Đối đầu Trung – Mỹ đã là một thực tế hiển nhiên, đang trở thành cản trở lớn nhất và khó lường nhất cho việc triển khai các “sáng kiến” của Trung Quốc nói chung và chiến lược xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới nói riêng của Trung Quốc.  Hoa Kỳ, đối tác quan trọng nhất đồng thời là đối tượng phức tạp nhất, thường được Trung Quốc đặt vào vị trí số 1 trong đối ngoại Trung Quốc nhiều thập kỷ qua, nay đang “ngáng đường” Trung Quốc. Chiến thuật của Trung Quốc hiện nay là kéo dài thời gian đàm phán với Mỹ ít nhất cũng đến bầu cử 2020 ở Mỹ, hi vọng sẽ xuất hiện những yếu tố mới có lợi cho Trung Quốc hơn, đồng thời nỗ lực tối đa tìm kiếm đối trọng, trước hết là từ phía Nga và EU, tìm cách sưởi ấm lại quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản và các nước lớn khác, cố xây dựng một môi trường thiện chí hơn với Trung Quốc nhằm thoát ra khỏi cuộc vây ráp chiến lược của Mỹ.

Trước hết Trung Quốc nhìn về Nga để tìm kiêm đối trọng.  Quan hệ Trung – Nga từ sau Chiến tranh lạnh đã không ngừng được nâng cấp, từ “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung – Nga bình đẳng tin cậy, hướng tới thế kỷ 21” (1996) đến “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga bình đẳng tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau, cùng phồn vinh, đời đời hữu nghị” (2001), rồi đến “Giai doạn mới của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga” (2014) và nay là “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược doàn diện Trung – Nga thời đại mới” (6/2019).  Quan hệ này được nguyên thủ hai nước thiết kế và chỉ đạo chiến lược, được thực hiện bởi các cơ chế nhiều tầng nhiều nấc, cả ở phạm vi quốc gia và phạm vị địa phương, cả trên lĩnh vực song phương lẫn đa phương; đã trở thành một hiện tượng địa chính trị nổi bật được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, nhất là từ sau  khi đối đầu chiến lược Trung – Mỹ bùng phát (12/2017).

“Tuyên bố chung về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga thời đại mới” ngày 5/6/2019 (ký trong chuyến thăm Nga và dự Diễn đàn kinh tế thế giới Xanh Petecbur 5-7/6/2019 của Tập Cận Bình) đã thể hiện quan hệ Trung – Nga ở trình độ cao hơn, chín chắn hơn sau 70 năm phát triển và mang tính phối hợp chiến lược sâu sắc hơn. Với “Tuyên bố chung” này, lãnh đạo hai nước đã đưa ra một thiết kế thượng tầng khá toàn diện, cả trên lĩnh vực địa chính trị lẫn kinh tế xã hội cho tương lai phát triển quan hệ hai nước trong “thời đại mới”, cố gắng ăn nhịp với “thời đại mới” của Trung Quốc mà đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã định hình. “Tuyên bố chung”  nêu rõ, “70 năm qua, quan hệ hai nước đã đi qua một lộ trình lịch sử không bình thường. Hai bên đã lĩnh hội các kinh nghiệm lịch sử, đứng trên lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước, ra sức thực hiện phát triển hòa bình, hợp tác cùng thắng, thúc đẩy quan hệ Trung – Nga đạt đến trình độ tốt nhất trong lịch sử, dựng nên mẫu mực về chung sống hòa mục, hợp tác cùng thắng giữa các quốc gia”. “Tuyên bố chung” khẳng định, “ Quan hệ Trung – Nga vững chắc, ổn định, không bị thay đổi bởi bất cứ sự can thiệp nào từ môi trường bên ngoài, có một động lực nội sinh to lớn và một tiền đồ phát triển sáng lạn” “Tuyên bố chung” đã nêu 5 đặc trưng chủ yếu của quan hệ Trung – Nga hiện nay: (i) Tin cậy chính trị cao độ lẫn nhau; (ii) Có cơ chế giao lưu cấp cao và hợp tác các lĩnh vực hoàn chỉnh; (iii) Nội dung phong phú, hợp tác thiết thực, mang ý nghĩa chiến lược; (iv) Có cơ sở dân ý vững chắc đời đời hữu nghị; (v) Phối hợp quốc tế mật thiết hữu hiệu.

Đồng thời cũng đưa ra 5 nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quan hệ hai nước: (i)  Tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng tin cậy lẫn nhau (ii) Láng giềng hữu nghị (iii) Ủng hộ, hợp tác chiến lược lẫn nhau (iv) Thông cảm nhường nhịn lẫn nhau, hợp tác cùng thắng (v) Không liên kết, không đối kháng, không nhằm vào bên thứ ba.

Hai bên xác định hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, giao lưu nhân văn, phối hợp quóc tế là các lĩnh vực trọng điểm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga. Để đạt mục tiêu này, hai bên sẽ cùng quy hoạch các nguyên tắc, phương hướng và các biện pháp hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hai bên cam kết tích cực hoàn thiện các cơ chế hợp tác như cơ chế gặp gỡ định kỳ giữa hai Thủ tướng, cơ chế Ủy ban hợp tác đầu tư Trung – Nga cấp Phó Thủ tướng, Nhóm công tác giám sát cấp cao các hạng mục mang tính chiến lược trong hợp tác kinh tế Trung – Nga, Nhóm công tác chuyên trách trên lĩnh vực năng lượng…; Nhất trí phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế đối thoại về an ninh chiến lược, củng cố sự tin cậy lẫn nhau trên lĩnh vực an ninh quốc gia, bảo đảm sự trao đổi và phối hợp với nhau trên các vấn đề an ninh quốc tế quan trọng; Đẩy mạnh việc trao đổi chiến lược về quốc phòng và quân đội hai nước, tăng cường tin cậy lẫn nhau về quân sự, đẩy mạnh hợp tác về kỹ thuật quân sự, diễn tập chung… nâng cấp quan hệ quân đội hai bên lên trình độ cao mới.

Hai bên đã không ngừng thúc đẩy giao lưu nhân văn, thường xuyên tổ chức “năm quốc gia”, “Năm du lịch”, “năm ngôn ngữ”,  “năm giao lưu hữu nghị thanh niên”, “năm giao lưu báo chí” hai bên, cố làm cho cự ly dân gian hai nước xích lại gần nhau hơn, tạo cơ sở xã hội cho sự đồng thuận chiến lược ở tầng quyết sách của hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc nguyên thủ và cấp cao hai nước, nêu cao vai trò thiết kế thượng tầng và dẫn dắt chiến lược cho phát triển quan hệ hai nước; Trên thực tế, từ 2013, ngay sau khi trở thành người nắm quyền lực cao nhất của Trung Quốc tại đại hội 18 (2012) đến đầu 2019, Tập Cận Bình đã 8 lần thăm chính thức Nga, chưa kể các cuộc gặp bên lề các hội nghị quốc tế và các cuộc điện đàm với nhau. Trong chưa đầy hai năm qua, Tập Cận Bình và Putin đã gặp nhau ít nhất 4 lần (tháng 5/2017, tháng 9/2018, tháng 4 và tháng 6/2019), một mật độ ít có giữa các cặp nguyên thủ trên thế giới, chứng tỏ nhu cầu trao đổi phối hợp chiến lược giữa Trung Quốc và Nga là rất cao, rất thường xuyên. Đặc biệt, trong cuộc gặp ngày 5/6/2019, Tập Cận Bình và Putin đã thỏa thuận tăng cường quan hệ giữa văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan giúp việc quan trọng nhất, tin cậy, gần gũi nhất của Tập Cận Bình với Văn phòng Tổng thống Nga, cánh tay nối dài của Putin. Động thái này chứng tỏ hai bên đều muốn tăng cường một cách nhanh chóng hơn, trực tiếp hơn quan hệ phối hợp chiến lược giữa hai nước, trước hết là giữa nguyên thủ hai nước.

Về hợp tác trên các vấn đề quốc tế, hai bên nhằm tới việc thể hiện sứ mệnh và trách nhiệm của hai nước lớn trên thế giới và là hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hợp tác duy trì và cải cách hệ thống quốc tế, nâng cao hiệu quả vận hành của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an; Ủng hộ thúc đẩy nhân quyền nhưng phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền, phản đối lấy cớ nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền; nâng cao tính đại diện và quyền phát ngôn của các nước đang phát triển… Ủng hộ chủ nghĩa mậu dịch đa phương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch… Hai bên cũng có những bước phối hợp và tạo được tiếng vang nhất định trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như vấn đề Syria, Trung Đông, Afghanistan, Triều Tiên, Iran, kêu gọi các bên kiềm chế trong vấn đề Ucraina, thông qua con đường chính trị hòa bình để giải quyết vấn đề. Trung – Nga cũng đã tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương WTO, BRICS, SCO, G-20…

Lãnh đạo hai nước Trung – Nga đều đánh giá rất cao thực trạng và tương lai của quan hệ hai nước. Tập Cận Bình cho rằng, “quan hệ Trung – Nga đang phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh ở trình độ cao và đang ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Tập  Cận Bình khẳng định, trong thế giới ngày nay, khi tính bất ổn định trong hệ thống quan hệ quốc tế gia tăng, “việc tăng cường quan hệ Trung – Nga là sự kêu gọi của lịch sử, là sự lựa chọn chiến lược kiên định không lay chuyển của cả hai bên”. (*1) .

Về phần mình, Putin cho rằng, 70 năm qua, quan hệ Nga – Trung đã đạt đến trình độ cao chưa từng thấy, đã xây dựng nên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thực sự, không chỉ tạo phúc cho nhân dân hai nước mà còn là một lực lượng quan trọng bảo vệ an ninh và ổn định chiến lược toàn cầu. Hai nước Nga – Trung cần tiếp tục tăng cường phối hợp hợp tác trên các vấn đề quốc tế và khu vực trọng đại, cùng nhau ứng phó với những thách thức của chủ nghĩa đơn biên, chủ nghĩa bảo hộ, giữ gìn hòa bình và ổn định thế giới… Nga sẵn sàng cung cấp đầy đủ cho Trung Quốc năng lượng dầu khí, nông sản phẩm như đậu nành; đẩy nhanh kết nối giữa BRI với Liên minh Kinh tế Âu-Á  (*2).

Ngay trước chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình, Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của lãnh đạo Trung Quốc đã bình luận: “70 năm qua, quan hệ Trung – Nga đã trải qua sóng gió, ngày càng thành thục, ổn định, vững chắc, đã trở thành cặp quan hệ nước lớn có sự tin cậy lẫn nhau cao nhất, có trình độ hợp tác cao nhất, có gía trị chiến lược cao nhất, đang ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử, đã trở thành mẫu mực của quan hệ quốc tế kiểu mới; quan hệ này sẽ đi vào thời đại mới phát triển hơn, cống hiến càng lớn hơn cho phúc lợi của nhân dân hai nước và cho hòa bình phát triển của thế giới”(*3). Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thì nhận định, “chỉ cần Trung – Nga đứng bên nhau, thế giới sẽ có thêm hòa bình, thêm an ninh và thêm ổn định”(*4).

Nhiều quan chức, chính trị gia và học giả Nga đã đưa ra những bình luận tốt đẹp về quan hệ Nga – Trung. Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc tế Duma quốc gia Nga Dmitri Novicov nói, “Hữu nghị Nga – Trung hoàn toàn phù hợp với lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước và thế giới; sự hợp tác đang ở mức cao nhất trong lịch sử, đã cung cấp một mô thức hợp tác tiên tiến cho thế giới ngày nay”(*5). Giám đốc Sở nghiên cứu Viễn Đông Nga Sergei Roganin cho rằng, “chúng ta rất khó dự báo một cách chuẩn xác thế giới  10 năm tới sẽ ra sao nhưng điều có thể xác định rõ ràng là Nga – Trung sẽ tiếp tục quan hệ đối tác hợp tác chiến lược theo chiều sâu, cùng nhau giữ vững hòa bình và ổn định của thế giới”(*6) .

Sau khi Trung Quốc tập trung triển khai BRI; quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước được thúc đẩy với mục tiêu chủ yếu là kết nối BRI với liên minh kinh tế Âu-Á do Nga chủ trì, sử dụng Nga như một chiếc cầu nối Trung Quốc với lục địa Châu Âu và tiến xa hơn nữa, giúp Trung Quốc mở rộng không gian chiến lược của mình. Trong khuôn khổ hợp tác BRI, hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga đã được thiết lập, kết nối hệ thống đường bộ, đường sắt, các cửa khẩu  biên giới giữa ba nước; kết nối hạ tầng cơ sở Trung – Nga được thúc đẩy: đường cao tốc Đại Liên-Novosimbirk, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, hành không, các càng biển; hệ thống đường ống dẫn dầu, dẫn khí; đường điện cáp quang xuyên biên giới Trung – Nga… Bộ Tài chính Nga đã ký với Bộ Tài chính Trung Quốc biên bản “Nguyên tắc chỉ đạo đầu tư BRI”, thành lập cơ cấu thanh toàn bằng đồng nội tệ giữa hai nước. Các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại Trung Quốc hiện đã thiết lập hệ thống chi nhánh tại Nga và cùng với Ngân hàng Trung ương Nga lập trên 300 cơ sở đại lý trên lãnh thổ Nga. Mạng lưới cơ cấu tài chính này chắc chắn sẽ phát huy vai trò “chăm sóc” nền kinh tế Nga.

Tập Cận Bình đã đặc cách mời Putin làm khách chính trong các hoạt động lớn liên quan đến BRI, đặc biệt là tại hai “Luận đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về BRI” tháng 5/2017 và tháng 4/2019, cho thấy Trung Quốc đã đặt nhiều hi vọng vào Putin và nước Nga trong triển khai “đại chiến lược” BRI, một trong những trụ cột chủ yếu của đối ngoại Trung Quốc, một công cụ hàng đầu để mở rộng không gian kinh tế-chiến lược của Trung Quốc thời đại mới. Putin đã chấp nhận một hiệp đinh cho phép Huawei phát triển công nghệ 5G và vận hành thử mạng 5G thế hệ 5 từ 2019-2020 trên toàn lãnh thổ Nga (“Liên hợp buổi sáng”, 6/6/2019). Trong điều kiện Mỹ và phương Tây bao vây đả kích kịch liệt Huawei thì hành động này của Nga quả là một sự chi viện tinh thần rất đáng ghi nhận đối với Trung Quốc.

Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mạị: Trung Quốc 9 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc. Năm 2017, kim ngạch mậu dịch hai nước đạt 84,1 tỉ USD, tăng 20,8%, đến cuối năm 2018, kim ngạch mậu dịch hai nước đã vượt mốc 100 tỉ USD, mức cao nhất trong lịch sử hai nước, tăng 27,1% so với 2017, mức tăng cao nhất trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Nga cũng đạt những kết quả đáng kể: Từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2018, đầu tư của Trung Quốc vào Nga tăng 52%, từ 2,769 tỉ USD lên 4,198 tỉ USD; đáng chú ý là sự gia tăng này được thực hiện sau khi Nga “thu hồi” Crưm vào năm 2014. Năm 2017, tổng kim ngạch bao thầu công trình của Trung Quốc tại Nga tăng 191%, đứng đầu trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Nga. Hợp tác Trung – Nga trên các hạng mục lớn mang tính chiến lược cũng đạt nhiều thành quả, nhất là trên lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực hạt nhân, hàng không vũ trụ, kinh tế số, khai thác Bắc cực… Đặc biệt trên lĩnh vực năng lượng, Trung – Nga cơ bản đã hình thành “liên minh năng lượng”, hiện Nga đã là nhà cung cấp năng lượng dầu khí lớn nhất, ổn định lâu dài của Trung Quốc, giúp Trung Quốc bước đầu có thể chủ động về chiến lược năng lượng. Đây có thể là lĩnh vực thành công nhất đối với Trung Quốc trong hợp tác thực chất với Nga.

Tuy nhiên quan hệ kinh tế thương mại không phải hoàn toàn suôn sẻ. Mục tiêu đạt kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt 100 tỉ USD vào năm 2015 và đạt 200 tỉ USD vào năm 2020 đã được lãnh đạo hai nước đề ra từ khi mới bước vào thế kỷ 21 (2001), nhưng mãi đến cuối 2018 mới thực hiện được mục tiêu 100 tỉ, chậm mất 3 năm và phải lùi mục tiêu 200 tỉ USD đến năm 2025, chậm mất 5 năm (Tuyên bố của Ngân hàng trung ương Nga ngày 5/6/2019). Về đầu tư, 6 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào Nga đã giảm 24%, từ 4,198 tỉ USD vào tháng 1/2018 giảm xuống còn 3,184 tỉ USD vào tháng 7/2018. Lý do của sự chậm trễ và giảm sút này chắc chắn không chỉ là vấn đề kinh tế, mà chính là sự thiếu tin cậy chiến lược đối với nhau.

Nhìn từ tổng thể, từ góc độ chiến lược toàn cầu, cơ sở của quan hệ Trung – Nga là phối hợp sức mạnh của nhau cùng ngăn chặn áp lực đang rất nặng nề từ phía Mỹ. Nhân tố Mỹ có vị trí cực kỳ quan trọng trong quan hệ Trung – Nga, ngay cả khi quan hệ Trung Mỹ và Nga Mỹ đang rất căng thẳng như hiện nay. Xét cho cùng, cả hai nước Trung – Nga, đều coi trọng quan hệ với Mỹ, thậm chí còn quan trọng hơn quan hệ song phương Trung – Nga. Một khi Mỹ thay đổi chính sách, giả dụ như nhằm theo hướng cải thiện quan hệ với một trong hai nước Trung – Nga (nếu có cải thiện thì rất có thể là với Nga trước), thì chất kết dính quan hệ Trung-Nga tự nhiên sẽ loãng dần, thậm chí sẽ mất tác dụng. Gần đây Nga và Mỹ đề xướng mở cuộc thảo luận ba bên Nga-Mỹ-Trung về vấn đề quản lý hạt nhân nhưng Trung Quốc từ chối, Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Nga đề nghị hợp tác trao đổi tình báo với Mỹ, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gặp Putin tại Osaka (28-29/6) để bàn về quan hệ Mỹ-Nga… Những động thái này dường như đang manh nha một điều gì đó rất có ý nghĩa và đáng được theo dõi.

Mặt khác, kỳ vọng mà Nga gửi gắm vào Trung Quốc lớn nhất có lẽ là tiền vốn và các hỗ trợ kinh tế khác. Nhưng những kỳ vọng đó chẳng được đáp ứng là bao nếu xét từ nhu cầu của Nga. Quan hệ Trung – Nga vẫn là quan hệ bất đối xứng, mặc dù vẫn trên nguyên tắc cùng có lợi nhưng Trung Quốc luôn là bên chiếm ưu thế trong các cuộc mặc cả, cả trong các hạng mục phát triển vùng Viễn Đông Nga, trong các hạng mục lớn mang tính chiến lược, trong định giá các mặt hàng chiến lược (dầu khí, vũ khí, nguyên liệu…). Trong hợp tác kinh tế thương mại hai bên, giữa lời nói với việc làm còn một khoảng cách khá xa, khiến nhiều hi vọng trở thành thất vọng, nhất là về phía Nga.

Trong khi đó, với quá nhiều những ân oán trong quá khứ, với những trải nghiệm chua chát trong lịch sử quan hệ Trung Quốc-Sa hoàng (như các Hiệp định bất bình đẳng giữa Nhà Thanh với Nga Hoàng), quan hệ Trung-Xô (“nhất biên đảo”, chiến tranh biên giới, đối địch kéo dài…), với những đặc tính của chủ nghĩa dân tộc của hai quốc gia, người ta có lý do để cho rằng, quan hệ Trung – Nga hiện có thể đang ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất nhưng không phải là mãi mãi thuận buồm xuôi gió.

Sự nâng cấp của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga đang làm cho Mỹ và một số thế lực phương Tây lo ngại. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ (tháng 12/2017) xếp Trung Quốc và Nga vào cùng loại “cường quốc xét lại”, là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ. Không ít các chính trị gia, các “túi khôn” của Mỹ và phương Tây kêu gọi thành lập “liên minh tự do” nhằm ngăn chặn “liên minh Trung – Nga”. Xu hướng này rất dễ đẩy thế giới vào thế đối đầu hai trận tuyến, tạo ra không khí Chiến tranh lạnh mới. Có thể nói, quá trình nâng cấp quan hệ Trung – Nga đồng thời cũng sẽ dẫn đến quá trình thúc đẩy sự hình thành mặt trận thống nhất kiềm chế Trung Quốc của Mỹ và các thế lực chống Trung Quốc.

Thúc đẩy và nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga là nhu cầu chiến lược bức thiết của cả Trung Quốc và Nga; áp lực từ phía Mỹ càng lớn, nhu cầu này càng cao. Trong bối cảnh môi trường quốc tế đang xấu đi đối với Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc đang phải chật vật đối phó với cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động, và ngay cả khi cuộc chiến thương mại kết thúc thì cuộc đối đấu chiến lược lâu dài cũng chỉ mới bắt đầu, Trung Quốc càng đứng trước vô vàn khó khăn, càng cần thêm bạn, bớt thù, tìm kiếm những đối trọng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Trung Quốc giảm nhẹ sức ép của Mỹ. Xem ra Trung Quốc và Nga có rất nhiều yếu tố khiến họ có thể trở thành những “đồng minh tự nhiên” của nhau. Nhưng thực tiễn đã không như người ta tưởng. Quan hệ Trung – Nga dù được gọi với mỹ từ nào, cũng chỉ ở mức “cần nhau”, lợi dụng lẫn nhau trong điều kiện cùng phải đối phó với một mối uy hiếp chung đến từ Mỹ, khi mối uy hiếp ấy giảm đi hoặc không tồn tại, cơ sở để gắn bó Trung – Nga có thể cũng mất theo. Nói cách khác quan hệ Trung – Nga, nhất là về lâu dài vẫn là “đồng sàng dị mộng”.  Bởi vậy, Trung – Nga có thể hợp tác, phối hợp với nhau trong một chừng mực nhất định để cùng vượt qua những khó khăn trước mắt; Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin có thể sẽ hâm nóng thêm quan hệ Trung – Nga tại cuộc gặp Osaka vào cuối tháng 6, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 nhưng hi vọng Trung – Nga sẽ toàn tâm toàn ý với nhau vì những mục tiêu chung lâu dài thì có thể là điều không thực tế.

Quan hệ Trung – Nga  được hâm nóng sẽ là đón tấn công vào chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, ta cùng cần xem xét nó sẽ ảnh hưởng đến mức độ nào về an ninh của Châu Á – Thái Bình dương và biển Đông. Việt Nam cần tính toán như thế nào về mối quan hệ này./.

 

Dẫn (*3), (*4), (*5), (*6), : (Nguồn: “Bắt đầu một tiến trình mới của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diên Trung-Nga”; THX ngày 31/5/2019 ).

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC