Như vậy sau thêm một năm Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền, chúng ta thấy nước Mỹ và thế giới có nhiều biến chuyển mới, phức tạp. Với khẩu hiệu nước Mỹ trên hết đề ra ngay từ khi tranh cử và được thực hiện xuyên suốt kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2017, Trump đã gây ra không ít xáo trộn đối với trật tự thế giới. Những gì diễn ra trong năm 2019 tiếp tục thể hiện xu hướng này.

Trump đã làm gì trong năm 2019?

Hãy cùng điểm lại những gì Trump đã làm trong suốt một năm qua. Có thể nói, trong năm 2019, Trump tiếp tục kiên định thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại theo hướng nước Mỹ trên hết để thực hiện giấc mộng khôi phục lại sức mạnh Hoa Kỳ.

Về đối ngoại, chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ xác định đối thủ chính và đối tượng đe doạ an ninh nước Mỹ là Nga và đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì thế, mọi chính sách của Mỹ đều xoay quanh điều này, trước hết nhắm thẳng vào đối thủ trực tiếp là Trung Quốc. Chính sách làm suy yếu Trung Quốc một cách toàn diện thể hiện ba khía cạnh chính:

Thứ nhất, trong năm 2019, Mỹ tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc.  Ngày 10 tháng 5 năm 2019, Mỹ tiếp tục đòn nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Mỹ vẫn đang đưa ra nhiều áp lực thương mại trong đàm phán để ép Trung Quốc phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ.

Thứ hai, năm 2019, Trump mở ra một mặt trận mới tấn công trực tiếp vào Trung Quốc về công nghệ bằng cách cấm ZTE, Huawei, các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc mua linh kiện Mỹ và ngăn chặn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc. Washington cáo buộc Trung Quốc lợi dụng các sản phẩm công nghệ để do thám nên Mỹ còn liên tục thúc giục các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G. Công ty Mỹ Google cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei, cấm điện thoại của Huawei truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google, khiến công ty Trung Quốc mất đi lượng lớn khách hàng.

Thứ ba, Mỹ tiếp tục thúc đẩy chiến lược bao vây và ngăn chặn Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đối trọng với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, thúc đẩy khối 4 nước Mỹ Nhật Ấn Độ Úc để cân bằng lực lượng với Trung Quốc, tiếp tục lên án Trung Quốc ở biển Đông trong nhiều Hội nghị và Diễn đàn quốc tế.

Tàu USS Gabrielle Giffords của Mỹ tiến gần tới Đá Vành Khăn (Quần đảo Trường Sa) trong tháng 11/2019 (Ảnh: AP)Đối với Nga, chính quyền Trumg cũng tiếp tục bao vây và tố cáo Nga can thiệp chính trị vào nhiều khu vực. Mỹ thể hiện rõ ràng mục tiêu cạnh tranh chiến lược với Nga. Tháng 8 năm 2019, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga, đồng thời đe doạ không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới New START. Mỹ cũng tăng cường các hoạt động của khối NATO để triển khai hoạt động quân sự giáp Nga khiến Tổng thống Putin phải tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe dọa của NATO.

Đối với nhiều vấn đề quốc tế khác, Mỹ cũng thể hiện thái độ đơn phương và vì lợi ích của nước Mỹ trên hết. Ngày 4 tháng 11 năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình thông báo về mục đích rút khỏi Hiệp định Paris về biển đổi khí hậu lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Tháng 10 năm 2019, Trump cũng ký những văn kiện liên quan đến việc Washington dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Hiệp ước cho phép 34 nước thành viên gồm Nga và các quốc gia NATO thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau nhưng phải thông báo trước 72 giờ. Chính quyền Trump cũng tỏ sự không hài lòng với toàn cầu hóa và phê phán nhiều thể chế đa phương khác như Tổ chức thương mại thế giới WTO và cả Liên Hợp Quốc.

Đối với các nước đồng minh, Mỹ ngày càng có thái độ gây sức ép rõ ràng hơn. Ngày 18 tháng 10 năm 2019, Mỹ chính thức áp thuế đối với khối lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của Liên hiệp châu Âu (EU), bất chấp những kêu gọi dừng lại của quan chức khối này. Với Nhật Bản, Mỹ cũng gây sức ép về thuế và cân nhắc áp thuế với ô tô Nhật Bản nhập khẩu vào Mỹ. Mỹ cũng mạnh tay yêu cầu các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và thành viên NATO tăng cường chia sẻ chi phí quân sự, sức ép này khiến quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh căng thẳng hơn. Mới đây nhất, tháng 11 năm 2019, Washington yêu cầu Tokyo chi 8 tỉ USD cho việc duy trì sự hiện diện của quân Mỹ, gấp 4 lần so với con số 2 tỉ hiện nay.

Mỹ rút quân khỏi Syria

Đối với các hoạt động quân sự khác, tháng 10 năm 2019, Mỹ bắt đầu đợt rút quân lớn nhất khỏi Syria. Tháng 5 năm 2019, Trump cũng vượt mặt Quốc hội, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với Iran để phê duyệt 22 hợp đồng vũ khí trị giá 8,1 tỉ USD với Arab Saudi với mục tiêu răn đe Tehran. Mỹ tăng cường cấm vận và kích động leo thang căng thẳng với Cuba, đỉnh cao là việc trục xuất hai thành viên thuộc phái bộ ngoại giao Cuba tại Liên Hợp Quốc tháng 9 năm 2019. Mỹ cũng bị cáo buộc tấn công vào hệ thống điện của Venezuela vào tháng 4 năm 2019, và đơn phương thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt với nước này. Chính quyền Trump thành công trong việc tiêu diệt trùm IS nhưng việc rút khỏi Syria khiến IS hoạt động mạnh hơn, tiếp tục khiến tình hình Trung Đông bất ổn. Mới nhất, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Trump bất ngờ lần đầu đến thăm lực lượng Mỹ tại Afghanistan và tuyên bố Washington sẽ rút bớt một nửa quân đội khỏi nước này.

Về đối nội, Trump cũng vẫn kiên định những chính sách đã hứa khi tranh cử. Trong năm 2019, chính quyền Mỹ vẫn theo đuổi quyết liệt chính sách chống nhập cư. Cụ thể ngày 12 tháng 8, Trump đã công bố một quy định mới có thể từ chối quyền định cư lâu dài đối với hàng trăm nghìn người nếu họ… quá nghèo. Quy định, do cố vấn về chống nhập cư hàng đầu của chính quyền Donald Trump đưa ra có thể sẽ từ chối đơn xin cấp thị thực tạm thời hoặc lâu dài của bất kỳ ai nếu không đáp ứng được quy định chuẩn về thu nhập, đặc biệt những người nhập cư hợp pháp vào Mỹ sẽ không được cấp thẻ xanh nếu sống dựa vào các chương trình bảo trợ xã hội của Hoa Kỳ. Vào tháng 9 năm 2019, chính quyền Trump cũng huỷ tới 127 dự án xây dựng quốc phòng để lấy 3,6 tỉ USD xây bức tường dài 281 km dọc biên giới Mỹ – Mexico như Trump hứa lúc tranh cử để ngăn chặn người nhập cư trái phép.

Người dân bang Arizona biểu tình phản đối việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ – Mexico

Trump tiếp tục bố trí lại nội các, loại bỏ những nhân vật tỏ ra bất đồng quan điểm với Trump. Trong năm 2019, Bộ trưởng Nội địa Ryan Zinke, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen, Cố vấn an ninh John Bolton… đều rời bỏ chiếc ghế lãnh đạo của họ. Đang xuất hiện tin đồn nhiều quan chức trong nội các của Tổng thống Trump như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cũng sẽ ra đi. Từ năm 2017 tới nay có tới 9 thành viên trong nội các Tổng thống Trump rời Nhà Trắng. Theo Viện Brookings, đây là chính quyền có biến động nhân sự cao nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Số người ra đi trong nội các chính quyền Tổng thống Trump qua 33 tháng đã vượt qua cả 5 Tổng thống trước đó.

Lợi ích và những hiệu ứng tình hình từ những động thái của Trump năm 2019

Những chính sách của Tổng thống Trump đã mang lại một số biến chuyển tích cực, đặc biệt đối với kinh tế xã hội nước Mỹ. Cụ thể, nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có mức tăng trưởng GDP liên tục trong khoảng từ 2% – 3%. Đây là mức được coi là cao đối với Hoa Kỳ. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp đang là 3,7%, đây là tỷ lệ thấp nhất ở Mỹ trong vòng 50 năm qua. Đến thời Tổng thống Trump, lần đầu tiên tăng trưởng tiền lương ở Mỹ đạt hơn 3% trong vòng 10 năm qua. Có thể nói, sự phát triển của Mỹ dưới thời Trump đã và đang đem lại lợi ích trực tiếp cho người lao động nghèo, dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ cũng suy giảm đáng kể. Tỉ lệ người nghèo dưới thời Trump giảm xuống 11,8%, mức thấp nhất từng ghi nhận từ chính quyền Clinton và vẫn tiếp tục đi theo hướng tích cực.

Tuy vậy, đối với thế giới, nhưng chính sách của Trump gây ra những xáo trộn nghiêm trọng. Cách tiếp cận đơn phương và “nước Mỹ trước hết” của Trump đã tạo áp lực cho toàn thế giới về chính trị và kinh tế. Nước Mỹ thay đổi quan điểm chính trị và cách tiếp cận ngoại giao để thực hiện một bước thành công ý tưởng lúc tranh cử của Trump, nhưng đổi lại làm đảo lộn tất cả trật tự thế giới. Đó cũng chính là ý đồ của Trump muốn rũ rối, sắp xếp lại thế giới theo cách mới.

Điều này tạo nên những tác động tiêu cực. Trật tự thế giới cũ đang từng bước bị phá vỡ. Mỹ tạo ra xung đột quyền lợi ở nhiều quốc gia trong đó nhiều nước là đồng minh. Việc Mỹ ép các đồng minh EU, Nhật Bản, Hàn Quốc chia sẻ chi phí quân sự là một ví dụ. Điều này xuất phát từ lợi ích tài chính của Hoa Kỳ nhưng đồng thời làm cho ngay cả đồng minh cũng thiếu niềm tin vào Mỹ và có xu hướng rời bỏ Mỹ, thậm chí đối đầu với Mỹ. Phương Tây trước đây do Mỹ dẫn đầu giờ đây trở thành một khối rất lỏng lẻo, không có niềm tin và định hướng thống nhất nữa mà trở thành một thực thể hỗn tạp, mỗi nước hành xử trên cơ sở lợi ích đơn phương, cục bộ.

Chính sách đối đầu trực tiếp của Trump đối với Trung Quốc đã có tác động khiến nền kinh tế Trung Quốc chững lại, gián tiếp làm tình hình nội địa Trung Quốc phức tạp, xung đột ở Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ và đặc biệt biểu tình Hồng Kông đang bùng phát dữ dội. Nhiều chính trị gia nhận xét Mỹ đứng sau cuộc biểu tình này; cuối tháng 11 năm 2019, Trump ra dự luật Hồng Kông ủng hộ người biểu tình, trực tiếp khuấy động thêm mâu thuẫn tại đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Osaka, tháng 6/2019. Là đồng minh của Mỹ nhưng Nhật vẫn chọn hợp tác với Trung Quốc.

Tuy những chính sách của Trump có làm cho Trung Quốc khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài lại tạo cho Trung Quốc cơ hội lấp vào điểm khuyết của Mỹ. Trong khi Mỹ hô hào chủ nghĩa đơn phương, thì Trung Quốc lại nhấn mạnh vào chủ nghĩa quốc tế, thúc đẩy hợp tác khắp nơi, ca ngợi toàn cầu hoá, từ đó tiếp tục phát triển ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của nước này. Ngay cả những đồng minh của Mỹ như Úc, Ấn Độ và Nhật cũng vẫn chọn làm ăn với Trung Quốc. Thậm chí, vai trò của Trung Quốc còn được nhân lên, đặc biệt tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi chính quyền Trump chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố về một chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương để liên kết các quốc gia trong khu vực nhằm kiếm chế Trung Quốc, nhưng triển khai không tích cực, hành động để cân bằng lực lượng đặc biệt ở những điểm nóng như biển Đông không rõ ràng, Trung Quốc lại có những bước đi hết sức cụ thể để lan rộng sức mạnh cả ở Châu Âu và đặc biệt là Châu Á Thái Bình Dương, trọng tâm là ASEAN. Trung Quốc đã đề xướng RCEP, Hiệp định thương mại liên quốc gia lớn nhất thế giới, với sự tham gia của các nước ASEAN và các nước trong khu vực khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand; Ấn Độ cũng được mời tham gia. Hiệp định này dự kiến được ký kết vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, sẽ có tác động rất lớn bởi 16 quốc gia tham dự sẽ chiếm 40% tổng thương mại toàn cầu và 30% GDP thế giới. Đây là thắng lợi lớn của Trung Quốc.

Gián tiếp từ những chính sách của Trump, an ninh toàn cầu trong năm 2019 vẫn đang bị đe doạ, quá trình phát triển kinh tế của nhiều quốc gia sụt giảm nghiêm trọng, vì thế quản trị của nhiều quốc gia bị rối loạn, người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn; Biểu tình khắp nơi đe doạ sự ổn định chính trị ở nhiều nước như Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia, Chile, Ấn Độ, Miến Điện, Hồng Kông, Colombia, Iran… Các nhóm IS vẫn hoạt động ở nhiều nước Trung Đông, Châu Âu, Châu Á; dòng người di cư bất hợp pháp vào các nước phát triển không giảm, nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu khắp nơi.

Những vấn đề toàn cầu như thiên tai dịch hoạ không có sự liên kết, hỗ trợ quốc tế do sự chối bỏ của Mỹ nên ngày càng khó kiểm soát. Thế giới đang đối mặt với vấn nạn biến đổi khí hậu, nhiều nước đứng trước nguy cơ cháy rừng, ngập lụt, sóng thần, nước biển dâng, nguồn nước ô nhiễm, nhưng Mỹ thờ ơ và không tham gia tích cực, quốc tế không thể chung tay đoàn kết để giải quyết các hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, nên những vấn đề toàn cầu có xu hướng ngày một phức tạp thêm trong năm 2019.

Về quân sự, các chính sách của Trump với Nga, Trung Quốc và cả các nước đồng minh kích thích chạy đua vũ trang, đặc biệt chạy đua hạt nhân, nhiều nước phải tự lo bảo vệ an ninh của mình, tập trung phát triển vũ khí giết người hàng loạt. Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Nhật Bản, Nga đều khẳng định phải tăng cường quốc phòng trước các mối đe doạ. Dù Trump khá thành công trong việc hạ nhiệt với Bắc Triều Tiên nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, có thể quay lại trở thành điểm nóng bất kỳ lúc nào. Việc chạy đua vũ trang rất dễ dẫn tới nguy cơ hạt nhân rơi vào tay khủng bố, thậm chí nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa các quốc gia nắm trong tay loại vũ khí này.

Chính trị nội bộ Mỹ cũng vẫn rối loạn. Hạ viện và nhiều chính trị gia của đảng Dân chủ Mỹ cho rằng, những gì Trump làm trong ba năm cầm quyền là phục vụ lợi ích của Trump chứ không vì nước Mỹ. Phong trào chống Trump ngày càng lớn, nguy cơ Tổng thống Mỹ bị luận tội ngày một rõ ràng, các nhân vật bất đồng chính kiến với Trump thậm chí ủng hộ Trump trước đây cũng lên tiếng phản đối những chính sách đối ngoại và đối nội đơn phương và vị kỷ của Trump.

Một phiên điều trần luận tội Trump (Ảnh: New York Times)

Hiệu ứng và tác động

Có thể kết luận, Tổng thống Donald Trump đã kiên định tạo ra một nước Mỹ lấy lợi ích của mình là trên hết đúng như thông điệp tranh cử của ông. Nhìn tổng quát, Trump đã chủ yếu sử dụng công cụ kinh tế để thực hiện mục tiêu này thay vì dùng sức mạnh quân sự. Quân sự chỉ được dùng để cổ vũ, kích thích các nước khác mua vũ khí. Ngay cả việc rút quân đội khỏi Syria, đòi đồng minh chia sẻ chi phí quốc phòng cũng là để giảm ngân sách. Trump chủ yếu dùng kinh tế để cạnh tranh và kìm chế các nước, dùng chính sách thuế và cấm vận để răn đe. Những chính sách này được áp dụng với tất cả các quốc gia kể cả đồng minh, đặc biệt nặng nề đối với các đối thủ trực tiếp như Trung Quốc. Nhưng về cơ bản, khi thấy có lợi cho Mỹ thì Trump không chừa một nước nào. Điều này đẩy Trump vào một tình thế ít được ủng hộ trên trường quốc tế, tiếng nói của Mỹ không còn sức nặng như trước, giới lãnh đạo chính trị nhận định Trump thiên về chiến thuật để làm lợi ngắn hạn cho Hoa Kỳ hơn là chiến lược tạo sức mạnh lâu dài, họ coi Trump là tiếng nói của một doanh nhân kiếm tiền hơn là một chính trị gia có tầm nhìn. Trump bị coi là không đáng tin cậy, là một người tiền hậu bất nhất, tùy hứng.

Các quốc gia nên đi theo Mỹ để đảm bảo an ninh hay đi theo Trung Quốc để phát triển kinh tế trong khi chủ quyền có thể bị đe dọa?

Với bản chất như vậy, Trump đang khởi tạo một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế. Chơi đòn kinh tế đẩy Trump vào thế yếu, việc hạn chế quân sự mà tập trung vào biện pháp kinh tế cho thấy “nước Mỹ trên hết” của Trump đang dường như “buông” trật tự thế giới này, trong khi Trung Quốc tuy có bị thiệt hại do sự tấn công từ Hoa Kỳ nhưng lại được nhìn nhận như một quốc gia ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, hợp tác để cùng phát triển. Nhiều quốc gia quan ngại nhưng vẫn muốn làm ăn và phải làm ăn với Trung Quốc vì sự phát triển của mình. Trật tự thế giới này đang tạo ra sự lựa chọn: đi theo Mỹ để đảm bảo an ninh hay đi với Trung Quốc để phát triển kinh tế trong khi chủ quyền có thể bị đe doạ. Những chính sách của Trump trong năm 2019 tiếp tục đặt thế giới vào hai sự lựa chọn như thế và nhiều nước đã chọn con đường bắt tay với Trung Quốc để phát triển kinh tế bởi sự hỗ trợ an ninh từ Mỹ hiện cũng không còn rõ ràng và kiên định như các đời Tổng thống trước.

Với tình hình quốc tế như vậy, các nước đều đang điều chỉnh chính sách, tự phát huy nội lực bản thân, củng cố các liên minh liên kết đã có, tham gia thêm các mối quan hệ hợp tác đa phương mới như RCEP giữa Trung Quốc và ASEAN, tiếp tục củng cố các mối liên kết song phương và hợp tác nhóm nhỏ. Chính sách của Trump dự báo sẽ tạo thêm điều kiện để Nga vươn sức ảnh hưởng thay thế vai trò Mỹ ở Trung Đông và Châu Âu, và Trung Quốc tiếp tục chi phối Châu Á – Thái Bình Dương, đẩy các quốc gia và toàn thế giới theo hướng phát triển đa cực mà không có và không cần Mỹ./.

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC