Tháng 5 là tháng ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mở đầu tháng 5 là ngày Quốc tế Lao động 1/5 – ngày lễ kỷ niệm của phong trào công nhân quốc tế và tôn vinh người lao động. Ở Việt Nam, tháng 5 bắt đầu với dư âm chiến thắng của ngày Giải phóng miền Nam 30/4, hoà cùng niềm vui hân hoan của giai cấp công nhân toàn thế giới. Tháng 5 cũng chứng kiến thắng lợi vang dội của quân và dân ta trên mặt trận Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954. Đặc biệt, tháng 5 còn có ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại mà dân tộc Việt Nam đời đời yêu kính, vào ngày 19/5. Tất cả những sự kiện lịch sử này đã khiến tháng 5 trở thành tháng của lao động và chiến thắng, tháng của những gian lao, vất vả sau cùng đã hái được quả ngọt, chạm đến đỉnh vinh quang. Giữa không khí mùa hè hối hả, sôi động, ta được dịp ôn lại những tháng 5 hào hùng đã qua của Việt Nam và thế giới, từ đó suy ngẫm về những tháng 5 sắp tới trong tương lai…

Diễu hành chào mừng ngày Quốc tế Lao động tại thành phố New York, ngày 1/5/1909. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

1. Tháng 5 và Ngày Quốc tế lao động (1/5)

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày lễ chung của người lao động trên toàn thế giới. Đây cũng được xem là dịp nghỉ lễ của hầu hết các quốc gia, khi chính quyền các nước, các tổ chức công đoàn tại các địa phương, nhà máy, xí nghiệp…. đều tổ chức những hoạt động ý nghĩa để nâng cao nhận thức về giá trị lao động, tôn vinh người lao động và thực hiện những cam kết đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ.

Lịch sử của ngày 1 tháng 5 là lịch sử được viết nên từ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những người công nhân đã đứng lên đấu tranh, chống lại áp bức, bất công của giới tư bản. Cụ thể, vào ngày 01/5/1886, các công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia các cuộc bãi công, mít tinh, biểu tình… nhằm gây áp lực, buộc giới chủ thực hiện những yêu sách về việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại  các xí nghiệp, nhà xưởng. Cuộc bãi công đầu tiên nổ ra tại thành phố Chicago với sự tham gia của khoảng 40 nghìn công nhân. Họ đi khắp thành phố, hô vang khẩu hiệu đòi “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”. Làn sóng này đã nhanh chóng lan sang các trung tâm công nghiệp khác trên toàn nước Mỹ. Ước tính đã có khoảng 5.000 cuộc bãi công và 340 nghìn công nhân tham gia. Mặc dù các cuộc biểu tình đều bị đàn áp nặng nề, hàng nghìn công nhân thiệt mạng và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn đã bị bắt giữ… song cuối cùng, giới chủ tại Mĩ cũng phải chấp nhận các yêu sách của công nhân.

Kết quả là Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ đã được tổ chức tại thành phố Chicago, và thông qua nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Ba năm sau sự kiện chấn động của giới công nhân Mỹ, vào ngày 20/6/1889, dưới sự chỉ đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II tại Paris đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản và giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Kể từ năm 1889 đến nay, người lao động khắp nơi đều tổ chức kỉ niệm ngày lễ trọng đại này, và xem nó như một thắng lợi đầu tiên mở màn cho cuộc cách mạng vô sản quốc tế. Đây cũng là một ngày lễ đặc biệt với các nước xã hội chủ nghĩa, bởi nó một lần nữa củng cố và minh chứng cho tính tất yếu của việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, hướng đến một thế giới bình đẳng, công bằng, dân chủ, văn minh.

Ngày 1 tháng 5 hàng năm chính là dịp để nhắc nhở mỗi con người về ý nghĩa và giá trị của lao động, đi kèm với đó là những quyền lợi chính đáng mà người lao động phải được đảm bảo trong một xã hội không có áp bức, bất công. Khái niệm “người lao động” giờ đây không chỉ giới hạn trong một phạm vi hạn hẹp là giai cấp công nhân, những người tạo ra của cải, vật chất cho xã hội thông qua các hoạt động chân tay, mà còn được mở rộng tới cả giới trí thức – những người lao động trí óc, sử dụng trí tuệ của mình để đóng góp vào hoạt động sản xuất, kiến tạo các giá trị tinh thần. Từ những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày cho đến các tác phẩm nghệ thuật, những phát minh khoa học, công nghệ… tất cả đều đạt được nhờ sức lao động của con người. Nó chính là sự kết tinh của ý chí phấn đấu, tinh thần sáng tạo, tài năng và một sự bền bỉ, nỗ lực không ngừng qua từng tháng năm.

Có thể nói, ý nghĩa của lao động vừa nằm ở các sản phẩm mà con người tạo ra cho xã hội, vừa nằm ở chính những giá trị mà sản phẩm đó đem lại cho bản thân người lao động. Đó là sự khai phá những tiềm năng mới, thu thập những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm mới của mỗi cá nhân trong suốt quá trình lao động. Đó cũng là sức khoẻ được nâng cao, các giá trị cộng đồng cùng tinh thần đoàn kết được củng cố, và nguồn thu nhập cũng tăng lên nhờ chính những cống hiến trong công việc. Ở cấp độ vĩ mô hơn, lao động của cả một đất nước, một dân tộc còn là con đường chống áp lại ách bức, bóc lột trong chiến tranh, và là động lực để xây dựng, kiến thiết quốc gia trong thời bình.

Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định ngày Quốc tế Lao động 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta (Ảnh tư liệu)

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 cũng là một ngày lễ quan trọng ở Việt Nam, bởi nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Marx – tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho sự phát triển của dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, giai cấp lao động đã trở thành giai cấp lãnh đạo đất nước. Do đó, giá trị lao động luôn được người Việt Nam đề cao, tinh thần lao động cũng chính là nền tảng, động lực quan trọng nhất cho công cuộc bảo vệ và xây dựng quốc gia. Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà – nhà nước hiện đại đầu tiên đến nay, mỗi người dân Việt đều được định hướng, giáo dục về tư tưởng, tác phong, và tinh thần kỉ luật của người lao động, đồng thời trang bị những kiến thức, kĩ năng căn bản để có thể tham gia vào thị trường lao động.

Quyền lợi của người lao động Việt Nam cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Người lao động được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản, thiết yếu về an sinh; đồng thời tạo điều kiện, giúp người lao động trau dồi, học tập, nâng cao tay nghề, trình độ của mình để cống hiến những giá trị tích cực, bền vững cho đất nước.

Không những thế, Đảng và Nhà nước cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các tập thể và cá nhân tiêu biểu, những tấm gương lao động điển hình, có đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Hàng năm, Nhà nước đều trao tặng các danh hiệu Anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua cho những điển hình lao động tiên tiến, có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh, thương mại, giáo dục, y tế, văn hoá – nghệ thuật… Sự ghi nhận này của Nhà nước đã góp phần khích lệ tinh thần người lao động, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển quốc gia.

Do đó, ngày Quốc tế Lao động 1/5 luôn là một ngày lễ trọng đại đối với mọi người Việt Nam – những người lao động đã và đang cống hiến mỗi ngày cho sự nghiệp kiến thiết đất nước.

2. Tháng 5 và những ngày lễ đặc biệt của Việt Nam

Tháng 5 không chỉ là tháng của người lao động trên toàn thế giới, mà còn là một tháng đặc biệt, diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với người Việt Nam. Đi lên từ một đất nước chiến tranh, chịu ách đô hộ của thực dân, đế quốc, những người nông dân, công nhân Việt Nam ta đã quy tụ thành một lực lượng Cách mạng lớn mạnh, đoàn kết chống lại tư bản xâm lược, lập ra Nhà nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân làm chủ. Đây là cả một hành trình kéo dài suốt gần một thể kỉ, với biết bao mất mát, hi sinh, song cuối cùng cũng khép lại bằng những chiến thắng vang dội, không thể nào quên trong lịch sử dân tộc và cả thế giới. Hai chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đều diễn ra vào cùng một thời điểm, đó chính là tháng 5.

Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ chiến thắng trên nóc trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Roman Karmen/Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Trước hết, phải kể đến chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954. Đây là một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, không những trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà còn được ghi nhận như một sự kiện quan trọng của lịch sử thế giới thế kỉ XX. Lúc bấy giờ, chiến thắng này có tính chất quyết định, giúp Việt Nam giành được thế chủ động trên chiến trường và buộc thực dân Pháp phải ngồi vào vòng đàm phán tại Thuỵ Sĩ, đi đến kí kết Hiệp định Geneve vào tháng 7/1954. Với chiến thắng quyết định ấy, đất nước Việt Nam chính thức khép lại cuộc chiến tranh vệ quốc trường kì trong tư cách bên thắng cuộc, mở ra một chặng đường mới cho dân tộc Việt Nam.

Hơn 20 năm sau, cũng vào tháng 5, một lần nữa chúng ta lại được ca khúc khải hoàn cho một chiến thắng lịch sử diễn ra vào năm 1975. Đó là  ngày 30 tháng 4, mùng 1 tháng 5 – Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kháng chiến chống Mĩ vốn được thế giới đánh giá là cuộc chiến có quy mô và mức độ sát thương cao nhất thế kỉ XX, cuối cùng cũng đã chấm dứt khi lá cờ của quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1075. Tiếp sau đó, vào ngày 1/5, đất nước ta chính thức bước vào kỉ nguyên hoà bình, thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh. Với ý nghĩa đó, ngày 1/5 đã trở thành ngày kỉ niệm kết thúc chiến tranh, tuyên bố giải phóng, thống nhất đất nước. Hàng triệu con người và hàng triệu trái tim đều hoà chung một niềm vui chiến thắng. Kể từ tháng 5 này, cả dân tộc Việt Nam chính thức bước sang một trang sử mới, sau gần một thế kỉ chờ đợi. Đó là thời kì hoà bình, xây dựng đất nước trở thành một cái tên độc lập trên bản đồ thế giới.

Để có được hai chiến thắng vĩ đại nói trên, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phải tham gia lao động và chiến đấu, đóng góp sức mình trên mọi mặt trận, từ quốc phòng, an ninh, ngoại giao cho tới kinh tế, văn hoá… Bên cạnh những chiến sĩ không quản gian nguy, ngày đêm xông pha nơi chiến trường ác liệt, những công nhân, nông dân cũng tích cực tăng gia sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc chi viện, tiếp lửa cho kháng chiến. Hai dấu mốc lịch sử ấy sẽ còn ghi tạc mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, mỗi khi tháng 5 về. Bởi vào dịp này, chúng ta tự hào có 3 ngày lễ trọng đại để tri ân những đôi bàn tay và khối óc lao động, tinh thần chiến đấu của thế hệ cha anh, giữa những ngày tháng gian lao mà vinh quang nhất của cả dân tộc.

Đối với người Việt Nam và đông đảo bạn bè quốc tế, tháng 5 còn là dịp kỉ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) – vị lãnh tụ vĩ đại và cũng là tấm gương điển hình về sự lao động cần mẫn, suốt đời phụng sự Tổ quốc, Nhân dân.

Xuất thân từ một gia đình Nho học nghèo, chàng thanh niên Nguyễn Sinh Cung đã sớm thấm thía nỗi đau mất nước và cả nỗi khốn cùng của tầng lớp cần lao dưới đáy xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Biến đau thương thành hành động, Người quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, làm đủ mọi nghề nghiệp để sau cùng mang ánh sáng của lí tưởng Cộng sản về cho dân tộc Việt Nam. Theo khảo sát sơ bộ của các nhà nghiên cứu, trong hành trình gần 20 năm bôn ba cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trải qua 20 công việc, nghề nghiệp khác nhau, từ nông dân, công nhân, thợ thuyền cho đến thương gia, trí thức… Có thể nói, chính trí tuệ mẫn tiệp, sức lao động kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn và nỗi thương dân sâu sắc, đã giúp Người vượt mọi sóng gió, hiểm nguy, gian khổ, quyết tâm tìm được nguồn sáng cho dân tộc mình.

Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba, xin làm một chân phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville, rời cảng Sài Gòn đến Marseille, Pháp. Các tài liệu và nghiên cứu lịch sử đã ghi chép lại rằng: “Với chân phụ bếp trên tàu, hằng ngày Văn Ba phải làm việc từ 4 giờ sáng, quét dọn nhà bếp lớn, sau đó đi đốt lò khuân than, xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá. Trong bếp rất nóng, dưới hầm rất lạnh. Văn Ba phải vác nặng từ dưới trèo lên những bậc thang khi tàu luôn tròng trành vì sóng biển. Ngoài ra, anh còn phải dọn dẹp cho chủ bếp người Pháp ăn, rồi nhặt rau, rửa xoong chảo, đốt lò lại. Nhà bếp nấu ăn cho hàng trăm người nên đồ dùng rất to và nặng. Công việc vất vả bận rộn suốt ngày đến 9h tối mới xong. Mỗi tháng chủ tàu trả cho Văn Ba 45 franc là hạng tiền công rẻ mạt”.

Sau đó, Văn Ba – Nguyễn Tất Thành tiếp tục làm vườn cho chủ tàu Latouche Tréville khi tàu dừng ở Saint–Adresse, Havre (năm 1912), do Người không muốn trở về Đông Dương như những nhân viên khác, mà muốn ở lại Pháp. Cũng trong năm này, chàng thanh niên Văn Ba tiếp tục làm thủy thủ, bồi bếp trên tàu biển qua châu Phi (năm 1912), rồi đi ở, làm bồi bàn khi tàu đến nước Mỹ (từ năm 1912 đến năm 1913). Năm 1913, Văn Ba tiếp tục hành trình của mình tại London, Anh với nghề đốt lò, cào tuyết, và cả phụ bếp ở các khách sạn như Drayton Court, Carlton. Những năm 1924 – 1929, Người làm phiên dịch, phóng viên, bán báo, bán thuốc lá và làm giáo viên lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc; đồng thời làm vườn, chơm cá, bốc thuốc, đi buôn… ở Thái Lan. Xuyên suốt khoảng thời gian ở Pháp cho đến tận khi trở về nước, Nguyễn Ái Quốc còn làm báo và hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, và Người chính là hình mẫu lao động, cống hiến, hi sinh hết mình cho đất nước, mà biết bao thế hệ người Việt vẫn luôn ra sức rèn luyện, học tập và noi theo. Hơn thế nữa, Người đã có công sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người dành cả cuộc đời để lãnh đạo dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ; từ đó mới có được non sông Việt Nam hoà bình, độc lập như ngày hôm nay.

Tháng 5 là tháng của lao động và vinh quang, cũng là tháng kỉ niệm ngày đất nước sinh ra một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của giai cấp cần lao, mà những giá trị Người để lại vẫn còn ghi dấu trong sự nghiệp của chúng ta mãi mãi. Ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá, sự nghiêm túc, chuyên tâm và lòng nhiệt thành của Người trong mọi công việc, ở mọi vị trí, đặc biệt với vai trò một nhà lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân, chính là cái đích phấn đấu cho mỗi người lao động Việt Nam, bất kể thuộc nghề nghiệp, lĩnh vực nào.

3. Tháng 5 – tiếp nối tinh thần lao động và chiến thắng

Chúng ta đang sống giữa thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin. Các lĩnh vực khoa học ngày càng đạt được nhiều thành tựu lớn, giúp cuộc sống con người trở nên tiện nghi, văn minh hơn. Đây chính là thành quả của hàng nghìn năm lao động bền bỉ và không ngừng sáng tạo của cả nhân loại. Nó chứng tỏ tầm quan trọng và những giá trị không đổi mà lao động đem đến cho con người.

Tuy nhiên, chính những tiện ích hiện đại cũng khiến nhiều người nảy sinh lối sống chây ỳ, hưởng lạc, lười lao động, hay những người chỉ muốn kiếm tiền nhanh chóng bằng các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp hơn… Đặc biệt, con người cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI). Có thể nói, chính vào thời điểm này, giá trị của ngày Quốc tế Lao động nói riêng và tinh thần lao động nói chung, lại càng phải được củng cố và nâng cao trong nhận thức của mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc. Ngày lễ Lao động nhắc nhở chúng ta rằng, giá trị đích thực của việc làm người chỉ được kiểm chứng thông qua lao động. Chính nhờ có lao động, sáng tạo không ngừng, con người mới có thể vượt lên các giống loài, sinh vật khác để kiến tạo thế giới hiện đại hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1965 (Ảnh tư liệu)

Rõ ràng, đến nay chúng ta vẫn chưa khám phá được AI có thể phát triển đến đâu. Nhưng có một điều chắc chắn rằng các tiềm năng của con người cũng luôn là một ẩn số chưa được khai phá hết. Thực tế đã chứng minh, con người hoàn toàn có thể đi xa hơn nữa, vượt lên chính bản thân mình để làm được những điều phi thường. Và điều ấy chỉ thực hiện được trong quá trình lao động. Do đó, dẫu công nghệ phát triển nhanh chóng, nhưng lao động của con người vẫn chứa đựng những sức mạnh vượt trội hơn cả. Nó là kết tinh của ý thức, suy nghĩ, tình cảm, những kinh nghiệm, kĩ năng đã đạt đến mức độ tinh xảo, phức tạp mà robot, máy móc không thể thay thế. Thậm chí, bằng quá trình lao động bền bỉ của nhiều thế hệ, con người đã phát minh ra trí tuệ nhân tạo và điều khiển chúng để thu được những thành tựu như ngày hôm nay.

Song bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng, nguy cơ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo là hoàn toàn khả dĩ, nếu con người ỷ lại vào công nghệ và ngừng lao động. Bởi lẽ, lao động chân tay hay lao động trí óc nếu muốn đạt đến trình độ điêu luyện, tạo ra những sản phẩm mà máy móc không làm được, thì đều đòi hỏi sự nỗ lực, học hỏi và sáng tạo không ngừng từ chính những người lao động. Những công việc giản đơn, yêu cầu thấp về kĩ năng, kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, chắc chắn sẽ sớm bị thải loại, cho robot đã thực hiện được các tác vụ này. Bởi vậy, giữa thời đại ngày nay, người Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ, cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thông qua lao động, để hình thành nên những giá trị đích riêng của bản thân. Bên cạnh đó, tình yêu lao động và tinh thần hăng say sáng tạo, không ngừng học hỏi, trau dồi những kiến thức, kĩ năng mới, chắc chắn sẽ là đòn bẩy tốt nhất cho mỗi cá nhân tiến xa hơn nữa trên hành trình lao động của mình.

Tháng 5 – tháng của lao động và chiến thắng. Hoà chung không khí với ngày Quốc tế Lao động trên toàn thế giới, người dân Việt Nam còn được sống lại những kí ức gian lao mà vinh quang của dân tộc một thời, qua hai chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và ngày Giải phóng, thống nhất đất nước (30/4 – 1/5/1975). Không những thế, cũng vào tháng 5 này, đất nước ta còn tự hào vì đã sản sinh ra một nhà lãnh đạo, một tấm gương lao động vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau bao năm bôn ba trên khắp thế giới, Người đã mang về cho nhân dân ta ánh sáng của chủ nghĩa khoa học Cộng sản, và gieo xuống đất nước Việt Nam những hạt mầm đầu tiên của hoà bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc. Tinh thần lao động và nhiệt huyết Cách mạng của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta hôm nay, và sẽ luôn là kim chỉ nam cho mọi thế hệ người Việt Nam trên con đường dựng xây, phát triển đất nước sau này…■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC