Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng  (10-11/9/2023) sở dĩ được ghi dấu ấn vào lịch sử là vì nó đánh dấu sự nâng cấp ngoạn mục quan hệ giữa hai cựu thù nổi tiếng từ quan hệ đối tác toàn diện lên mức cao nhất là quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”. Sự nâng cấp này không chỉ đưa  quan hệ Việt – Mỹ bước sang trang mới mà còn tác động sâu sắc đến hệ thống quan hệ quốc tế và trật tự khu vực, được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Do những đặc thù riêng của quan hệ Trung – Mỹ và quan hệ Trung – Việt, sự quan tâm của Trung Quốc có lẽ được chú ý nhất. Ngay trước chuyến đi, Trung Quốc đã đưa ra các tín hiệu cho thấy sự quan tâm rõ ràng đến chuyến đi của ông Biden nói riêng và quan hệ Việt – Mỹ nói chung. Tại cuộc họp báo ngày 4/9/2023, trước chuyến đi của ông Biden 6 ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã đưa ra cảnh cáo, “khi xử lý quan hệ với các nước châu Á, Mỹ cần từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh, cần tôn trọng các chuẩn tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, không nhằm vào bên thứ ba, không được làm tổn hại đến hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực”. Mao Ninh còn nói, “phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt mới là phương hướng ưu tiên của Ngoại giao Việt Nam, cũng là ưu tiên số 1 của giao lưu quốc tế của Việt Nam”. Đây có thể coi là phản ứng quan phương chính thức đầu tiên của Trung Quốc về chuyến đi. Rõ ràng cảnh báo của người đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm vào cả Mỹ và Việt Nam, trong đó với Mỹ chủ yếu mang tính cảnh cáo, răn đe, còn với Việt Nam tuy có ý cảnh báo nhưng chủ yếu là nhắc nhở, nhắn nhủ. Có thể nói, Trung Quốc đã vạch ra “giới hạn đỏ” đối với quan hệ Việt – Mỹ trước chuyến đi của ông Biden mà họ biết chắc rằng hai bên sẽ nâng quan hệ lên mức cao nhất, “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. “Giới hạn đỏ” đó đại thể là Mỹ không được lợi dụng nâng cấp quan hệ với Việt Nam để tăng cường kiềm chế Trung Quốc và Việt Nam không được quên phát triển quan hệ Việt – Trung trong khuôn khổ “đối tác chiến lược toàn diện”, hơn nữa phải coi đó là “phương hướng ưu tiên”.

Trong khí đó hệ thống truyền thông của Trung Quốc phản ứng khá đa chiều. Đa số các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều cho rằng mục tiêu của Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam là nhằm lôi kéo Việt Nam kiềm chế Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng Mỹ hi vọng Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Hình ảnh đại diện Vietnam Airlines và Boeing ký thỏa thuận mua 50 tàu bay Boeing 737 Max trị giá 10 tỉ USD, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 11/9/2023. Ảnh: VNA

Tạp chí “Nhà quan sát”  (một Tạp chí vốn thuộc quản lý của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, sau tách ra lấy danh nghĩa cơ quan “nghiên cứu độc lập”)  ngày 11/9 cho rằng, Mỹ lôi kéo Việt Nam nhằm 3 mục đích: Một là làm cho Mỹ – Việt càng xích lại gần nhau hơn về quốc phòng và an ninh; Việt Nam là quốc gia có lực lượng quân sự mạnh nhất ASEAN nên Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam trở thành lực lượng kiềm chế Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hai là về kinh tế mậu dịch, Mỹ hi vọng Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng có thể thay thế Trung Quốc, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc chủ đạo. Ba là, Mỹ tăng cường quan hệ với Việt Nam để chứng tỏ rằng, Mỹ và các quốc gia bất đồng về hình thái ý thức cũng có thể có quan hệ tốt với nhau, từ đó làm giảm ấn tượng về “màu sắc chiến tranh lạnh mới” mà dư luận thường gắn cho Mỹ. Mỹ muốn dùng việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam để trang trải với dư luận. Báo chí Trung Quốc hầu như nhất trí cho rằng Mỹ lôi kéo Việt Nam là để kiềm chế Trung Quốc và “lôi kéo Việt Nam có sức thuyết phục hơn là lôi kéo Philippines”. Một số nguồn còn cho rằng, một trong những mục tiêu khác của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến đi này là giúp Việt Nam “thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga” về thiết bị quân sự.

Một số báo khác nhận xét, mặc dù lãnh đạo hai nước Mỹ và Việt Nam không nhắc tới sự trỗi dậy của Trung Quốc tác động thế nào đối với việc thúc đẩy mở rộng quan hệ đối tác Việt – Mỹ nhưng quan hệ Việt – Mỹ trên thực tế đã thật sự là được phát triển dưới tác động của ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Tờ “Hoàn cầu thời báo”, một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất ở Trung Quốc, ngày 18/7/2023, trước khi ông Biden đến Hà Nội gần hai tháng, dẫn lời Hứa Lợi Bình, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Á-Thái và toàn cầu, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, Việt Nam đang thực hiện chính sách ngoại giao “toàn phương vị, đa dạng hóa”, tỏ ra chủ động hơn, đặc biệt là muốn thông qua phát triển quan hệ với Mỹ để nâng cao ảnh hưởng tại Đông Nam Á và trên trường quốc tế; đồng thời cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực. Theo Hứa Lợi Bình, Mỹ đang muốn đẩy Việt Nam lên tuyến 1 của chiến lược Ấn Độ dương – Thái bình dương của Mỹ; ý đồ chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai điểm, một là lôi kéo Việt Nam đối kháng Trung Quốc, hai là tiến hành diễn biến hòa bình đối với Việt Nam XHCN, đây là mục tiêu cao nhất của Mỹ. Nhưng lập trường của Mỹ và Việt Nam đối với Trung Quốc khác biệt nhau. Chiến lược Ấn Thái của Mỹ rõ ràng là nhằm lôi kéo Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đối kháng với Trung Quốc. Nhưng Mỹ cũng hiểu rằng, Việt Nam không thể “nhất biên đảo” về phía Mỹ. Tuy Việt Nam sẽ tiếp tục quan hệ tốt với Mỹ về chính trị, kinh tế, an ninh nhưng ý định của Mỹ muốn đẩy Việt Nam lên tuyến 1 của chiến lược Ấn Thái e rằng khó thực hiện. Hai nước Việt – Mỹ có những bất đồng gay gắt về chế độ xã hội, quan điểm giá trị, vấn đề nhân quyền… đó là những mâu thuẫn mang tính kết cấu đang tồn tại giữa hai bên, không thể điều hòa.

Điều đáng nói là giới truyền thông Trung Quốc đã phân biệt khá rõ ràng mục tiêu khác nhau giữa Mỹ và Việt Nam trong nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ; họ tỏ ra hiểu biết về thái độ, lập trường của Việt Nam và có nhận xét tương đối khách quan về Việt Nam. “Nhà quan sát” cho rằng, quan hệ hai nước Mỹ – Việt gần đây mật thiết hơn trên mọi mặt. Nhưng như vậy không có nghĩa là Việt Nam bỏ rơi các đối tác hợp tác khác; “thận trọng thực hiện chính sách cân bằng với các quốc gia chủ yếu trên thế giới là phù hợp với lợi ích của Việt Nam, nghiêng về bất cứ một bên nào sẽ làm cho Việt Nam mất đi dư địa tiến thoái”. Tạp chí này còn cho rằng, chuyến thăm lần này của Tổng thỗng Mỹ Joe Biden không chỉ nhằm nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt mà còn thỏa thuận một loạt các hiệp định đầu tư; Mỹ và Việt Nam sẽ đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực kỹ thuật mới then chốt, đặc biệt là hợp tác thiết lập “chuỗi cung ứng bán dẫn mang tính chắc chắn lâu dài”. “Nhà quan sát” cho rằng, Việt Nam một lúc nâng quan hệ với Mỹ lên hai bậc, vượt qua “quan hệ đối tác chiến lược”, đi thẳng lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, cùng cấp độ với quan hệ Việt – Trung và Việt – Nga, làm cho địa vị của Mỹ trong Ngoại giao Việt Nam lên ngang hàng với Trung Quốc và Nga, đó “thật sự là một bước tiến quan trọng trong quan hệ Mỹ – Việt”.

Sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, kim ngạch mậu dịch Việt – Mỹ đã tăng từ 500 triệu USD năm 1995 lên 123 tỉ USD năm 2022. Ảnh minh họa

Đài “Truyền hình bán đảo” ngày 10/9 cũng đưa ra nhận xét, các hiện tượng đều cho thấy, Việt Nam sẽ không nghiêng về bất cứ một bên nào mà sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng phù hợp với lợi ích của bản thân Việt Nam. Mặc dù Mỹ có ý đồ lôi kéo Việt Nam ứng phó với Trung Quốc, Nga nhưng tăng cường quan hệ mật thiết với Mỹ không chứng tỏ rằng “Quỹ đạo chiến lược” của Việt Nam đã có bất cứ sự thay đổi quan trọng nào, vì thực hiện chính sách cân bằng đối ngoại với các nước lớn “là phù hợp với lợi ích cơ bản của Việt Nam”; Việt Nam đã cân bằng một cách thành công quan hệ với các nước lớn trong quá khứ và hiện nay Việt Nam không muốn rời bỏ chính sách này. Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, sẽ làm cho Việt Nam thận trọng hơn trong cân bằng quan hệ với các nước lớn.

Tờ “Hoàn cầu thời báo” viết, 10 năm đã trôi qua (kể từ khi Việt – Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện), một số nhân sĩ Việt – Mỹ và nước ngoài  cho rằng Mỹ đã coi Việt Nam là bộ phận hợp thành then chốt của chiến lược khu vực của Mỹ, hai bên đã vươn lên quan hệ “đối tác toàn diện” và đã tiến lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Các chuyên gia về Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận khách quan về quan hệ Việt – Mỹ, hai bên đều có nhu cầu, nếu không họ đã không đi đến gần nhau như vậy. So với 10 năm trước, hiện nay Mỹ càng chủ động hơn trong việc xích lại gần Việt Nam và điều này chứng tỏ Việt Nam càng nắm quyền chủ động hơn trong quan hệ với Mỹ. Báo này cho rằng, năm nay, Mỹ càng chủ động thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, kể cả nâng cấp toàn diện hợp tác quốc phòng; Hàng không mẫu hạm Mỹ đã ba lần thăm Việt Nam. “Chiến lược an ninh biển Ấn Thái” của Mỹ coi Việt Nam là đối tượng tăng cường hợp tác. Mỹ còn giúp Việt Nam nâng cao năng lực quân sự trên biển. Kim ngạch mậu dịch Việt – Mỹ năm 1995 chỉ có 500 triệu USD đã tăng lên 123 tỉ USD năm 2022.

“Hoàn cầu thời báo” cho rằng, Việt Nam đã tạo ra một vị thế chiến lược hoàn toàn mới tốt nhất cho mình, làm cho Việt Nam có thể thông qua mạng lưới quan hệ đối tác rộng lớn của mình để tăng cường năng lực phòng vệ của bản thân.

Theo “Hoàn cầu thời báo”, Hứa Lợi Bình còn cho rằng, quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa. Nhưng sự phát triển đó là phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của Việt Nam, Việt Nam không thể hoàn toàn ngả về phía Mỹ, cân bằng nước lớn vẫn là phương hướng ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên Hứa Lợi Bình cũng lưu ý, Việt Nam đang tiến hành đổi mới mở cửa, không loại trừ trong nội bộ Việt Nam vẫn còn một bộ phận mang ảo tưởng về Mỹ, đó là điều cần cảnh giác.

Về lập trường của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, nhiều báo chí Trung Quốc đã nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ”, trong đó Tổng Bí thư đã khẳng định quan hệ Việt – Mỹ “đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và có hiệu quả”; “Việt Nam hoan nghênh quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao mới”; “phương châm cụ thể của phát triển quan hệ Việt – Mỹ là “Gác lại quá khứ, khắc phục bất đồng, thúc đẩy tương đồng, hướng tới tương lai”. Các báo này cũng đưa tin, trong hội đàm với Tổng thống Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, cơ sở quan trọng của phát triển quan hệ Việt – Mỹ là tôn trọng các chuẩn tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Trong hội đàm với Tổng thống Joe Biden ngày 10/9/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Ảnh: Vietnamnet

Cùng với đó, nhiều tờ báo Trung Quốc tỏ nghi ngờ thành ý của Mỹ, cho rằng tuy hai bên đã nâng cấp quan hệ, nhưng cách diễn đạt của Việt Nam cho thấy Việt Nam vẫn cảnh giác với Mỹ. Nâng cấp quan hệ có lợi cho việc mở rộng phạm vi hợp tác giữa hai bên nhưng phát triển như thế nào sắp tới còn phụ thuộc vào tình hình đàm phán về các lĩnh vực cụ thể giữa hai bên. Mỹ có thật sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam? Có thực hiện không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam? Có thực sự đem lại những lợi ích cho kinh tế Việt Nam? Đều cần có thời gian để kiểm nghiệm.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên bậc cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện chứng tỏ là Việt Nam đã chấp nhận nâng cao tầm ảnh hưởng của Mỹ trong Ngoại giao Việt Nam. Nhưng điều cần nhấn mạnh là Việt Nam đồng ý nâng cấp với Mỹ không phải để biến quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” này trở thành nhân tố kiềm chế Trung Quốc và Nga. Việt Nam sẽ thừa thế, tăng cường quan hệ với Mỹ về kinh tế mậu dịch, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế của mình, chứ không phải để kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Mỹ là đối tác lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với hai đối tác hàng đầu này.

Nhiều tờ báo Trung Quốc cũng đã trích dẫn nhiếu phát biểu của Tổng thống Biden và các quan chức cao cấp của Mỹ để chứng minh nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ không nhằm mục đích chống Trung Quốc: Dẫn VOA ngày 13/9/2023 về phát biểu của Mira Rapp Hooper, Chủ nhiệm chiến lược Ấn Độ dương – Thái bình dương, thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho rằng, nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt “không phải là một hành động chiến tranh lạnh nhằm vào Trung Quốc”, “cũng không phải là sự chọn bên giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Rapp Hooper còn nói trong cuộc họp báo, quan hệ đối tác Mỹ – Việt sau nâng cấp sẽ là một quan hệ đầy sức sống, cởi mở, bao dung, nhằm giúp Việt Nam khẳng định tương lai của họ trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế và phát triển; quan hệ này không liên quan gì đến nước khác. Rapp Hooper nhấn mạnh, “Điều đó liên quan đến hai nước chúng tôi và gía trị nội tại của mối quan hệ đó là chúng tôi cùng phồn vinh, cùng an ninh và cùng có lợi ích chung tại khu vực Ấn Độ dương – Thái bình dương cũng như tại khu vực Biển Đông”.

Báo chí Trung Quốc cũng dẫn lời Tổng thống Biden khi giải thích về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Việt nói, đó “không phải nhằm bao vây và cô lập Trung Quốc mà là để đảm bảo cho các quy tắc quốc tế được duy trì, ổn định của khu vực được giữ vững”. Tổng thống Biden nói, Mỹ đánh giá cao việc nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện”; Mỹ tôn trọng vai trò và địa vị của Việt Nam tại khu vực, sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật hai bên, nhất là trên các lĩnh vực phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch… Ông Biden còn nói, quan hệ đối tác với Việt Nam “chứng minh cho khu vực Ấn Thái và thế giới rằng, nước Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi sẽ không đi đâu cả”; ông Biden miêu tả quan hệ Mỹ – Việt là “đối tác hợp tác then chốt trong thời khắc vô cùng then chốt”. Dẫn lại những phát biểu này của phía Mỹ cho thấy Trung Quốc đã phần nào muốn tìm đến một cách lý giải khách quan hơn về quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước đã được nâng lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện”.

Hệ thống truyền thông Trung Quốc rất quan tâm tới ảnh hưởng của nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ đến Trung Quốc và quan hệ Trung – Việt.

Tân Hoa xã và Đài Vệ tinh Thâm Quyến ngày 12/9/2023 đưa tin, Mỹ có nhu cầu lôi kéo Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam hiểu rõ điều này. Trước khi Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thị sát Hữu nghị quan ở biên giới Việt Trung, nhấn mạnh: Trên thế giới chỉ có cửa khẩu hai nước Việt – Trung được đặt tên là Hữu nghị, thể hiện tình hữu nghị truyền thống đặc biệt “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của nhân dân hai nước; Việt Nam coi phát triển quan hệ với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.

Bước vào năm nay, đồng thời với hàng loạt quan chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam, nhiều ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thăm Trung Quốc như Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Chủ tich Hội đồng lý luận TW Nguyễn Xuân Thắng. Tháng 6, khi thăm Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc đề phòng, ứng phó với các loại nguy cơ thách thức, không để cho bất cứ thế lực nào ly gián quan hệ Việt – Trung, thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện cùng chung vận mệnh Việt – Trung. Việt – Trung ra thông báo chung nhấn mạnh, hai nước “sơn thủy tương liên, trí đồng đạo hợp, cùng chung vận mênh”; “Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao chu biên; Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là sự lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu”.

Báo chí Trung Quốc đưa tin tường tận: Trước khi chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden chính thức bắt đầu, Trung Quốc và Việt Nam đã có những động tác liên tiếp thúc đẩy lẫn nhau. Trong cuộc gặp với ông Vương Nghị tháng trước, Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang bày tỏ, tầm quan trọng và tính đặc thù của Trung Quốc đối với Việt Nam là không thể so sánh; Trung Quốc là quốc gia duy nhất nằm vào tất cả các hướng ưu tiên của ngoại giao Việt Nam, phát triển quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trước sau vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính sách ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý là Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu vừa thăm Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp ông Lưu đã tái khẳng định, phát triển quan hệ Việt Trung là ưu tiên số 1. Các quan chức Việt Nam, từ cấp cao nhất đến các cấp dường như đều muốn bảo đảm với Trung Quốc, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không thể uy hiếp sự ổn định của quan hệ Việt Trung. Rõ ràng, ít ra cũng là những biểu hiện công khai, Trung Quốc tỏ ra không lo ngại nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ sẽ cản trở quan hệ Trung – Việt.

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều đoàn cấp cao cấp Nhà nước thăm viếng lẫn nhau. Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2022. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, trong dịp này, báo chí Trung Quốc đã đề cập nhiều đến sự chống phá của Mỹ đối với Việt Nam, nêu rõ, gần đây Mỹ lợi dụng vấn đề nhân quyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam để can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam, hòng thực hiện “cách mạng màu” tại Việt Nam. Tháng 6 năm nay đã xẩy ra vụ tấn công khủng bố tại Daklak, đằng sau có bàn tay của Mỹ. Cục trưởng An ninh nội địa Bộ Công an Việt Nam đã chỉ ra tại Hội nghị liên quan của Liên hợp quốc rằng, các thành viên tham gia vụ này có tổ chức chống cộng được đặt trụ sở tại Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ ngày càng căng thẳng, Việt Nam xích lại gần Mỹ dễ bị bên ngoài cho rằng Việt Nam đang chọn bên nhưng đó là điều Việt Nam không muốn nhìn thấy. Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc cho rằng, nếu Việt Nam xa rời Trung Quốc như mong muốn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, thì đó là một đòn không thể chịu nổi giáng vào nền kinh tế Việt Nam vì các sản phẩm công nghiệp Việt Nam xuất sang Mỹ phải sử dụng một lượng lớn nguyên vật liệu của Trung Quốc, các sản phẩm hoa quả, thủy sản không thể không có thị trường to lớn của Trung Quốc để tiêu thụ, Trung Quốc cũng là nguồn đầu tư quan trọng tại Việt Nam. Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 8 tháng đầu năm nay, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 18,15 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đứng thứ ba, chỉ sau Singapore và Hàn Quốc, đạt 2,69 tỉ USD, tăng 90,8%; trong khi đó Mỹ đầu tư vào Việt Nam chỉ đạt 490 triệu USD.

Từ những phản ứng của giới truyền thống Trung Quốc có thể thấy:

– Trung Quốc đặc biệt chú ý đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và biết trước kết quả của chuyến đi, đã chủ động thiết lập “giới hạn đỏ” cho cả Mỹ và Việt Nam ngay trước khi chuyến đi bắt đầu. Tuy nhiên Trung Quốc chủ yếu đã tập trung chỉ trích, răn đe Mỹ về việc lợi dụng nâng cấp quan hệ với Việt Nam để đẩy mạnh kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc tỏ ra lo ngại về sự nâng cấp của quan hệ Việt – Mỹ và sự gia tăng vai trò của Mỹ trong ngoại giao Việt Nam nhưng cũng cảm nhận được tính tất yếu của sự việc và tỏ hiểu biết về lập trường và quyết định của Việt Nam.

– Trung Quốc khẳng định Mỹ có ý đồ lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc nhưng đồng thời cũng khẳng định Việt Nam hiểu ý đồ đó và sẽ không bao giờ lựa chọn đứng về phía Mỹ kiềm chế Trung Quốc; Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách cân bằng các nước lớn, chính sách mà Việt Nam đã thành công trong quá khứ và không muốn từ bỏ trong tương lai.

– Nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Ngoại giao; bản thân Trung Quốc đang đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế, về quan hệ đối ngoại và triển khai sức mạnh mềm ra môi trường toàn cầu. Mặt khác cả Trung Quốc và Mỹ đều có nhu cầu “quản lý bất đồng”, tìm cách đưa quan hệ Trung – Mỹ “trở lại quỹ đạo bình thường”. Trong khi Việt Nam ổn định về chính trị, khởi sắc về kinh tế, có cơ sở ngày càng chắc chắn để thúc đẩy tư thế “chủ động chiến lược” của mình trong hệ thống quốc tế. Các điều kiện đó quyết định thái độ của Trung Quốc trước sự kiện Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, vốn là điều mà Trung Quốc không mong muốn. Nói cách khác, dù không muốn, tình thế cũng đã bắt buộc Trung Quốc phải chấp nhận một thực tế không thể khác được: Quan hệ Việt – Mỹ đã đến lúc cần được nâng lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện”, phù hợp với lợi ích hai nước Việt – Mỹ, phù hợp xu thế của thời đại. Có thể nói, Trung Quốc đã bắt đầu có cách nhìn khác về Việt Nam vì chính như “Hoàn cầu thời báo” của Trung Quốc đã nói Việt Nam “đã tạo ra một vị thế chiến lược hoàn toàn mới tốt nhất cho mình”.

– Nhìn chung phản ứng của Trung Quốc đối với việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ không có ảnh hưởng gì lớn đến Việt Nam và quan hệ Trung – Việt theo chiều hướng xấu đi. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy chính sách cân bằng với các nước lớn, đặc biệt là với Trung – Mỹ một cách “chủ động và linh hoạt, nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích quốc gia của Việt Nam”. Việt Nam cần chuẩn bị tốt để làm cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt kết quả tốt nhất có thể, một lần nữa chứng minh cho tính đúng đắn và hiệu quả của chính sách  “cân bằng chủ động và linh hoạt” đối với nước lớn của Việt Nam. Việt Nam đang có điều kiện để hiện thực hóa mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với hai đối tác hàng đầu Trung Quốc và Mỹ, tạo cơ hội mới, tạo đà mới cho phát triển của Việt Nam, Việt Nam cần nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ này.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC