Cuộc xung đột Nga – Ukraine vào tháng 2/2022 đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng vọt. Ukraine được mệnh danh là “vựa lúa mì của châu Âu”, cung cấp khoảng 10% thị phần xuất khẩu lúa mì toàn cầu và gần một nửa sản lượng dầu hướng dương của thế giới. Trước khi chiến sự bùng phát, Ukraine xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, trong đó gần 90% xuất đi từ các cảng ở Biển Đen.
Vào tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn xếp một thỏa thuận với Nga cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận sẽ cho phép các con tàu đi lại an toàn từ các cảng Yuzhny, Odessa và Chornomorsk của Ukraine đến eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị tấn công. Cùng với đó là một thỏa thuận riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga.
Từ lâu, Nga đã phàn nàn rằng các phần của thỏa thuận liên quan đến những mặt hàng xuất khẩu này của Nga đã không được thực hiện. Trong khi đó, Nga vẫn nhân nhượng và 3 lần gia hạn thoả thuận nói trên, vào tháng 11/2022 gia hạn thêm 120 ngày, vào tháng 3/2023 thêm 60 ngày và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5. Thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 17/7/2023. Tới ngày 17/7, Nga tuyên bố chấm dứt thoả thuận này và cho tới nay, thoả thuận chưa được nối lại.
Thực tế, kể từ khi thỏa thuận được ký kết, dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 32,9 triệu tấn ngũ cốc đã rời Biển Đen. Trong số này có 16,9 triệu tấn ngô và 8,91 triệu tấn lúa mì. Theo Liên hợp quốc, 45 quốc gia trên 3 châu lục đã nhận được hàng hóa lương thực theo thỏa thuận này. Số lượng cao nhất cho đến nay đã được xuất khẩu sang Trung Quốc (7,96 triệu tấn, tương đương gần 25% tổng số), tiếp theo là Tây Ban Nha (5,98 triệu tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (3,24 triệu), Ý (2,1 triệu), Hà Lan (1,96 triệu), và Ai Cập (1,55 triệu).
Nga cho biết nguồn cung cấp lương thực được vận chuyển qua hành lang ngũ cốc không đến được các nước nghèo nhất thế giới. Gần 44% hàng xuất khẩu đã được chuyển đến những nước mà Liên hợp quốc gọi là các nước có thu nhập cao. Trên thực tế, không có nhiều ngũ cốc Ukraine đến được tay các nước nghèo như Liên hợp quốc đã hình dung ban đầu. Trung Quốc là bên nhập khẩu lớn nhất, mua khoảng 25% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine. Sau đó là các nước giàu ở châu Âu.
Việc Nga chấm dứt thỏa thuận này khiến ngũ cốc Ukraine không thể xuất qua biển Đen được nữa, gây ra những khó khăn đặc biệt đối với xuất khẩu của nước này cũng như tình hình lương thực thế giới. Ukraine đã chuyển một số ngũ cốc về phía tây, xuất khẩu bằng đường bộ và đường sắt qua châu Âu, nhưng cơ sở hạ tầng không đồng bộ và giao tranh ác liệt khiến việc vận chuyển trở nên tốn kém và chậm chạp, không thể thay thế cho thương mại đường biển. Hàng triệu tấn ngũ cốc đã bị kẹt trong những kho chứa ở các cảng của Ukraine.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sang Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria cho đến ngày 15/9/2023. Năm quốc gia này lập luận rằng ngũ cốc rẻ hơn của Ukraine đang khiến sản xuất trong nước của họ không có lãi, do vậy cần phải gia hạn lệnh cấm nhập khẩu. Điều này càng khiến ngũ cốc Ukraine bị kẹt trong nước, khiến đời sống người nông dân nước này khó khăn trong khi những nơi có nhu cầu lương thực không được đáp ứng.
Thỏa thuận Biển Đen dù được xuất nhiều đến các nước có thu nhập cao nhưng phần nào đã giúp ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn nguy cơ mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn. Duy trì thoả thuận này là cần thiết. Nhưng nguyên nhân dẫn tới thoả thuận này phải chấm dứt là sự bất cân xứng của thỏa thuận. Ukraine và châu Âu được hưởng lợi trong khi đó Nga chịu thiệt thòi. Giải thích về quyết định của mình, Nga cho rằng những điều khoản liên quan đến họ trong thỏa thuận đã không được thực thi. Ngoại trưởng Sergei Lavrov trước đó nhấn mạnh “không có tiến triển nào trong việc đưa nông sản và phân bón của Nga ra khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương phi pháp từ phương Tây”. Bộ Ngoại giao Nga cho hay sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu thấy những kết quả chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn.
Trước đó, Nga đã nhiều lần yêu cầu tháo gỡ sự bất cân xứng này nhưng không được đáp ứng, họ cho rằng phương Tây có thái độ thù địch và đánh lừa Nga, và rằng Nga không thể bị lừa để có lợi cho châu Âu. Việc Ukraine tấn công vào cầu Crimea xúc tác thêm cho những bức xúc từ phía Nga. Nga trả đũa bằng cách tấn công dồn dập vào Odessa càng khiến việc vận chuyển lương thực và hàng hoá khác qua cảng biển này gặp khó khăn.
Theo giới chuyên gia, việc Nga rút khỏi thỏa thuận chắc chắn sẽ khiến ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine gặp nhiều trở ngại hơn, từ đó có thể làm mất ổn định giá lương thực toàn cầu và đe dọa các quốc gia đang lâm vào cảnh thiếu lương thực. Thực tế, giá lúa mỳ và gạo đã tăng nhiều lần. Nguy cơ nạn đói sẽ xảy ra trong từ nay tới cuối năm là rất cao, đặc biệt khi xét tới tình hình thiên tai và nắng nóng hiện nay. Một số nước như Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu gạo càng khiến cuộc khủng hoảng lương thực thêm phức tạp.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cho biết, quyết định từ bỏ thỏa thuận của Nga “sẽ giáng một đòn mạnh vào những người có nhu cầu lương thực ở khắp mọi nơi”. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính khoảng 345 triệu người sẽ rơi vào cảnh mất an ninh lương thực ở mức độ cao vào năm 2023, với khoảng 129.000 người phải đương đầu với nạn đói ở những nơi như Burkina Faso, Mali, Somalia và Nam Sudan.
Tất cả áp lực đều đổ dồn vào Nga. Nhiều quốc gia đã và đang gây sức ép mạnh mẽ để Nga quay trở lại thoả thuận. Để giải quyết vấn đề lương thực cho thế giới, Nga đã tuyên bố, Nga không cần tới thoả thuận này mà sẽ cung cấp và viện trợ trực tiếp cho các nước nghèo ở châu Phi và châu lục khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng ông sẽ tặng họ hàng chục nghìn tấn ngũ cốc trong vòng vài tháng, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Mátxcơva khó xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Nga cũng nói rõ quan điểm là để trở lại Thỏa thuận này, điều quan trọng là phương Tây phải đáp ứng được yêu cầu của Nga, để cho Nga xuất khẩu phân bón và lương thực tự do, được thanh toán đầy đủ thay vì bị ngăn chặn như hiện nay. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là quốc gia có quan hệ thân thiện với Nga và có thể thuyết phục Nga đạt tới thoả thuận này. Nhưng các nhà bình luận cho rằng, hiện nay điều này khó xảy ra bởi trước hội nghị cấp cao NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay đầu với Nga, tiếp đón Tổng thống Ukraine Zelensky, đồng ý viện trợ Ukraine sản xuất máy bay không người lái, hứa ủng hộ Ukraine gia nhập NATO và thả 5 lãnh đạo binh đoàn Azov, phản bội lại thoả thuận với Nga là phải giữ họ ở Thổ Nhĩ Kỳ cho tới khi cuộc chiến kết thúc. Những hành động này khiến Nga phẫn nỗ và việc rút khỏi thoả thuận ngũ cốc cũng là động thái dằn mặt những bội ước của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Putin sang thăm Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán một thoả thuận mới đã không xảy ra trong tháng 8. Như vậy, một thương lượng để nối lại thoả thuận ngũ cốc biển Đen là đặc biệt khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Ukraine và châu Âu phải chấp nhận thoả hiệp với Nga thì mới giải quyết được. Nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ sẽ làm vậy. Ukraine còn tấn công vào các tàu Nga trên biển Đen và ông Zelensky nói Ukraine sẽ đối đầu Nga ở Biển Đen để đảm bảo nước này không bị phong tỏa đường biển và có thể xuất nhập khẩu hàng hóa một cách tự do.
Với sự cứng rắn như vậy, dự báo trong vài tháng tới và thậm chí tới hết năm, tình hình lương thực thế giới sẽ khan hiếm. Giá lương thực toàn cầu sẽ tăng và các nước đều sẽ có những điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam với tư cách một trong những nước xuất gạo hàng đầu thế giới cũng cần liên tục cập nhật diễn biến về thoả thuận ngũ cốc này cũng như theo dõi sát sao thị trường lương thực thế giới, để có quyết định chính sách đúng đắn, kịp thời, vừa đảm bảo an ninh lương thực nước ta, vừa tận dụng cơ hội xuất khẩu lương thực đi các thị trường trọng điểm.■