Việt Nam - Thời Covid-19

Nguyễn Văn Hưởng

Thời Covid đã diễn ra những tháng đầu năm 2020, mọi quan hệ xã hội đã có nhiều biến động, kéo theo nhiều thay đổi đáng kinh ngạc đối với nhiều người. Đầu tháng 1 năm 2020, đất nước chứng kiến những diễn biến, những đánh giá, nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của virus corona rồi được gọi lại là Covid-19, một loại virus lây lan chết người xảy ra ngay ở nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Vũ Hán là tâm điểm. Một số công dân nước ta ở Vĩnh Phúc từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về đã nhiễm loại virus. Cuộc chiến chống Covid bắt đầu. Chính phủ đã ra lệnh khoanh vùng, cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có các bệnh nhân nhiễm virus Covid-19. Thời điểm này được Chính phủ xác định là giai đoạn một của cuộc chiến chống virus. Trong suốt giai đoạn từ đầu tháng 1 đến 16 tháng 2 năm 2020 đã phát hiện có 16 trường hợp lây nhiễm và đều được Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chữa khỏi bệnh sau hơn một tháng. Xã Sơn Lôi của tỉnh Vĩnh Phúc cũng được bãi bỏ lệnh cách ly, mọi người dân nơi đây được sinh hoạt bình thường, cả nước thở phào như trút được gánh nặng tâm lý. Các trường học đại học, trung học được công bố trở lại bình thường.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì xuất hiện bệnh nhân số 17 ở phố Trúc Bạch, Hà Nội từ Pháp về nước đã xác định dương tính với Covid-19. Thông tin này đã gây chấn động cho người dân Hà Nội và người dân cả nước ngay đêm hôm đó. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã khoanh vùng cách ly phố Trúc Bạch, nơi cư trú của bệnh nhân số 17, và tiến hành các biện pháp khử trùng nơi này. Chính phủ đã vào cuộc ngay lập tức. Mệnh lệnh cách ly bắt buộc người thân của bệnh nhân số 17 và truy tìm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này: đi cùng chuyến bay từ Pháp về, người thân, các quan hệ và những nơi bệnh nhân 17 đã đến tiếp xúc. Cuộc chiến chống Covid-19 lại được khởi động. Chính phủ gọi đây là giai đoạn II. Các trường học lại tạm dừng giảng dậy. Nhiều biện pháp chống lây lan đã được ban bố tại nơi công cộng, phương tiện vận tải… Chính phủ đặc biệt kêu gọi các biện pháp phòng ngừa của cá nhân. Các cửa hàng, siêu thị được huy động lượng hàng hóa tối đa để phục vụ nhân dân để tránh cơn bão thu gom hàng hóa do hoảng loạn.

Bác sĩ thực hiện lọc máu liên tục cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh: TTXVN)

Trong suốt tháng 2 đến giữa tháng 3  năm 2020, số ca nhiễm Covid-19 ở nước ta đã lên gần 100 người (kể cả 16 người đã chữa khỏi), chủ yếu là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh, và những người bị lây nhiễm từ bệnh nhân số 17. Cho đến giữa tháng 3 năm 2020, trong khi Trung Quốc thông báo đã kiềm chế bệnh dịch thì ở châu Âu, bệnh dịch đã lây lan nhanh chóng ở một số nước như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… Các nước ở châu Á như Iran, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan… đã công bố phát hiện nhiều người bị lây nhiễm Covid-19 với số lượng lên tới vài trăm rồi vài ngàn người chỉ trong 7 – 10 ngày. Chủ tịch Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch của thế giới trong thế kỷ này và kêu gọi các quốc gia phải có biện pháp đối phó khẩn cấp để ngăn chặn. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng ra lời cảnh báo và kêu gọi các quốc gia hãy chung tay ngăn chặn bệnh dịch chết người này.

Phải đến lúc này các quốc gia châu Âu mới bừng tỉnh khi họ phát hiện đã có hàng ngàn ca nhiễm bệnh và hàng trăm người chết mỗi ngày, từ Ý, rồi đến Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, và lan mạnh nhất ở Mỹ. Sự ràng buộc vào các giá trị tự do của con người đã khiến cho các biện pháp đối phó của chính phủ các nước này không mấy hiệu lực. Sự chủ quan của quốc gia và dân chúng đã dẫn tới nhiều khó khăn trong điều trị (thiếu bệnh viện, thiếu phương tiện, thiết bị y tế…), nên người dân nhiễm bệnh và chết ngày một tăng. Xã hội phương Tây đã khủng hoảng toàn diện.

Từ giữa tháng 3 năm 2020, mặc dù chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo hạn chế người nước ngoài nhập cảnh, nhưng hàng ngày vẫn có gần 10 ngàn người nhập cảnh qua hàng không, biên giới đường bộ; hàng ngày đã phát hiện 5-10 người trong số nhập cảnh nhiễm bệnh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam nơi có người Việt Nam từ nước ngoài trở về nước và khách du lịch. Đặc biệt đã phát hiện ổ dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai lây nhiễm từ các nhân viên dịch vụ của Công ty Trường Sinh, và thậm chí bác sĩ điều trị và điều dưỡng viên của Bệnh viện Nhiệt đới 2 cũng bị nhiễm bệnh.

Trước áp lực lây nhiễm bệnh ở nhiều nước và tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, chính phủ đã công bố chuyển sang giai đoạn III của quốc gia chống Covid-19. Chính phủ xác định từ 1 tháng 4 đến 15 tháng 4 là giai đoạn cao điểm nhất của bệnh dịch ở nước ta, nếu không đối phó hiệu quả, khả năng có hàng ngàn người nhiễm bệnh là không tránh khỏi.

Giai đoạn này, Đảng ra chỉ thị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng ra lời kêu gọi “Toàn thể dân tộc ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tái khẳng định “có thể hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân là mục tiêu tối thượng của chính phủ”. Thủ tướng cũng xác định “Chống dịch như chống giặc”. Theo đó, Thủ tướng đã ra những chỉ thị mạnh mẽ “ngăn dịch ngoài, dập dịch trong”. Từ 1 tháng 4 đến 15 tháng 4 là giai đoạn cao điểm của chống dịch tại Việt Nam. Trong thời điểm này, Nhà nước kêu gọi toàn dân tham gia chống dịch: “Mọi người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết” được đăng tải trên điện thoại di động; trừ công nhân sản xuất các loại hàng thiết yếu, ngân hàng, nhân viên các siêu thị, xe đưa đón công nhân, xe của lực lượng vũ trang, còn tất cả cán bộ nhân viên, giáo viên dạy học đều làm việc tại nhà qua mạng Internet. Chính phủ cũng dừng các chuyến bay quốc tế, giảm đến mức tối thiểu các chuyến bay nội địa và tàu hỏa liên vận, phong tỏa chặt chẽ biên giới đường bộ. Chính phủ cũng kịp thời quyết định chi gói hỗ trợ cho người nghèo, bệnh tật, những người tạm nghỉ việc để vượt qua thời điểm khó khăn, đồng thời chỉ đạo các tỉnh Tây Nam bộ tích cực chống mặn cứu hoa màu, cây trái và cung cấp nước ngọt cho người dân.

Các tỉnh, thành phố đã thực hiện quyết liệt, tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa từ xa. Các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng loạt trạm xét nghiệm nhanh ở các cửa ô để kiểm tra y tế đối với người dân ngoài tỉnh đến thành phố. Các lực lượng quân đội lo nhiều địa điểm để cách ly người mới nhập cảnh và những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus. Các lực lượng khác như công an, lực lượng dân phố truy tìm những người đến các điểm có dịch bệnh để thử xét nghiệm và bắt buộc về nơi cách ly hoặc cách ly tại nhà.

Đặc biệt trong thời điểm này đã dấy lên một phong trào ủng hộ chính phủ và lực lượng chống dịch chưa từng có kể từ sau cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Từ các cụ già, các em thiếu nhi, đến các doanh nghiệp, các nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ, lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo tham gia phong trào hiến máu để cứu người bệnh; thật là cảm động và quý giá đối với nước ta vào lúc này. Nó đã tiếp sức cho dân tộc, cho đất nước vượt qua những thời điểm vô cùng nguy hiểm này.

Trong mấy ngày đầu tháng tư, kể từ khi chính phủ xác định giai đoạn cao điểm, ta đã thấy ở các thành phố lượng người đi trên đường phố thưa thớt, chỉ còn những xe chở hàng và những người ra ngoài mua thực phẩm. Cả nước cách ly theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ (tỉnh cách ly tỉnh, huyện cách ly huyện, phường xã cách ly phường xã, gia đình cách ly gia đình), mọi người dân đã chấp hành nghiêm túc không ra đường khi không có việc cần thiết. Chưa thấy lúc nào mà người dân có ý thức bảo vệ mình như lúc này. Họ hiểu rằng tuân theo hướng dẫn của nhà nước chính là biện pháp bảo vệ cho mình, và thiết thực hơn là cùng chung tay để chống dịch bệnh. Đó là nguyên nhân bệnh dịch đang được kiềm chế tốt ở nước ta. Đó là thành quả to lớn mà Đảng, Nhà nước và dân tộc ta đã giành được. Trong khi các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến, tiềm lực quốc gia hùng mạnh như Mỹ và nhiều nước châu Âu mỗi ngày có hàng chục ngàn người lây nhiễm và hàng ngàn người chết vì bệnh dịch. Không biết đến khi nào bệnh dịch này mới được đẩy lùi ở Mỹ và các nước khác.

Ở thời điểm này, thế giới nhìn nhận Việt Nam là quốc gia đối phó hiệu quả nhất đối với Covid-19, đang là an toàn nhất nhìn về số lượng đối tượng nhiễm bệnh và số người được điều trị khỏi bệnh, không có ca nào tử vong. Chúng ta không sớm lạc quan với kết quả này vì bệnh dịch trên thế giới vẫn đang hoành hành. Đây cũng là một cơ hội hiếm có để nước ta trải nghiệm tiềm lực quốc gia của mình. Trước mắt, ta có thể rút ra một số nhận định sau 3 tháng chống dịch bệnh:

Một là: may mắn cho dân tộc ta, chế độ ta có được một Đảng, một Chính phủ hết lòng vì dân, vì nước, quy tụ, đoàn kết và huy động được sức mạnh của dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã nhìn rõ nguy cơ, đưa ra cảnh báo sớm cho toàn Đảng, toàn dân, vận dụng sáng tạo các biện pháp của thời chiến tranh vào từng thời điểm, từng giai đoạn một cách thực tế nhất, và phát huy được hiệu quả nhất.

Hai là: Đảng, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đều thể hiện một tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của đồng bào; các cơ quan chính phủ vào cuộc nhanh chóng, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Đảng và Chính phủ; các lực lượng trong hệ thống chính trị đã làm việc với tinh thần thời chiến, bám sát địa bàn, bám sát bệnh nhân, sẵn sàng hy sinh khi tổ quốc cần đến, được thể hiện ở đội ngũ bác sĩ, vệ sinh dịch tễ, lực lượng quân đội, công an và nhiều lực lượng xung kích khác trong hệ thống chính trị được các phương tiện thông tin ca ngợi, nhất là đội ngũ bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân.

Ba là: Chính phủ đã chủ trương và chỉ đạo thông tin về bệnh dịch cúm Covid-19 rất kịp thời, công khai, minh bạch số lượng người nhiễm và các biện pháp phòng chống dịch. Điều đó đã giúp cho người dân không hoang mang dao động và tự phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và của chính quyền địa phương.

Một thành công lớn của Chính phủ là kết nối mạng Internet. Đó là dựa trên kết quả của các dự án Internet và điện thoại di động do Chính phủ đầu tư từ hơn 20 năm nay. Internet, điện thoại di động đã hỗ trợ rất nhiều cho Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố, các bộ ngành, làm việc trực tuyến qua mạng và thông tin về dịch đến người dân. Đến nay mọi người vẫn văng vẳng lời nhắc trong điện thoại di động của Bộ Y tế “Mọi người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết”. Đó quả thật là sự thông minh, sáng tạo trong công tác thông tin. Tất cả những kẻ thông tin bịa đặt đều bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Cũng qua mạng Internet đã khơi thông và gắn kết mọi hoạt động và quan hệ của nước ta trong điều kiện cách ly triệt để. Việc đào tạo giáo dục trực tuyến ở các trường, việc giao dịch thanh toán ngân hàng, và đặt giao hàng, mua hàng không cần liên hệ trực tiếp giữa người với người như trước đây là một ví dụ. Xã hội đang hình thành một kiểu vận hành mới qua ứng dụng công nghệ. Tương lai nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh, đào tạo, thương mại… theo kiểu cũ sau đại dịch này có thể sẽ thay đổi, nhờ đó mọi hoạt động của quốc gia cơ bản vẫn thông suốt, đời sống của người dân vẫn được đảm bảo và ổn định.

Bốn là: rất rõ ràng, lúc khó khăn, nguy hiểm của quốc gia, chúng ta càng thấy lòng dân, tinh thần yêu nước, đồng lòng, đoàn kết vượt qua khó khăn được phát lộ trở lại như đã thể hiện trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập. Mọi người dân thực hiện và ủng hộ các biện pháp của Chính phủ một cách tuyệt đối (người dân thực hiện cách ly một cách triệt để). Không chỉ có vậy mà tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong đồng bào, đồng chí được đánh thức; đã có nhiều sự quyên góp của đồng bào, đồng chí rất cảm động của những bậc lão thành dành số tiền tiết kiệm nhỏ bé, những cân gạo, mớ rau, quả trứng để ủng hộ bác sĩ, bộ đội; những tổ tình nguyện của nhân dân nấu cơm phát miễn phí cho người nghèo, các bạn trẻ tự làm nước hoa quả ép gửi tặng các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai; giới văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp về vật chất và sáng tác nhiều tác phẩm hay, độc đáo cổ vũ toàn dân chống dịch… Đó là tinh thần “toàn dân kháng chiến” của dân tộc ta, và cao hơn nữa là giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc ta vẫn trường tồn và tỏa sáng ở những thời điểm đất nước lâm nguy khi bị giặc đe dọa.

Những điểm phát đồ ăn miễn phí giúp người nghèo vượt qua giai đoạn dịch bệnh thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta

Bệnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, chưa ai biết được đến khi nào sẽ ngăn chặn được hoàn toàn virus này. Nỗi lo sợ lan khắp toàn cầu, đe dọa mạng sống hàng triệu, hàng trăm triệu người nếu cuộc chiến này thất bại. Mỗi người chúng ta đang chứng kiến virus nhỏ bé Covid-19 hủy hoại nền kinh tế thế giới; chứng kiến sự vỡ trận ở các quốc gia, vỡ trận các liên minh, các khối. Các quốc gia cô lập tự lo lấy mình; trật tự thế giới đang xáo trộn và bất ổn.

Trong bối cảnh như vậy lại thấy rõ các nước lớn, các nước có tiềm lực lớn, lại là những nước lúng túng nhất, bị nhiễm bệnh nhanh nhất, nhiều nhất, số lượng người chết nhiều nhất, bởi thiết chế xã hội không phù hợp. Các nước mạnh về kinh tế – quốc phòng nhưng lại thiếu sự gắn kết xã hội, bảo vệ lợi ích, tự do cá nhân hơn là lợi ích cộng đồng, nên khi nguy cơ quốc gia ập đến thì bị động, biện pháp phòng chống chắp vá, nửa vời, dẫn đến vỡ trận. Cán cân chính trị, quan hệ quốc tế đang chuyển dịch vị trí.

Trung Quốc là nước lớn, có tiềm lực kinh tế lớn, là nước xuất phát đầu tiên Covid-19 với trên 80 ngàn người nhiễm bệnh và trên 3 ngàn người chết. Nhưng chỉ trong 3 tháng, Trung Quốc đã ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh. Trung Quốc cần phải sẵn sàng cung cấp kinh nghiệm của mình để cứu thế giới, trong khi Ý và thành phố New York đang trông nhờ các thiết bị phòng chống dịch đến từ Trung Quốc.

Việt Nam chúng ta đang được thế giới biết đến là một trong những quốc gia chống dịch bệnh Covid-19 tốt nhất thế giới. Đây là sự đánh giá rất thực tế với một quốc gia với tiềm lực mới phát triển nhưng đã kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động, giữ được sự ổn định đất nước, đảm bảo được sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tận dụng được cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tạo ra được các mô hình mới trong sản xuất, lưu thông phân phối, trong giáo dục đào tạo và cứu chữa bệnh… Có thể nói “Ta thắng được giặc, và giữ được quân”. Giữ được quân là chiến thắng.

Đất nước chúng ta đang có lợi thế lớn trên trường quốc tế, cần phải tận dụng cơ hội này để xây dựng chỗ đứng tốt cho quốc gia trong lúc này. Đó là xu thế tất yếu phải xảy ra. Thế giới đang cần ta trong cuộc khủng hoảng này. Vận nước đang đi lên, mở ra con đường trở thành những nước dẫn đầu thế giới. Để thực hiện được điều đó, nhân dân giữ trọn niềm tin vào Đảng và nhà nước, bằng những kinh nghiệm chống giặc và chống dịch đã qua và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác, chúng ta cần đưa được một mô hình quản lý quốc gia mới của nước ta dựa trên lòng tin, đoàn kết toàn dân và nền công nghệ cao để phát triển đất nước. Chúng ta tin rằng sau này sẽ có nhiều quốc gia nghiên cứu mô hình phát triển của nước ta. Về ngắn hạn, chúng ta phải nắm bắt kịp thời diễn biến của dịch bệnh ở các nước trên thế giới. Con người có thể thiếu nhiều thứ để đối phó với dịch bệnh, nhưng có một thứ không thể thiếu được là lương thực. Ai nắm được lương thực lúc này sẽ làm chủ thế giới. Việt Nam đang đầu tư vào nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực là hướng đi đúng, phù hợp với thời đại./.

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC