Với sự phát triển của Internet và công nghệ, nhiều dạng thức thông tin mới ra đời, giúp con người giao tiếp và truyền đạt đa dạng và dễ dàng hơn. Sự ra đời của mạng xã hội nơi mỗi người đều có tài khoản riêng tạo ra luồng thông tin riêng, gọi là truyền thông xã hội, song hành với các thông tin chính thống của nhà nước. Thời điểm ban đầu, thông tin trên mạng xã hội còn ít thì cán cân thông tin cân bằng, nhưng công nghệ đã đẻ ra vô vàn hình thức khác nhau và người dùng cũng dần quen thuộc với thông tin trên mạng xã hội. Lượng thông tin ngày càng nhiều lên, đó là hiện tượng thừa thãi tin “quán nước”, tin “vỉa hè” trên mạng. Bên cạnh những thứ vô thưởng vô phạt, có những thông tin thất thiệt gây hạị to lớn cho xã hội.

Ban đầu, các nhóm chống đối thích tung tin lên mạng xã hội để bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kích động quần chúng. Sau này, không chỉ một nhóm mà một cá nhân bất mãn cũng tung tin. Bất kỳ ai có ý đồ xấu, bất mãn, dù ở trong hay ngoài nước, có thể bịa đặt thông làm hại cho chính thể và cộng đồng.

Vấn đề không dừng lại ở thông tin sai lệch tới từ các phần tử chống đối. Giờ đây, khi mạng xã hội cho phép ai cũng có thể phát ngôn. Nhiều người đưa tin thất thiệt chỉ vì muốn nổi danh, muốn làm giàu từ những sai trái. Ví dụ, quảng bá thuốc men hiện thừa mứa trên các mạng xã hội, kể cả trên truyền hình quốc gia, với công dụng như thuốc tiên và giá đắt nhưng không ai kiểm chứng được hiệu quả thực sự của các loại thuốc này.

Tội phạm hiện cũng lợi dụng công nghệ để đưa tin lừa đảo móc túi người dân. Vô số người đã trở thành nạn nhân, mất rất nhiều tiền bạc vì tin vào các tài khoản ảo trên mạng xã hội.  Nhiều người nói giờ đây ăn cái gì, uống cái gì, mua cái gì cũng sợ vì thông tin không biết là thật hay giả. Đó là hệ quả của cuộc khủng hoảng thừa thông tin. Tất cả hậu quả này trút vào người dân. Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích nên đánh giá cái được cái mất cũng không dễ dàng. Nhưng chắc chắn rằng truyền thông xã hội đã tạo ra sự tin tưởng khờ dại và sự nghi ngờ, phân tâm, thiếu lòng tin trong lòng người dân. Đã có những phê bình và câu hỏi đặt ra là tại sao vấn đề này lại tồn tại dai dẳng như vậy mà không có biện pháp nào chế ngự?

Trong khi thông tin xã hội thừa như vậy thì thông tin chính thống cho đại chúng lại thiếu hoặc rất chậm trễ, kể cả cổng thông tin điện tử của chính phủ và trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Hệ thống thông tin truyền thông của nhà nước thiếu những tin tức sát sườn, chính thức đối với dân. Báo viết, truyền thanh và truyền hình đều đang bị khuynh loát bởi mạng xã hội. Truyền thông nhà nước bị cho là chỉ là tuyên truyền hoặc nói sau tin mạng xã hội. Việc thiếu mạng lưới thông tin cung cấp đầy đủ tới toàn thể quốc gia và người dân, cộng đồng không thấy được nhiều thành quả tốt. Đời sống của toàn xã hội đang lên nhưng không được đề cập tới, cũng như nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, đối ngoại và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội; những câu chuyện người tốt việc tốt ít được lan toả. Những con người tích cực thúc đẩy phát triển và điển hình tiên tiến thì không được nói nhiều, trong khi những tin tiêu cực về cái xấu lại tràn lan ra xã hội.

Từ thừa và thiếu như trên dẫn đến lo. Nếu cứ như thế này thì ảnh hưởng thế nào đến đời sống, tâm lý người dân? Để giới trẻ bị tâp nhiễm những độc hại về tư tưởng là mối lo đã đành. Nhưng không chỉ trong địa hạt tư tưởng, truyền thông xã hội giờ đánh vào đời sống thực tế của mỗi người, đánh vào túi tiền nhân dân. Con người hiện đại nhiều thông tin nhưng lại sống trong hoang mang và chập chờn. Những người bị bêu riếu, bôi nhọ trên mạng xã hội không biết chống đỡ thế nào, bất lực, bất bình khi không được pháp luật bảo vệ, gây ra nỗi lo lắng, tuyệt vọng. Dù có truyền thông chính thống nhưng người dân cái gì cũng do dự, không biết nên tin vào đâu. Nhiều người nộp hồ sơ vào đâu cũng lo mất dữ liệu cá nhân. Nỗi lo lớn nhất là rối loạn và mất ổn định do những thông tin sai lạc, thông tin kích động. Thông tin sai có thể dẫn tới bất ổn, đó là nguy cơ có thật và là nỗi lo lớn nhất. 

Vấn đề thừa và thiếu thông tin là điều rất rõ, nhưng giờ đây vẫn đang bất lực với nó, không có biện pháp và chế tài để ít nhất cũng hạn chế. Xã hội đang thiếu cơ chế quản trị, thiếu sự hướng dẫn với người dân để áp chế những sai trái. Nhiều người cho rằng đó là xu thế công nghệ toàn cầu nên không thể làm gì hơn, cách nghĩ như thế là sai lầm, khiến người dân ngày càng thiếu tin tưởng vào hệ thống thông tin của quốc gia. Trong bối cảnh ngày nay, cần suy nghĩ tới một số biện pháp mang tính toàn diện và hệ thống để kiểm soát tốt hơn mặt trái của thông tin xã hội.

Thứ nhất, nước ta có nhiều quy định pháp chế, pháp luật, lĩnh vực gì cũng có nhưng nền pháp quyền và pháp chế còn chưa mạnh. Nhà nước đang rất quan tâm, bàn đến vấn đề nhà nước pháp quyền, tạo ra khuôn khổ luật pháp để công dân phải tuân thủ nhưng tiến bộ còn chậm. Nhiều người vô ý thức, đăng tải nhiều tin đồn gây hại mà không sợ bị xử nghiêm. Người bị hại cũng chưa có thói quen kiện ra toà để lấy lại công bằng. Đúc kết lại, đó là tình trạng pháp chế còn ở mức thấp, dù chúng ta có pháp luật. Có pháp luật nhưng nhiều người chưa tuân theo thì đó là tình trạng pháp chế chưa tốt. Các nước đưa ra luật, công dân thực hiện ở mức độ cao. Nhiều người Việt khi ra nước ngoài cũng chấp hành răm rắp luật pháp nước sở tại nhưng ở Việt Nam không sợ bị xử phạt nên hành xử rất bừa bãi. Vấn đề là phải có pháp chế, song song với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nếu không tăng cường pháp chế thì không tiến bộ mạnh được. Vấn đề mấu chốt nhất là phải tăng cường giáo dục luật pháp cho công dân. Hiện nay, ở các cơ quan công sở, trường học, hay trong cộng đồng dân cư, giáo dục pháp luật còn kém.

Thứ hai, chúng ta chứng kiến rất nhiều hậu quả từ sai phạm nhưng rất thiếu biện pháp phát hiện, ngăn chặn sai phạm. Khi phát hiện, chúng ta cũng không có cơ chế xử phạt thích đáng hành vi ấy. Hành vi không gây hậu quả gì lớn đôi khi bị phạt quá nặng, trong khi nhiều hành vi gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng thì bị xử rất nhẹ. Hành vi tung tin đồn một lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh dẫn tới việc doanh nghiệp đó mất hàng chục ngàn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán vừa qua là một ví dụ. Nâng cao pháp chế bằng cách nâng mức chế tài đối với hành vi tung tin sai sự thật là một biện pháp.

Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể diệt trừ thông tin sai lạc khi mỗi người dân thức tỉnh quyền lợi của mình, của gia đình mình, trước khi nói đến lợi ích quốc gia, cộng đồng. Ngoài giáo dục phải có vận động cộng đồng, tuyên truyền trong cộng đồng, thông báo đầy đủ mặt trái để người dân biết cái gì là sai trái để dân thức tỉnh. Người dân có công cụ mạng xã hội trong tay nhưng phải ý thức trách nhiệm cao khi ứng xử trên mạng, để không đưa tin sai lạc gây hại cho người khác. Người dân cũng cần ý thức để không bị lừa mị bởi những thông tin sai lạc do những người có ý đồ xấu phát tán. Ý thức của người dân là chốt chặn cuối cùng để hạn chế tốt nhất những hệ quả của thông tin xã hội sai lệch.

Đó là những biện pháp cần hướng tới để giải quyết thừa và thiếu trong thông tin hiện nay, cũng là giải quyết mối lo của những người thực sự mong muốn sự phát triển lành mạnh và ổn định của đất nước.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC