Năm 2023, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do bất ổn địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả khả quan, có xu hướng tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong suốt năm.

Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,05%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%; công nghiệp, xây dựng tăng 3,74% và dịch vụ tăng 6,82%. Dù tổng cầu thế giới suy giảm, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ cho thấy Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Từ các số liệu mới nhất, có thể thấy một số điểm sáng kinh tế quan trọng trong năm qua.

Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, và nuôi trồng thủy sản phát triển vững mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Việt Nam. Cụ thể, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Sản lượng thu hoạch của một số cây lâu năm tăng so với năm trước như điều tăng 4,4%; cà phê tăng 1%; chè búp tăng 1,7%; sầu riêng tăng 37,3%; xoài và nhãn cùng tăng 5,2%. Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với năm 2022. Xuất khẩu rau quả đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 65,9%. Sản lượng nuôi trồng thủy hải sản tăng 4,2% so với năm trước, trong đó các mặt hàng chủ lực như cá tra tăng 2,8%; tôm thẻ chân trắng tăng 7,1%.

Quốc hội và Chính phủ liên tục đưa ra các quyết sách mới trong nhiều lĩnh vực để bắt kịp thực tế phát triển mới. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là vào các tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV năm 2023 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với các quý trong năm. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%. Đặc biệt, ngành công nghệ tiếp tục là điểm sáng với những tiến bộ lớn nỗ lực phát triển công nghệ 5G, sản xuất bán dẫn, sản xuất ô tô điện và các sản phẩm điện tử cao cấp.

Thứ ba, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, đạt 12,6 triệu lượt khách, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách từ đầu năm. Ngành Du lịch phục vụ khoảng 108 triệu lượt khách nội địa và tỉ lệ phục hồi của ngành năm nay là 70%.Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Du lịch đang góp phần rất lớn tạo nguồn thu cho đất nước, đang trong xu hướng vượt qua đỉnh điểm trước đại dịch Covid-19. Dự kiến ngành du lịch trong năm tới đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu khách nội địa.

Thứ tư, vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 của Việt Nam đạt kỷ lục. Tính đến ngày 20/12/2023, cả nước có 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 20,19 tỷ USD, tăng 56,6% về số dự án và tăng 62,2% về số vốn so với năm 2022. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Điều này chứng tỏ dù khó khăn toàn cầu như thế nào, Việt Nam tiếp tục được tin tưởng là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp các nước trên thế giới.

Thứ năm, thu nhập của người lao động vẫn tăng trưởng bất chấp những thách thức của nền kinh tế. Lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động năm 2023 đều tăng so với năm trước. Lao động có việc tính chung cả năm 2023 ước đạt 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người so với năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động năm 2023 đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân chính tạo nên những dấu ấn nói trên là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhìn sâu hơn, chúng ta có thể thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng cao trong những biến động đầy thách thức của thế giới bởi những giá trị nằm ẩn sâu trong truyền thống và văn hoá dân tộc. Những giá trị tạo nên con người Việt Nam trong lịch sử, giúp Việt Nam từng là quốc gia nổi bật trong những cuộc chiến của thế kỷ XX, tiếp tục đặt nền móng cho phát triển kinh tế giai đoạn hiện nay và những năm tiếp tới.

Thứ nhất, con người Việt Nam luôn luôn giữ được sự năng động và khát vọng lớn trong mọi tình huống, đặc biệt trong các tình huống khó khăn. Phẩm chất này đã được thể hiện rất rõ trong kháng chiến và nay lại đồng hành cùng dân tộc trong hoà bình. Trong những giai đoạn khó như Covid, các doanh nghiệp và đông đảo người dân không buông xuôi, nỗ lực nối lại sản xuất kinh doanh ngay sau khi đại dịch đi vào bình ổn, tìm mọi cách đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Ngay sau đó, chiến tranh ở châu Âu khiến nhu cầu nhập khẩu từ các nước phát triển nhất ở phương Tây suy giảm, doanh nghiệp lại tìm đường xuất sang các nước đang phát triển, các nước láng giềng khu vực. Những doanh nghiệp như VinFast ngay trong khó khăn vẫn xuất bán xe điện sang Mỹ và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường Mỹ, đang mở rộng xuất sang các thị trường đông dân như Ấn Độ, Indonesia. Nỗ lực xoay sở của doanh nghiệp và doanh nhân trong những thời điểm ngặt nghèo thể hiện rõ tài thao lược, động lực và khao khát phát triển lớn lao của người Việt. Đằng sau tất cả những khát vọng lớn đó chính là lòng yêu nước nồng nàn, nỗ lực tìm mọi cách để khẳng định mình và khẳng định chỗ đứng của đất nước trên thương trường quốc tế.

Thứ hai, người dân Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó, lao động chăm chỉ đã trở thành nguồn sức mạnh nội tại lớn. Hoàn cảnh tưởng không thể vượt qua cũng không khiến người Việt buông xuôi, phó mặc. Trong đại dịch Covid-19, dù buộc phải đóng cửa hoạt động trong thời gian dài do cách ly phong tỏa, người dân vẫn trao đổi, gặp gỡ, mua bán qua mạng để công việc kinh doanh được duy trì. Sau Covid, mua bán hàng online đã trở thành thói quen thay đổi cuộc chơi. Cùng với các phương thức thanh toán điện tử đã phổ biến trong đại dịch, những cách thức kinh doanh mới này tiếp tục là lực đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên trong khó khăn. Ở nhiều lĩnh vực giao dịch và thanh toán qua mạng, Việt Nam đang là nước phát triển đi đầu. Dân số trẻ chăm lao động và kiên trì sáng tạo cũng là sức hút mạnh đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thể hiện rõ trong năm qua. Hiện nay, Việt Nam không còn là nước được coi là nguồn nhân công giá rẻ nữa mà là quốc gia có tiếng về lao động cần cù, linh hoạt, sáng tạo đối với các tập đoàn nước ngoài.

Sự năng động, sáng tạo, cần cù cùng tư duy cởi mở của người Việt Nam là các giá trị góp phần tạo nên những thành công về kinh tế cho đất nước. Ảnh minh họa

Thứ ba, người Việt có tư duy rất cởi mở và thông thoáng là một sức mạnh tiềm tàng khác. Không đóng cửa bó hẹp, người dân và doanh nghiệp tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam hiện là một trong những nước ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhất châu Á và đã là thành viên của hầu hết các thể chế kinh tế đa phương. Tranh thủ mọi sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như tận dụng quan hệ với các nước lớn để có nguồn vốn, công nghệ cho phát triển, Việt Nam đã là một biểu tượng về thành công nhờ tư duy cởi mở, hoá giải thù thành bạn, gác lại quá khứ để xây đắp tương lại, bỏ qua tiểu tiết để giữ vững đại cục, san lấp các khác biệt vì một tương lai thịnh vượng chung. Có thể nói, đầu óc cởi mở và khoáng đạt là thỏi nam châm thu hút bạn bè quốc tế tới làm ăn với người Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế. Đó cũng là bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, người Việt Nam thích ứng rất nhanh với mọi sự thay đổi. Khác với tâm lý thủ cựu ở nhiều quốc gia, người Việt sẵn sàng cho mọi biến động và đã thay đổi thể chế, chính sách kịp thời nhằm đáp ứng thay đổi thời cuộc. Quốc hội và Chính phủ liên tục đưa ra các quyết sách mới trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, thị trường tài chính, cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, cải tổ hệ thống y tế giáo dục liên tục để bắt kịp thực tế phát triển mới. Chính phủ trong nhiều lĩnh vực đã thể hiện vai trò kiến tạo, đi trước dẫn dắt chứ không ngồi chờ hay chạy theo sự phát triển. Năng lực thích ứng chính sách của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao và ghi nhận bằng thành quả phát triển trên thực tế.

Năm 2023, doanh nhân doanh nghiệp và đông đảo người dân còn phải đối phó với rất nhiều trở lực nhưng đồng lòng tin tưởng vào tương lai chung của đất nước. Đây là điều rất quan trọng. Không ai nghi ngờ sự phát triển cao của đất nước trong thời gian tới cũng như vị thế ngày một tăng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, đất nước đã sánh ngang với các nước khu vực và trên con đường trở thành một quốc gia dẫn dắt tại châu Á. Thực tế này tiếp tục củng cố niềm tin vào những giá trị Việt Nam như nói trên, trở thành bệ phóng vững chắc cho con tàu Việt Nam cán mốc trở thành nước phát triển vào năm 2045 như mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC