Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bao gồm Canada, Mỹ, Anh, Italia, Pháp, Đức, Nhật Bản đã được tiến hành trong ba ngày 13-15 tháng Sáu tại miền Nam Italia.

Trong suốt gần 50 năm qua, với vị thế của mình, cùng với G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), G7 đã giữ vai trò đáng kể trong việc định hình nền kinh tế và quản trị toàn cầu.

Thượng đỉnh G7 và G7 Mở rộng là hội nghị mà ở đó tập trung những nhà lãnh đạo của 7 quốc gia quyền lực, giàu có bậc nhất trên thế giới, cộng với sự tham gia của một số quốc gia quan trọng và các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu. Chính vì thế mà mỗi kỳ Thượng đỉnh G7 luôn có sức thu hút lớn.

G7 năm nay có số lượng khách mời nhiều hơn và đa dạng hơn những năm trước. Đây là thượng đỉnh đầu tiên có sự tham dự của Giáo Hoàng. Giáo hoàng Francis đã tham dự và có bài phát biểu về trí tuệ nhân tạo (AI) đồng thời kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo G7 và EU tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Ý, tháng 6/2024. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó sự có mặt đông đảo của những nguyên thủ “đại diện cho Phương Nam” như Algerie, Kenya, Tunisie, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cùng đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Phi và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đem lại một màu sắc mới. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp ông Zelensky, Tổng thống Ukraine được mời tham dự.

Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine và Dải Gaza đã vượt ra ngoài quỹ đạo của G7 và của toàn thế giới. Xu hướng ngả sang cực hữu tại nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có ba quốc gia G7 là Pháp, Đức và Italia đang gây lo ngại sâu sắc.

Hội nghị có sáu phiên họp chính, tập trung vào các chủ đề là thúc đẩy phát triển tại châu Phi và biến đổi khí hậu, diễn biến mới tại Trung Đông, xung đột ở Ukraine, vấn đề di cư, tình hình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng.

Cuộc chiến ở Ukraine là một trong những trọng tâm quan trọng nhất. G7 đã thống nhất việc sẽ đóng băng tài sản Nga cho đến khi Nga chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Số lợi nhuận khoảng 50 tỷ đô la từ số tài sản bị đóng băng (khoảng 300 tỷ USD) sẽ được sử dụng để viện trợ cho Ukraine tiếp tục cuộc chiến.

Theo các hãng tin phương Tây thì Hội nghị cố gắng để thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ngay cả khi có sự thay đổi về lãnh đạo tại các quốc gia G7 trong tương lai. Điều này mang ý nghĩa khẳng định cam kết ủng hộ lâu dài, nhất là về quốc phòng, an ninh đối với Ukraine.

Cũng tại Hội nghị này, ông Zelensky đã ký được Hiệp định an ninh dài hạn với thời hạn 10 năm với Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản. Như vậy, cho tới nay, Ukraine đã ký được thỏa thuận an ninh dài hạn với gần 20 quốc gia.

Liên quan đến Dải Gaza, G7 ủng hộ việc đàm phán giữa hai bên Israel và Hamas để tìm một giải pháp hòa bình cho xung đột ở dải Gaza, cũng như tính đến khả năng tái thiết lại khu vực này.

Trung Quốc cũng là một chủ đề được được quan tâm đặc biệt. G7 đặc biệt lo ngại về năng lực sản xuất công nghiệp dư thừa, dẫn đến hàng hóa giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Tây Âu. Ngày 11/6, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố áp thuế bổ sung lên tới 38,1% với ôtô điện nhập khẩu của Trung Quốc.

Điểm đáng chú ý là tại hội nghị này, G7 đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ nghiêm khắc hơn thường lệ khi lên án và chỉ trích Trung Quốc tiến hành các hoạt động “quân sự hóa, cưỡng bức và đe dọa” ở khu vực Biển Đông. G7 cũng cáo buộc Trung Quốc thông qua xuất khẩu chất bán dẫn, nguyên liệu và công cụ máy móc, tạo điều kiện cho Nga mở rộng hoạt động sản xuất quốc phòng, duy trì cuộc chiến tại Ukraine.

Trung Quốc đã phản đối lại mạnh mẽ những cáo buộc này. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phương Tây “đánh cắp” tài sản Nga và hành động của G7 sẽ “phá hủy hệ thống tài chính do chính phương Tây xây dựng” và sẽ đáp trả nghiêm khắc.

Tại Thượng đỉnh G7 lần này, Italia đã tìm mọi cách để đạt được mục tiêu mang hơi hướng cực hữu là đưa chương trình nhập cư theo đề xuất của Italia thông qua việc tăng đầu tư tại châu Phi (mà chưa quan tâm đầy đủ đến các hậu quả) nhằm ngăn dòng người tị nạn, cũng như những chủ đề liên quan đến năng lượng và đặc biệt đến châu Phi và Địa Trung Hải vào nội dung thảo luận.

Đánh giá về Thượng đỉnh 2024, nhiều nhà quan sát cho rằng Hội nghị đã ghi nhận được một số kết quả, đạt được đồng thuận trong một số hồ sơ và ra được tuyên bố chung.

Tuy nhiên, những kết quả trên thật sự mong manh và phản ánh một thực tế về vị trí có phần “bất ổn ”của chính G7 trong bối cảnh hiện nay:

1. Trước hết đó chính là sức mạnh kinh tế của G7 đã cho thấy có sự đi xuống và hạn chế rõ rệt

Khi mới thành lập, 7 thành viên của G7 đã sở hữu hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường khoảng 10% tổng dân số thế giới. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, tổng GDP được tính theo phương pháp ngang giá sức mua của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã vượt trội hơn G7. BRICS hiện chiếm hơn 32% GDP toàn cầu, trong khi của G7 là 29,9%.

Cùng với sự ra đời và lớn mạnh của nhiều tổ chức đa phương mang tầm vóc toàn cầu như BRICS là xu thế đa cực hóa ngày càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc một trật tự thế giới mới đa cực đang hình thành, thay thế cho trật tự “độc quyền” của G7. Hơn nữa đồng USD đang dần mất vị thế “chúa tể” không chỉ với BRICS mà còn ở một số quốc gia khác.

Tháng tư vừa qua, IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đã đưa ra dự báo, theo đó, năm quốc gia đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế toàn cầu sẽ là Trung Quốc, dự kiến sẽ chiếm 19,48% GDP thế giới đến năm 2029, Mỹ (14,72%), Ấn Độ (9,23%), Nhật Bản (3,21%) và Indonesia (2,79%). Top 10 dự kiến cũng sẽ bao gồm Đức (2,77%), Nga (2,71%) và Brazil (2,19%).

Với dự báo này, các thành viên của G7 như Pháp, Canada, Italia cho thấy sẽ có một sự tụt hạng đáng kể.

2. Trong bối cảnh mất dần vị thế là nhóm có nền kinh tế lớn và mạnh nhất thế giới, G7 đang tìm mọi cách để lấy lại ảnh hưởng, nâng tầm quan trọng và sức hút, qua đó, khẳng định lại vai trò dẫn dắt, giải quyết các thách thức toàn cầu

Tuy nhiên, tại Thượng đỉnh 2024 điểm nổi bật là G7 bị phủ bóng và chi phối gần như hoàn toàn bởi các căng thẳng địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Ukraine, Dải Gaza, quan hệ giữa G7 và Trung Quốc, Nga… Những chủ đề thảo luận địa chính trị ngày càng rộng và càng nóng bỏng nhưng những chủ đề về kinh tế bị thu hẹp rất nhiều.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 này, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký được Hiệp định An ninh dài hạn với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ảnh: Ukrainian News

Trên thực tế, những chủ đề như an ninh lương thực, kinh tế, biến đổi khí hậu, dòng người di cư được nêu lên đều không mới. Đây phần lớn là những hồ sơ “tồn đọng”, đã được thảo luận nhiều lần nhưng hành động ít hiệu quả, hoặc chưa có lời giải đáp thỏa đáng, do đó ít có sức thuyết phục. Hơn nữa bản thân nội tại các quốc gia G7 đang có rất nhiều vấn đề. Mỗi quốc gia đến Hội nghị với một tâm thế và mục tiêu khác nhau…

Tất cả những yếu tố trên đã gây bất đồng và chia rẽ giữa các thành viên G7, cũng như giữa G7 và các nước, các tổ chức khách mời tham dự. Chính điều này đã tác động tiêu cực đến mục tiêu gia tăng ảnh hưởng, lôi kéo, tập hợp  lực lượng của G7 với “các đối tác lớn” đã là thành viên BRICS hoặc sẽ gia nhập khối BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi).

3. G7 đang nuôi nhiều ý tưởng và dự định, tuy nhiên đang đối diện với quá nhiều thách thức

Thành công lớn nhất của Hội nghị là đã thống nhất được về nguyên tắc việc tiếp tục trợ giúp tài chính cho Urkraine từ tài sản đóng băng tịch thu của Nga. Tuy nhiên mọi bước tiếp theo còn mơ hồ, việc triển khai ra sao để vượt qua các thủ tục pháp lý là cả một vấn đề không nhỏ.

Mặt khác kinh tế châu Âu sẽ bị tổn hại rõ rệt từ các lệnh trừng phạt Nga và khi Nga đáp trả lại bằng cách sẽ phong tỏa tài sản của các nước phương Tây ở Nga! Với Trung Quốc, nhiều nước EU không muốn gây ra cuộc chiến thương mại, cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và sẽ tìm mọi cách để “lách luật” vì đa số các nước EU đã, đang và rất cần hợp tác với Trung Quốc trong sản xuất công nghệ cao đặc biệt là chíp và nguồn cung ứng nhiên liệu từ Nga.

Một trong những thách thức lớn nữa với G7 cũng chính là những yêu cầu và đòi hỏi cần phải được bình đẳng của khối các nước phía Nam, xu hướng yêu cầu chấm dứt toàn cầu hóa và sự tập hợp lực lượng ngày càng mạnh của Trung Quốc và Nga.

Hơn thế nữa, ngay tại nhiều nước EU, hiện mô hình kinh tế được cho là tự do của phương Tây, đang bị phá vỡ và đòi hỏi “xem xét lại”. Bản thân nội tại G7 đang đối diện với quá nhiều thách thức, không có gì bảo đảm rằng những quyết định của Thượng đỉnh 2024 sẽ được triển khai thực hiện trong bối cảnh sáu trên bảy quốc gia thành viên là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật và Canada đang đứng trước một tương lai bất định khi đối diện với những thay đổi chính phủ trong tương lai gần có thể do bầu cử (Mỹ, Pháp, Canada, Nhật) hoặc do những thất bại trong điều hành đất nước (Đức, Anh) mang lại.

Một số nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã đi xa hơn khi so sánh thời kỳ hiện nay với giai đoạn 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ. Theo chiều ngược lại, các nhà nghiên cứu đang đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự khởi đầu của giai đoạn “tự diễn biến và đổ vỡ” của thế giới phương tây, khi họ thiếu hẳn một nhạc trưởng đủ tầm cỡ.

4. Điểm thứ tư là, việc G7 thể hiện thái độ hết sức cứng rắn, đối đầu không khoan nhượng với Nga và Trung Quốc, nỗ lực duy trì, gia tăng ảnh hưởng với mục tiêu đánh gục Nga và kiềm chế ở mức cao nhất với Trung Quốc đã thể hiện sự lo ngại sâu sắc của G7 trước sức mạnh và ảnh hưởng có chiều hướng ngày càng sâu rộng của hai quốc gia đối thủ.

Một mặt, điều này càng khoét sâu và kéo dài thêm mâu thuẫn, cạnh tranh giữa G7 với Nga, Trung Quốc và khối BRICS. Mặt khác, dường như những động thái này chỉ mang tính chất đối phó và đe dọa nhiều hơn thực chất vì G7 hiểu rằng họ khó có thể đạt được mục tiêu làm suy yếu Nga và Trung Quốc.

G7 đang phải đối diện với rất nhiều thách thức và mất dần ảnh hưởng trên thế giới. Hình minh họa

Để thực hiện mục tiêu này, G7 cũng tìm mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ của khối châu Phi, Mỹ La tinh để ngăn chặn xu hướng ngả về Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều thành viên của BRICS, cho dù được coi là sân sau của Mỹ hoặc của G7, đều né tránh, cố giữ thái độ trung lập trong cuộc chiến tại Ukraine hoặc không tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ.

5. Điểm cuối cùng có thể nhận thấy rõ là sự cạnh tranh địa chính trị tại châu Âu. Thủ tướng Giorgia Meloni của Itallia đã có vai trò nổi bật, trong khi theo nhiều nhận xét, tại Hội nghị này, vai trò của Pháp và Đức có phần suy giảm.

Từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Itallia đã không che dấu tham vọng biến Italia trở thành trung tâm vận chuyển khí đốt và sắp tới là hydro giữa hai bờ Địa Trung Hải. Quốc gia này đang tập trung vào mục tiêu sẽ có vai trò lớn và quan trọng hơn, là cầu nối chủ yếu giữa châu Âu và châu Phi. Đầu năm 2024, Italia đã thành công khi đăng cai tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Italia – châu Phi”.

Câu hỏi được đặt ra là liệu có sự “hoán đổi” trong thời gian tới khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người vốn có vai trò quan trọng, thường đại diện cho Liên minh châu Âu tại các hoạt động quốc tế đang bị suy yếu do thất bại tại cuộc bầu cử Nghị viện cũng như tại cuộc bầu cử Quốc hội sớm tháng sáu vừa qua. Các nhà quan sát đánh giá rằng, ông Macron sẽ “rất khó có thể có tiếng nói ảnh hưởng đến tương lai, ngay cả trong ngắn hạn” khi vị trí Tổng thống của ông đang bị lung lay.

Kết thúc Thượng đỉnh, Thủ tướng nước chủ nhà Italia đã ví von G7 như một “cây ôliu cổ thụ, bộ rễ vững chắc, cành hướng về tương lai”. Một hình ảnh thật đẹp và đáng mơ ước!

Thật không khách quan nếu chúng ta không thừa nhận rằng trong một số giai đoạn khó khăn và đầy thách thức của thế giới, G7 đã giữ được vai trò tập hợp, phản ánh quan điểm về các vấn đề quốc tế và tham gia thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu chung, đặc biệt là về kinh tế.

Rất tiếc, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đầy thách thức và bất ổn, G7 đã không phải là như vậy. G7 không là một cây cổ thụ vững chắc, không những không có khả năng dẫn dắt nền kinh tế thế giới, mà ngược lại, đang mất dần vai trò chủ động. G7 đã không tham gia giải quyết một cách tích cực và khách quan các thách thức và xung đột toàn cầu, mà lại đang làm mình mất ảnh hưởng và sức hút với phần còn lại của thế giới. Tất cả đang báo trước một sự dịch chuyển địa chính trị.

Với những gì đã diễn ra 50 năm qua, phải thừa nhận một thực tế G7 đang suy sụp, đảo ngược vị thế. Những thành tựu lịch sử của G7 đang dần được xóa nhòa từ ký ức của những người lãnh đạo châu Âu. Họ đang bị lôi kéo nhấn chìm vai trò của mình vào cuộc chiến tranh thế giới thứ ba có thể nổ ra và rất có thể nó sẽ là sự sụp đổ cuối cùng.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC