Tình hình trước khi ông Biden trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ

Trước khi ông Joe Biden trúng cử Tổng thống thì nước Mỹ cũng đã bắt đầu rơi vào khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị, và nó xuất hiện từ các đời Tổng thống George Bush, Tổng thống  Barack Obama, cho đến đời Tổng thống Donald Trump.

Nước Mỹ đã phơi bày rất nhiều yếu điểm. Khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội làm cho nước Mỹ suy yếu nhiều mặt, đặc biệt là mâu thuẫn giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ có đường lối đối ngược nhau, mất đi truyền thống trước đây là hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cạnh tranh nhưng vẫn hợp tác vì mục tiêu phát triển nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng chính trị nước Mỹ đã đưa ông Donald Trump – một đảng viên Đảng Cộng hòa, một doanh nhân, một tỷ phú với đường lối dân túy – đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2017.

Trong bốn năm cầm quyền, chính sách đối nội và đối ngoại của ông Trump khiến cho nước Mỹ và thế giới có nhiều thay đổi. Tổng thống Trump với định hướng: “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trên hết” dường như đã lật ngược phần lớn những chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ mà các đời Tổng thống tiền nhiệm đã vạch ra.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã có những thay đổi quan trọng theo chính sách dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Hình ảnh ông Trump ôm lá cờ Mỹ tại một hội nghị vào năm 2019. Ảnh: Yuri Gripas/Reuters

Về đối ngoại, ông Trump chấm dứt tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Obama xây dựng, rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ông phê phán Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và dọa sẽ rút khỏi tổ chức này, ông cho rằng tất cả đều làm tổn hại, làm suy yếu nước Mỹ. Với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, châu Á, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông yêu cầu các nước đồng minh phải tăng ngân sách quốc phòng cho khối NATO và cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi NATO nếu Mỹ phải gánh phần lớn chi phí cho khối này. Ông cũng áp dụng chính sách thương mại sòng phẳng đối với Liên minh châu Âu, đánh thuế cao với hàng hóa của EU nhập khẩu vào Mỹ. Điều này đi ngược với chính sách của các đời Tổng thống Mỹ trước đây. Các nước thành viên EU, nhất là Đức và Pháp, coi ông Trump là mối đe dọa quyền lợi của họ và xa lánh nước Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Trump xác định Trung Quốc là nguy cơ, là mối đe dọa an ninh và làm suy yếu nước Mỹ, trong khi đó ông cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga V. Putin.

Tất cả những hoạt động của ông Trump là tập trung chỉ trích Đảng Dân chủ và thế lực ngầm đứng sau đảng này, ông cho rằng thế lực ngầm, giới tài phiệt đã thao túng, gây tổn thất cho nước Mỹ với những chương trình không có lợi cho nước Mỹ, như chính sách nhập cư, chính sách phá thai, chuyển giới, Obamacare… gây ra tình trạng sụt giảm về kinh tế và gia tăng thất nghiệp.

Như vậy, dưới thời của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã có những bước ngoặt mới với chính sách dân túy và chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia. Ông Trump chú trọng phát triển kinh tế hơn là quan tâm đến trật tự thế giới, điều này khiến Mỹ xa rời đồng minh, nhưng thế giới trong thời gian Trump cầm quyền vẫn còn tương đối ổn định, không có xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, bốn năm cầm quyền nước Mỹ của ông Trump đã để lại rất nhiều xung đột, nghi kỵ và sự đối đầu trong nội bộ nước Mỹ, điều này đã dẫn đến việc ông thất cử trong nhiệm kỳ II năm 2021. Các trào lưu phản đối ông Trump của Đảng Dân chủ đã thắng và đưa ông Biden lên nắm quyền làm Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021. Ông Biden tuy tuổi cao nhưng là một chính trị gia lão luyện của Đảng Dân chủ, đã mang lại một sự ngờ vực, tức giận cho ông Donald Trump.

Sau ba năm lãnh đạo nước Mỹ của ông Biden

Đường lối chính sách Tổng thống Joe Biden đưa ra khác hẳn với chính sách của Donald Trump, ông hướng nước Mỹ theo chủ nghĩa toàn cầu.

Về đối ngoại, ông Biden khôi phục quan hệ với đồng minh châu Âu. Ông xác định Trung Quốc là đối thủ đe dọa an ninh lâu dài của nước Mỹ, Nga là kẻ thù nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh và quyền lợi của nước Mỹ.

Mục tiêu của Biden và chính sách của Nhà Trắng là phải áp dụng mọi chính sách, mọi biện pháp để cô lập, làm suy yếu nước Nga và chính quyền của Tổng thống Putin, chuyển đổi Chính phủ Nga hiện thời là một chính phủ ở cửa dưới so với với Mỹ. Ông tập trung củng cố EU, NATO để đối đầu trực tiếp với Nga, đồng thời thúc đẩy quan hệ mật thiết với các nước có tư tưởng chống Nga, trong đó có Ukraine, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, các nước vùng Baltic có những người lãnh đạo mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Nga. Nổi lên là ông Zelensky – một nghệ sĩ hài. Ông trúng cử Tổng thống Ukraine năm 2019 do mang tư tưởng bài Nga và thân phương Tây. Ông Zelensky tìm đến Mỹ, gặp Tổng thống Biden và được Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine tiền bạc và vũ khí, tạo dựng lực lượng quân sự, kích động tư tưởng chống Nga và hứa hẹn ủng hộ Ukraine vào EU cũng như NATO. Tại Hoa Kỳ, ông Zelensky tuyên bố không thực hiện thỏa thuận đã ký với Nga ở Minsk (thủ đô Belarus) năm 2015.

Sau chuyến đi Mỹ gặp ông Biden, với chủ trương chống Nga quyết liệt không chỉ bằng các chính sách, Ukraine ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự, và đàn áp dân gốc Nga ở phía đông Ukraine. Tất cả những hành động chống Nga của ông Zelensky từ 2019 đến cuối 2021 đã vượt lằn ranh đỏ của Nga, dẫn đến Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine ngày 24/2/2022. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine được coi là một dấu mốc quan trọng, gây ra tình hình rối loạn ở châu Âu, phá vỡ sự ổn định của trật tự thế giới, mở ra một cục diện mới là sự đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ và phương Tây cho là cơ hội để làm nước Nga sụp đổ. Với nhận thức sai lầm là Nga sẽ không đủ tiềm lực để đối đầu với Mỹ và Liên minh châu Âu, ông Biden đã sử dụng ông Zelensky và Ukraine thực hiện sứ mệnh làm sụp đổ nước Nga với Mỹ và NATO đứng sau.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky đã thực hiện các chính sách chống Nga quyết liệt, dẫn tới việc Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022. Đồ họa: Klawe Rzeczy

Trong cuộc chiến chống Nga, song song với việc sử dụng biện pháp quân sự, Mỹ và phương Tây tiến hành các đòn trừng phạt rất nặng nề, khốc liệt đối với nền kinh tế Nga, trong đó có bao vây cấm vận xuất khẩu về năng lượng, các khoáng sản, bao vây ngân hàng tài chính, cắt mọi quan hệ thương mại… Mỹ huy động đồng minh trên toàn cầu tham gia việc trừng phạt Nga, để cô lập nước Nga trên tất cả mọi lĩnh vực, làm cho Nga kiệt quệ.

Mỹ và các nước phương Tây thông qua Liên hợp quốc dùng lá phiếu để lên án và gây áp lực Nga phải rút quân ra khỏi Ukraine. Ông Biden huy động cả một hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống tình báo của Mỹ và châu Âu để hạ thấp vai trò, uy tín của Nga trên trường quốc tế, lên án Nga xâm lược và Putin là một tội đồ của chiến tranh, vi phạm hiến chương của Liên hợp quốc. Tòa án Hình sự Quốc tế ICC ra lệnh bắt ông Putin vì phạm tội ác chiến tranh.

Nhìn lại sau gần ba năm cầm quyền của Tổng thống Biden, ông tận dụng cuộc chiến tranh Nga – Ukraine để tập hợp lại các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á và hướng các đồng minh cùng với Mỹ hướng vào mục tiêu tấn công nước Nga. Ông cũng thành công hướng các quốc gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu… nhưng mới chỉ dừng ở sự tuyên bố mà chưa có kết quả cụ thể.

Nhìn tổng quát thì chính sách của ông Biden đã không thành công ở nhiều lĩnh vực:

Thứ nhất, ông không thực hiện được chủ trương dùng Ukraine đánh bại Nga mặc dù Mỹ và EU đã chi trên 100 tỷ đô la và cung cấp đủ các loại vũ khí tối tân cho cuộc chiến tranh này nhưng không giành được thắng lợi. Trái lại Ukraine đã bị Nga chiếm 20% lãnh thổ, bị tổn thất nặng nề và đang trên bờ vực thất bại.

Thứ hai, dù áp dụng chính sách trừng phạt về kinh tế khốc liệt nhất với Nga, nhưng không những không làm Nga sụp đổ, mà trái lại kinh tế nước Nga vẫn đứng vững. Nước Nga công bố tăng trưởng kinh tế được dự báo là 3% trong năm 2023. Riêng quý III năm 2023 tăng trưởng 5,5%, thặng dư trên 75 tỷ đô la. Ngược lại, các nước châu Âu và Mỹ rơi vào khủng hoảng, sụt giảm về kinh tế. Những nền kinh tế lớn trong EU như Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Đan Mạch… lạm phát do cấm vận kinh tế Nga, gây tổn thất rất nặng nề cho nền kinh tế và an ninh xã hội của khối này.

Nền kinh tế của Mỹ vẫn trong tình trạng suy giảm. Nhiều ngân hàng và tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ tuyên bố phá sản, lãi suất ngân hàng tăng liên tục. Điều này làm cho nền kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng, kéo theo khủng hoảng chính trị và xã hội trầm trọng. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở châu Âu, nhiều chính trị gia của châu Âu bị cử tri phế truất.

Mỹ cũng không nằm ngoài dư chấn của cơn khủng hoảng chính trị. Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, mâu thuẫn giữa Nhà Trắng, Quốc hội, Lầu Năm Góc đã mang tính chất đối đầu, không khoan nhượng. Cuộc đối đầu giữa ông Trump chống Biden đã đẩy lên đỉnh điểm, là kẻ thù của nhau, đe dọa cuộc tái cử của ông vào năm 2024. Cuộc đối đầu giữa cơ quan hành pháp, lập pháp của Mỹ khiến ông Biden không kiểm soát được tình hình, các hoạt động vô chính phủ gia tăng, nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ xảy ra ở nhiều thành phố lớn và diễn ra ở ngay trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Các nhà quan sát tình hình nhận xét nước Mỹ đang ở thời kỳ bất ổn nhất và nếu ông Trump không trúng cử Tổng thống vào năm 2024 thì không biết điều gì sẽ xảy ra đối với nước Mỹ.

Thứ ba, các nước Liên minh châu Âu không còn hào hứng như thời kỳ đầu Nga tấn công Ukraine, đang có sự phân hóa từ sự nghi ngờ chính sách của Hoa Kỳ, của ông Biden. Một số nhà lãnh đạo chủ chốt EU như Pháp, Đức đã nghĩ tới thành lập một lực lượng quân sự của riêng châu Âu mà không lệ thuộc vào Mỹ, nhiều thành viên của EU công khai phản đối cuộc chiến Ukraine – Nga gây tổn hại cho quốc gia của họ, Hungary đã nói công khai là: không lệ thuộc vào Mỹ, không chống Nga, giữ vững độc lập để bảo vệ lợi ích của họ. Ba Lan, một quốc gia viện trợ cho Ukraine tích cực nhất cũng tuyên bố chấm dứt viện trợ cho chính phủ của ông Zelensky.

Thứ tư, ông Biden hy vọng Liên hợp quốc và các nước đồng minh cô lập, lên án Nga trên trường quốc tế thông qua bỏ phiếu ở Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những quốc gia ủng hộ Mỹ chỉ chiếm khoảng 1/3 so với 2/3 những nước không tham gia với Mỹ chống Nga. Đây là một thất bại lớn về đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là những nước sân sau của Mỹ ở Mỹ La-tinh, châu Phi, Nam Á đều không muốn cắt đứt quan hệ hay chống Nga.

Có thể thấy rằng, sau ba năm ông Biden cầm quyền nước Mỹ, thành tích ông đem lại cho nước Mỹ rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là thất bại về kinh tế, chính trị, xã hội. Thế giới trở nên hỗn loạn, chia rẽ đầy nguy hiểm. Đặc biệt là không chỉ châm ngòi cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, mà còn cả chiến tranh ở dải Gaza, nước Mỹ ngày càng lúng túng và khó có lối thoát, buộc Mỹ phải sa lầy vào cuộc chiến này. Chắc chắn là cuộc chiến ở Ukraine và dải Gaza làm cho Mỹ hao mòn về tiềm lực trong khi nền kinh tế vốn đã khó khăn. Thất bại lớn nhất của Mỹ là không thắng được Nga trong trận chiến Nga – Ukraine. Sự trỗi dậy của Nga mạnh mẽ và sức mạnh của Trung Quốc phô diễn trên các lục địa khiến vị thế của Mỹ xuống thấp, Mỹ không còn đủ khả năng để lãnh đạo thế giới, ông Biden không còn đủ tín nhiệm để đương đầu với tình hình biến đổi của thế giới.

Các cường quốc nổi lên đối đầu với nước Mỹ

Ngoài sự đứng vững của Nga, thì Trung Quốc nổi lên như một đối thủ vượt trội Mỹ về nhiều mặt. Trung Quốc là một nước gây dựng được nhiều mối quan hệ trên quốc tế bởi chính sách thân thiện “Vành đai và Con đường”. Lúc này các nhà quan sát nhận xét Trung Quốc không chỉ ngang hàng mà còn vượt trội Mỹ. Điều rất quan trọng là chính sách chống Nga quyết liệt của ông Joe Biden đã đẩy Nga ngả vào Trung Quốc, Putin và Tập Cận Bình gần nhau hơn và cùng mục tiêu: kiềm chế Mỹ, lật đổ một siêu cường mà Mỹ đã thiết lập sau Chiến tranh lạnh.

Suy yếu và sa lầy ở châu Âu, Mỹ đã tạo ra khoảng trống ở nhiều vùng chiến lược, giảm sút tín nhiệm với châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Á. Trung Quốc, Nga đã chiếm lĩnh vị trí của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc.

Khi Mỹ mải mê về cuộc chiến Ukraine và bây giờ lại sa đà vào Trung Đông thì Trung Quốc và Nga ngày càng có chỗ đứng vững chắc ở Trung Đông, ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Và với vị trí vai trò của Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy, thế giới đang hình thành những tổ chức mới mang tính quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cộng đồng các quốc gia mới nổi (BRICS) tập hợp các nước có nền kinh tế lớn ở Nam bán cầu. BRICS đã vượt khối G7 do Mỹ đứng đầu về nhiều lĩnh vực. Đặc biệt Nga chiếm vai trò dẫn đầu trong việc tấn công xóa bỏ một siêu cường của Mỹ và thiết lập một thế giới đa cực, Mỹ chỉ biết nhìn chứ không làm gì khác được, không đủ sức để đối chọi Nga cũng như Trung Quốc.

Một số nhận xét về vị thế của Mỹ

Có thể nhận xét, sai lầm lớn nhất của Mỹ, của ông Biden là đẩy Nga gần với Trung Quốc trong thế kỷ này. Đây không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một vấn đề rất lớn, liên quan đến trật tự thế giới, đến vai trò vị trí số một siêu cường của Mỹ. Điều này cũng được cựu Tổng thống Donald Trump thừa nhận, ông nói đó là sai lầm lớn nhất của Mỹ chẳng những không lôi kéo được Nga về phía Mỹ, mà còn đẩy Nga đến gần Trung Quốc hơn. Coi Nga là kẻ thù là sai lầm bền vững của Mỹ.

Các nhà phân tích của Mỹ cho rằng, ông Biden không quan tâm đến lợi ích quốc gia Hoa Kỳ, sai lầm của ông là quá tin Zelensky có thể đánh bại Nga nên đã đổ tiền của vào quốc gia không thuộc diện ưu tiên của nước Mỹ. Đường lối của Hoa Kỳ xưa nay là chia rẽ thế giới để trị, đặc biệt là các nước lớn, nhưng ông Joe Biden đã làm điều ngược lại, hai đối thủ lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc đã đi chung với nhau, điều gì sẽ xảy ra với ông Joe Biden và nước Mỹ? Rõ ràng, vị trí bá quyền của Mỹ đang lung lay vào thời điểm này.

Lịch sử trong quan hệ quốc tế luôn luôn hình thành các phe đối lập trong thời chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ. Trước những năm 90 của thế kỷ trước là thế giới lưỡng cực (nghĩa là thế giới chỉ có Mỹ và Liên Xô), một nước nào đó có vấn đề với Mỹ, thì tìm đến Liên Xô làm chỗ dựa, cho nên Mỹ không làm được gì vượt quá cực đối kháng này. Nhưng sự đối đầu lưỡng cực đã kết thúc và chấm dứt vào đầu những năm 90 khi Liên Xô sụp đổ. Và từ đó, cho đến khi ông Trump nắm quyền, các đời Tổng thống Mỹ có thể tấn công bất cứ nước nào mà xét thấy đe dọa lợi ích của Mỹ, điều này đã diễn ra trong lịch sử. Điển hình là Mỹ, NATO tấn công vào Liên bang Nam Tư, làm tan rã nước này ra nhiều mảng, tấn công vào Iraq, vào Afghanistan và nhiều cuộc đảo chính lật đổ xảy ra dưới cuộc cách mạng màu ở Trung Đông và châu Âu, Mỹ-Latinh… vị thế của Mỹ là áp đảo, là cửa trên.

Nhưng kể từ khi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và khối BRICS ra đời và Trung Quốc triển khai chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, đặc biệt là khi cuộc chiến tranh Ukraine – Nga xảy ra, thì vị thế và sức mạnh của Mỹ đã bị phơi bày sự yếu kém.

Có thể nhận xét từ năm 2022, sau khi nổ ra cuộc chiến Nga – Ukraine, thế giới ở trong trạng thái đối đầu giữa hai cực. Một bên là Mỹ và phương Tây, một bên là Trung Quốc và Nga, điều này lặp lại lịch sử đối đầu giữa Liên Xô với Mỹ trước đây.

Tình hình đó đã tạo ra một sự lựa chọn của các quốc gia, hoặc là dân chủ, hoặc là chuyên chế. Và các nước yếu hơn đều có thể tìm đến sự giúp đỡ của các nước lớn khác mà không sợ Mỹ chèn ép. Trong năm 2023 vừa qua, một số quốc gia như Nicaragua, Venezuela, Bắc Triều Tiên, một số nước ở châu Phi như Nam Phi, Sudan, Niger, Gabon… các nước Ả Rập Xê Út, Iran, Syria… không chịu o ép của phương Tây và Mỹ. Họ tìm đến nước Nga, tìm đến Trung Quốc để xin trợ giúp, và khi có mặt Nga và Trung Quốc thì những sự đe dọa về quân sự, kinh tế của Mỹ và phương Tây đã giảm đi rất nhiều. Điều đó cho thấy rằng vị thế của Nga ngày càng là chỗ dựa của nhiều nước châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh, bảo vệ chủ quyền của họ.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, tháng 10/2023. Ảnh: RIA Novosti

Như vậy thấy rằng, sau 3 năm cầm quyền, ông Biden đã không cải thiện được vị thế của nước Mỹ và đã gây cho Mỹ rất nhiều tổn thất. Từ một vị thế đứng đầu, có thể quyết định được mọi vấn đề của quốc tế, đến nay đã không chi phối được tình hình quốc tế nữa, nhiều quốc gia đã quay lưng lại với Mỹ.

Về quân sự, Mỹ đã thua kém Nga trên nhiều phương diện. Về kinh tế, Trung Quốc đã trở thành một đối thủ ngang tầm của Mỹ. Hai nước Nga – Trung Quốc đã trở thành chỗ dựa về kinh tế và quân sự của các nước yếu, thoát khỏi sự kiềm chế của Mỹ. Trước đây, sau khi Liên Xô sụp đổ, với sức mạnh vượt trội, Mỹ thực hiện chính sách chia thế giới ra nhiều mảng để trị, bây giờ vị thế nước Mỹ đã suy yếu. Tình hình quan hệ quốc tế đã biến đổi, thế giới đa cực đang xuất hiện trong quá trình giải quyết các cuộc xung đột đã xảy ra nhiều năm trước đây.

Trung Quốc và Nga đang tìm cách loại bỏ vai trò và ảnh hưởng của Mỹ về chính trị, quân sự, kinh tế. Vấn đề này đang diễn ra ở châu Âu, ở Trung Đông, châu Phi. Tất cả những sự kiện tổng hợp lại cho thấy Nga và Trung Quốc đang tập trung mọi nỗ lực để định hình lại trật tự thế giới, hướng tới một thế giới đa cực. Điều đó có nghĩa là sau 3 năm ông Biden cầm quyền nước Mỹ đã mất dần vị thế độc tôn lãnh đạo thế giới.

Trong thời gian gần đây ông Biden đã nhận thức được tính chất nguy hiểm, mối đe dọa từ việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, ông đã có nhiều bước đi mà cả thế giới đang theo dõi. Mỹ đi tìm và củng cố lại đồng minh, tìm bạn bè mới từ những quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc thuộc nhóm nước có quan điểm trung lập ở các châu lục. Đặc biệt đã xuất hiện sự điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Các động thái của ông Biden, của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chủ động đến Bắc Kinh, cho thấy Mỹ đang tính toán hạ nhiệt căng thẳng, điều chỉnh chính sách từ đối đầu sang cạnh tranh, hợp tác với Trung Quốc. Hay nói cách khác là hai cường quốc này sẽ cùng đi chung con đường có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng có vẻ như Mỹ đã chủ động đi trước một bước để nối lại mối quan hệ với Trung Quốc, “Mỹ đang hạ mình để hòa giải với Trung Quốc”. Việc hai nước giảm căng thẳng, thúc đẩy hợp tác đều nằm trong tính toán của cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu như mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc được cải thiện trở lại sau thời kỳ căng thẳng thì hai bên đều có lợi về cả chính trị cũng như về kinh tế, theo đó Mỹ sẽ thực hiện ý đồ lôi kéo Trung Quốc xa rời Nga.

Trong bối cảnh hiện tại, vấn đề đáng chú ý là cả Mỹ và Trung Quốc đều hướng tới mục tiêu lãnh đạo thế giới, họ nhận thức rằng, để thực hiện mục tiêu này, chỉ có một con đường là không chống nhau, không là đối thủ loại trừ lẫn nhau, thay vào đó phải hợp tác với nhau cùng đi chung một con đường và quyền lợi cùng chia sẻ. Giới quan sát rất chú ý lời nói của ông Tập Cận Bình khi gặp mặt ông Biden tại Hội nghị APEC ở California, ngày 15/11 vừa qua: “Thế giới đủ lớn để Mỹ – Trung cùng thịnh vượng”, đây là một hàm ý rất quan trọng của Trung Quốc, nghĩa là không đối đầu nhau, không cản trở nhau. Các học giả vẫn đang nghiên cứu về câu nói này và nhận xét thái độ của các nhà ngoại giao Trung Quốc với Mỹ tại cuộc gặp này bớt căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ – Trung liệu có như ý muốn của hai nguyên thủ quốc gia không, điều này còn tùy thuộc vào tình hình biến động thế giới. Trong lúc này, không phải dễ dàng mà Trung Quốc rời nước Nga, vì hai nước này trong thời điểm đang cần nhau, bổ sung cho nhau, quan hệ rất chặt chẽ về kinh tế, chính trị và họ khẳng định “hợp tác không giới hạn” và đều thống nhất quan điểm hạ bệ vai trò siêu cường lãnh đạo của Mỹ để xây dựng thế giới đa cực, đó là những rào cản khiến Mỹ không dễ dàng thực hiện ý đồ như mong muốn. Mỹ chắc chắn hiểu rõ điều này.

Nhìn lại ba năm cầm quyền của ông Biden lành ít, dữ nhiều, khó khăn chồng chất là bắt nguồn từ hai cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông và đại dịch Covid-19, là ba năm thế giới đi vào nghèo đói, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng chính trị, suy giảm về kinh tế… Chính những suy yếu này của Mỹ đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Thế giới đang tiến đến đa cực, đó là sự mất mát lớn nhất của nước Mỹ và phương Tây, và ngày càng bộc lộ các giá trị dân chủ tự do mà Mỹ và phương Tây trước đây vẫn ca ngợi nay không còn là một biểu tượng để thế giới hướng tới.

Những năm tới đây ông Biden sẽ làm gì để khôi phục nước Mỹ. Chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC