Quá trình Đổi mới nền kinh tế khởi đầu vào năm 1986 đã tạo ra một nguồn nhân lực thế hệ mới cho Việt Nam. Sau năm 1986, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chuyển đổi, Đảng đã xác định  5 mũi đột phá cho thời kỳ này, trong đó khẳng định phải thực hiện đột phá, đổi mới về nhân sự, nhân lực.

Tiếp đó, Đảng tiếp tục đưa ra nhiều chiến lược phát triển nhân lực trong các văn kiện quan trọng. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001 – 2010 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định ba khâu đột phá trong đó khâu thứ hai là “Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 tiếp tục xác định xác định ba khâu đột phá, trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhấn mạnh đến nguồn nhân lực chất lượng cao, “tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.

Thực tế, sự đa dạng hoá các thành phần kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế đã tạo nhu cầu cho một nguồn nhân lực mới. Hệ thống giáo dục đã chuyển dịch để góp phần đào tạo những lao động có trình độ và tay nghề cao cho Việt Nam, đúng như trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đề cập. Có thể nói, nhân lực luôn đóng vai trò là một trong những giải pháp đột phá trong quá trình phát triển của nước ta từ sau Đổi mới, đặc biệt từ sau năm 2010, khi vai trò của nhân lực chất lượng cao thực sự được nhấn mạnh.

Đổi mới tạo ra hệ thống đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ, góp phần đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất công nghệ của khu vực như ngày nay. Nhân lực cũng thúc đẩy nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, có nhiều tập đoàn lớn với hàng trăm ngàn nhân công. Lao động chất lượng cao thực tế đã đươc phân bổ vào khu vực này trong nhiều năm qua, tạo ra những tiến bộ lớn.

Theo Ấn phẩm kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, ngược lại khu vực nhà nước giảm. Tại thời điểm 31/12/2020, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tập trung nhiều lao động nhất, thu hút 8,6 triệu lao động, chiếm 58,6% trong tổng số lao động. Khu vực doanh nghiệp FDI thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 34,6%.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước liên tục giảm trong giai đoạn này, thu hút 1 triệu lao động, chiếm 6,8% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 21,8% so với năm 2016.

Trong khu vực cơ quan nhà nước, bộ máy nhà nước hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Mới đây, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026 (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là hơn 2,2 triệu biên chế, trong đó có 336.328 biên chế cán bộ, công chức và 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Như vậy, xu hướng giảm cán bộ công chức nhà nước là một thực tế.

Trước đây, tâm lý ai cũng muốn đưa con em vào cơ quan nhà nước. Làm nhà nước được coi là ổn định hơn, có lương hưu và vị trí trong xã hội. Tâm lý đó đã kéo dài từ thời bao cấp sang tới thời kinh tế thị trường, xu hướng muốn làm cho nhà nước để ổn định và thăng tiến vẫn chi phối. Tuy vậy, trong những năm trở lại đây, đặc biệt trong và sau giai đoạn Covid-19 vừa qua, tâm lý ấy đang có những xáo trộn và thay đổi lớn. Theo Bộ Nội vụ, tính từ 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, có tới 39.552 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang tư. Bình quân 1 năm khoảng 15.800 người nghỉ việc, tỷ lệ khoảng 0,8% so với tổng biên chế. Trong đó, các cơ quan T.Ư chiếm 18%, địa phương chiếm 82%, công chức là hơn 4.000 người, viên chức hơn 35.000 người. Cụ thể, nghỉ việc trong lĩnh vực giáo dục là hơn 16.400 người, y tế là hơn 12.198 người.

Theo Bộ Nội vụ, tính từ 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, có tới 39.552 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang tư. Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân của sự dịch chuyển từ công sang tư, trong đó thu nhập là một vấn đề nổi cộm. Một trong những lý do chính dẫn đến việc gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc được chỉ ra là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức trong hệ thống y tế công lập thấp. Một bác sỹ học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương gần 3,5 triệu đồng. Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân họ ở lại trong khu vực công… Tình trạng này phổ biến ở các ngành công lập khác.

Trong khi đó, thu nhập ở khu vực tư và khu vực nước ngoài lại tuân theo cơ chế thị trường và mang tính cạnh tranh cao, nên có sự chênh lệch lớn ở hai khu vực về mặt lương bổng. Một nhân viên nhà nước có thể làm thêm cũng có thu nhập bên ngoài gấp 2,3 lần, thậm chí gấp hàng chục lần so với lương ở cơ quan nhà nước. Bác sĩ giỏi ở viện tư có thể có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Giáo viên ở các trường tư cũng có người hưởng mức thu nhập cả trăm triệu trong khi đó lương giáo viên Đại học và phổ thông kém rất xa. Lương một Bộ trưởng trong khối công lập cũng chưa tới 20 triệu. Sự chênh lệch này đã kéo dài hàng chục năm nay và giờ đây đang trở thành nguyên do trực tiếp cho việc một bộ phận công lập bỏ ra ngoài để làm việc cho khu vực tư.

Ngoài ra, nhiều phản ánh cho thấy môi trường làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa thật sự hấp dẫn. Ví dụ như có quá nhiều các quy định, quy chế ràng buộc, gò bó hành chính. Việc đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức chưa thật sự khách quan và minh bạch cũng như chưa đánh giá đúng công sức mà người lao động bỏ ra. Nhiều công chức nhà nước bỏ việc vì cơ chế không linh hoạt, tâm lý sợ làm sai dẫn tới bị xử lý. Đây là một thực tế rất đáng lưu tâm nhưng công tác nhân sự chưa được chú ý trong thời gian qua.

Đặc biệt trong thời gian dài Covid-19, việc làm đình trệ, người lao động không ngồi yên mà tự tìm lối đi của họ, tự mình cứu mình. Khi Covid bắt đầu hạ nhiệt, lực lượng lao động đã tìm thấy chỗ đứng trong doanh nghiệp khác, hoặc lập nghiệp riêng. Tự họ rời bỏ cơ quan nhà nước để có chỗ đứng ở môi trường làm việc khác. Số lượng người trong cơ quan nhà nước thôi việc rất lớn trong thời gian qua như số liệu trên phản ánh thực tế này.

Hiện tượng này được hiểu thế nào? Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Có người cho rằng việc rời bỏ khu vực công là tiêu cực. Có người cho rằng đây là hiện tượng tốt. Tóm lại, dù đánh giá như thế nào, có thể coi đây là cuộc chuyển đổi nguồn nhân lực mạnh mẽ, từ cơ quan nhà nước sang các lĩnh vực tư nhân. Đó là sự chuyển đổi theo hướng kinh tế thị trường, bộc lộ ra toàn bộ một xu hướng phải dẫn tới. Đó là sự chuyển đổi tất yếu và không thể ngăn cản được.

Thứ nhất, cải cách đổi mới theo kinh tế thị trường là hướng đúng, đi kèm phải là xu hướng dịch chuyển nguồn lao động sang khu vực có định hướng thị trường mạnh hơn. Người lao động chuyển từ nơi có thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao hơn là chuyện bình thường của kinh tế thị trường. Nhà nước đã bàn tới vấn đề lương cán bộ công nhân viên nhiều chục năm qua, nhưng chưa có giải pháp tích cực thực hiện chủ trương này trong khi khu vực tư nhân thích ứng rất nhanh với vấn đề này. Đó là nguyên nhân cơ bản nhất. Đó cũng là quy luật tất yếu của sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Thứ hai, chuyển biến cải cách đổi mới về chính trị chậm, không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Ở khu vực công, vẫn còn có nhiều thể chế quy định của thời bao cấp, vẫn biên chế theo kiểu cũ, mức lương theo kiểu cũ, môi trường làm việc chưa kích thích sáng tạo, người làm tốt và người không làm gì đôi khi nhận được đánh giá như nhau. Hiện tượng cào bằng này làm nảy sinh tâm lý chán nản. Ở khu vực ngoài nhà nước, một người có thể làm nhiều việc. Ở cơ quan nhà nước, một việc có nhiều người làm và tồn tại nhiều năm; Cấp lãnh đạo trực tiếp biết rõ điều này nhưng không sửa được là do cơ chế quản lý không phù hợp, nên kìm hãm sự phát triển chung, kìm hãm thu nhập và giá trị lao động.

Sự chuyển đổi lao động từ khu vực công sang tư xét theo khía cạnh nào đó không phải là xu hướng tiêu cực, ngược lại, thể hiện sự tiến bộ. Đó là thời cơ tất yếu đối với cá nhân mỗi người lao động và với nền kinh tế nói chung. Đây cũng là thời cơ để nhà nước xem xét lại chính sách, giảm biên chế, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng nhân sự. Khu vực nhà nước phải nhìn nhận lại để đổi mới tư duy, cải cách chính sách tiền lương và đổi mới cơ chế quản lý lao động chứ không thể như trước được nữa. Đổi mới chính trị phải đi trước mở đường để tạo ra khu vực công hấp dẫn và cạnh tranh như khu vực tư. Đó mới là cách lâu dài để giữ chân người lao động ở lại khu vực nhà nước.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC