Thăng Sắc

Tôi là một hành khách trong chuyến bay giải cứu công dân của Vietnam Airlines ngày 8 tháng 7 năm 2020 từ Washington DC (Mỹ) về Hà Nội, sau đó được cách ly 14 ngày tại Trung tâm đào tạo Thành An thuộc Binh đoàn 11 Bộ Quốc phòng. Tại cơ sở cách ly này, tôi và hơn ba trăm người khác cùng chuyến bay, có già có trẻ, đã qua những trải nghiệm nhớ đời và những ấn tượng tuyệt đẹp không thể phai mờ về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ ôn dịch.

Mỗi sáng thức dậy chúng tôi được phục vụ các món ăn sáng rất Hà Nội, khi thì bánh giò nhân thịt trộn mộc nhĩ, khi thì bánh bao của cơ sở sản xuất Asean, khi thì bánh cuốn Thanh Trì, khi thì xôi xéo hay bánh khúc…, tất cả đều nóng hổi thơm ngon. Hai bữa ăn chính đều là những món ăn bình dân tươm tất và sạch sẽ, có đủ thành phần tôm, cá, thịt và được nhà bếp luôn chú ý thay đổi để tránh trùng lặp. Cứ đến giờ các khay đồ ăn được đưa lên đặt trên bàn ngay ở cửa phòng, người cách ly chỉ cần mở cửa là đã có thể bê vào dùng bữa.

Mỗi người cách ly còn được nhận một túi đồ gồm những vật dụng cần thiết, tỉ mỉ từ chiếc tăm xỉa răng, chiếc bông tăm ngoáy tai đến bàn chải và thuốc đánh răng, khăn mặt, xà phòng tắm, dầu gội đầu… Thỉnh thoảng lãnh đạo Binh đoàn 11 lại tặng quà cho người cách ly, khi thì những chùm nhãn đầu mùa tươi ngon, khi thì ổ bánh mỳ kèm bơ, khi thì bịch nước uống tinh khiết, tất cả đều được đem đến tận nơi.

Nằm trên chiếc giường sắt hai tầng sơn xanh của chiến sĩ, trong phòng có điều hòa nhiệt độ để ở 27 độ C, có quạt trần phe phẩy, tôi cứ tự hỏi mình là ai, mình có ở khách sạn đâu mà lại được ưu tiên, được “cơm bưng nước rót” đến tận miệng thế này. Mình là ai? Đến khi nghe dưới sân các anh bộ đội gọi loa, mời công dân A công dân B xuống nhận đồ, khi nghe hai tiếng công dân ấy thì tôi chợt hiểu. Chính các anh, những người lính đang phục vụ chúng tôi tận tình, chính các anh là mối liên hệ dễ hiểu nhất, là gạch nối hiệu quả nhất nối liền nhà nước với người dân.

Tôi là một trong số ít những người cách ly cao tuổi, số còn lại chủ yếu là các bạn trẻ, là những nam thanh nữ tú, chưa có gì để gọi họ là những tinh hoa nhưng ít nhất họ đều là những du học sinh trở về từ Mỹ, một quốc gia tiên tiến nhưng đang mắc dịch (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Nói điêu ngoa một chút thì họ phải về là để chạy dịch. Dù là chạy dịch nhưng họ cũng kịp mang theo về một chút gì gọi là lối sống của thanh niên Mỹ. Không chỉ có thế, họ còn mang theo mình mấy nỗi lo âu, mặc dù biết rằng về Việt Nam rồi thì yên tâm, kể có mắc dịch cũng không sợ chết dịch hoặc tốn tiền chữa chạy nữa. Mấy nỗi lo âu của họ là về chỗ cách ly, ở cách ly có được ăn uống đầy đủ không, có được người nhà tiếp tế đồ ăn thức uống không, có điều hòa quạt mát không, có wifi Internet không, tắm chung hay tắm công cộng, bao nhiêu người dùng một nhà xí… Toàn những nỗi lo về tiện ích, về thói quen sinh hoạt cá nhân, những nỗi lo xem ra thì rất đời thường, rất chính đáng nhưng có cái gì sai sai khi đem nó so sánh với nỗi lo của mấy anh bộ đội đang lo làm tròn phận sự giúp cho các công dân về nước không bị mắc dịch.

