Diễn biến của đại dịch Covid 19 tại Việt Nam đang hết sức phức tạp. Bộ Y tế khẳng định đợt dịch lần thứ 4 này có khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước do xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm. Đi kèm với đó là sự xuất hiện của các biến chủng mới với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn nhiều so với trước đây. 

Với diễn biến như vậy, các biện pháp quyết liệt chúng ta đã triển khai như khoang vùng, truy vết, cách ly triệt để không còn đủ mạnh để cắt đứt chuỗi lây nhiễm và chấm dứt đại dịch. Giờ đây, song song với các biện pháp cũ, chiến lược định hướng phải là huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh tiêm chủng và nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng. Vaccine mới là giải pháp gốc để khống chế đại dịch. 

Từ kinh nghiệm thế giới, những quốc gia nào theo đuổi chính sách vaccine trên diện rộng đều mang lại thành quả tích cực. Tại Mỹ, hiện hơn nửa số bang đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 50% người trưởng thành. Chính vì thế số ca nhiễm mới đang giảm ở 36 trên 50 bang của Mỹ. Tất cả điều này có được nhờ vào các loại vaccine có hiệu quả đang được triển khai như Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson. 

Anh là một trong những nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất châu Âu và đã khống chế đại dịch, dần mở cửa lại nền kinh tế. Một nửa dân số Anh đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Ước tính chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Anh đã ngăn chặn gần 12.000 ca tử vong. Từ giữa  tháng 5, nhiều sinh hoạt hàng quán, rạp chiếu phim, cơ sở giải trí trên toàn nước Anh đã được mở lại sau nhiều tháng phong tỏa và giãn cách. Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 đều giảm lớn, ví dụ tháng 1 năm 2021 nước này ghi nhận gần 32.000 ca tử vong do Covid-19. Vào tháng 4, số người chết đã giảm xuống còn 753. 

Nhiều nước EU chậm trễ với vaccine đang phải trả giá. Do lo ngại biến chứng đông máu của vaccine AstraZeneca, nhiều nước châu Âu dừng tiêm khiến chiến dịch tiêm chủng bị trì hoãn. Hậu quả là trong khi ca Covid-19 đã giảm ở Mỹ, ca nhiễm tại EU tăng 29% trong hai tuần đầu tháng 5 năm 2021. Nhiều nước EU do quá thận trọng đang phải trả giá đắt, bất chấp lời khuyên của nhiều nhà khoa học rằng vaccine AstraZeneca vẫn phải là mấu chốt trong kế hoạch chống Covid-19 của EU. 

Tổ chức y tế thế giới WHO cũng đã kết luận: phòng bệnh quan trọng nhất là phòng bằng vaccine. Nhận thức ấy Việt Nam cũng đã biết từ trước nhưng chưa thực sự để tâm và thực hiện quyết liệt cho tới khi đợt dịch thứ tư bùng lên như hiện nay. Từ nhận thức này, phải thấy một số định hướng chiến lược quan trọng cần  triển khai mạnh mẽ để phát huy hết hiệu quả của vaccine trong cuộc chiến chống Covid lần này. 

Thứ nhất, vaccine không phải là nhiệm vụ đơn lẻ của Chính phủ mà bây giờ phải là mệnh lệnh cấp thiết của hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các bộ, cơ quan, ban, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện bằng được chiến lược vaccine với tinh thần “quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác này”. Hiện nay, xuất hiện nhiều hiện tượng ở địa phương vẫn chưa ý thức hết nhiệm vụ này, dù đã được phân bổ vaccine nhưng tiêm rất chậm. Sự thiếu tích cực này là không thể chấp nhận được trong bối cảnh hiểm hoạ Covid-19 đang ngày một lớn tại Việt Nam. 

Thứ hai, Việt Nam phải chủ động tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng vaccine. Đây không phải lúc kén cá chọn canh và không để mắc những sai lầm như ở nhiều nước châu Âu. Theo ước tính, để Việt Nam đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, chúng ta cần khoảng 150 triệu liều tiêm. Chính phủ đang đi đúng hướng khi đã huy động mọi nguồn lực, liên tục làm việc với lãnh đạo các quốc gia như Nga, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… và các tổ chức quốc tế khác để mua thêm được vaccine. Hiện các nguồn vaccine Việt Nam đang có gồm 38,9 triệu liều cung cấp từ Liên minh vaccine thế giới Covax; 30 triệu liều AstraZeneca từ châu Âu mua thông qua VNVC; 31 triệu liều từ Pfizer của Mỹ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư tới Tổng  thống Nga Putin và Việt Nam đã có thêm 20 triệu liều vaccine Sputnik từ Nga. Đây là những tín hiệu rất lạc quan để đất nước có thể sớm đạt mốc 150 triệu liều trong năm 2021. 

Thứ ba, hơn bao giờ hết, lúc này Việt Nam cần xã hội hoá và cởi mở đối với vấn đề mua bán vaccine. Không chỉ nhà nước mà cần huy động toàn thể doanh nghiệp, người dân cùng góp sức để làm được việc này. Sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn vốn quan trọng và to lớn để Việt Nam chiến thắng trong trận chiến thứ tư  này.  Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người dân bước đầu đã góp được trên ba ngàn tỉ đồng cho Quỹ Vaccine để mua vaccine của nước ngoài. Đây là những con số rất đáng mừng, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của nhân dân ta trong những thời khắc nước sôi lửa bỏng của đất nước. 

Việt Nam phải sử dụng nguồn lực tài chính này một cách tiết kiệm và trách nhiệm. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành ngay lập tức đề xuất cơ chế sử dụng Quỹ vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, làm cơ sở để tiếp tục huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân. Chính phủ cũng cần tiết kiệm để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các nhiệm vụ chống dịch. 

Xã hội hoá còn phải thể hiện ở khía cạnh chúng ta cần mở cửa cho nhiều đơn vị tham gia vào công cuộc này, miễn là nhà nước đóng vai trò kiểm soát chất lượng. Thái Lan cho phép các bệnh viện tư nhân được mua vaccine Covid-19. Việc này giúp Thái Lan duy trì nguồn cung dồi dào trong bối cảnh nhà nước không thể ôm đồm và làm tốt hết mọi việc. Mới đây, Bộ y tế cũng có quyết định rất đúng khi đề nghị các địa phương chủ động đảm bảo nguồn tài chính, chủ động mua và tiếp cận nguồn vaccine. Chính phủ phải tạo mọi điều kiện, mở tất cả các cửa để sớm có vaccine cho toàn dân, huy động những doanh nghiệp lớn vào cuộc để tạo động lực thúc đẩy lớn hơn. Mở hết các cửa mới  thực sự tạo ra một bước tiến trong diễn trình xã hội hoá vaccine ở Việt Nam. 

Thứ tư, Chính phủ cũng cần huy động các Viện nghiên cứu y khoa, các nhà sản xuất vaccine trong nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phải cùng vào cuộc để sản xuất vaccine Covid-19. Cần lưu ý vaccine chỉ có hiệu quả trong một năm và phải tiêm lại mỗi năm như cúm mùa nên không thể cứ phụ thuộc vào nhập khẩu mãi. Bộ Tài chính cần thiết kế cơ chế, chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam. 

Việt Nam hiện nay có thể sản xuất nhiều loại vắc xin thông thường trong nhiều năm qua nên đã có kinh nghiệm phát triển, đào tạo đội ngũ kỹ thuật, y bác sĩ có trình độ về vaccine, nên có thể tiếp cận nhanh công nghệ vaccine của thế giới. Hiện ở Việt Nam đã có bốn đơn vị sản xuất vaccine trong nước. Nổi trội là Nanocogen đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba. Ivac thử nghiệm giai đoạn một và các công ty khác đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn tiền lâm sàng và lâm sàng. Đây là tiền đề để Việt Nam tự chủ vaccine Covid-19. 

Nhưng để thúc đẩy nhanh hơn nữa, Việt Nam phải đề  nghị được chia sẻ kỹ thuật, thương hiệu nhằm nhanh chóng tiếp thu công nghệ sản xuất vaccine của các nước tiên tiến. Việt Nam hiện là một trong những công xưởng sản xuất hàng hoá của thế  giới chỉ sau Trung Quốc thì không có  lý gì  chúng ta  không thể trở thành một công xưởng sản xuất vaccine của thế giới. Bộ Y tế vừa qua đã kiến nghị với Liên minh vaccine Covax để được tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất và cung ứng vaccine Covid-19, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Một tin mừng khác là  Nga cũng đồng ý chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể sản xuất 5 triệu liều vaccine một tháng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh mua công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nhiều nguồn khác để trong tương lai có thể chủ động nguồn vaccine cho dân. Về lâu dài, đó là chủ trương hết sức cần thiết. Nếu làm tốt và các nhà máy sản xuất vaccine lớn nhất thế giới được đặt tại Việt Nam thì chúng ta không những có đủ nguồn cung vaccine mà còn cung cấp được cho thế giới. 

Thứ năm, Việt Nam hơn bao giờ hết cần một kế hoạch tiêm vaccine phù hợp. Chính sách ưu tiên cho các y bác sĩ và nhân viên trên tuyến đầu chống dịch cũng như công nhân các khu công nghiệp hiện nay là đúng đắn. Nhưng các lô vaccine tiếp theo về cũng cần được phân bổ một cách khoa học, tránh tình trạng cào bằng hoặc phân bổ đồng đều, mang tính hình thức. Cần tiếp tục đặc biệt ưu tiên những khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh. 

Việt Nam là quốc gia dẫn đầu có nhận thức rất tốt về vệ sinh dịch tễ. Các kế hoạch tiêm chủng vaccine tro trẻ em và nhiều bệnh lý khác được thực hiện khá tốt từ các cấp cơ sở. Nền tảng này giúp chúng ta tự tin sẽ tiếp tục làm tốt trong cuộc chiến vaccine Covid-19 lần này. Vaccine hiện là nhu cầu rất cấp bách của toàn bộ nhân dân, để đảm bảo sức khoẻ của con người cũng như giúp nền kinh tế được diễn ra bình thường sớm nhất. Nhận thức này đã được chỉ rõ trong chỉ thị của Thủ tướng, rằng các bộ ngành trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ phải thực hiện thần tốc và hiệu quả chiến lược vacicne. 

Bệnh dịch này không thể mất hẳn mà con người phải chung sống với nó trong thời gian dài, vì thế vaccine, trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, đều sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất.

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC