận rằng giao dịch đó đe doạ an ninh quốc gia, Bộ có quyền không cho phép thực hiện. Bộ Kinh tế còn có quyền đánh giá lại giao dịch ngay cả khi giấy phép đã có trong trường hợp có thông tin mới hoặc khi tình hình thay đổi nhiều.
Cũng trong năm 2020, Hà Lan đã thông qua Luật Kiểm soát Viễn thông. Đây là luật đầu tiên về một lĩnh vực kinh tế có quy định sàng lọc FDI. Từ tháng 10/2020, mọi dự án đầu tư vào lĩnh vực viễn thông sẽ phải được Bộ Kinh tế xem xét trước khi có giao dịch thực sự. Ngưỡng phải thông báo là liệu nhà đầu tư có “quyền kiểm soát áp đảo” thực thể viễn thông với “kết quả là có ảnh hưởng đến lĩnh vực viễn thông”. Luật Kiểm soát Viễn thông này xác định “quyền kiểm soát áp đảo” là chiếm 30% quyền bỏ phiếu, quyền xa thải thành viên của hội đồng thành viên, hoặc quyền kiểm soát những vấn đề đặc biệt. Bộ Kinh tế cũng có tám tuần để xác định giao dịch đang được xem xét có nguy cơ với an ninh quốc gia không và có thể ngăn không cho giao dịch được thực hiện. Có nhiều tin cho rằng Hà Lan cũng sẽ thông qua một luật tương tự trong lĩnh vực quốc phòng.
Tất cả những điều trên cho thấy các nước thành viên của EU đều có nhiều sửa đổi và ngày càng xem xét kỹ càng và hạn chế FDI. Các nước EU đều đã mở rộng danh sách các lĩnh vực được coi là “cơ sở hạ tầng trọng yếu” và kéo dài thời gian sang lọc và tăng cường quá trình sàng lọc. Đây là những tín hiệu EU mong muồn cho các nước khác thấy đươc chuẩn an ninh mới của mình. Tuy những quy định của EU vẫn chưa chặt chẽ như của Mỹ theo quy định của Uỷ ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ, nhưng điều đáng chú ý là hai nước là Đức và Hà Lan, vốn là những nước có nền kinh tế tự do và chính sách thương mại mở lại đã thực hiện nghiêm chính những quy định của EU.
4. Mỹ hiện có hai cơ quan liên bang chịu trách nhiệm sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hai cơ quan này đã hoạt động từ nhiều năm nay. Uỷ ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ được thành lập năm 1975 và Phòng Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại.
Uỷ ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ là cơ quan liên bộ có đại diện của 16 cơ quan như Bộ Tài chính (chủ trì), Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Cơ quan quản lý ngân sách, Văn phòng Đại điện Thương mại, Hội đồng Cố vấn của Tổng thống, Cơ quan Chinh sách khoa học và Công nghệ, Trợ lý của Tổng thống về các Vấn đề an ninh quốc gia và Trợ lý của Tổng thống về chính sách kinh tế.
Chức năng sàng lọc FDI của Uỷ ban linh hoạt. Ban đầu Uỷ ban có chức năng nghiên cứu về đầu tư nước ngoài ở Mỹ, sau đó có thêm chức năng ngăn không cho đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ trong những năm 1970 và 1980. Và đến gần đây, Uỷ ban lại có thay đổi phù hợp với hai đạo luật là Đạo luật Cải cách và kiểm soát xuất khẩu và Đạo luật Hiện đại hoá Sàng lọc Nguy cơ từ Đầu tư nước ngoài.
Phù hợp với Quy định cuối cùng được công bố ngày 15/9/2020 của Văn phòng An ninh đầu tư, Quy định cuối cùng dùng thước đo là giấy phép xuất khẩu mặt hàng hay công nghệ để xác định khoản đầu tư đó có cần phải xin phép hay không. Theo đó thì nhà đầu tư có liên quan hay bên giữ cổ phần lớn của nhà đầu tư sẽ phải xem xét có cần phải xin giấy phép hay không.Việc này làm cho đầu tư nước ngoài phù hợp hơn với chế độ kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Một khi nhận được đơn xin phép, Uỷ ban có 30 ngày để quyết định tiến hành điều tra vụ việc. Sau đó, Uỷ ban lại có 45 ngày xem xét cho phép giao dịch hay không. Những lĩnh vực thường được xem xét kỹ là y tế hay viễn thông. Tổng thống có quyền quyết định cuối cùng cho dù Uỷ ban có trình hay không trình vụ việc.
Mỹ lo ngại nhất là công nghệ lưỡng dụng (vừa dùng trong dân sự và quân sự) có thể rơi vào tay Trung Quốc, sở hữu trí tuệ bị lấy cắp và công ty của Trung Quốc không làm theo luật vì không có thói quen và dữ liệu cá nhân có thể bị sử dụng không đúng mục đích.
5. Nỗi lo chung về đầu tư của Trung Quốc ở các nước Liên minh châu Âu và Mỹ đã thúc đẩy EU và Mỹ đã có hoạt động hợp tác trong việc sàng lọc FDI. Tại Hội nghị của Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU và Mỹ, hai bên đã khẳng định mong muốn “duy trì sàng lọc đầu tư để giải quyết những rủi ro cho an ninh quốc gia hai bên và tiếp tục duy trì trật tự công cộng ở Liên minh châu Âu. Hai bên nhận thấy rằng chế độ sàng lọc đầu tư phải đi song song với cơ chế thực thi pháp luật thích hợp. Hơn nữa, chế độ sàng lọc đầu tư phải theo nguyên tắc không phân biệt, minh bạch, khả đoán, trách nhiệm giải trình như đã quy định trong hướng dẫn của OECD. Hai bên hy vọng rằng các nước đối tác và các tổ chức liên quan cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực sàng lọc đầu tư”.
Một câu hỏi mà nhiều bạn đọc sẽ hỏi tại thời điểm này là các quy định và luật của các nước có đề cập gì đến Trung Quốc đâu. Đúng như vậy. Trung Quốc không được nêu tên trong bất cứ quy định nào của EU hay luật của các nước thành viên hay Luật và quy định của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà quan sát đều có chung nhận định rằng tất cả dường như nhắm vào Trung Quốc.
Những luật và quy định đều chặt chẽ hơn khi hoặc sau khi đầu tư của Trung Quốc lên đỉnh điểm vào năm 2016. Và sau đó do những quy định chặt ché của Mỹ và châu Âu cũng như quy định hạn chế đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc và tiếp đến là đã dịch Covid 19, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã giảm.
Lý do tiếp theo là sàng lọc đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu từ 2014 đến 2017 là 49 tỷ đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên trong số những dự án đầu tư này có 83% vi phạm chuẩn do Uỷ ban châu Âu đưa ra và 45% số dự án là thuộc lĩnh vực nhậy cảm. Với Mỹ, tình hình cũng không khác là mấy, từ năm 1990 đến nay, Trung Quốc đã đầu tư 148 tỷ đô la vào Mỹ, trong đó có 137,12 tỷ là mua lại các công ty Mỹ và 11,32 tỷ là đầu tư mới. Đầu tư với mục địch kiểm soát công ty (với cổ phần lớn hơn 50%) là 126,12 tỷ đô la. Vì hai lý do trên, mục tiêu của những thay đổi trong luật và quy định cũng như luật và quy định mới không nhằm vào nước nào khác mà là Trung Quốc.
Với Việt Nam, tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy FDI tại Việt Nam.
Hai năm đại dịch vừa qua chính là cơ hội để Việt Nam đánh giá lại sức chống chọi, ứng phó với các hoàn cảnh khó lường của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực FDI, chúng ta cần sớm rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài đề phòng những bất trắc xẩy ra, vừa tiếp tục thu hút các nhà đầu tư ngoại. Thiết nghĩ kinh nghiệm của bên ngoài cũng là điều chúng ta nên tham khảo.
Để xây dựng lợi thế cạnh tranh, chúng ta cần sớm xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ dành cho các nhà đầu tư Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới cho FDI sẽ giúp chúng ta có lựa chọn đúng đắn và chính xác các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài, thân thiện với môi trường. Đây là điều hết sức cần thiết để giúp Việt Nam sớm khởi động nền kinh tế sau đại dịch, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ vững, bảo đảm an ninh quốc gia.■