Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới. Đầu tháng 5 năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ có tiếp tục tăng thuế với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Bắc Kinh. Trung Quốc trả đũa bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ từ ngày 1 tháng 6 năm 2019.
Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây chiến với nhau, một thực tế đang diễn ra là các công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc sẽ đưa nhà máy đến Việt Nam, và các công ty Trung Quốc cũng có động thái tương tự, tăng đầu tư vào Việt Nam để tránh bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu.
Việc các công ty của cả Mỹ và Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam đang diễn ra quá nhanh. Điểm lại những diễn biến gấp rút này trong chỉ một vài tháng trở lại đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể để Việt Nam không bị bất ngờ và có hệ thống giải pháp kịp thời để tranh thủ cơ hội lịch sử này trong tiến trình phát triển đất nước.
Chuyển dịch đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam
Khi các công ty Mỹ và phương Tây chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang xếp vị trí khá cao trong danh sách lựa chọn bởi nhân công giá hợp lý, kinh tế tăng trưởng cao và chính trị an ninh hết sức ổn định.
Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ đầu đã khẳng định việc ủng hộ kinh tế Việt Nam phát triển và còn nói rõ các công ty Mỹ có thể chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Gần đây, xuất hiện một báo cáo mang tên “Khám phá sự chuyển hướng thương mại của Hoa Kỳ và Trung Quốc” của công ty tài chính Nomura. Các phát hiện trong báo cáo dựa trên việc nghiên cứu 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới từ quý 1 năm 2018 đến quý đầu tiên của năm 2019.
Báo cáo này kết luận Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Trung Mỹ, đạt 7,9% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu.
Thực tế diễn ra đúng như vậy. Tính đến hết quý I tháng 2019, tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam đạt 9,15 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam.
Công ty chuyên sản xuất giày và trang phục thể thao Brooks Running thuộc Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett vừa tuyên bố chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dự kiến cuối năm nay, phần lớn hoạt động sản xuất của tập đoàn này sẽ diễn ra ở Việt Nam.
Đà Nẵng cũng vừa công bố các doanh nghiệp Mỹ rót vốn vào Khu công nghệ cao của thành phố lên tới 330 triệu USD. Trong đó, Tập đoàn Universal Alloy đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ 170 triệu USD. Tập đoàn Key Tronic EMS đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử với mức đầu tư 70 triệu USD.
Ngoài các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam mở nhà máy sản xuất, Mỹ đang mua hàng nhiều hơn nữa từ Việt Nam thay vì Trung Quốc. Việt Nam liên tục xuất siêu và Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ.
Vào Quý I năm 2019, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 76,9%; hàng dệt may tăng 12,3%; giày dép tăng 8,9%.
Theo Cục Thống kê Mỹ, trong ba tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ tăng đến 40,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trong quý I cho phần còn lại của năm 2019, Việt Nam có thể vượt các nước lớn như Pháp, Anh, Italy và Ấn Độ để trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 vào Mỹ, với giá trị dự kiến lên đến gần 69 tỷ USD.
Đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Việt Nam
Không chỉ Mỹ, dòng vốn từ Trung Quốc cũng chưa bao giờ có sự chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam như hiện nay. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng khiến các nhà sản xuất của Trung Quốc tìm cách “đào thoát” sang Việt Nam để lách thuế cao từ Mỹ. Trước đây, nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu nhưng nay đã có nhiều tập đoàn lớn đã tham gia.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu về vốn FDI đăng ký mở mới vào Việt Nam với 1,3 tỷ USD để thực hiện 187 dự án. Trong 4 tháng đầu năm, lượng vốn Trung Quốc đã bằng 70% cả năm 2018.
Tính đến ngày 20 tháng 5, đầu tư Trung Quốc đã tăng 5,6 lần so với năm ngoái lên mức 1,56 tỉ đô la. Với đà này, trong năm nay, Trung Quốc khả năng sẽ lần đầu tiên trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Trong năm tháng đầu năm 2019, có thể điểm qua các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc quy mô lớn đã đăng ký như: Dự án chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR 280 triệu USD tại Tây Ninh, Dự án lốp Advance Việt Nam 214,4 triệu USD tại Tiền Giang, Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco với giá trị 3,85 tỷ USD để sản xuất bia và mạch nha ủ men tại Hà Nội.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cũng có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư Trung Quốc. Tiêu biểu như Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, và âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do công ty Goertek thực hiện.
Nhà sản xuất tivi TCL cũng có kế hoạch khởi động một nhà máy tại Việt Nam vào tháng 9 với khả năng sản xuất 3 triệu chiếc TV mỗi năm. Nhiều nguồn tin cho biết tập đoàn điện tử khổng lồ Lenovo cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy gần Hà Nội để sản xuất các bộ phận máy tính cho thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài những dòng dịch chuyển đầu tư chính thức này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã âm thầm móc nối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, mua lại các dự án bất động sản, mua lại các nhà máy xí nghiệp làm ăn thua lỗ đê “đầu tư”, từ đó đưa hàng Trung Quốc vào Việt Nam rồi dán nhãn mác Việt Nam xuất sang Mỹ, tránh bị đánh thuế. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động mạnh mẽ ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam.
Trước sự dịch chuyển của các công ty Mỹ và Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra, qua các nguồn tin được biết các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng rục rịch rút khỏi Trung Quốc để chuyển sang đầu tư ở Việt Nam. Họ đều là những tập đoàn lớn của những nước này, trong đó phải kể đến 6 tập đoàn lớn nhất của Đài Loan, sản xuất một lượng lớn hàng hóa ở Trung Quốc để xuất khẩu vào Mỹ.
Việt Nam cần làm gì trước những dịch chuyển này?
Thứ nhất, đây là cơ hội hết sức quan trọng và Việt Nam cần có chính sách cởi mở và linh động để thu hút đầu tư nước ngoài. Những thử nghiệm chính sách mới theo hướng ưu đãi để mở cửa đón dòng đầu tư này nên được thí điểm ở các khu vực kinh tế lớn trong cả nước. Lãnh đạo đất nước cũng như lãnh đạo các cơ quan phụ trách đầu tư cần chủ động tìm kiếm và mời gọi đầu tư thay vì bị động ngồi chờ dòng dịch chuyển tìm tới. Chúng ta có thể thành lập một Ban của Chính phủ làm việc tập trung và chuyên trách về vấn đề này, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, cập nhật thông tin và giải quyết dòng dịch chuyển đầu tư cấp bách hiện nay. Có làm thật sự mạnh mẽ và chủ động, Việt Nam mới tận dụng được thời cơ có một không hai này cho phát triển quốc gia.
Thứ hai, Việt Nam nên sàng lọc đầu tư để tiếp nhận những dự án mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho quốc gia.
Ví dụ, mỗi năm Việt Nam xuất sang Mỹ hàng điện tử có giá trị lên tới hàng tỉ đô la, nhưng Việt Nam chỉ được hưởng chưa tới 1% giá trị do đa số đây là hàng lắp ráp tại Việt Nam nhưng do các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Chính vì thế, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ và rà soát lại danh mục xin cấp phép đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều công nghiệp phụ trợ trong nước. Việt Nam cũng cần lưu ý việc các công ty nước ngoài đưa công nghệ cũ, công nghệ làm bẩn môi trường tới Việt Nam. Chính phủ cần kiểm duyệt chặt chẽ để ngăn chặn công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó lại khuyến khích các công ty tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, sử dụng máy móc tiên tiến.
Trong bối cảnh đầu tư vào ồ ạt, Việt Nam có quyền chọn lựa những dự án có lợi nhất cho đất nước chứ không phải chấp nhận mọi dự án để lấy tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng về lâu dài không mang lại phát triển bền vững.
Thứ ba, Việt Nam phải hết sức cảnh giác với việc hàng hóa của Trung Quốc đưa vào Việt Nam, dán nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ tránh bị đánh thuế cao. Gần đây, hải quan Mỹ phát hiện ra ván ép Trung Quốc được chuyển đến Mỹ thông qua một công ty Việt Nam. Việc xuất khẩu đường vòng để né thuế như vậy khả năng sẽ nở rộ trong thời gian tới. Nghiêm trọng hơn, Việt Nam đã phát hiện hàng chục giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm giả với mác “Sản xuất tại Việt Nam” để xuất vào Mỹ, cũng như các vụ vận chuyển bất hợp pháp bởi các các công ty Trung Quốc nhằm né thuế của Mỹ đối với các sản phẩm dệt may, nông nghiệp và thép. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng cần phải được chấm dứt ngay.
Chính phủ Việt Nam phải đặc biệt tăng cường kiểm soát hàng “đội lốt” này. Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát từ Mỹ. Thậm chí Việt Nam có thể cũng sẽ bị trừng phạt khi Mỹ tăng cường thực hiện các biện pháp chống lẩn tránh đối với hàng hóa mượn địa bàn Việt Nam để xuất khẩu. Nếu tình huống này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại khốc liệt và môi trường đầu tư bất ổn, các doanh nghiệp cả Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn, có thể giảm đầu tư nên trong dài hạn, lợi ích của Việt Nam trong thương chiến này cũng chưa được đảm bảo rõ ràng. Lợi ích trước mắt có thể thấy được, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn như đã trình bày. Chính phủ Việt Nam phải xây dựng nhiều kịch bản cũng như biện pháp cần thiết để đảm bảo vừa tận dụng được thời cơ này, vừa giảm và tránh các biến số tiêu cực trong tương lai.
Thứ tư, nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay rất dồi dào, nhưng hệ số có tay nghề cao rất thấp, chủ yếu là lao động đơn giản. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực lúc này phải được coi là cấp bách, để sớm tạo ra được một lực lượng lao động mới, đáp ứng nhu cầu đầu tư của nước ngoài và sự phát triển trong nước. Mặc khác, vai trò các doanh nghiệp Việt Nam cũng hết sức quan trọng, bởi đây là những đối tác trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ cần sớm có các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam đứng vững và phát triển trước làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.
Quãng thời gian 10 – 20 năm tới vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, do lợi thế địa chính trị, đã mang vào cho đất nước ta những lợi thế và cơ hội vô cùng lớn. Đảng và Nhà nước ta cần sáng suốt, nắm bắt cơ hội này, đưa ra được nhiều quyết sách phù hợp với diễn biến tình hình của quốc tế hiện nay, tận dụng được nguồn lực cho quốc gia. Nếu chúng ta chập chờn do dự, cơ hội sẽ đi qua, chúng ta bỏ lỡ thời cơ làm cho đất nước phát triển giàu mạnh. Và không chỉ có thế, nếu để các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ồ ạt và hàng hóa Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, nền kinh tế nước ta sẽ gặp khó khăn khi bị Mỹ đặt vào tình trạng kiểm soát hoặc bị trừng phạt. Nhưng chúng ta vững tin rằng điều đó sẽ không xảy ra; với đất nước gần 100 triệu dân, lại được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo sáng suốt và tâm huyết, đất nước chúng ta chắc chắn sẽ vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới./.
N.V.H.