Tôi không nói quá, chỉ hai ngày sau khi ở cơ sở cách ly Thành An thuộc Binh đoàn 11 thì những nỗi lo đời thường trên kia được rũ bỏ hết. Nhìn các bạn trẻ một số yên bình ngồi trong phòng học online, một số khác nam thì diện áo phông quần soóc, nữ thì áo hai dây hở cổ, tóc sơn xanh sơn bạc, người thì iPhone kẻ thì iPad cầm tay tung tăng giao lưu, hồ hởi tham gia bóng rổ bóng chuyền bên cạnh những anh bộ đội cũng trẻ măng nhưng kín mít trong bộ đồ y tế màu xanh đang tất bật trong bếp lo bữa hoặc lặng lẽ cặm cụi phục vụ Nhìn những cảnh tượng bề ngoài có vẻ trái ngược ấy, tôi cứ vẩn vơ nghĩ có thể các bạn trẻ trở về từ Mỹ đã mơ hồ lo sợ những ngày cách ly trước khi phát hiện ra rằng còn có một lối sống khác với lối họ đang sống, một cách sống khác với cách họ đang sống. Đó là lối sống, là cách sống của người lính cụ Hồ đang hàng ngày hàng giờ phục vụ những người cách ly, tận tình, chu đáo mà không tính toán vướng bận gì. Thời của tôi, một người cao tuổi, hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ là hình ảnh những người lính mặc áo trấn thủ, đội mũ ca-lô có đính sao vàng. Còn bây giờ các anh tỏa sáng và hiện ra là những người mặc áo bảo hộ y tế màu xanh, đội mũ bảo hộ y tế màu xanh, đeo khẩu trang màu xanh, chúng tôi không nhìn được hình dáng khuôn mặt các anh nhưng chúng tôi biết trong bộ đồ bảo hộ y tế ấy là mồ hôi và hơi thở của các anh, chúng tôi cảm nhận được là các anh bất chấp cái nắng mùa hè 35 độ C đang cười, đang động viên khích lệ mỗi người trở về, cảm nhận được tình cảm ấm nồng của người chiến sĩ, đức tính kiên cường, sự dũng cảm thầm lặng và tinh thần hy sinh cao cả vì mọi người trong mùa dịch lây nhiễm này. Là người cao tuổi, tôi đã có may mắn từng được đi nhiều nơi, nhưng tôi không biết có còn ở đâu mà người dân trong lúc hoạn nạn lại được đối xử tử tế như thế này.

Nhìn chiếc máy bay Boeing 787 sơn logo Vietnam Airlines đỗ một cách đĩnh đạc, đường bệ, tuy có chút ngạo nghễ, trên sân bay quốc tế Dullus ở thủ đô nước Mỹ vắng tanh hành khách giữa mùa dịch, tôi nhớ lại đôi lần xa Tổ quốc mà được lên những chiếc tàu thủy mang cờ Việt Nam, được thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đón tiếp như đón người thân trở về nhà. Đấy là những lúc trở về Tổ quốc, tượng trưng, ngắn ngủi nhưng đậm đặc nghĩa tình. Lần này vừa bước chân vào chiếc máy bay, tình cảm trở về đã lại rất rõ rệt. Sau 16 giờ bay, chúng tôi đáp xuống sân bay Nội Bài lúc nửa đêm, lúc ấy các anh bộ đội thuộc Binh đoàn 11 vẫn đợi để giúp mọi người đưa đồ lên xe tải, hướng dẫn mọi người lên chiếc xe du lịch 40 chỗ ngồi sang trọng để về khu cách ly. Lúc đến nơi trời đã gần sáng, những người vừa qua một chuyến bay dài mệt mỏi vô cùng bất ngờ được nhận mỗi người một hộp cháo gà đầy đặn, nóng hổi và thơm ngon. Bê bát cháo mà vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Lúc ấy tôi biết chắc rằng mình đã trở về, rằng mẹ Tổ Quốc đã dang tay ôm những đứa con chạy dịch vào lòng. Trong lòng Mẹ, những đứa con thậm chí không danh tính bỗng thấy mình không còn nhỏ bé, không còn lẻ loi cô đơn. Mọi nỗi lo sợ về dịch bệnh và cuộc sống chênh vênh bên xứ người phút chốc được rũ bỏ, tan biến. Trong lòng mẹ Tổ Quốc dù có âm tính hay dương tính thì chúng con vẫn thật bình an.

Xin cám ơn các anh bộ đội ở cơ sở cách ly Trung tâm đào tạo Thành An thuộc Binh đoàn 11 đã chăm sóc chúng tôi tận tình và chu đáo trong suốt 14 ngày cách ly, xin cám ơn tất cả các anh bộ đội ở tất cả các cơ sở cách ly đang chia sẻ nơi ăn chốn ở cho những người vừa trở về từ cơn ác mộng. Cám ơn các anh chính là cám ơn mẹ Tổ Quốc Việt Nam.

10-24/7/2020

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC