Nếu đối với Nga, Trung Quốc cần nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện để tìm kiếm “đồng minh trên thực tế” cùng chung một chiến hào ngăn chặn Mỹ thì đối với Châu Âu, Trung Quốc cần xích lại gần hơn để kéo Liên minh Châu Âu (EU) ra càng xa Mỹ càng tốt, ngăn  chặn EU tham gia vào mặt trận thống nhất quốc tế kiềm chế Trung Quốc do Mỹ khởi xướng.

Trung Quốc-EU kiến lập quan hệ ngoại giao ngày 6/5/1975. Năm 1998 hai bên thiết lập “Quan hệ đối tác mang tính xây dựng lâu dài ổn định hướng tới thế kỷ 21”; năm 2001 là “Quan hệ đối tác toàn diện”, năm 2003 nâng lên “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Năm 2013 hai bên công bố “Hợp tác Trung Quốc-EU: Quy hoạch chiến lược 2020”; Tháng 3/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức EU, nhấn mạnh “Trung Quốc và EU, hai lực lượng lớn, hai thị trường lớn, hai nền văn minh lớn cần kết hợp lại với nhau, cùng nhau xây dựng Quan hệ đối tác lớn trên 4 lĩnh vực hòa bình, tăng trưởng, cải cách, văn minh”; thiết lập một “định vị mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU trong tình hình mới”.

Cho đến nay, hai bên đã thiết lập gần 70 cơ chế thương lượng và đối thoại song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân văn, khoa học kỹ thuật, năng lượng, môi trường… Bao gồm:  Cơ chế gặp gỡ hàng năm giữa lãnh đạo Trung Quốc-EU (Cơ chế đối thoại chính trị cấp cao nhất, hình thành năm 1998); Cơ chế đối thoại chiến lược cấp cao Trung Quốc-EU (Diễn đàn quan trọng đi sâu trao đổi các vấn đề chiến lược vĩ mô Trung Quốc-EU, hình thành 2010); Cơ chế đối thoại cấp cao kinh tế thương mại Trung Quốc-EU (Cơ chế đối thoại cấp cao nhất về kinh tế thương mại, hình thành năm 2008); Đến nay hai bên đã tiến hành 21 cuộc đối thoại cấp cao. Ngoài ra còn có nhiều cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực: Cơ chế Tổ công tác năng lượng (1997); Cơ chế đối thoại chiến lược Năng lượng Giao thông Trung Quốc-EU (2005); Tổ công tác hợp tác khoa học kỹ thuật (1991), Ủy ban chỉ đạo hợp tác khoa học kỹ thuật Trung Quốc-EU (1998)…

Trung Quốc tận dụng mối liên hệ sẵn có trên lĩnh vực kinh tế thương mại để thúc đẩy quan hệ hai bên, thông qua kinh tế thương mại để tiếp cận các nhu cầu về địa chiến lược.

40 năm qua, quy mô thương mại Trung Quốc-Châu Âu tăng 250 lần; EU 15 năm liền (tính đến 2018) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU; hai bên là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nhau. Năm 2018, tổng kim ngạch mậu dịch hai bên đạt 682,16 tỉ USD, mức cao nhất trong lịch sử, tăng 10,6%; tính bình quân mỗi phút, kim ngạch mậu dịch Trung Quốc-Châu Âu đạt trên 1 triệu USD, cứ hai ngày đạt kim ngạch bằng một năm vào thời điểm hai bên mới thiết lập quan hệ (theo bài viết của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trên tờ “Thương báo” Đức ngày 8/4/2019 và theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/4/2019.)

Từ 2012, Trung Quốc và 16 nước Trung Đông Âu thiết lập cơ chế hợp tác mới, “hợp tác 16+1”. Bảy năm qua (tính đến 2019), mậu dịch “16+1” (Trung Quốc-Trung Đông Âu) tăng 50%; đầu tư của Trung Quốc vào Trung Đông Âu tăng trên 300%, số người Trung Quốc đến Trung Đông Âu du lịch tăng 600% (số liệu của Đại sứ quan Trung Quốc tại Croatia).

Năm 2018, Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào EU đạt 8,11 tỉ USD, tăng 7,1%; EU đầu tư vào Trung Quốc 2425 hạng mục (tăng 33,5% ), kim ngạch đạt 10,4 tỉ USD (tăng 25,7%). Tính đến cuối tháng 2/2019, tổng cộng đầu tư của EU vào Trung Quốc trên 47.000 hạng mục, kim ngạch đầu tư thực tế đạt 132,2 tỉ USD. Đầu tư hai bên không chỉ tăng trưởng nhanh mà phương thức đầu tư không ngừng được đổi mới, ngành nghề và lĩnh vực đầu tư cũng không ngừng được mở rộng. Đặc biệt đáng chú ý là EU luôn là bên cung ứng kỹ tuật và thiết bị lớn nhất của Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 2/2019, Trung Quốc đã thu hút từ EU 56.482 hạng mục kỹ thuật, trị giá 216,76 tỉ USD. Các tập đoàn lớn của Châu Âu đã tham gia nhiều hàng mục lớn, mang tính tiêu biểu tại Trung Quốc như nhà máy điện hạt nhân Đại Á Loan, đường tàu hỏa từ tính Thượng Hải (Shanghai  Maglev Train), nhà máy ô tô Volkswagen, sân bay Thiên Tân…

Tính đến 2018, trung bình mỗi năm hai bên có gần 8 triệu lượt người qua lại, mỗi tuần có trên 600 chuyến bay; đường bộ, đường sắt, đường biển kết nối hai bên rất thuận lợi. Đến cuối 2018, đường sắt Trung Quốc-Châu Âu đã đi qua 108 thành phố của 15 quốc gia Á-Âu. Hai bên cũng thúc đẩy giao lưu nhân văn, tổ chức các “năm hữu nghị”, “năm văn hóa”, “năm thanh niên”…tại hai bên; tính đến cuối 2016, Trung Quốc đã thành lập tại 28 nước EU 131 Học viện Khổng tử, 251 khóa học Khổng Tử; Tổng số lưu học sinh Trung Quốc tại Châu Âu khoảng 30 vạn, Châu Âu có khoảng 4,5 vạn lưu học sinh tại Trung Quốc.

Trung Quốc cũng ra sức lôi kéo EU tham gia “cùng xây dựng Vành đai Con đường” (BRI), hiện đã có trên 20 nước Châu Âu tham gia hợp tác BRI; tiếp theo Italia, Luxembourg cũng đã ký “Bản ghi nhớ” hợp tác BRI với Trung Quốc. Trong số 57 quốc gia là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Hạ tầng Châu Á (AIIB), có đến 14 quốc gia thuộc EU. Trung Quốc chủ trương thông qua BRI, tiến hành kết nối với EU trên ba lĩnh vực: Kết nối chiến lược ở thượng tầng, tức kết nối BRI với chiến lược phát triển của EU; kết nối ở tầng doanh nghiệp, giữa hợp tác năng lực sản xuất của Trung Quốc với kế hoạch đầu tư của EU và kết nối giữa các địa phương hai bên, với Trung Đông Âu (16+1) và toàn bộ Châu Âu. (các số liệu trên lấy từ nguồn: Phòng Kinh tế Thương mại, Cơ quan đại diện Trung Quốc tại EU, ngày 9/4/2019)

Theo Trương Minh, Trưởng Đoàn đại diện Trung Quốc tại EU (Tân Hoa xã, 29/12/2018): Châu Âu ngày càng coi trọng quan hệ với Trung Quốc, thể hiện ở 3 điểm: (i) Các tiếng nói khách quan hiểu biết về Trung Quốc ngày càng  nhiều (ii) Càng có những kỳ vọng lớn hơn về tiền đồ phát triển của quan hệ EU-Trung Quốc (iii) EU càng chủ động hơn trong quy hoạch chiến lược đối với phát triển quan hệ EU-Trung Quốc. Trương Minh cũng cho rằng, EU ngày càng tích cực hơn đối với BRI, do ba yếu tố: (i) Nhận thức chung về chính trị giữa hai bên ngày càng sâu sắc (ii) Kết nối chiến lược phát triển giữa hai bên có những khởi điểm mới (EU đã ra văn bản chính sách chiến lược kết nối Âu-Á, nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác Âu Á, vai trò của các nước Châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, có những phương án kết nối cụ thể…) (iii) Hợp tác hai bên đã đạt được những kết quả thực tế.

Về phía Trung Quốc, tháng 12/2018, Chính phủ Trung Quốc đã công bố văn kiện thứ ba về chính sách đối với EU, nêu rõ mục tiêu chính sách và biện pháp hợp tác của Trung Quốc với EU thời gian tới, nhằm thực hiện “ba nâng cấp” quan hệ Trung Quốc-EU: Nâng cấp mật độ  giao lưu; nâng cấp cảm giác hưởng thụ những thành quả của hợp tác Trung Quốc-EU của nhân dân và nâng cấp trình độ hợp tác trong quản trị toàn cầu.

Trong bối cảnh phải ứng phó với sự đối đầu của Mỹ, Trung Quốc luôn vẽ ra một tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung Quốc-EU, cố gắng xích lại gần EU hơn, tranh thủ EU bằng mọi cách, hi vọng EU không hoàn toàn đứng về phía Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc đã mất nhiều tiền của công sức và đã đạt được những kết quả nhất đinh. Gần đây, Tổng thống Pháp đã đưa ra nhận xét về quan hệ Trung Quốc-EU, cho rằng “Một quan hệ Trung Quốc-EU hùng mạnh trên cơ sở mục tiêu rõ ràng, nhu cầu to lớn và ý nguyện lâu dài sẽ là một thực tế rất dễ nhận thấy và là một sự lựa chọn mang tính lý trí của thế kỷ 21”.

Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc-EU đang xuất hiện những trục trặc. Cuối tháng 3/2019, ngay trước hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc ( 9/4/2019), Ủy ban Châu Âu đã công bố một Văn kiện chiến lược, trong đó gọi Trung Quốc là “bên cạnh tranh kinh tế”, là “đối thủ mang tính hệ thống” (systemic rival); Văn kiện này đã đưa ra “kế hoạch hành động 10 điểm” của EU trong ứng phó với Trung Quốc  để các vị đứng đầu các quốc gia thành viên EU thảo luận và biểu quyết trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Brussels dự cuộc gặp cấp cao Trung Quốc-EU lần thứ 21.

Theo Văn kiện này, EU nhằm tới ba mục đích: (i) là trên cơ sở định nghĩa rõ ràng lợi ích và nguyên tắc, EU cần đi sâu quan hệ với Trung Quốc nhằm thúc đẩy lợi ích chung toàn cầu (ii) EU cần chủ động tìm kiếm những điều kiện cân bằng hơn, đối đẳng hơn để chủ đạo quan hệ kinh tế (iii) Bản thân EU cần điều chỉnh để giữ vững lâu dài sự phồn vinh, hệ giá trị và mô thức xã hội của mình nhằm ứng phó với hiện thực kinh tế đang thay đổi, tăng cường chính sách nội bộ và cơ sở công nghiệp của mình. Có nghĩa là EU sẽ đi sâu quan hệ với Trung Quốc nhưng không phải bằng mọi giá, phải trên cơ sở lợi ích và nguyên tắc rõ ràng, phải thúc đẩy lợi ích chung toàn cầu, phải với điều kiên cân bằng hơn, đối đẳng hơn; phải giữ vững sự phồn vinh lâu dài, hệ giá trị và mô thức xã hội của EU. Rõ ràng đây không phải là một sự hợp tác tự nguyện và hoàn toàn thoải mái. Trung Quốc khó có thể đáp ứng được các điều kiện trên theo đúng yêu cầu của EU.

Nội dung của “Kế hoạch hành động 10 điểm” toát lên sự cảnh giác đề phòng của EU với Trung Quốc, đồng thời cũng thể hiện mong muốn của EU muốn có một chiến lược chung, một mặt trận chung trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và đang tạo ra những thách thức hiện thực đối với EU, chủ yếu bao gồm: đảm bảo chắc chắn an ninh các cơ sở hạ tầng số then chốt, đạt đến lập trường chung của EU về an toàn mạng 5G; quan tâm đến các nguy cơ an ninh do đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực tài nguyên, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng then chốt gây ra; các thành viên EU cần rà soát các quy định liên quan để kiểm soát đầu tư trực tiếp của nước ngoài chủ yếu nhằm vào Trung Quốc). Kế hoạch này còn kêu gọi Trung Quốc tăng cường hợp tác trên ba trụ cột của Liên hợp quốc: nhân quyền, hòa binh an ninh và phát triển, đòi hỏi những đóng góp lớn hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trên thực tế, thương mại và đầu tư Trung Quốc-EU còn một khoảng cách rất xa so với tiềm năng của hai bên. Hiện đầu tư của EU vào Trung Quốc chỉ chiếm 4% tổng đầu tư đối ngoại của EU, đầu tư của Trung Quốc vào EU chỉ chiếm 2% tổng thu hút đầu tư của EU. Thậm chí đài “Tiếng nói nước Đức” ngày 6/3/2019 đưa tin: Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc MERICS ở Berlin và tập đoàn tư vấn Mỹ Rhodium Group đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết, năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào 28 nước thành viên EU đã giảm 40%, mức thấp nhất từ năm 2014; sự giảm sút này đồng nhịp với sự sa sút đầu tư của Trung Quốc trên toàn cầu. Có 3 nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này: Trung Quốc siết chặt quản lý vốn, Trung Quốc thu hẹp nguồn vốn lưu động và Châu Âu ngày càng nghiêm khắc trong việc thẩm định, quản lý giám sát các hạng mục đầu tư nước ngoài. Những con số của báo cáo này hoàn toàn ngược lại các số liệu do các cơ quan truyền thông chính tức của Trung Quốc đưa ra, mâu thuẫn với các nguồn đã nêu ở trên. Báo cáo này còn cho biết, năm 2018 lần đầu tiên các nhà đầu tư Trung Quốc từ bỏ với quy mô lớn cổ phần mà họ đã mua của các công ty châu Âu, theo thống kê khoản này lên tới 3 tỉ euro.

Dư luận Châu Âu cho rằng, nhiều khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc, nhất là đầu tư trong khuôn khổ BRI, đã dẫn đến những lo ngại của người Châu Âu. Trong quá trình đầu tư, Trung Quốc còn tìm cách sát nhập, mua lại các công ty của Châu Âu, kể cả một số lĩnh vực mà người Châu Âu lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia. Gần đây, hãng chế tạo dược phẩm Biotest và hãng cung ứng linh kiện xe hơi của Đức đã bị Trung Quốc mua lại…  BRI của Trung Quốc hiện đã triển khai đến Italia, càng làm cho Châu Âu cảnh giác, lo ngại các cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực mang tính chiến lược sẽ bị Trung Quốc thôn tính. Italia “vượt rào” để trở thành nước đầu tiên trong G-7 ký thỏa thuận hợp tác xây dựng BRI với Trung Quốc được một số báo chí Châu Âu coi là “một hành động chia rẽ, làm cho EU càng thêm khó đồng thuận trong ứng phó với Trung Quốc”. Ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU (4/2019) sẽ là Thượng đỉnh 16+1 (Trung Quốc-Trung Đông Âu), không bao gồm các nước Tây Âu. Động tác “hai tay” này của Trung Quốc cũng làm cho Châu Âu lo ngại, một là về tính minh bạch của mối quan hệ Trung Quốc-Trung Đông Âu, hai là Trung Quốc thông qua mối quan hệ này để chia rẽ Châu Âu. Với chuyến thăm 3 nước Châu Âu (Italia, Monaco và Pháp) của Chủ tịch Tập Cận Bình (3/2019), dư luận Pháp cho chuyến đi này có ý nghĩa rất to lớn đối với Châu Âu nhưng ở khía cạnh khác, là làm cho Châu Âu phải cảnh giác hơn và phải có hành động chung hơn. Tờ “Thế giới” của Pháp, ngaỳ 25/3/2019 cho rằng, mỗi trạm dừng chân của Tập Cận Bình trong chuyến thăm này là một trạm để ông “quảng bá, thúc đẩy BRI”, nhưng đồng thời đây cũng là “cơ hội để các thành viên EU củng cố lại đội hình ứng phó, EU cần một kế hoạch hành động thống nhất trước các dã tâm và mê hoặc của Trung Quốc”. Giới nghiên cứu Châu Âu cũng tỏ hoài nghi về triển vọng hợp tác Trung Quốc-EU. Chủ nhiệm Sở Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Pháp, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về Trung Quốc Alice Ekman cho rằng, các trung tâm nghiên cứu tại Washington, Brussels, Paris và Berlin đều có nhận thức chung rằng, “kết nối giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng sâu, trong khi cải cách xí nghiệp quốc hữu (ở Trung Quốc) không có tiến triển, vào thị trường Trung Quốc gặp đủ các lọai trở ngại, các hành động của Trung Quốc tại hải ngoại càng làm cho phương Tây lo ngại” (“Thế giới”, Pháp, 25/3/2019).

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris

Tháng 2/2019, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua “Biện pháp giám sát các cơ chế đầu tư của nước ngoài trong phạm vi EU” tuy không chỉ đích danh nhưng chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc; và “Điều lệ an ninh về bố trí mạng 5G”, nhằm vào Huawei, đây là những biện pháp đối phó với việc Trung Quốc triển khai rầm rộ BRI.

Xem ra việc thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-EU để kéo EU ra xa Mỹ hơn theo ý nguyện của Trung Quốc là điều không dễ. Mặc dù với tính khí thất thường của mình, ông Trump đã nhiều lần làm cho EU khó chịu; Trump vẫn sẵn sàng trưng thuế cao với hàng hóa nhập khẩu của EU khi thấy EU vi phạm các tiêu chuẩn của ông, gần đây Trump đã chỉ trích EU và Trung Quốc “thao túng tiền tệ, làm thiệt hại đến lợi ích của Mỹ”…, EU có thể sẽ có những đáp trả. Đúng là Châu Âu và Mỹ đang thể hiện nhiều bất đồng với nhau và Châu Âu luôn muốn giữ một khoảng cách hợp lý hơn với Mỹ nhưng nhìn tổng thể, hai bên vẫn là đồng minh của nhau, vẫn cần sự phối hợp chiến lược trong khuôn khổ “thế giới dân chủ phương Tây”. Không bao giờ có chuyện Châu Âu sẽ vì sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc mà hi sinh những lợi ích cơ bản trong quan hệ với Mỹ, dù nước Mỹ đó được đặt dưới sự lãnh đạo rất khó lường của Donald Trump hay bất cứ vị Tổng thống nào. Mặt khác, bản thân quan hệ Trung Quốc-EU cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, nhất là còn thiếu sự tin cậy chiến lược đối với nhau, sự thiếu minh bạch, thiếu đối đẳng trong trong quan hệ kinh tế thương mại, sự chưa ăn nhập về hệ thống giá trị và mô hình xã hội…

Thực tế đang cho thấy, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy thiết lập một “định vị mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc-EU, đưa quan hệ Trung Quốc-EU lên tầm cao mới, cho dù những gì họ thu về được không tương xứng với những gì họ đã bỏ ra, vì đây là nhu cầu chiến lược mang tính cấp bách của Trung Quốc hiện nay, khi Mỹ chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ lùi bước trong cuộc đọ sức với Trung Quốc./.

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC