Việt Nam đã kiểm soát sớm dịch bệnh Covid-19, chuyển hướng nhanh sang phục hồi kinh tế. Đây được coi là thần kỳ trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch. Thế giới nhìn Việt Nam là một điểm sáng đáng khâm phục và mới đây báo Mỹ đã xếp Việt Nam đứng vị trí thứ nhất trong số các quốc gia đã kiểm soát tốt nhất Covid-19. Việt Nam hiện là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam tháng 5 năm 2020, ngân hàng thế giới (WB) nhận xét Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và duy trì được những thành tích đáng nể trên phương diện kinh tế đối ngoại, giữ tương đối vững kim ngạch xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á và Mỹ coi Việt Nam là một đối tác tin cậy về chống dịch Covid-19 và hợp tác phát triển kinh tế sau đại dịch.

Chính phủ Việt Nam đã nắm bắt được vấn đề này và coi đây là một cơ hội để đón chuỗi cung ứng và vốn của các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU chuyển dịch khỏi Trung Quốc để phục hồi nhanh nền kinh tế. Cuộc họp giữa chính phủ với các doanh nghiệp tháng 5 năm 2020 đã minh chứng điều này. Cuộc họp quan trọng này đã mở ra một bước mới về tư duy kinh tế và khẳng định nhiều giải pháp mang tính chất quốc gia để tháo dỡ những rào cản doanh nghiệp như cải cách các thủ tục hành chính, phê duyệt các dự án, các chính sách đầu tư, chính sách về vốn, thuế, các thủ tục giải quyết đầu tư công… Chính phủ cũng xác định trách nhiệm của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ các cơ quan công quyền, xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp…


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản

Sau Hội nghị của Chính phủ và qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, chúng ta đều có chung nhận thức Việt Nam đang có cơ hội lớn để khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp lớn) còn hoài nghi tính hiện thực từ những quyết sách của Chính phủ. Họ cho rằng đây không phải là lần đầu Chính phủ tổ chức các cuộc họp với doanh nghiệp. Trong các cuộc họp trước đây, những giải pháp, tháo dỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được đề cập đến. Song chuyển biến trong thực tế còn rất nhiều khó khăn và chậm trễ. Nguyên nhân của sự khó khăn chậm trễ không phải từ Chính phủ và cũng không phải do các doanh nghiệp không muốn mở rộng sản xuất, mà chính là do hành lang pháp lý, thủ tục hành chính, cơ chế chính sách chuyển biến chậm, và cán bộ thừa hành ở cơ sở ứng xử rất tiêu cực với doanh nghiệp, nhất là cán bộ ở các Bộ, ban ngành của tỉnh, cấp huyện và xã phường.

Ví dụ làm một dự án về điện gió, hoặc điện mặt trời phải mất tới 3 năm để giải quyết các thủ tục với Bộ Công Thương, cơ quan quản lý môi trường, đầu tư, và cơ quan quản lý cấp tỉnh, thành phố… Doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian và vật chất mới trình được dự án lên được chính phủ, các quy trình thẩm định của chính phủ cũng phải mất nhiều tháng. Nếu được Thủ tướng phê duyệt, một dự án phải mất 3 đến 4 năm, tiếp đó là việc giải quyết mặt bằng để thi công cũng là một vấn đề phức tạp do các quy định về giá đất đền bù không ổn định dẫn đến sự xung đột giữa người sử dụng đất với lực lượng giải tỏa thu hồi đất làm dự án, có khi mất hàng năm cũng không giải quyết được, như dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án làm đường đã xảy ra.

Hiện nay các doanh nghiệp đều biết rất rõ tình trạng giữa luật với nghị định và thông tư hướng dẫn của mỗi Bộ có nhiều điểm mâu thuẫn nhau trong cùng một vấn đề, các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian làm việc với từng Bộ để tháo gỡ. Những năm vừa qua, Chính phủ đã rà soát điều chỉnh, sửa đổi nhiều nhưng vẫn còn nhiều rào cản từ các quy định của Chính phủ cũng như của các Bộ. Nhiều doanh nghiệp đã phát biểu không cần nhà nước hỗ trợ về vốn mà cần Chính phủ cho cơ chế để doanh nghiệp hoạt động. Đó là những đòi hỏi rất thực tế. Một dự án từ khi lập đến khi được phê duyệt phải mất 4-5 năm thì cơ hội không còn nữa. Đó là nguyên nhân gây nên sự chậm trễ đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay. Đó cũng là nỗi lo của doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai là các doanh nghiệp lo ngại về cán bộ thực thi công vụ. Khi giải quyết xong được các thủ tục ở cấp Trung ương, các doanh nghiệp vấp nhiều trở ngại với các cán bộ ở cấp Bộ và địa phương. Các doanh nghiệp đều hiểu một điều là nếu không có một khoản chi phí ngoài luồng nào đó thì sẽ bị làm khó dễ. Trong 2 năm gần đây, Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt, bước đầu đã có chuyển biến một bước, song tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp ở cơ sở từ xã, phường đến các cơ quan quận, huyện, tỉnh, thành phố vẫn còn rất nặng nề. Dự án lớn thì chi phí lớn, dự án nhỏ thì chi phí nhỏ. Từ kinh doanh nhà hàng tới kinh doanh xuất nhập khẩu, mọi doanh nghiệp cũng đều phải theo “luật” thì mới xong. Các hoạt động bảo kê hoặc bị xã hội đen áp đảo, bắt nộp phí xảy ra ở nhiều địa phương, khiến cho nhiều doanh nghiệp bức xúc. Vì vậy việc quan tâm củng cố, xây dựng đạo đức cho cán bộ trong bộ máy chính quyền cơ sở là nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước. Các doanh nghiệp và nhân dân rất ủng hộ chỉ thị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về lựa chọn cán bộ vào các chức vụ của Đảng, chính quyền, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp sắp tới. Họ phải là người hết lòng phụng sự cho đất nước. Họ phải là tấm gương về đạo đức, lối sống, được quần chúng tín nhiệm. Các doanh nghiệp đều biết và hiểu rất rõ những kẻ vòi vĩnh ăn tiền đút lót của doanh nghiệp. Nhưng họ chưa dám nói ra vì những kẻ đó đang nắm quyền lực, nên cam chịu mất tiền mà được việc còn hơn nói ra sẽ bị thiệt hại hơn, đã ăn sâu vào quan hệ của doanh nghiệp với những cán bộ thừa hành và đã trở thành một quy trình làm ăn của các doanh nghiệp từ nhiều năm rồi. Đó là thực trạng tiêu cực báo chí vẫn nói tới hiện nay. Các doanh nghiệp rất muốn phanh phui các vụ tiêu cực tham nhũng ở cấp cơ sở. Nếu thấy các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thì nhất định họ sẽ cung cấp thông tin cho Đảng, Chính phủ với điều kiện họ được an toàn, không bị bọn xấu trả thù.

Chúng ta không thể có tình trạng trên thông dưới tắc, trên nóng dưới lạnh. Vì vậy, khai thông sự bế tắc tiêu cực ở cấp thừa hành và chính quyền cơ sở vào lúc này là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của Đảng và Nhà nước, làm được điều này sẽ tháo gỡ cho doanh nghiệp những khó khăn lâu nay họ gặp phải, tạo được động lực to lớn cho phát triển đất nước.

Một vấn đề quan trọng nữa là thực hiện chủ trương của chính phủ đón nhận các chuỗi cung ứng của nước ngoài chuyển dịch vào nước ta như thế nào?

Cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung đã dẫn đến khả năng các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ và châu Âu rời khỏi thị trường Trung Quốc.  Khi xảy ra đại dịch Covid-19, mâu thuẫn Mỹ-Trung đi đến đỉnh điểm, Mỹ kêu gọi đồng minh, quyết định rút chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc vừa là để trừng phạt Trung Quốc, vừa thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, vừa để đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro cho Mỹ, trong đó có chuỗi cung ứng thuốc gốc, nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử… Chính quyền Trump đang ráo riết phối hợp Úc, Ấn Độ, Nhật và một số nước châu Á, thúc đẩy sáng kiến này. Việc chuyển dịch sản xuất này sẽ đi về đâu? Ngoài chuyển về nội bộ nhóm bốn nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn, nhiều khả năng dòng vốn này sẽ đến một số nước châu Á, trong đó Việt Nam được nhìn nhận có nhiều ưu thế nhất trong bối cảnh đại dịch đang khó kiểm soát ở nhiều nước.

Đảng và Chính phủ đã nhận định đây là cơ hội lớn để đón nhận đầu tư từ các doanh nghiệp lớn, có công nghệ cao đầu tư vào nước ta, giúp Việt Nam phục hồi và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội vàng này trong điều kiện hoàn cảnh của nước ta lúc này nhận thấy không dễ dàng. Chúng ta đều biết các tập đoàn sản xuất ở Trung Quốc cung ứng cho nước Mỹ và châu Âu đều là những tập đoàn lớn, công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới. Họ đòi hỏi môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng tốt và một số lượng lớn công nhân tay nghề rất cao. Khi họ chấm dứt sản xuất để chuyển đến một nước nào đó thì quốc gia đó phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản bằng hoặc gần bằng Trung Quốc, trong đó đặc biệt là một số yếu tố như: (1) Thủ tục tiếp nhận đầu tư phải nhanh chóng; (2) Các chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài phải rõ ràng, minh bạch (chưa kể đòi được ưu tiên đủ thứ); (3) Cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được việc sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa; (4) Nguồn nhân lực đáp ứng được sản xuất công nghệ cao; (5) An ninh và an toàn đảm bảo trong dài hạn.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam là một trong số nước tiếp nhận nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài FDI nên nước ta cũng có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy còn nhiều vấn đề hiện đang gặp khó khăn giữa chính phủ ta với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài theo các yếu tố như nói ở trên. Do những vấn đề còn tồn tại như vậy, sự chuyển dịch chuỗi sản xuất lớn từ Trung Quốc vào nước ta là một thử thách rất lớn.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào một nước nào đó đều tìm hiểu kỹ càng về tình hình của quốc gia đó. Đối với nước ta, các nhà đầu tư đều đánh giá tốt về môi trường đầu tư xét về vị trí địa lý, sự ổn định và cởi mở  của chính phủ, an ninh, về tài nguyên và nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt sự tín nhiệm của các nước với Việt Nam qua chống dịch Covid-19. Đó là những đánh giá chung. Nhưng đi vào cụ thể thì các điều kiện để đón nhận đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn của nước ta chắc chắn sẽ không bằng sự chuẩn bị của Trung Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài có dự định đầu tư cũng biết thực trạng này.

Vì vậy, trong lúc này, Việt Nam cần tăng tốc chuẩn bị các điều kiện cho các nhà đầu tư, trước hết là cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính xét duyệt dự án, các cơ chế chính sách cần bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, lên quy hoạch phát triển các vùng miền để xây dựng các khu công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia với cơ sở hạ tầng đồng bộ và các cảng biển phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa. Nguồn nhân lực có tay nghề cao vẫn thiếu nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ. Chúng ta cần gấp rút đào tạo lực lượng lao động trẻ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt giáo dục đạo đức, văn hóa lao động cho lực lượng công nhân Việt Nam làm việc cho các nhà máy xí nghiệp của nước ngoài (tình trạng công nhân ăn cắp nhiều vật tư linh kiện của nhà máy bán ra thị trường xảy ra ở nhiều nơi. Ví dụ, nhà máy Samsung của Hàn Quốc ở Bắc Ninh phát hiện bị mất rất nhiều linh kiện điện tử do công nhân Việt Nam làm trong nhà máy lấy cắp bán ra thị trường). Vấn đề này nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đầu tư nước ngoài và giá trị văn hóa đạo đức của người Việt Nam.

Có thể nói thời điểm này rất thuận lợi để Việt Nam điều chỉnh chiến lược phát triển quốc gia, tạo ra nguồn nội lực to lớn của đất nước tiếp nhận trí tuệ và nguồn lực từ bên ngoài để làm giàu cho đất nước. Song không nên chỉ nhìn từ những nhân tố được cho là thuận lợi mà quan trọng hơn là phải nhận biết được mối quan hệ phức tạp trong quan hệ quốc tế đang diễn ra trong thời đại dịch Covid-19. Ngay trước đại dịch, hệ thống thương mại mở của thế giới đã bị tổn thương nặng nề bởi khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018-2019. Đại dịch Covid-19 càng khiến các quốc gia áp dụng mạnh lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới, hạn chế mọi hoạt động giao thương quốc tế. Nửa đầu năm 2020, quan hệ quốc tế bị thu hẹp, đa số các chuyến bay quốc tế ngừng hoạt động, xuất khẩu, đầu tư bị gián đoạn, hoạt động tài chính ngân hàng bị co lại… Quá trình toàn cầu hoá chậm lại đã rõ ràng hơn và thậm chí bị đe dọa tan rã. Xu hướng hướng nội của các quốc gia ngày càng tăng. Nền kinh tế thế giới đình trệ và đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Cả thế giới bế quan cũng là lúc Việt Nam phải tranh thủ củng cố nội lực của  mình, có cơ hội lựa chọn đối tác, chủ động làm mạnh thêm các mối quan hệ song phương trước đã.

Cũng cần lưu ý là quan hệ Mỹ – Trung khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay cũng không hẳn đã là cơ hội hoàn toàn thuận lợi cho Việt Nam. Covid-19 đe doạ khả năng trúng cử Tổng thống của Trump nên ông này đang khởi động lại cuộc chiến với Trung Quốc và làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu Mỹ – Trung. Trump tìm mọi cách đổ tội cho Trung Quốc, đặc biệt vận động các nước chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Cần nhìn nhận việc chống Trung Quốc không phải là giải pháp phát triển kinh tế tổng thể của Mỹ mà chỉ là đòn chính trị nhằm đẩy áp lực trong nước Mỹ ra bên ngoài. Vì thế, việc tham gia vào quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng này cần được thực hiện với sự khéo léo để đảm bảo vấn đề thuần tuý kinh tế không bị hiểu lầm thành vấn đề chính trị. Nếu cân nhắc không đầy đủ, tham gia vào chuỗi chuyển dịch cung ứng sẽ bị vu cho là theo bên này chống bên kia. Chính vì thế, đây đúng là cơ hội cho Việt Nam nhưng không hẳn đã thuận lợi mà còn nhiều tồn tại phức tạp.

Để phát triển đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới trong cả năm 2020 cũng khó phục hồi, Việt Nam phải tranh thủ cải cách nội bộ để phát huy nội lực của mình, lựa chọn cân nhắc cái gì có lợi nhất, không biến quốc gia thành nơi nhận làm thuê hoặc tiếp nhận công nghệ lạc hậu làm hại môi trường. Đặc biệt, chú ý phát  triển kinh tế nhưng không làm tổn hại những mối quan hệ có tính chất lâu dài với các nước, không để bị coi là kẻ trục lợi trong đại dịch. Để làm việc này, Chính phủ cần có cơ quan đặc trách để thực thi nhiệm vụ này. Cơ quan này cần tiếp nhận thông tin, xây dựng một chiến lược Hội nhập trong thời gian tới để tham mưu cho chính phủ, đặc biệt lựa chọn tiếp thu nguồn vốn nước ngoài nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho đất  nước.■

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC