Bệnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Không có bằng chứng nào cho thấy Covid-19 sẽ kết thúc sớm. Nhưng nỗi sợ Covid-19 đã dần giảm bớt. Cho dù biến chủng Omicron đang nổi trội và lây lan nhanh, nhưng thống kê tại các nước chỉ ra rằng số lượng người trở nặng ít hơn, tỷ lệ tử vong thấp hơn. Nhiều người thậm chí còn không có biểu hiện gì khác thường dù mắc Omicron.

Tỉ lệ tiêm chủng tại hầu hết các quốc gia ở mức rất cao. Tỉ lệ tử vong trong mức chấp nhận được. Nhiều nước đã coi Covid-19 như bệnh đặc hữu không khác gì cảm, cúm. Với cách nhìn nhận về bệnh dịch đã thay đổi nhiều so với chỉ vài tháng trước, hầu hết các quốc gia đều cảm thấy cần có những thay đổi chính sách về mở cửa đón khách du lịch.

Một nguyên nhân khác là nhu cầu phát triển, nhu cầu giao thiệp, nhu cầu du lịch của con người đã tăng cao hơn bao giờ hết sau ba năm bị hạn chế do Covid-19. Nhu cầu này khiến Chính phủ các nước một lần nữa phải xem xét lại, nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản để việc thông thương buôn bán cũng như vận chuyển hành khách diễn ra bình thường như trước đại dịch, tạo điều kiện tối đa để du lịch tăng trưởng trở lại trong vai trò một ngành kinh tế mang lại doanh thu lớn trên toàn cầu.

Nhiều nước láng giềng Đông Nam Á và châu Á quanh Việt Nam đã bỏ yêu cầu về giấy chứng nhận âm tính Covid-19 khi nhập cảnh vào nước họ. Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản, Singapore là những ví dụ điển hình. Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho biết sẽ nới lỏng quy định với khách du lịch đến Thái Lan từ 1/4. Một trong số đó là bỏ quy định xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh với du khách. Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo miễn xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, dù là PCR hay test nhanh. Du khách tiêm đủ hai mũi đến Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất cũng không cần xét nghiệm trước ngày khởi hành. Khách đến Jordan từ tháng 3/2021 cũng không cần xét nghiệm PCR trước khi đến và khi nhập cảnh.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia đã thiết lập lại các điều kiện nhập cảnh như trước dịch. Từ 4h ngày 18/3, Anh không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trước và sau khi nhập cảnh, không cần điền tờ khai nhập cảnh và không cần cách ly. Mọi yêu cầu về phòng chống dịch khi nhập cảnh Na Uy đều được gỡ bỏ. Mọi người không cần đeo khẩu trang, quy tắc về giãn cách xã hội cũng đã được dỡ bỏ.

Liên minh châu Âu (EU) dỡ lệnh cấm du lịch, cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19. Du khách tiêm vaccine SinoPharm, SinoVac của Trung Quốc và Bharat Biotech của Ấn Độ cũng đã được EU đồng ý, bên cạnh các loại vaccine như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson và Novavax. Chỉ trong trường hợp không tiêm đủ hoặc tiêm vaccine chưa được EU công nhận, du khách mới cần xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 tiếng trước khi khởi hành.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Canada cũng bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/4.

Không chỉ dỡ bỏ các quy định, hầu hết các nước trên thế giới đều có các quyết định kích cầu du lịch bằng cách khuyến khích người dân đi du lịch trở lại và nới lỏng quy định visa để mời gọi khách quốc tế. Xu hướng mở cửa để khôi phục kinh tế đang là chủ đạo, trong đó du lịch đi đầu. Các nhà phân tích cho rằng thế giới bắt đầu “du lịch trả thù” hậu Omicron.

Các quốc gia lần lượt mở cửa, miễn cách ly, thậm chí không cần giấy xét nghiệm âm tính, hối thúc mọi người đi du lịch bù lại thời gian dài phải ở nhà. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết lượng vé quốc tế bán ra trong hai tháng đầu năm nay tăng nhanh nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện. Đầu tháng 2, doanh số bán vé đã lên bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Xung đột Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu tăng trên 100 USD một thùng. Giá vé máy bay vì thế cũng tăng, do chi phí nhiên liệu cao hơn. Mọi thứ có thể dẫn đến lạm phát, phí sinh hoạt cao hơn. Điều này khiến du khách phải chi trả nhiều tiền hơn, nhưng vẫn không ngăn chặn được xu thế du lịch quay trở lại như một xu hướng tất yếu.

Trên toàn thế giới, chỉ có Trung Quốc, thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Người dân nước này vẫn chưa được phép đi du lịch nước ngoài thoải mái, và phải thực hiện cách ly 14 đến 21 ngày khi trở về.

Việt Nam không đứng ngoài xu hướng chung này của thế giới, khách quốc tế qua cảng hàng không tăng 176% trong tháng 3/2022. Thành quả này có được là nhờ những chính sách mở cửa kịp thời và đúng đắn của Chính phủ. Quan điểm chung là không coi Covid-19 là vấn đề có thể cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước nữa. Chính phủ quyết tâm mở cửa giao thương, đặt mục tiêu thúc đẩy kinh tế lên hàng đầu, trong đó thúc đẩy du lịch như một ngành mũi nhọn. Cuộc chiến ở Ukraine khiến cho du lịch châu Âu hiện đang gặp không ít khó khăn, đẩy khách du lịch sang Đông Nam Á. Việc Chính phủ nhanh chóng thực hiện các biện pháp quyết liệt để khôi phục ngành du lịch là cấp thiết.

Việt nam cần chuẩn bị tốt các điều kiện, cơ sở vật chất để đón khách du lịch khi mở cửa trở lại sau bệnh dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Một khu biệt thự tại Vinpearl Discovery Wonderworld Phú Quốc. Nguồn: Vinpearl.com.

Thứ nhất, ngành y tế đã phối hợp với ngành du lịch và các tỉnh, thành đưa ra yêu cầu y tế thông thoáng hơn cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, người nhập cảnh theo đường hàng không chỉ cần kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp PCR trong 72 giờ mà không cần cách ly sau nhập cảnh; nếu là test nhanh chỉ cần có chứng nhận trong 24 giờ trước khi xuất cảnh.

Thứ hai, ngành vận tải có chuyển biến mạnh. Thủ tướng đã chỉ đạo ngành hàng không mở các tuyến bay tới hầu khắp các quốc gia như trước đại dịch. Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến ngày 25/3 đã có 23 hãng hàng không khai thác 67 chặng bay giữa Việt Nam và 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Singapore là hãng hàng không khai thác với tần suất lớn nhất với 45 chuyến khứ hồi mỗi tuần, đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó các chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản đông đúc nhất, các hãng đã chuyên chở hơn 10.000 hành khách, chiếm 18% tổng số khách trên đường bay quốc tế. Trong nội địa, các hãng vận tải, các hãng taxi và tàu hoả đã nối lại hoạt động bình thường, sẵn sàng chuyên chở du khách.

Thứ ba, đối với các tỉnh và thành phố, tinh thần chuẩn bị đón khách du lịch khẩn trương. Các khách sạn được sửa chữa tu bổ; các nhà hàng mở lại; các hoạt động dịch vụ chuẩn bị cho du lịch đều nối lại nhanh chóng, nhất là tại các trung tâm lớn về du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng. Người dân các vùng du lịch chuyển hướng sang hoạt động sản xuất và dịch vụ cung cấp cho du khách.

Thứ tư, ngành Du lịch đang phục hồi lại các hợp đồng cũ với các công ty du lịch quốc tế, tìm mọi cách đón các đoàn khách quốc tế như thời điểm trước Covid-19. Ngành du lịch đang thay mặt Chính phủ điều tiết ngành du lịch, thu hút khách quốc tế trở lại. Vai trò của ngành du lịch trong thời điểm mở cửa trở lại này đặc biệt quan trọng, đóng vai trò cầu nối và là động lực thúc đẩy toàn ngành vượt qua sức ì trong giai đoạn Covid-19 vừa qua.

Thứ năm, ngành Thông tin và Truyền thông cũng đã nỗ lực tuyên truyền về những chính sách mở cửa của đất nước, khẳng định Việt Nam là điểm đến cởi mở và an toàn cho du khách yên tâm vào Việt Nam. Công tác thông tin truyền thông đã tạo đà để du lịch cả nội địa và quốc tế được đẩy mạnh trong giai đoạn vừa qua và phần còn lại của năm 2022.

Thứ sáu, ngành Công an và Ngoại giao đã phối hợp cùng đề xuất Chính phủ miễn thị thực cho nhiều quốc gia và thực hiện chính sách nhập cảnh, quá cảnh thông thoáng để kích cầu du lịch. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus.

Với tinh thần coi du lịch như ngành kinh tế quan trọng tác động vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, những nỗ lực thúc đẩy du lịch của toàn bộ hệ thống chính trị như trên dự kiến sẽ góp phần làm sống lại nền kinh tế Việt Nam, tạo ra nguồn thu nhanh chóng cho đất nước và trở thành ngành xuất khẩu “tại chỗ” lớn nhất cho nền kinh tế. Bộ mặt xã hội sẽ thay đổi nhanh chóng và nhiều công ăn việc làm sẽ được tạo mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia, tối 26/3/2022 tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Đông

Đúng như Thủ tướng chỉ đạo tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022 diễn ra tối 26/3/2022 tại Hội An, ngành du lịch cần tăng tốc, bứt phá với mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch 400.000 tỉ đồng trong năm nay.

Như vậy, đây là những tín hiệu đáng mừng, bởi du lịch không đơn thuần mang lại ngoại tệ cho đất nước mà còn kích cầu cho nhiều ngành khác. Du lịch thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan, thu hút lực lượng lao động rất lớn. Du lịch cũng góp phần quan trọng kích cầu sản xuất và tiêu thụ hàng hoá. Du lịch gắn liền với các hoạt động kinh doanh vui chơi, giải trí, văn hoá. Thu hút tốt khách du lịch sẽ tạo ra nhiều điểm sáng phát triển, tạo ra nhiều hình thức kinh doanh mới, thúc đẩy nhiều loại hình du lịch nở rộ.

Tuy vậy, kinh nghiệm cho thấy nếu không chuẩn bị kỹ, khách du lịch vào ồ ạt cũng gây ra hậu quả. Nhiều tỉnh thành vẫn chưa quản lý tốt du lịch, người dân cũng như hộ kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, xô đẩy giành giật khách. Tình trạng chặt chém, bắt nạt khách du lịch vẫn phổ biến.

Việt Nam mở cửa đón khách nhưng cơ sở vật chất nhiều nơi vẫn không đảm bảo; nhân lực làm du lịch đang thiếu trầm trọng do không có việc làm kéo dài vì Covid-19; nhiều nhà hàng khách sạn đóng cửa do Covid-19 quá lâu chưa kịp mở lại và cơ sở vật chất xuống cấp… dẫn tới không đáp ứng được nhu cầu của khách. Vấn đề an toàn cho khách cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trật tự xã hội ở một số địa phương còn nhiều bất cập. Đảm bảo an toàn cho khách cũng vẫn là thách thức hiện nay. Chính phủ đã quan tâm nhưng phải có sự thống nhất chỉ đạo chung với các ngành chức năng. Du lịch là một ngành tổng thể, cần sự phối hợp chung từ nhập cảnh tới giá cước vận chuyển, khu du lịch, dịch vụ ăn uống và mua sắm. Cần có sự quản lý thật tốt để sự bung ra của du lịch sắp tới phát triển mạnh và đúng định hướng.

Việt Nam cần chỉnh đốn lại toàn bộ hệ thống du lịch, đổi mới công nghệ làm du lịch theo hướng số hoá và tăng cường tiện ích cho du khách. Có như vậy mới phục hồi được giá trị Việt Nam như một điểm đến bền vững. Doanh thu từ du lịch năm nay là con số quan trọng nhưng chưa phải tất cả.  Việt Nam có là điểm đến lâu dài cho du khách hay không cần một cách làm du lịch bài bản và mang tính nền tảng hơn.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC