Đã hơn 30 năm kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh (1991), Mỹ luôn giữ vai trò bá chủ thế giới. Vị thế này giúp Mỹ giải quyết được rất nhiều yêu cầu của đất nước, nhanh chóng vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng GDP và gặt hái được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, về mặt chính trị, Mỹ đã xác lập được quyền thống trị và sử dụng sức mạnh tổng lực của mình để thao túng thế giới, đưa các nước vào một cuộc chơi do Mỹ làm chủ. Quốc gia nào đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ, không thực hiện những yêu cầu của Mỹ, thì lập tức Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp can thiệp và trừng phạt để răn đe. Trong suốt gần 4 thập kỷ qua, Mỹ không những đã giáng các đòn trừng phạt nặng nề về mặt kinh tế mà sử dụng cả quân sự để đàn áp, khống chế những quốc gia không theo chủ trương, chính sách của Mỹ.

1. Trừng phạt và răn đe

Thực tế đã chứng minh, mặc dù Mỹ không còn phải đối đầu trực tiếp với một đối thủ cụ thể như Liên Xô trong thời kì Chiến tranh Lạnh, song vẫn tồn tại những đất nước và chính quyền tỏ ra bất hợp tác với Mỹ. Và để củng cố được quyền lực thống trị thế giới lâu dài của mình, Mỹ tiếp tục áp dụng các chính sách trừng phạt, cấm vận, với nhiều mức độ và hình thức, lên những quốc gia không chịu khuất phục Mỹ như Iran, Iraq, Venezuela, Cuba, Triều Tiên…

Lính Mỹ tham chiến ở Iraq trong Chiến tranh Iraq năm 2003. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Điển hình, Mỹ đã can thiệp quân sự ở nhiều nước, tấn công và làm tan rã Liên bang Nam Tư, cho quân đội tấn công Iraq, xoá bỏ chế độ của Saddam Hussein. Tại một số nước khác thuộc khu vực Đông Âu và Trung Đông. Họ tố cáo Mỹ đứng sau kích động các nhóm đối lập, tổ chức những cuộc Cách mạng màu như ở Ukraine, Gruzia, Syria, Ai Cập… kết quả là làm thay đổi chế độ chính trị, đưa các nhóm thân Mỹ lên nắm quyền ở những nước này. Với các nước theo chế độ Cộng sản như Cuba, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ áp dụng chính sách cấm vận, không giao thương, buôn bán, cắt mọi hoạt động giao lưu kinh. Thông qua những biện pháp trừng phạt đó, Mỹ muốn gửi thông điệp với toàn thế giới, rằng đó chính là hậu quả của việc không tuân lệnh Mỹ.

Trái với ý định củng cố quyền lực của Mỹ, tất cả những hành động trừng phạt, can thiệp với quy mô lớn như vậy đã gây tác dụng ngược, làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ trên trường Quốc tế, đe doạ an ninh nội bộ, gây bất bình, phẫn nộ trong tâm lý người dân và tạo ra không ít những thiệt hại về nhiều phương diện cho nước Mỹ, đặc biệt là về mặt kinh tế.

2. Những thay đổi về chính sách của Mỹ khiến đồng minh điêu đứng

Tuy nhiên, các cuộc trừng phạt nói trên không chỉ nhằm vào những quốc gia chống đối, mà ngay cả các nước đồng minh của Mỹ cũng phải chịu nhiều tổn thất do những biện pháp trừng phạt nói trên gây ra, điển hình nhất là châu Âu. Dẫu nước Mỹ trước nay vẫn luôn nắm quyền kiểm soát và là “người anh cả” ở phương Tây, đồng thời ra sức duy trì khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để bảo đảm sự lãnh đạo của mình ở châu Âu. Nhưng chính cơ chế dân chủ lại vô tình đẩy nước Mỹ vào tình thế hỗn loạn, thay đổi thất thường về mặt chính sách.

Mỗi khi có một Tổng thống mới lên nắm quyền, thì chính sách của Mỹ có thể thay đổi, chứ không hoàn toàn giữ nguyên theo một lộ trình xuyên suốt. Xung đột ở các đời Tổng thống Mỹ là điều tất yếu, nhất là khi họ đại diện cho tiếng nói của những đảng phái đối lập. Nước Mỹ từng phải trải qua một giai đoạn đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, khi lên nắm quyền, Donald Trump đã khiến Liên minh châu Âu đứng trước nguy cơ tan rã, mối quan hệ truyền thống lâu năm giữa Mỹ và châu Âu đứng bên bờ vực sụp đổ.

Ngay sau khi đắc cử, ông Trump đã có những chính sách hướng nội khiến nước Mỹ không còn vươn ra bên ngoài để hợp tác với đồng minh, mà dồn trọng tâm vào việc khôi phục lại các giá trị bên trong nước Mỹ, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, công nghệ – vốn đang phải đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Do đó, không những tạo ra cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump còn cắt mọi ưu đãi, hỗ trợ cho đồng minh của mình, trong đó có châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nói cách khác, giá trị mà ông Trump đề cao chỉ là lợi ích của nước Mỹ trên hết, ngoài ra không cần coi trọng lợi ích của bất cứ một bên nào khác, kể cả những đồng minh lâu năm. Trump tuyên bố, không chỉ Trung Quốc mà Liên minh châu Âu (EU) cũng phải sòng phẳng về vấn đề thương mại với Mỹ. Những chính sách có tính chất sòng phẳng cực đoan này đã khiến tất cả các nước đều phải tham gia vào một cuộc chơi “ăn miếng trả miếng” mà không nhận được bất kì sự trợ giúp nào từ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong ngày ký sắc luật về thương mại quốc tế, ngày 31/03/2017. Ảnh: Reuters/Carlos Barria

Trong 4 năm cầm quyền, những chính sách được xem là “chưa từng thấy” của Tổng thống Donald Trump như bảo hộ mậu dịch, đánh thuế nặng, yêu cầu đóng góp quỹ quốc phòng… đều đặt ở mức độ cao, mang tính đe doạ và không hề có ưu tiên nào đối với châu Âu, khiến châu Âu một phen điêu đứng. Các đồng minh thân cận của Mỹ như Đức, Pháp… có dấu hiệu lao đao khi Mỹ đe doạ không thể tiếp tục là chiếc ô che chắn cho họ. Không một đồng minh nào có thể dựa được vào Mỹ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, kinh tế. Bấy giờ, không chỉ Trung Quốc mà ngay cả EU cũng gặp phải những thiệt hại kinh tế nặng nề.

Trước tình hình đó, nhiều nguyên thủ quốc gia các nước EU đã lên tiếng cho rằng, họ không hề được Mỹ ưu tiên và xem là đồng minh nữa, mà đã bị đối xử y như những nước thù địch với Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron… đã nhận ra thực tế khốc liệt này, và họ bắt đầu đặt vấn đề rằng châu Âu cần thoát khỏi Mỹ, giữ gìn sự độc lập nhất định trước tầm ảnh hưởng quá lớn của Mỹ. Bởi nước Mỹ có thể “quay lưng” với họ bất cứ lúc nào nếu Tổng thống mới lên nắm quyền. Châu Âu đang đứng bên bờ vực thẳm của sự tan rã và chia rẽ, chính bởi những quan niệm mới đã xuất hiện, đòi hỏi châu Âu tách khỏi sự lệ thuộc quá mức vào Mỹ.

3. Chống Nga để nắm châu Âu

Trong suốt thời gian chịu thiệt hại bởi các chính sách của ông Donald Trump, các nước châu Âu bắt đầu tìm hướng đi mới, quay ra hợp tác với Nga – người “láng giềng” của mình. Nền kinh tế châu Âu lúc này đã có sự lệ thuộc nhất định vào nguồn cung ứng của Nga, đặc biệt là về khí đốt, dầu, lương thực, phân bón… Đây không những là nguồn cung giá rẻ mà còn giúp châu Âu tiết kiệm được chi phí vận chuyển, nhờ đó thúc đẩy nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Nội bộ nước Mỹ bấy giờ đã có sự lục đục, chia rẽ, nhiều người nhận ra những bất cập trong chính sách của Tổng thống Donald Trump đã gây thiệt hại như thế nào về mặt ngoại giao cho nước Mỹ. Các tiếng nói phản đối ngày một nhiều, và kết quả là trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ đã lên nắm quyền thay cho ông Donald Trump.

Ông Joe Biden nhận thức rõ sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ, nên đã lập tức xoa dịu tình hình, đưa nước Mỹ trở về quỹ đạo gắn bó với đồng minh, thậm chí buộc đồng minh châu Âu phải dựa vào mình. Đặc biệt, Tổng thống Joe Biden cũng hiểu được mối nguy hiểm đe doạ nước Mỹ khi châu Âu lệ thuộc vào Nga. Điều này đi ngược hoàn toàn với chính sách của Mỹ vốn đã duy trì được gần một thế kỷ kể từ cuộc Chiến tranh Lạnh (1945). Mỹ luôn muốn châu Âu tách khỏi Nga, không dính líu đến Nga, thậm chí phải đối đầu với Nga. Tất cả những vấn đề này đã đặt nước Mỹ vào một tình thế là phải tìm ra giải pháp tiếp tục nắm được châu Âu, đồng thời kìm chế được Nga để lấy lại vị thế đã mất của nước Mỹ ở khu vực này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại cuộc gặp ở Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề năng lượng và cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, ngày 10/3/2023. Ảnh: AFP

Do đó, Chính phủ Joe Biden đã thực hiện một chính sách “vì nước Mỹ” mới, giúp Mỹ nắm lại quyền kiểm soát tại châu Âu, kìm chế Nga và Trung Quốc, với những khác biệt rõ rệt so với thời Tổng thống Donald Trump.

4. Đẩy châu Âu và Nga vào cuộc chiến kéo dài để hưởng lợi từ chiến tranh

Mỹ nhận ra mắt xích yếu nhất của châu Âu chính là Ukraine. Đây là một quốc gia đã tách khỏi Nga từ sau khi Liên Xô tan rã (1991), nhưng khác hẳn với những nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ, bởi không những nằm sát biên giới Nga, người Ukriane còn mang trong mình chủ nghĩa dân tộc cực đoan và xu hướng bài Nga thân phương Tây. Do đó, Mỹ có thể dễ dàng kích động nhân dân và chính quyền Ukraine, làm gia tăng tinh thần chống Nga ở nước này, để phục vụ cho mục đích gây mất ổn định và suy yếu nước Nga.

Trên thực tế, Mỹ đã khơi dậy xu hướng muốn tách khỏi Nga để đi với phương Tây ở khu vực Đông Âu, kể từ sau Chiến tranh Lạnh cho đến tận những thập niên đầu thế kỷ XXI. Tư tưởng thân phương Tây đã bộc lộ rõ ràng trong nội bộ của nhiều nước Đông Âu, Bắc Âu, trong đó có Ukraine, Gruzia… được nhen nhóm từ các cuộc Cách mạng màu. Cách mạng Cam (2004) ở Ukraine đã bùng nổ thành cuộc Cách mạng Maidan vào năm 2014. Đây là những điều kiện rất cơ bản để Chính quyền Joe Biden tính toán nước đi mới với Nga, tạo tiền đề cho việc hình thành một đội quân uỷ nhiệm chống Nga tại Ukraine. Nếu hậu thuẫn cho Ukraine chống Nga, và đưa Ukraine gia nhập NATO thành công, Mỹ cũng sẽ thực hiện được chính sách mở rộng NATO đến sát biên giới Nga, đẩy Nga vào tình thế bị bao vây, cô lập, bất ổn.

Sau 8 năm đối đầu căng thẳng, Nga và Ukraine, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, liên tục xảy ra các cuộc đụng độ ở biên giới. Các nhóm phát xít cực hữu do Chính quyền và Quân đội Ukraine bảo trợ, đã trực tiếp gây ra các cuộc thảm sát đẫm máu đối với người dân Nga ở vùng Dobass, khu vực phía Đông Ukraine, giáp biên giới Nga, có rất nhiều người Nga sinh sống. Nga đã nhiều lần cảnh cáo và đáp trả nhưng Chính quyền phát xít tại Ukraine vẫn gia sức giết hại người Nga. Điều này đã đẩy cuộc đụng độ lên mức cao hơn, trở thành một cuộc chiến, nổ ra vào cuối tháng 2 năm 2022. Cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine chính là một dấu mốc kế tiếp của cuộc đối đầu, nó cho thấy xung đột giữa hai bên đã không thể giải quyết thông qua biện pháp đàm phán đã ký trong Thoả thuận Minsk (2015). Yêu cầu mà Nga đưa ra rất rõ, đó chính là phi phát xít hoá, phi quân sự hoá Ukraine, Ukraine không được gia nhập NATO; buộc Nga phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ tính mạng của những người dân Nga ở vùng Dobass.

Các nguyên thủ quốc gia tham gia cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine tại thủ đô Minsk, Belarus, ngày 11/2/2015. Từ trái sang: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vlaimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: AP

Mặt khác, Nga cũng đã vạch rõ trước dư luận quốc tế các kế hoạch đối đầu với Nga của Ukraine là do Mỹ đứng sau hậu thuẫn. Sau gần 3 năm chiến tranh, các nhà quan sát cũng đưa ra nhận định rằng, cuộc chiến này vốn đã nằm trong kế hoạch của Mỹ. Chính nước Mỹ đã châm ngòi cho chủ nghĩa phát xít bài Nga ở Ukraine, liên tục kích động chính quyền Ukraine gây hấn để Nga buộc phải nổ súng đáp trả, từ đó Mỹ thành công đẩy Nga lao vào một cuộc chiến kéo dài với Ukraine.

Mục đích chính của Mỹ khi đẩy Nga vào cuộc chiến tranh Ukraine chính là buộc châu Âu phải đối đầu với Nga, cắt đứt mọi liên hệ, hợp tác với Nga về kinh tế, thương mại đã được gây dựng trước đó, và phải quay ra dựa vào sức mạnh quân sự, kinh tế của Mỹ để chống Nga. Từ tình thế này, “một mũi tên trúng hai đích”, Mỹ không những làm nước Nga suy yếu, kiệt quệ vì chiến tranh, mà còn dễ dàng nắm được châu Âu, kiểm soát châu Âu trở lại, không cho châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Nga.

Trong số các nước châu Âu, Mỹ đã nhận ra Đức là một trong những nước hùng mạnh nhất, thậm chí có thể phát triển độc lập với Mỹ. Nước Đức có một nền công nghiệp mạnh, và người Đức cũng có tinh thần tự tôn dân tộc rất cao. Dưới thời Thủ tưởng Angela Merkel, nước Đức đã trở thành một trong những quốc gia nòng cốt, là trọng tâm của chính sách độc lập mà châu Âu muốn xây dựng, nhằm hạn chế việc lệ thuộc vào Mỹ. Do đó, Mỹ đã nhận thức được rằng, Đức sẽ là nước đầu tiên ở châu Âu thoát khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ, và cần phải làm suy yếu nước Đức thông qua cuộc chiến Nga – Ukraine, từ đó sẽ dễ bề thao túng châu Âu.

Nhận định trên xuất phát từ những phân tích rất chi tiết, cụ thể của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (RAND), Santa Monica, Mỹ. Muốn nắm châu Âu, Mỹ phải làm suy yếu Đức trước tiên. Và thực tế cũng cho thấy, Mỹ đã có những động thái kiềm chế Đức ở nhiều thời điểm khác nhau. Trước đây, cả Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Biden đều lên tiếng phản đối việc Nga và Đức cùng xây dựng đường ống dẫn dầu Nod Stream, với tên cũ của dự án là North Transgas hay đường ống dẫn khí Nga – Đức. Hai ống Nord Stream 1 đã được khánh thành vào tháng 11 năm 2011 và chạy từ Vyborg đến Lubmin gần Greifswald. Đường ống này không những đã giúp Đức giải quyết được vấn đề năng lượng, đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng, mà còn khiến Đức thắt chặt quan hệ với Nga hơn.

Do đó, trong những điều kiện mà Mỹ từng đặt ra để hậu thuẫn châu Âu, là các nước EU phải cắt đứt hoàn toàn với Nga, không được có một chút liên hệ, trao đổi gì với Nga trên mọi phương diện. Năm 2022, ngay trong cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine, dưới sự chỉ đạo của Mỹ, đường ống Nord Stream 1 đã bị cắt đứt nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga sang Đức, châm ngòi cuộc khủng hoảng năng lượng khắp châu Âu. Cũng kể từ đây, Đức chính thức không được phép liên hệ gì với Nga nữa. Điều này không những làm suy yếu Đức, mà còn làm suy yếu châu Âu. Bởi ngay sau đó, giá TTF (mức giá tiêu chuẩn cho tất cả khí đốt được giao dịch trong khối EU) đã vọt lên mức hơn 340 euro/MWh giờ, nghĩa là tăng lên gấp 4 lần so với trước đây, khi Đức và châu Âu buộc phải mua khí lỏng từ Mỹ, hoặc phải mua khí đốt của Nga từ nước thứ ba với giá cao. Đây chính là kịch bản để Mỹ chi phối châu Âu về mặt kinh tế. Mất nguồn cung ứng từ Nga, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và sức mạnh của châu Âu.

Trái lại, việc trải qua cuộc chiến tranh kéo dài, chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và NATO, hay dừng việc trao đổi thương mại với châu Âu, dường như cũng không gây quá nhiều ảnh hưởng tới Nga. Trên thực tế, ngay từ khi Nga mở cuộc tấn công vào Donbass, Mỹ và NATO đã nghĩ ra “ngón đòn” đầu tiên là áp lệnh trừng phạt, nay đã lên đến 17.000 lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, chủ yếu liên quan đến kinh tế. Mỹ cho rằng, với một nền kinh tế thu nhập chính từ bán dầu khí và khoáng sản, Nga sẽ sớm suy thoái sau khi phương Tây thi hành các biện pháp trừng phạt nói trên. Tuy nhiên, sau 3 năm chiến tranh, việc áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga hoàn toàn không hiệu quả. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Nga đạt 3,6%, cao hơn mức tăng của các nước châu Âu. Nga là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu về GDP tính theo sức mua và đứng thứ năm trên thế giới.

Ngược lại, các lệnh trừng phạt lại cho thấy nhiều lỗ hổng, sự yếu kém trong kinh tế EU, khi châu Âu phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, khí đốt, nhiên liệu của Mỹ với giá cả đắt đỏ. Rõ ràng, Mỹ đã gây tổn hại cho các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… mà đang đẩy họ vào tình trạng cay đắng khi không thể tiếp cận nguồn nhiên liệu giá rẻ trực tiếp từ Nga. Trong khi đó, các nước như Hungary, Slovakia… do không cắt đứt quan hệ với Nga nên vẫn đảm bảo duy trì ổn định nền kinh tế và an ninh năng lượng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu còn tạo ra những bất ổn về mặt chính trị. Sau 3 năm chiến tranh, xã hội châu Âu đã bị phân hoá, chia rẽ sâu sắc. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã bị thay thế. Các cuộc biểu tình của cử tri nổ ra ở hầu hết các nước do khó khăn về đời sống, đặc biệt là biểu tình của nông dân ở Pháp, Đức, Bỉ… đã tác động đến sự phát triển nông nghiệp tại châu lục. Mâu thuẫn giữa các nước trong việc nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng tạo ra những thách thức mới cho châu Âu.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng ở châu Âu hiện nay đều chịu hậu quả từ các kịch bản của Mỹ, với mục đích khiến cho một châu Âu bấp bênh buộc phải lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ.

5. Thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang

Song song với trừng phạt kinh tế, bộ máy truyên truyền phương Tây luôn đưa ra lời cảnh báo rằng Nga sẽ tấn công châu Âu, từ đó gieo rắc một nỗi sợ Nga khắp châu lục này.

Kết quả là hai nước Thuỵ Điển, Phần Lan gia nhập NATO vào năm 2023. Hai thành viên này đã là những thành viên tích cực, cùng NATO và Mỹ ra sức tuyên truyền chống Nga, phong toả biên giới, cho NATO đặt căn cứ quân sự, đặt vũ khí chiến lược tầm xa chĩa vào Nga. Điều đó góp phần tạo ra một bầu không khí căng thẳng, gieo rắc tâm lý lo sợ, phòng thủ và xu hướng bài Nga ngày càng phủ khắp châu Âu.

Từ trái sang: Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Havisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tại trụ sở NATO, tháng 7/2022. Ảnh: Reuters

Nhân đó, Mỹ đã thành công áp đặt được nhận thức rằng các nước châu Âu nếu muốn chống Nga thì phải gắn với Mỹ, không được xa rời Mỹ, Mỹ sẽ tích cực hỗ trợ và giúp đỡ châu Âu chống Nga. Trong cuộc chiến với Nga, châu Âu sẽ luôn coi Mỹ như một vị cứu tinh, hình thành tâm lý dựa vào Mỹ, thân Mỹ, xem việc liên kết với Mỹ như là giải pháp tối hậu cho mình. Nhờ đòn tâm lý này, Mỹ đã nắm được châu Âu, khiến châu Âu ngả hoàn toàn vào Mỹ và chịu sự chi phối, thao túng của Mỹ, từ chính trị tới kinh tế, quân sự, truyền thông…

Cũng chính nhờ việc châm ngòi cho cuộc chiến ở Ukraine, phát động phong trào chống Nga trên toàn châu Âu, khối này đã quyết định tăng chi phí quốc phòng lên 500 tỷ Euro trong 10 năm tới. Từ đó, Mỹ lại có thêm một nguồn lợi từ việc bán các loại vũ khí, thiết bị quân sự. Thực tế hiện nay, các nước thành viên EU, NATO không những gióng lên lời tuyên bố gửi quân viện trợ tới Ukraine, mà còn lao vào cuộc chạy đua vũ trang, mua sắm vũ khí, viện trợ cho Ukraine. Tất cả các loại vũ khí như đại bác, tên lửa, xe tăng… hiện đại phần lớn đều do Mỹ sản xuất và phải đặt mua từ Mỹ. Nhờ đó, nước Mỹ nghiễm nhiên được hưởng lợi từ các giao dịch vũ khí này. Trước đây, trong Thế Chiến II, nước Mỹ cũng đã giàu lên nhờ buôn bán vũ khí. Đây là một trong những mặt hàng đặc biệt mà Mỹ luôn muốn xúc tiến sản xuất, kinh doanh. Chiến lược nuôi chiến tranh của Mỹ một lần nữa đẩy kinh tế châu Âu vào tình trạng suy thoái.

6. Nga là đối tượng chính của chính quyền ông Biden

Ngoài ra, trong cuộc chiến này, phương Tây còn muốn chia rẽ nước Nga, thay đổi chế độ, lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thế nhưng, sau hơn 3 năm chiến tranh, nhân dân Nga vẫn không hề nao núng mà ngày càng trở nên gắn bó, đoàn kết. Tất cả đều chiến đấu với tinh thần bảo vệ Tổ quốc Nga, và đặt niềm tin trọn vẹn vào Tổng thống Vladimir Putin. Điều đó đã được minh chứng rất rõ qua cuộc bầu cử của Nga hồi tháng 3 năm 2024, khi số phiếu bầu cho ông Putin đã lên đến 87,8% – tỉ lệ cao nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Mỹ và châu Âu muốn cô lập Nga trên trường quốc tế, nên ngay khi cuộc chiến Ukraine mới nổ ra, Mỹ đã gây áp lực khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở nhiều Hội nghị bỏ phiếu lên án Nga, buộc Nga chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. Tuy nhiên, dư luận thế giới đã phân hoá rõ rệt, khi chỉ có 1/3 các nước hoàn toàn ủng hộ Mỹ chống Nga. Còn lại, vẫn có khoảng 140 nước bày không ủng hộ các lệnh trường phạt Nga về kinh tế. Thậm chí, nhiều nước lớn vẫn hợp tác, quan hệ chặt chẽ với Nga, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Khối các nền kinh tế mới nổi BRICS đã mạnh lên ngoài sức tưởng tượng của Mỹ, thậm chí đang xúc tiến cho ra một hệ thống tiền tệ mới, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ thông qua đồng đô la.

Nhìn vào tương quan lực lượng trên chiến trường Ukraine, Nga vẫn đang thắng thế. Mỹ còn phải phân tán nguồn lực để giải quyết xung đột ở Trung Đông, sự ủng hộ bằng mọi giá của Mỹ đối với Israel chống Hamas ở Dải Gaza tạo ra mâu thuẫn sâu sắc với các nước Ả Rập, nên càng đẩy Trung Đông xích lại gần Nga.

7. Chính sách tạo điểm nóng xung đột để duy trì vai trò bá chủ

Cũng vào thời điểm này, Mỹ đang thúc đẩy phong trào độc lập của Đài Loan. Đây được xem như một hành vi chọc giận Trung Quốc, khuấy động Biển Đông, đồng thời đưa ra lời cảnh cáo với Trung Quốc khi nước này đang có xu hướng hợp tác ngày càng mạnh mẽ với Nga. Mặc dù hệ quả của nó chính là đẩy Trung Quốc xích lại gần Nga hơn để chống Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ còn siết chặt các lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên, củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines, ngăn chặn nguy cơ đe doạ từ Bắc Triều Tiên đối với các đồng minh của mình ở khu vực Đông Bắc Á. Mỹ tiếp tục sa lầy ở khu vực này, và sự can thiệp của Mỹ trên thực tế đã đẩy Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Nga, khiến an ninh của Mỹ và đồng minh bị đe doạ.

Tại Trung Đông, Mỹ cũng đang ra sức ủng hộ Israel chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Palestine. Cuộc chiến này vấp phải sự phản đối của cả những người dân trong nước Mỹ. Các cuộc biểu tình chống chính phủ, lên án sự can thiệp của Mỹ ở Trung Đông ngày càng khiến cho nội bộ nước Mỹ trở nên căng thẳng, nhất là trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới.

Như vậy, chỉ trong chưa đầy 3 năm, tình hình thế giới đã rất căng thẳng và mất ổn định với nhiều điểm nóng quân sự. Cuộc chiến tranh ở Ukraine, Trung Đông, tranh chấp và chạy đua vũ trang ở khu vực Biển Đông, Đông Bắc Á… đều có nguy cơ leo thang rất nhanh và dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ 3.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, ta sẽ nhận ra, điểm nóng nào cũng có sự góp mặt của Mỹ, thậm chí Mỹ đứng sau khơi ngòi. Nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi rằng, liệu đây có phải chính sách sai lầm của Mỹ không. Tuy nhiên, việc tạo ra những điểm nóng xung đột này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà tất cả đều đã nằm sẵn trong ý đồ tính toán của Mỹ. Bởi lẽ, nếu chiến tranh xảy ra ở châu Âu, Trung Đông, hoặc châu Á thì lãnh thổ Mỹ vẫn nằm xa những khu vực này, không hề chịu ảnh hưởng hay thiệt hại gì nghiêm trọng về người và của, nhất là khi Mỹ đã lợi dụng các nước khác làm đội quân uỷ nhiệm cho mình. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chiến tranh sẽ mang lại vô số lợi thế về kinh tế, chính trị, quân sự.

Mỹ đã thực hiện chiến lược có quy mô toàn cầu nói trên thông qua một phương thức chính, đó là biến quốc gia đối thủ của Mỹ trở thành nguy cơ đe doạ an ninh các nước đồng minh và gây ra nỗi sợ hãi, ám ảnh, chiến tranh. Châu Âu là một minh chứng. Mỹ đã khuếch đại hình ảnh “đáng sợ” của Nga, vẽ ra một viễn cảnh đen tối, cho rằng nếu Nga thắng ở Ukraine, thì nền dân chủ châu Âu sẽ tan rã, hoặc Nga sẽ tấn công một nước nào đó trong khối NATO, từ đó đẩy các nước châu Âu phải đi theo sự chỉ đạo chống Nga đến cùng.

Cũng bằng phương thức tương tự, Mỹ gieo rắc nỗi sợ Trung Quốc ở Biển Đông, nỗi sợ Triều Tiên ở Đông Bắc Á, nỗi sợ Hồi giáo ở Trung Đông, nhờ vậy dễ dàng lôi kéo được các nước đồng minh của Mỹ ở những khu vực trên phải đi theo Mỹ, ngày càng chịu sự ảnh hưởng từ Mỹ. Các quốc gia này nếu muốn được Mỹ bảo trợ để thoát khỏi các “nỗi sợ” trong khu vực, thì buộc phải chọn Mỹ làm “nhà cung ứng” cho mình trong các cuộc chiến tranh, khi xung đột xảy ra. Do đó, Mỹ không những không mất mát, mà chỉ được lợi hơn khi can thiệp vào những điểm nóng này.

Toan tính này của Mỹ thể hiện qua việc kéo dài cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí đã tính đến kịch bản “chuyển giao” chiến tranh sang một nước khác chống Nga như Gruzia. Bởi càng tạo ra thế đối trọng, xung đột lâu dài ở khu vực, thì Mỹ càng được lợi, do đó Mỹ chủ trương không thể để Nga thắng, chấm dứt chiến tranh. Mỹ đã tuyên bố nếu Quân đội Ukraine thất bại thì quân Mỹ hoặc quân NATO có thể tham chiến trực tiếp ở Ukraine. Từ tháng 3 năm nay, các nước NATO đã phải thực hiện yêu cầu của Mỹ, liên tiếp gửi quân viện trợ để giữ cuộc chiến. Hiện nay, NATO đang ráo riết hỗ trợ Ukraine phản công, theo chỉ đạo của Mỹ, nếu giành được thắng lợi sẽ hỗ trợ tích cực cho Biden tranh cử Tổng thống Mỹ và cổ vũ các thành viên NATO tiếp tục viện trợ cho Ukraine tấn công Nga.

Điều này có nghĩa là cuộc chiến còn kéo dài rất lâu mới có thể đi đến hồi kết. Chắc chắn một cuộc đàm phán sẽ phải xảy ra, nhưng trong cuộc đàm phán này, chủ nhân sẽ không phải Ukraine, mà Mỹ sẽ lại là bên “đại diện”, đứng ra thương lượng quyền lợi với Nga.

Các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ đều coi Trung Quốc là mối đe doạ lâu dài với nước Mỹ. Cho nên, vào một thời điểm nào đó, có lẽ Mỹ cũng sẽ cần đến Nga để chống Trung Quốc. Nhìn tổng thể, trong bất kì một điều kiện, hoàn cảnh nào, Mỹ chắc chắn cũng sẽ cần đến nước Nga, lợi dụng Nga để thực hiện các ý đồ toàn cầu của mình. Do đó, dẫu biết rằng không thể làm nước Nga suy yếu hay sụp đổ, Mỹ cũng phải giữ một mối quan hệ nhất định với Nga để dễ dàng thương lượng khi ngồi vào vòng đàm phán.

Thế giới hiện có nhiều nhận định khác nhau về vấn đề này, nhưng hầu hết giới chuyên gia đều đã nhìn ra được nước đi của Mỹ ở thời điểm hiện tại. Trong thời gian tới, chắc chắn Nga sẽ tìm cách làm suy yếu Mỹ, đặc biệt là khi nhóm BRICS đang mạnh lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, đường lối chính trị của Mỹ cũng còn phụ thuộc vào việc ai sẽ đắc cử Tổng thống trong nhiệm kì tới. Do đó, chúng ta vẫn cần chờ đợi những diễn biến tiếp theo để đưa ra những phân tích, nhận định mới.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC