Trong bối cảnh nhiều biến động chưa từng có trên thế giới, cuộc chiến đầu tiên ở châu Âu sau 30 năm, tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ và nạn đói ngày càng tồi tệ ở nhiều nước, lãnh đạo các nước phương Tây đã họp hai hội nghị thượng đỉnh vào tuần cuối tháng Sáu. G7 đã họp ở Đức từ 26 – 28 và NATO họp tại Tây Ban Nha từ 29 – 30. Kết quả của hai hội nghị thượng đỉnh cho thấy tình trạng phân cực ngày càng tăng trên thế giới và những thách thức đối với châu Âu.

Cả hai hội nghị đều bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine và cả hai hội nghị cũng đều cam kết ủng hộ Ukraine vô thời hạn, “chừng nào còn cần thiết”. Trong tài liệu chiến lược của mình, NATO xác định Nga là “mối đe doạ lớn và trực tiếp nhất đối với an ninh, hoà bình và ổn định của khu vực châu Âu-Mỹ” trong khi Trung Quốc lần đầu tiên được coi là “thách thức có tính hệ thống” đối với “lợi ích, an ninh và giá trị” của NATO. Tài liệu nói rõ “tham vọng, phát biểu mang tính đối đầu của Trung Quốc về Đài Loan và quan hệ ngày càng gần gũi với Đài Loan” là “thách thức có hệ thống”. Trong một cuộc họp báo nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký NATO nói thêm: “Trung Quốc không phải địch thủ của chúng ta, nhưng chúng ta phải hiểu rõ ràng về những thách thức nghiêm trọng mà Trung Quốc đang đặt ra”. Thay đổi thái độ với Nga và Trung Quốc đã đưa NATO, một liên minh quân sự lớn nhất thế giới dựa trên sức mạnh quân sự của Mỹ, đối đầu trực tiếp với hai nước này. Trên thực tế, NATO đã và đang cung cấp vũ khí cho Ukraine chống Nga. NATO cũng sẽ “đứng dậy bảo vệ (trật tự thế giới dựa trên quy định) nếu Trung Quốc bằng cách này hay cách khác thách thức (trật tự này)”.

Tổng thống Ukraine Zelensky họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 và EU, tháng 6/2022

Với Trung Quốc, G7 đã không cho thấy dấu hiệu nào sẽ có thái độ hợp tác hơn với Trung Quốc. Thông cáo chung của Hội nghị Cấp cao gồm một danh sách những lời chỉ trích Trung Quốc và đòi hỏi với nước này. Điều này không phải là dấu hiệu tốt cho quan hệ hai bên trong tương lai. Không những thế, G7 cũng thông báo Chương trình Đối tác vì Đầu tư và Hạ tầng toàn cầu có giá trị 600 tỷ đô la Mỹ để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Điều này cho thấy đối đầu giữa một bên là Mỹ và một bên là Trung Quốc và Nga sẽ là nét nổi bật trong quan hệ quốc tế, giúp định hình thế giới mới. Thế giới đang phân ra hai cực đối đầu nhau.

Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng đã không có thoả thuận gì về định hướng cho trật tự quốc tế với các nước được mời tham gia. Khi mời các nước như Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal và Nam Phi đến tham dự, các nước G7 chắc chắn mong muốn các nước này ủng hộ lập trường của mình trong việc Trung Quốc và Nga đang cố tìm cách phá hoại trật tự thế giới hiện tại, tuy nhiên điều này không được thể hiện trong “Tuyên bố của các nền dân chủ thích ứng nhanh”. Tuyên bố hầu như không nói gì đến trật tự thế giới mới và cũng không đề cập gì đến xung đột Nga – Ukraine. Nhiều nước khác chắc chắn cũng không mong muốn cuộc xung đột Nga – Ukraine được đề cập đến, hay nói một cách khác là nhiều nước không muốn tỏ thái độ trước cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Khác biệt giữa NATO và thế giới còn thấy được ở Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Ngay trong tuyên bố khai mạc của mình, ông Jens Stoltenberg đã nói rõ hội nghị sẽ có quyết định quan trọng nhằm củng cố NATO trong một thế giới cạnh tranh và nguy hiểm hơn”. Những quyết định quan trọng này là thông qua tài liệu chiến lược xác định lại nhiệm vụ răn đe và phòng thủ, tăng số quân NATO đóng ở phía đông châu Âu từ 40.000 lên 300.000 vào năm 2023 và xem xét kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển.

Ngoài phòng thủ tập thể theo quy định của Điều 5 Hiệp ước NATO, tổ chức này còn có nhiệm vụ răn đe. Đó là không cho địch tấn công tiếp theo bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân hay răn đe bằng cách đóng quân ở các vị trí tiền tiêu (phía đông châu Âu) trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ răn đe này sau Chiến tranh Lạnh không còn được nhắc tới. Mãi đến năm 2016, răn đe lại được nhắc lại trong bối cảnh Nga chiếm bán đảo Crimea. Thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh NATO họp tại Vác-xa-va đề cập đến răn đe 28 lần so với một lần năm 1998. Hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu cũng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm này. Tài liệu chiến lược NATO năm 2022 đã nhắc đi nhắc lại từ răn đe không ít hơn 14 lần, chứng tỏ răn đe có tầm quan trọng hơn trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine. Tài liệu còn khẳng định “NATO sẽ tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi: răn đe và phòng thủ; ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng; và an ninh hợp tác”.

Phù hợp với việc xác định Nga là mối đe doạ lớn nhất, số quân NATO đóng ở phía đông tại các nước thành viên có biên giới với Nga hiện là 40.000, tăng gần 10 lần so với năm 2021. NATO dự kiến sẽ tăng số quân này lên 300.000 vào năm 2023, gấp  7 lần mức hiện tại. Việc triển khai quân NATO ở phía đông châu Âu giáp Nga được triển khai năm 2017 với mục đích là răn đe và phòng thủ với bốn tiểu đoàn quân đa quốc gia đóng tại Estonia, Lat-via, Lit-va, Ba Lan. Sau khi xung đột Nga-Ukraine xẩy ra, bốn tiểu đoàn khác đã được triển khai tại Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni và Xlô-vac-kia. Ngoài ra, NATO còn triển khai tầu chiến, máy bay đến sườn phía đông từ Biển Ban-tic ở phía bắc đến Biển Đen ở phía nam. Việc triển khai này cho thấy tình đoàn kết, quyết tâm và khả năng bảo vệ lãnh thổ của các nước thành viên. Tất cả những hoạt động này đều mang tính răn đe đối với Nga.

Sau khi giải quyết được những vấn đề song phương với Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Điển và Phần Lan đã được mời gia nhập NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh. Hiện tại, đường biên giới giữa NATO và Nga dài 1213 ki-lô-mét chạy từ nam Na-Uy qua đông Estonia và Latvia cộng với đường biên giới của Ba Lan và Lit-va với Kaliningrad. Với Phần Lan là thành viên NATO, đường biên giới giữa hai bên sẽ tăng hơn hai lần lên đến 2.600 km.

Việc quân NATO được triển khai dọc biên giới dài như vậy sẽ vẽ lại biên giới ở châu Âu, tách Nga với các nước châu Âu là thành viên của NATO. Đây là bức tranh địa chính trị khác nhiều so với những gì đã tồn tại trước cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này rất có thể làm cho Nga lo lắng tuy Tổng thống Putin vẫn tuyên bố rằng việc hai nước này gia nhập NATO hoàn toàn khác với Ukraine do cả hai nước đều không có tranh chấp lãnh thổ với Nga. Điều này cũng là thách thức với các nước NATO trong công cuộc gìn giữ hoà bình cho châu Âu và thế giới bằng những biện pháp răn đe và phòng thủ.

Tại cuộc họp báo ngày 29 tháng Sáu ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO kết thúc, Tổng Thư ký NATO Jens Steltenberg đã bác bỏ tin cho rằng Hội nghị đã thảo luận việc thành lập liên minh quân sự kiểu NATO ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên nhìn vào các nước như được mời như Ô-xtrây-lia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tân Tây Lan cho thấy NATO còn có tham vọng có thể thực hiện răn đe và phòng thủ bên ngoài lục địa Âu-Mỹ. Tuyên bố Madrid cho rằng việc các nước này tham gia “chứng minh giá trị của quan hệ hợp tác trong việc đối phó với thách thức an ninh chung”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng với Nga đang kẹt ở Ukraine, không thể tiếp tục những cố gắng của mình tạo ra thế giới ba cực trong đó mình là một cực. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước trên thế giới sẽ phải sớm chọn bên, hoặc đi với Trung Quốc và Nga hoặc đi với Mỹ trong một thế giới hai cực đang dần hình thành. Hai hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nước nhỏ sẽ không chọn bên mà chọn lợi ích của mình. Hơn bao giờ hết, câu nói của Henry Palmerston, Thủ tướng Anh thế kỷ thứ XVIII là: “Không có bạn bè vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù thường trực. Chỉ có lợi ích của chúng ta là vĩnh viễn và thường trực, và trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ lợi ích của chính mình” lại một lần nữa được chứng minh là đúng.

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC