Hội nghị G20 diễn ra tháng 9 năm 2023 tại Ấn Độ đã kết thúc và đạt được một tuyên bố chung sau 200 giờ đàm phán, 300 cuộc họp và 15 dự thảo. Đây là một trong những hội nghị phức tạp nhất bởi các bên không thể đồng thuận về cách đề cập vấn đề Ukraine trong tuyên bố chung.

Mỹ và các nước châu Âu vẫn muốn sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để lên án Nga xâm lược Ukraine, nhưng Nga và Trung Quốc phản đối bất cứ điều khoản nào đề cập đến chiến sự. Thực tế là phương Tây phải chấp nhận một tuyên bố chung với ngôn ngữ nhẹ nhàng về xung đột Ukraine, hoặc nếu không thì sẽ không có tuyên bố chung nào cả. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó tuyên bố rằng nước này sẽ chặn tuyên bố chung của hội nghị G20 nếu nó không bao gồm quan điểm của Nga về xung đột Ukraine.

Nội bộ G20 rất nhiều mâu thuẫn trong quá trình thảo luận về vấn đề Ukraine. Nhiều bản dự thảo được đưa ra trong đó một số dự thảo thậm chí không chứa bất kỳ ngôn từ nào về xung đột này. Cũng có những bản dự thảo đề xuất phê phán Nga mạnh mẽ nhưng các quan chức Nga và Trung Quốc liên tục tìm cách loại bỏ những ngôn từ gay gắt liên quan đến chiến dịch ở Ukraine khỏi văn kiện. Một số quốc gia đang phát triển trong G20 cũng tỏ ra không đồng thuận về việc sử dụng những từ mạnh để chỉ trích Nga.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Các nhà Lãnh đạo G20 ở New Delhi, tháng 9/2023. Ảnh: Ludovic Marin/AFP

Cuối cùng, tới khi tưởng như không thể có một thoả hiệp, các quan chức Ấn Độ trình dự thảo tuyên bố chung đã bổ sung phần về chiến sự Ukraine với những ngôn từ nhẹ nhàng. Các lãnh đạo G20 đã chấp thuận tài liệu này, để tránh những rạn nứt công khai trong nội bộ G20, làm mất mặt Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Văn bản cuối cùng được các nước thông qua đề cập tới Ukraine cụ thể như sau:

“Chúng tôi hết sức quan ngại trước sự đau khổ to lớn của con người và tác động tiêu cực của chiến tranh và xung đột trên toàn thế giới.

Liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong khi nhớ lại cuộc thảo luận ở Bali, chúng tôi nhắc lại các lập trường quốc gia của chúng tôi và các nghị quyết đã được thông qua tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc (A/RES/ES-11/1 và A/RES/ES-11/6) và nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia phải hành động theo phương thức phù hợp với toàn bộ Mục đích và Nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ đi ngược lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc sự độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được”.

Từ văn bản này và quá trình đàm phán của G20 có thể đưa ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất, phương Tây đã buộc phải thoả hiệp để giảm nhẹ sự chỉ trích với Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bali, Indonesia năm ngoái, G20 đã đạt được tuyên bố chung trong đó phần lớn các nước thành viên lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và yêu cầu nước này rút quân vô điều kiện. Tại Hội nghị năm nay, các dự thảo tuyên bố chung được đề xuất đều không chứa ngôn từ giống như trong tuyên bố tại Bali năm ngoái. Các nhà ngoại giao phương Tây thừa nhận rằng thỏa hiệp là lựa chọn duy nhất, nếu không muốn hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên trong lịch sử kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Một quan chức châu Âu tham gia vào các cuộc thảo luận nói rằng đây không phải là diễn đàn của G7 hay NATO nên không thể giữ ngôn ngữ mạnh nhắm vào Nga. Ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thừa nhận khi nói: “Chúng ta hãy đối mặt với thực tế rằng G20 không phải là diễn đàn cho các cuộc thảo luận chính trị”. Đó là lý do trong văn bản được thông qua cuối cùng có câu tái khẳng định: “G20 là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế, và thừa nhận rằng mặc dù G20 không phải là nền tảng để giải quyết các vấn đề địa chính trị và an ninh, chúng tôi thừa nhận rằng những vấn đề này có thể gây ra hậu quả đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu”. Dù biện minh theo cách gì, sự nhân nhượng của phương Tây cho thấy quan điểm chống Nga quyết liệt đã yếu đi so với một năm trước.

Cuộc xung đột ở Ukraine được nhắc đến trong Tuyên bố chung của G20 bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng. Trong ảnh: Thủ tướng Ấn Độ Modi (phải) và Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, tháng 9/2023 ở New Delhi. Ảnh: Ludovic Marin/AFP

Thứ hai, đây được coi là thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của Nga. Nga nhận định tuyên bố chung của G20 phản ánh cân bằng mọi khía cạnh, sau khi văn bản này thừa nhận vấn đề Ukraine tồn đọng “những quan điểm và đánh giá khác nhau”. Svetlana Lukash, nhà đàm phán G20 của Nga, cho biết: “Tất cả thành viên G20 đã đồng ý hành động thống nhất vì lợi ích hòa bình, an ninh và giải quyết xung đột trên toàn thế giới. Mọi thứ đã được phản ánh cân bằng”. Điều này mở ra những cơ sở cho các cuộc đàm phán mang tính cân bằng trong tương lai giữa Nga và phương Tây để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Thứ ba, thông cáo chung này một lần nữa cho thấy cuộc chiến gây ra tổn hại đến các nước, tổn hại nhất là cắt đứt các nguồn cung ứng do lệnh bao vây trừng phạt Nga. Thông cáo chung cũng khẳng định: “Chúng tôi nhấn mạnh sự đau khổ của con người và những tác động tiêu cực gia tăng của cuộc chiến ở Ukraine liên quan đến an ninh lương thực và an ninh năng lượng toàn cầu, chuỗi cung ứng, ổn định tài chính vĩ mô, lạm phát và tăng trưởng, những điều đã làm phức tạp thêm môi trường chính sách của các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển nhất vẫn đang hồi phục sau đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn kinh tế đã làm chệch hướng tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)”.

Như vậy, trừng phạt Nga và chiến tranh là không có kết quả mà chỉ gây thêm khó khăn cho thế giới. Duy trì chiến tranh bằng các ủng hộ quân sự cho Ukraine cũng đang không đem lại kết quả gì. Trái lại, mọi nỗ lực chiến tranh chỉ tạo thêm xung đột mâu thuẫn giữa các quốc gia. Việc ra thông báo này càng cho thấy phương Tây không muốn nhắm trực diện vào Nga nữa mà tính toán đi đến một sự dàn xếp với Nga. Thông cáo chung này mở ra những cánh cửa thoả hiệp cho các cuộc đàm phán hoà bình trong tương lai.

Thứ tư, trong khi chưa kết thúc được cuộc xung đột thì thông cáo chung cho thấy vấn đề cấp bách là giải quyết nguồn cung ứng, đặc biệt là vấn đề ngũ cốc. Mục tiêu của phương Tây là tránh căng thẳng với Nga hơn nữa, đưa Nga trở lại bàn đàm phán ngũ cốc, đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Tuyên bố chung có đoạn nói rất rõ:

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và các Thỏa thuận Istanbul do Liên hợp quốc làm trung gian bao gồm Biên bản ghi nhớ giữa Liên bang Nga và Ban thư ký của Liên hợp quốc về Quảng bá Sản phẩm Thực phẩm và Phân bón của Nga với các Thị trường Thế giới và Sáng kiến Vận chuyển An toàn Ngũ cốc và Thực phẩm từ các cảng Ukraine (Sáng kiến Biển Đen) và kêu gọi việc thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các thỏa thuận này để đảm bảo việc cung cấp ngũ cốc, thực phẩm và phân bón/vật tư ngay lập tức và không bị cản trở từ Liên bang Nga và Ukraine. Điều này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ở các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, đặc biệt là các nước ở Châu Phi.

Trong bối cảnh này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh lương thực và an ninh năng lượng, chúng tôi kêu gọi chấm dứt việc phá hủy quân sự hoặc các cuộc tấn công khác vào cơ sở hạ tầng liên quan. Chúng tôi cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động bất lợi mà cuộc xung đột gây ra đối với an ninh của dân thường do đó làm trầm trọng thêm tình trạng mong manh và dễ bị tổn thương về kinh tế xã hội hiện tại và cản trở một phản ứng nhân đạo hiệu quả”.

Thứ năm, vai trò của Ấn Độ được nâng cao qua Hội nghị này. Thủ tướng Ấn Độ đã điều phối xuất sắc giúp giảm khác biệt của các bên, ra được thông cáo chung, đặc biệt nhấn mạnh tới chủ nghĩa đa phương thay vì đơn cực thuần tuý do Mỹ và phương Tây chi phối. Văn bản cuối cùng nhấn mạnh rõ vai trò đa phương này, đặc biệt là tầm quan trọng của các nước mới nổi: “Trật tự toàn cầu đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ kể từ Thế chiến thứ hai do tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng, phi thực dân hóa, các lợi tức nhân khẩu học, các thành tựu công nghệ , sự xuất hiện của các cường quốc kinh tế mới và sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn. Liên hợp quốc phải đáp ứng đầy đủ các thành viên, trung thành với các mục đích và nguyên tắc thành lập của Điều lệ và được điều chỉnh để thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong bối cảnh này, chúng tôi nhắc lại Tuyên bố về Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (UNGA 75/1) trong đó tái khẳng định rằng những thách thức của chúng ta được kết nối với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua chủ nghĩa đa phương được hồi sinh, các cuộc cải cách và hợp tác quốc tế. Sự cần thiết phải hồi sinh chủ nghĩa đa phương để giải quyết thỏa đáng những thách thức toàn cầu đương đại của thế kỷ 21, và tạo ra sự quản trị toàn cầu mang tính đại diện hơn, hiệu quả hơn, minh bạch và có trách nhiệm hơn, đã được nêu ra tại nhiều diễn đàn. Trong bối cảnh này, một chủ nghĩa đa phương toàn diện hơn và được tiếp thêm sinh lực hơn cùng các cải cách nhằm thực hiện chương trình nghị sự 2030 là điều thiết yếu”.

Tóm lại, với tính chất của những kết luận trong Hội nghị G20, chúng ta có thể hi vọng về một thoả thuận hoà bình trong tương lai đối với vấn đề Ukraine. Chính trong Tuyên bố chung đã có đoạn kết luận: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm cả vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương bảo vệ hòa bình và ổn định. Việc giải quyết hòa bình các xung đột và các nỗ lực xử lý khủng hoảng cũng như hoạt động ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng. Chúng ta sẽ đoàn kết trong nỗ lực giải quyết tác động bất lợi của chiến tranh đối với nền kinh tế toàn cầu và hoan nghênh tất cả các sáng kiến phù hợp và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ một nền hòa bình toàn diện, công bằng, và lâu dài ở Ukraine, nêu cao tất cả các Mục đích và Nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy quan hệ láng giềng hòa bình, hữu nghị và tốt đẹp giữa các quốc gia theo tinh thần Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”.

Một thoả thuận hoà bình công bằng và hợp lý dựa trên nền tảng đa phương chính là điều nhân dân tiến bộ và ưa chuộng hoà bình mong muốn. Khả năng đó đã xuất hiện những cơ sở từ Hội nghị thượng định G20 tại Ấn Độ.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC