Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tập trung cao độ vào việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, coi đây như một động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải tổ chức theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong Hội nghị này, việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu “chất lượng, tiến độ, hiệu quả”.

Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia. Ngành Giao thông Vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ – La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.

Ngành giao thông cũng hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án quan trọng như nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và đặc biệt lần đầu tiên ngành tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía đông với 12 dự án thành phần.

Tính đến 31/12/2022, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân lên đến 47.905 tỷ, đạt khoảng 87% kế hoạch, cao hơn mức bình quân cả nước khoảng hơn 75%. Ngành cũng phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là khoảng 94.161 tỷ đồng.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam thuộc danh mục dự án quan trọng quốc gia. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa đề xuất danh mục dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến Danh mục dự án quan trọng quốc gia gồm tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các vành đai đô thị và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; các quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.

Theo đề xuất này, đến năm 2030, trong lĩnh vực đường bộ, ngành Giao thông vận tải đặt mục tiêu đạt khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2.763,8 triệu tấn (62,80% thị phần), hành khách đạt khoảng 9.430 triệu khách (90,16% thị phần).

Theo kế hoạch và quyết tâm của Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, từng bước nâng cấp các quốc lộ, trong đó cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại I; kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại II, sân bay quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại II trở xuống. Phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Đây là một kế hoạch lớn có khả năng thay đổi diện mạo nền giao thông quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ ngành logistic, xuất khẩu, thương mại hàng hoá cũng như du lịch, góp phần rất quan trọng giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư nước ngoài. Với kế hoạch trên, theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 vào khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành.

Ngoài vận tải đường bộ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng đang được đề xuất lại, dự kiến là điểm đột phá trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, làm thay đổi cơ cấu thị phần của các chuyên ngành vận tải. Tuyến đường sắt tốc độ cao được đề xuất có tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/giờ, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỉ USD. Đây là dự án dài hơi sẽ thay đổi căn bản nền giao thông quốc gia, giúp kéo giảm thời gian và chi phí logistic, trong tương lai là động lực phát triển của đất nước.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ nhận định, giao thông vận tải có vai trò truyền thống “đi trước mở đường”. Giao thông dẫn dắt và thúc đẩy kinh tế. Khai thông được sự ách tắc trong việc chậm triển khai hạ tầng giao thông sẽ mở đường cho nhiều ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn, từ đó góp phần tăng GDP quốc gia. Muốn làm được điều này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt.

Thứ nhất, ngành giao thông vận tải cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý và chính sách đầu tư cho các công trình giao thông trên tinh thần đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội vào ngành giao thông. Chi phí cho phát triển giao thông là khổng lồ và nguồn ngân sách từ nhà nước không bao giờ đủ. Kêu gọi sự tham gia của tư nhân và cộng đồng cùng đầu tư là con đường dài hạn để mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị ngành Giao thông và các địa phương xem xét: “những việc, lĩnh vực mà nhân dân và xã hội làm được và làm tốt thì khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công tư”. Thủ tướng đã đề nghị khuyến khích hợp tác công tư trong xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm như nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường bộ cao tốc, kết nối các vùng trong nước và với các nước lân cận.

Thứ hai, cần sự phối hợp có hiệu quả giữa ngành Giao thông vận tải với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch; xây dựng, triển khai các dự án nhất là trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông. Việc chậm giải ngân phần nhiều do sự thiếu phối hợp và vướng mắc về thể chế này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác phân cấp, phân quyền, nhất là những nội dung còn chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tháo gỡ nút thắt này sẽ thúc đẩy việc triển khai nhanh mạnh các dự án giao thông đã đề ra.

Thứ ba, cần tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng các công trình, dự án; không để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án nhưng cũng có những hình thức khen thưởng kịp thời để cổ vũ, động viên những tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ tư, cần thực hiện tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình giao thông lớn. Đây cũng là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp bởi có tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân. Chính vì thế, phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho nhân dân một cách hợp lý, đúng pháp luật, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần được ưu tiên thực hiện trong năm 2023 và phát triển giao thông phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là nền tảng quan trọng để Việt Nam vững bước trên con đường trở thành nước phát triển vào năm 2045 theo kỳ vọng của Đại hội Đảng vừa qua.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC