Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số là điều không còn phải bàn cãi. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việt Nam là một quốc gia đi tiên phong trong nỗ lực xác lập chiến lược chuyển đổi số ở tầm quốc gia. Mới đây, tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định rằng khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hai trụ cột đóng góp quan trọng vào kinh tế số. Đây là một nguồn tài nguyên vô tận được hình thành từ tư duy, trí tuệ con người để thay thế và phục hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên mà nhân loại đã khai thác trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.

Thực tế, kinh tế số của Việt Nam được Google đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP và con số này đang tiếp tục tăng mạnh. Trái với nhiều lĩnh vực khác, Việt Nam đang phải nỗ lực bắt kịp các nước phương Tây. Trong lĩnh vực số, Việt Nam cùng với Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới, có những điểm sáng đi trước Mỹ và châu Âu cả thập kỷ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Ảnh: Nhật Bắc

Thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng đáng chú ý của Việt Nam với tốc độ phát triển trên 20% năm 2022. Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%. Cần lưu ý là khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ trăng trưởng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử lớn nhất trong số các khu vực trên toàn cầu, ở mức 20,6%. Trong khi đó, trên toàn cầu, tỷ lệ này là 12,2%, khu vực Tây Âu  là 6,1%, Bắc Mỹ là 15,5%.

Với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và Kế hoạch 05 năm 2021-2025, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tại khu vực Đông Nam Á, doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2022 đạt 131 tỷ USD và con số này sẽ tăng lên 211 tỷ USD vào năm 2025. Trong khu vực này, Việt Nam ở vị trí số 3 về quy mô nền kinh tế Internet, chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan. Cụ thể, quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025. Như vậy, tốc độ tẳng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam ở tốp đầu trong khu vực đang dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực này, cho thấy tiềm năng vô cùng to lớn của Việt Nam ở địa hạt này.

Thanh toán điện tử là một điểm sáng quan trọng khác. Báo cáo thường niên của Google dự báo thị trường thanh toán online tại Việt Nam có thể xếp 3 khu vực Đông Nam Á vào năm 2025 về giá trị giao dịch. Hiện nay, ngành thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến  ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 22,8%, đạt 27,6 tỷ USD vào năm 2025. Phân khúc thanh toán bằng ví di động tính theo giá trị tăng với tốc độ là 23% trong giai đoạn 2018 – 2025.

Đặc biệt tại Việt Nam, hình thức thanh toán bằng mã QR đang tăng vượt bậc. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đầu năm 2023 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng hơn 50% về số lượng, riêng qua phương thức QR Code tăng hơn 160% số giao dịch và hơn 40% về giá trị. Phương thức này đang len lỏi vào từng ngõ ngách, từng góc phố, khu chợ. Không chỉ có các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mà giờ đây ngay cả các khu chợ dân sinh, việc quét mã cũng đã vô cùng phổ biến. Người dân bây giờ lựa chọn quét mã QR trên điện thoại thay vì phải trả tiền mặt và đợi người bán hàng trả lại tiền thừa. Thanh toán qua mã QR hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất, với 55% các giao dịch thanh toán số hiện nay, và dự báo tỷ lệ này còn có thể tiếp tục tăng trong nhiều năm tới.

Điểm cần lưu ý là xu hướng thanh toán mới này đã đi trước Âu – Mỹ khoảng một thập kỷ. Châu Á trong đó có Việt Nam đang chứng kiến sự tăng tốc thần kỳ hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số. Với dân số trẻ, Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng điện tử rất nhanh và nắm bắt các công nghệ mới tốt hơn cả các nước phát triển. Các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có tuổi đời rất trẻ đã đổi mới cách thức bán hàng và tiến hành các hoạt động thương mại với người  tiêu dùng theo những cách sáng tạo, giờ đây trở thành hình mẫu để các nước phát triển noi theo.

Thanh toán bằng QR đang là xu hướng của nhiều người dùng hiện nay ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Thúc đẩy để Việt Nam có nhiều lĩnh vực tiên phong trong thế giới số hiện nay cần là một ưu tiên trong chính sách của Chính phủ.

Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số hơn nữa, đặc biệt quan tâm tới việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong môi trường kinh tế số.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số là điều kiện tiên quyết, trong đó có việc nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G để đảm bảo doanh nghiệp, người dân tiếp cận với internet tốc độ cao. Chính phủ cũng cần thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư phát triển hạ tầng số hướng tới phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, hệ thống thanh toán điện tử.

Thứ ba, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số là vấn đề cần giải quyết trước mắt, bằng cách hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời cũng phải có các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực trẻ có chất lượng cao trong lĩnh vực này, tránh bị chảy máu chất xám sang các nước phát triển hơn.

Thứ tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần tiếp tục thay đổi tư duy và nhận thức trong đổi mới, sáng tạo, hướng tới tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột, không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn chủ động vươn lên, sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ số đặc sắc, tiên phong giúp Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực này trên hế giới.

Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển nền kinh tế số. Giờ đây, nghĩ tới Việt Nam, thế giới không còn coi nước ta là nước nông nghiệp thuần tuý nữa nhờ đóng góp của lĩnh vực số. Thương mại điện tử ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng. Còn đó những khó khăn, thách thức lớn cần vượt qua nhưng với đà phát triển nhanh và vững chắc hiện nay, tin tưởng rằng kinh tế số sẽ trở thành một lĩnh vực có đóng góp quyết định vào bức tranh tăng trưởng chung, giúp Việt Nam đi nhanh hơn các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC