Giai đoạn mới của quan hệ Mỹ-Trung được đánh dấu bằng hai văn bản có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là : “Báo cáo chiến lược An ninh quốc gia’ (18/12/2017) và “Báo cáo Chiến lược Quốc phòng” (19/1/2018). Cả hai báo cáo này đều định vị Trung Quốc từ “đối tác toàn diện” sang “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, xác định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích, an ninh và sự phồn vinh của Hoa Kỳ. Giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ – Trung với đặc trưng nổi bật nhất là đối đầu lớn hơn hợp tác được bắt đầu bằng “chiến tranh thương mại” do Mỹ phát động và luôn nắm quyền chủ động dẫn dắt. Dù chỉ là khúc dạo đầu của một quá trình lâu dài đầy thách thức nhưng “chiến tranh thương mại” Mỹ-Trung cũng đã làm cho Trung Quốc lúng túng, bị động đối phó. Tổn thất mà chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể gây ra cho kinh tế Trung Quốc là không nhỏ nhưng không phải là lý do chính dẫn đến sự lúng túng bị động của Trung Quốc. Trung Quốc lúng túng bị động chủ yếu là vì đây không chỉ là vấn đề cọ xát thương mại mà là sự phản tỉnh chiến lược của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc đã chạm đến “thần kinh trung ương” của Mỹ. Sự phản tỉnh chiến lược của Mỹ được một Tổng thống “thực dụng” và luôn sử dụng nghệ thuật giao dịch thương mại vào các trò chơi chính trị như Donald Trump biến thành hành động nên xung lực của nó là rất khó lường và không dễ đối phó.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có tác dụng cộng hưởng, càng làm cho các khó khăn của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, sâu sắc hơn và đa chiều hơn. Ngoài việc phải đối phó với cuộc chiến thương mại, cố hạn chế thiệt hại kinh tế của Trung Quốc xuống đến mức tối thiểu, Trung Quốc còn phải đối mặt với những thách thức địa-chiến lược rộng lớn hơn, quan trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến, thậm chí là cản trở các bước đi của Trung Quốc đi đến “trung tâm của vũ đài quốc tế” như đại hội 19 của Trung Quốc đã đề ra: Làm sao đưa được quan hệ Trung Mỹ ra khỏi tình trạng “đối đầu chiến lược và cọ xát thương mại” lặp đi lặp lại triền miên? Đối phó thế nào với mặt trận thống nhất phương Tây đang hình thành nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc? Làm sao giữ được vị thế của Trung Quốc trong tiến trình cấu tạo lại trật tự thế giới mà chắc chắn Mỹ sẽ tiến hành sau chiến tranh thương mại? Làm sao tránh được cuộc bao vây phong tỏa kỹ thuật của Mỹ và phương Tây nhằm vào Trung Quốc ?
Vậy Trung Quốc nhận thức thế nào và sẽ đối phó ra sao trước những thách thức mà họ đang và sẽ còn tiếp tục phải đối măt, nhất là những thách thức trên lĩnh vực địa-chiến lược ?
Phải nói rằng, lãnh đạo Trung Quốc cơ bản nhận thức được tình hình, thấy rõ những nguy cơ thách thức mà Trung Quốc phải vượt qua, nhất là từ sau khi bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cho dù Trump bị đổ, chính sách kiềm chế toàn diện đối với Trung Quốc đã hình thành của Mỹ cũng sẽ không có điều chỉnh lớn; xung đột Trung Mỹ căn bản là sự xung đột về quan niệm giá trị. Nhận thức đươc tình hình là một mặt nhưng làm thế nào để ứng phó với tình hình đó lại là một mặt khác, khó khăn hơn nhiều. Nhìn tổng quát, Trung Quốc đã tính toàn hình thành một giải pháp mang tính tổng hợp bao gồm hai nhóm biện pháp chủ yêu dưới đây :
Một là: Tự điều chỉnh và đưa ra các biện pháp chính sách mang tính cấp thời, trước hết là nhằm đối phó với sức ép của cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ, đồng thời nhằm ổn định nội bộ, tăng cưởng nội lực, chuẩn bị cho lâu dài.
Các biện pháp mang tính cấp thời chủ yếu theo hướng “câu giờ”, kéo dài thời gian “ngưng chiến” (bắt đầu từ 1/12/2018) , cố biến chiến tranh thương mại thành cuộc chạy “maraton đàm phán” với Mỹ. Trước mắt Trung Quốc muốn kéo dài ít nhất là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, Trung Quốc hi vọng sẽ có những thay đổi nào đó có lợi cho họ sau bầu cử đó và họ sẽ tính tiếp bước đi mới. Để phục vụ cho mục tiêu này, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt “cơn thịnh nộ” của Donal Trump: Kỳ họp Quốc hội thứ hai khóa 13 đã thông qua “Luật đầu tư nước ngoài” mới, cơ bản thỏa mãn một số yêu cầu cấp bách của Mỹ như cấm “cưỡng bức chuyển nhượng kỹ thuật”, đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ bản quyền tri thức, quy định các chính sách áp dụng cho các nhà đầu tư trong nước cũng được áp dụng với đầu tư nước ngoài, các quy định về mở cửa thị trường, kể cả thị trường tài chính, chứng khoán là những lĩnh vực xưa nay rất bị hạn chế đối với đầu tư nước ngoài.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã có hàng loạt biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp thỏa mãn các yêu cầu của Mỹ như hủy bỏ hạn chế tỉ lệ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư vào thị trường cổ phiếu (8/2018), sửa đổi điều lệ quản lý ngân hàng đầu tư nước ngoài theo hướng rộng mở hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài (10/2018); sửa đổi hoặc ra các văn bản mới trên các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thuế quan, xuất nhập khẩu…theo hướng mở cửa hơn, nới rộng hơn, có lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng về bảo hộ bản quyền tri thức và chuyển nhượng kỹ thuật, hai lĩnh vực mà Mỹ liên tục gây sức ép, từ tháng 2 đến tháng 12/2018, Trung Quốc đã có đến 6 văn bản pháp quy để điều chỉnh. Trung Quốc cũng đã có nhiều ưu đãi riêng đối với Mỹ: từ tháng 5/2018, giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (từ 22% – /25% xuống 15%) và linh kiện (xuống 6%), từ 1/1/2019 tạm hoãn thuế quan đối với ô tô nguyên chiếc và linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ, tuyên bố gia tăng nhập khẩu đối với đậu nành, thịt bò…từ Mỹ. Những động thái có tính chất nhượng bộ này đã góp phần làm giảm căng thẳng của cuộc chiến, Trump đã tuyên bố kéo dài thời hạn ngưng chiến, tiếp tục đàm phán.
Đồng thời với đối phó với các áp lực từ bên ngoài, chủ yếu là từ Mỹ, Trung Quốc cũng chủ động điều chỉnh các chính sách đối nội, bao gồm cả tư tưởng chỉ đạo, chính sách kinh tế xã hội…nhằm giữ ổn định, phát triển kinh tế trong khuôn khổ “tiến lên trong ổn định”, mục tiêu là làm cho Trung Quốc giữ vững được nội lực ứng phó lâu dài với những thách thức đến từ bên ngoài. Về tư tưởng chỉ đạo, Trung Quốc đã chuyển từ “phát triển tổng lượng” sang “phát triển chất lượng cao”, lấy ổn định làm tiền đề, “tiến lên trong ổn định”, coi “phát triển chất lượng cao” là đặc điểm nổi bật nhất và là nhu cầu cơ bản của phát triển Trung Quốc trong “thời đại mới”. Phát triển chất lượng cao phải thực hiện ba sự thay đổi, “thay đổi chất lượng là chủ thể, thay đổi hiệu suất là trọng điểm, thay đổi động lực là then chốt đồng thời là tiền đề của hai thay đổi trên”.
Đáng chú ý là qua kỳ “Lưỡng hội” này, Trung Quốc đã đưa “chiến lược chấn hưng nông thôn” vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch và quá trình phát triển toàn cục kinh tế xã hội của Trung Quốc. Chấn hưng nông thôn sẽ góp phần to lớn cho việc mở rộng không gian phát triển của Trung Quốc, làm cơ sở cho Trung Quốc có thể bảo đảm phát triển với tốc độ cao trung bình trong thời gian tương đối dài. Một lĩnh vực quan trọng khác giúp ổn định tinh hình là vấn đề dân sinh. Trung Quốc nâng cao vị trí của tiêu dùng và cải thiện dân sinh trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chủ trương làm cho người dân “có thể tiêu dùng, dám tiêu dùng và sẵn sàng tiêu dung”, đưa vấn đề “ổn việc làm” vào vị trí đột xuất và là mục tiêu ưu tiên của chính sách vĩ mô, tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm, dược phẩm…Trung Quốc cũng rất chú ý đến việc nêu cao tinh thần dân tộc, tự lực tự cường, tự chủ sáng tạo kỹ thuật, đưa khẩu hiệu “biến nguy cơ thành cơ hội” vào sinh hoạt cộng đồng.
Trung Quốc đặc biệt chú ý “trỗi dậy” về mặt kỹ thuật và trên thực tế Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kỹ thuật, kể cả các lĩnh vực mũi nhọn cao mới như linh vực trí tuệ nhân tạo, 5G, kỹ thuật lượng tử (Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới phóng thành công vệ tinh lượng tử trên thế giới, tháng 6/2018), máy tính lơn, thiết bị bay không người lái…Trung Quốc xác định đây là những vốn quý, họ ra sức phát triển và tích lũy, chuẩn bị cho một cuộc “trường chính mới” trong tương lai. Đối đầu Mỹ Trung và chiến tranh thương mại Mỹ Trung càng thúc đẩy thêm quyết tâm này của Trung Quốc. Trung Quốc tạm thời có thể buộc phải nhượng bộ nhiều hơn nhưng đằng sau những nhượng bộ đó là những tính toán lâu dài, vì vậy Trung Quốc đang dồn sức để tăng cường quốc lực, nâng cao vị thế, chuẩn bị cho các cuộc “tác chiến” mới trong tương lai
Hai là: Tăng cường vai trò vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, mở rộng không gian chiến lược, thúc đẩy tập họp lực lượng mới có lợi cho Trung Quốc. Nhóm biện pháp này gắn chặt và tác động tương hỗ với nhóm biện pháp một, tạo thành sự thống nhất đồng bộ trong giải phấp đối phó của Trung Quốc
Trung Quốc đã tích cực chủ động tham gia và cố gắng giành vai trò chủ đạo trong tiến trình quản trị điều hành tòan cầu, tiếp tục thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới, nhằm chủ yếu vào G-7 ngoài Mỹ, vào G-20; thúc đẩy tăng cường quan hệ với Nga, cải thiện quan hệ với Ấn, Nhật, châu Âu…; Tranh thủ mọi cơ hội đẩy nhanh việc triển khai “Cộng đồng vận mệnh chung nhân loại” và “Một vành đai một con đường” (BRI), mặc dù đang gặp rất nhiều trở ngại, Trung Quốc vẫn coi đây là hai trục chủ yếu trong triển khai đối ngoại của Trung Quốc. Trên thực tế Trung Quốc đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho hai trục này, đặc biệt là “Một vành đai một con đường”. Đối tượng chủ yếu của “cộng đồng vận mệnh” và “Một vành đai một con đường” là các nước đang phát triển, với trọng điểm là châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á . Trung Quốc thường đề cao nội dung “hợp tác cùng có lợi” của “Một vành đai một con đường” mà cố ý giảm thiểu ý nghĩa địa chính trị của “siêu dự án” này. Kỳ thực ý nghĩa địa chính trị của “Một vành đai một con đường” là rất lớn, thậm chí có bình luận cho rằng, “nếu “Một vành đai một con đường” thành công thì cả đại lục Á-Âu sẽ gắn chặt với Trung Quốc, có thể dẫn đến triệt tiêu tầm quan trọng của liên minh Xuyên Đại Tây dương”. Trung Quốc có chiều hướng thúc đẩy cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước ASAEN, trong đó có VN, trong đó phần lớn quá trình thực hiện là thông qua việc triển khai đã kết nối “Một vành đai một con đường” với chiến lược phát triển của các quốc gia này, thực chất là ngày càng làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc về kinh tế của các nước này vào Trung Quốc. Và theo logic thông thường, khi đã phụ thuộc quá sâu về kinh tế sẽ khó lòng đảm bảo được trọn vẹn sự độc lập về chính trị.
Ý tưởng “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” đã được ghi vào văn bản của Luận đàn cấp cao hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tại Bắc Kinh, văn bản của Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở Thành Đô, văn bản Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác Trung Quốc-Ả rập và một số văn bản song phương khác. Trung Quốc cũng đã chủ động tích cực phất cao ngọn cờ và đóng vai trò chủ đạo tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa kinh tế toàn cầu, muốn tạo ra một tấm gương phản chiếu với thái độ tiêu cực của chính quyền Trump đối với toàn cầu hóa.Trung Quốc cũng đã lợi dụng các cơ hội chủ trì tổ chức các hội nghị quốc tế lớn (như APEC, G-20…) hoặc tham gia các diễn đàn quốc tế để quảng bá chính sách và thiện chí của Trung Quốc ra thế giới, tranh thủ sự đồng tình của quốc tế, nêu cao vị thế của Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc đang muốn và tìm mọi cách để dẫn dắt quá trình phát triển của thế giới, bao gồm cả tiến trình toàn cầu hóa và tự do hóa kinh tế. Đây chính là nguồn gốc phát sinh xung đột với Mỹ, cũng là lý do cắt nghĩa tại sao xung đột Trung Mỹ là sự xung đột giữa hai hệ thống gía trị, không thể giải quyết được bằng một hay hai “cuộc chiến”
Nhìn chung những biện pháp này là phù hợp với hoàn cảnh của Trung Quốc hiện nay nhưng nhiều người còn nghi ngờ khả năng thực hiện của Trung Quốc, hơn nữa khả năng này không hoàn toàn chỉ do bản thân Trung Quốc quyết định vì trong quá trình thực hiện không thể không có sự can dự của Mỹ. Tuy nhiên, một Trung Quốc đã thực hiện thành công cuộc trỗi dậy đáng kinh ngạc, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, rất có kinh nghiệm trong việc xử lý nguy cơ, rất bền bỉ trong việc chịu đựng thách thức, lại có một ban lãnh đạo có trình độ, từng trải và nhạy bén, người ta cũng có cơ sở để cho rằng, Trung Quốc có đủ tiềm năng, trí tuệ để vượt qua những khó khăn thách thức mà họ đang phải đối mặt.
Vậy quan hệ Trung – Mỹ sẽ đi về đâu? Đây là câu hỏi mang tính toàn cầu mà chưa có câu trả lời rõ ràng, trọn vẹn. Nhưng có điều có thể khẳng định là cả hai bên đều không muốn quan hệ của họ bị đổ vỡ, càng không thể có bên nào toan tính chủ động phá vỡ nó. Mục tiêu cuộc chiến thương mại không phải là thôn tính lẫn nhau, đơn giản là vì không bên nào đủ sức thôn tính đối phương mà không sứt mẻ gì, hơn nữa mỗi bên đều có nhu cầu hợp tác trong cạnh tranh với nhau. Lợi ích mà quan hệ Trung Mỹ đem lại cho mỗi bên, dù sao đi nữa, cũng rất khó tìm được đối tác để thay thế, bản thân hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này trên thực tế đã gắn kết với nhau đến mức rời bỏ nhau là cả hai bên đều tổn thương rất lớn, nếu không nói là không thể bù đắp được. Hơn nữa, quan hệ Trung Mỹ không chỉ là quan hệ song phương mà là mối quan hệ chi phối lớn nhất đến trật tự thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế. Nếu quan hệ này đổ vỡ, toàn cầu sẽ rung chuyển, không một nhà lãnh đạo có trí tuệ và có trách nhiệm nào muốn để cho tình huống đó xẩy ra. Chắc chắn Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donal Trump cũng như vậy.
Tuy nhiên, dù một hiệp đinh thương mại Mỹ Trung được ký kết, đối đầu chiến lược và cọ xát kinh tế thương mại vẫn sẽ tiếp tục, trở thành “trạng thái bình thường mới” trong quan hệ hai nước, nghi ngờ và cảnh giác trong ứng xử của hai bên sẽ gia tăng, quan hệ khó có thể trở lại như thời trước chiến tranh thương mại. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi diễn biến của nó nhưng có thế khẳng định rằng: vị trí và tầm quan trọng của cặp quan hệ “quan trọng nhất đồng thời là phức tập nhất” này nói chung không có gí thay đổi lớn, vẫn là nhân tố chi phối lớn nhất, sâu rộng nhất đối với trật tự thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế./.
Tùng Lâm
(Theo Tạp chí Phương Đông)