Tác động cực kỳ sâu rộng đến cục diện thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế

Ngày 21/3/2024, Ủy ban bầu cử trung ương Nga tuyên bố, ông Vladimir Putin đắc cử Tổng thống thứ 8 của Liên bang Nga với số phiếu áp đảo, đạt đến 87,28%.

Ngày 7/5/2024, Tổng thống thứ 8 của Liên bang Nga – Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức, cũng là bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 5 của ông. 24 năm trước, khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu, ông Putin nói, “cho tôi 20 năm, tôi sẽ trả lại một nước Nga hùng cường”. 24 năm sau, khi đã 71 tuổi, Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm của mình và trong tâm khảm của nhiều người, dường như ông Putin đã giữ trọn lời hứa, đã “trả lại một nước Nga hùng cường” cho người dân Nga, mặc dù còn vô vàn khó khăn phía trước. Sáu năm tới, Putin sẽ phải vượt qua những thách thức nào và sẽ đưa nước Nga đi về đâu, cả thế giới đều đang theo dõi, vì nó liên quan đến vận mệnh của nhân loại, đến chiều hướng của cục diện thế giới và trật tự của hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu.

Ông V. Putin tại lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 5, ngày 7/5/2024 Ảnh: RIA Novosti

Trước hết hãy nói đến những khó khăn thách thức mà ông Putin và nước Nga phải đối mặt trong 6 năm tới:

Thách thức đầu tiên và rõ ràng nhất là cuộc chiến Ukraine đã kéo dài đến năm thứ 3 kể từ 24/2/2022, vẫn đang tiếp tục leo thang căng thẳng, chưa có dấu hiệu kết thúc. Mặc dù Nga đã chiếm gần 1/5 lãnh thổ của Ukraine và đã giành những ưu thế nhất định trên chiến trường nhưng cuộc chiến vẫn ẩn chứa nhiều ẩn số. Mỹ/NATO và phương Tây vẫn tiếp tục đổ tiền và vũ khí hiện đại vào Ukraine; không những thế còn cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí đó tấn công sâu vào nội địa Nga, làm cho nước Nga không còn nơi nào có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối. NATO còn để ngỏ khả năng đưa quân NATO vào Ukraine, có thể tạo tiền đề cho một cuộc chiến trực tiếp giữa NATO và Nga. Cuộc chiến Ukraine đã trở thành “cuộc chiến tiêu hao”, “cuộc chiến trường kỳ”, bào mòn dần sức mạnh của Nga, có thể dẫn tới những nguy cơ đã có thể nhìn thấy và chưa thể nhìn thấy đối với Nga. Trên thực tế Mỹ và NATO đã thực sự tuyên chiến với Nga, cuộc chiến không còn là giữa Nga và Ukraine nữa mà là giữa Nga với toàn bộ phương Tây do Mỹ cầm đầu với lực lượng xung kích là NATO. Chiến lược quyết đánh gục “gấu Bắc cực Nga” của Mỹ/NATO ngày càng được thể hiện rõ ràng trên mọi lĩnh vực, từ quân sự, kinh tế, đối ngoại và cả trên lĩnh vực quan niệm giá trị, ý thức hệ. Các đòn trừng phạt của Mỹ/phương Tây nhằm vào Nga không ngừng gia tăng, tần số dày hơn, món đòn ác hiểm hơn, đối với cả các đối tác chiến lược của Nga, nhằm thu hẹp không gian chiến lược của Nga, cô lập Nga trên trường quốc tế. NATO tiếp tục mở rộng, vùng đệm được tạo nên bởi các quốc gia vốn trung lập như Phần Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển… không còn nữa, chiến tuyến ngày càng xích lại gần biên giới nước Nga: đối tượng tác chiến của Nga được tăng cường đáng kể cả về số lượng và chất lượng trong một môi trường dư luận nhìn chung là bất lợi cho Nga, càng gây thêm khó khăn cho Nga trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho “hành động quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Một giải pháp hòa bình còn xa vời, mặc dù cả Nga và Ukraine đều nói đến chủ trương đàm phán hòa bình nhưng cách tiếp cận của hai bên hoàn toàn đối lập nhau, chủ yếu trên hai chủ đề: nội dung  đàm phán và đối tượng đàm phán. Về nội dung đàm phán, Ukraine chủ trương hoàn toàn dựa vào “phương án hòa bình” của Zelensky trong đó có việc đòi Nga rút toàn bộ quân ra khỏi Ukraine, trở lại biên giới Ukraine năm 1991, Nga phải bồi thường chiến tranh… phía Nga thì kiên quyết chủ trương đàm phán trên cơ sở thực trạng, bao gồm bán đảo Crimea và 4 vùng lãnh thổ đã tách khỏi Ukraine đều thuộc Nga; Ukraine phải thật sự trung lập, không được gia nhập NATO… Về đối tượng đàm phán, đàm phán với ai thì Zelensky đã ra pháp lệnh cấm đàm phán với Putin; phía Nga thì cho rằng, nhiệm kỳ Tổng thống của Zelensky đã kết thúc vào 21/5/2024, Zelensky không còn tư cách pháp nhân đại diện cho Ukraine tại đàm phán nữa. Tóm lại, hai bên đã có cách tiếp cận hoàn toàn đối lập nhau về nội dung đàm phán và đối tượng đàm phán, đồng nghĩa với việc chưa thể có đàm phán hòa bình trong điều kiện hiện nay mặc dù xem ra cả hai bên đều muốn có một cuộc đàm phán như vậy, cuộc chiến vẫn kéo dài, vẫn tiếp tục gây tổn thất cho cả hai bên.

Trong khi đó, một “hội nghị hòa bình” về vấn đề Ukraine không có Nga tham dự, do Thụy Sĩ chủ trì, dưới sự chủ đạo của Ukraine và sự che chở của toàn bộ phương Tây, quyết đưa Nga vào ghế bị cáo đang được ráo riết thúc đẩy. Một hội nghị hòa bình về cuộc chiến Nga – Ukraine mà Nga, một trong hai bên đương sự, không được mời dự và ý kiến của Nga không được bàn tới quả là điều phi lý, lộ rõ ý đồ không lấy gì làm quang minh chính đại của các thế lực chống Nga hiện nay.

Thách thức đầu tiên đối với Tổng thống Putin và nước Nga là cuộc chiến tranh kéo dài với Ukraine, đứng sau là Mỹ và phương Tây. Hình minh họa

Thách thức thứ 2 là Nga phải vượt qua các đòn trừng phạt chưa từng có đối với kinh tế Nga, trước hết là sự phong tỏa toàn diện của Mỹ/phương Tây về mậu dịch và năng lượng. Cùng với các đòn trừng phạt liên tiếp của Mỹ/phương Tây, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga sang châu Âu bị phá hoại (tháng 9/2022), Nga mất đi phần lớn thị trường năng lượng châu Âu, vốn là nơi Nga kiếm nhiều lợi nhuận, nhiều ngoại tệ nhất, buộc Nga phải quyết định chuyển dịch chiến lược mậu dịch sang hướng Đông, nhất là trên lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, chiến lược này có thành công hay không không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào Nga, còn phụ thuộc vào các đối tác cũ và mới ở phương Đông, trong điều kiện họ cũng lo ngại liên lụy đến các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có xây dựng lại đường ống dẫn khí Nga – châu Âu sau khi Nord Stream bị phá hoại và Nga có thể thông qua Thổ cung cấp khí đốt cho châu Âu một cách thuận lợi hay không còn là vấn đề. Ngoài đường ống dẫn khí đốt Power Siberia-1 có thể cung cấp 38 tỉ m3 khí/năm cho Trung Quốc vào năm 2025, Nga đang tích cực thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí đốt Power Siberia-2 qua Mông Cổ đến Trung Quốc, dự kiến có thể cung cấp 50 tỉ m3 khí/năm cho Trung Quốc vào năm 2030. Dự án lớn này còn nhiều vấn đề về thủ tục vận chuyển, giá cả… phải giải quyết. Nếu nhu cầu khí đốt của Trung Quốc từ sau năm 2030 giảm, vấn đề sẽ còn phức tạp hơn. Nga còn có kế hoạch mở rộng đường vận tải Bắc cực, nối vùng Murmansk gần biên giới Nga – Nauy với eo biển Bering gần Alaska, khai thác đường vận tải mới này phục vụ cho chiến lược mậu dịch và năng lượng mới của Nga; tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Mỹ/phương Tây hiểu rõ vai trò mang tính quyết định của xuất khẩu năng lượng và sản phẩm kỹ thuật cao đối với tiến trình phát triển của kinh tế Nga và đang cố gây khó khăn tối đa cho Nga trên lĩnh vực này.

Thách thức thứ 3: Chuẩn bị ứng phó với nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân, cả về gia tăng số lượng kho vũ khí hạt nhân, cơ chế điều hành, huấn luyện, diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật (phi chiến lược)… Những tuyên bố hiếu chiến của nhiều lãnh đạo phương Tây, NATO xuất hiện ngày càng dồn dập gần đây cùng với những đáp trả thẳng thừng của phía Nga làm cho thế giới bị bao trùm trong không khí chuẩn bị chiến tranh, kể cả chiến tranh hạt nhân. Nga với tư cách là bên có số lượng đầu đạn hạt nhân lớn nhất (ngang bằng với Mỹ), được coi là đối tượng giả định hàng đầu của cuộc chiến hạt nhân, hơn nữa có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ/NATO đang tổ chức một mặt trận đối phó với Nga khi cuộc chiến hạt nhân bùng phát… tất nhiên Putin phải đề phòng, chuẩn bị sẵn các phương án đối phó, và đây là một thách thức không hề nhỏ của Putin trong nhiệm kỳ 5 của ông. “Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới” hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ sẽ hết hạn vào tháng 2/2026. Sau khi Hiệp định này hết hiệu lực, liệu Mỹ và Nga – hai nước chiếm tới ¾ số lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu – có đi đến một thỏa thuận hạn chế hạt nhân mới, hay lại bắt đầu cuộc đối đầu hạt nhân mới? Hiện chưa có câu trả lời rõ ràng. Ông Putin tuyên bố, Nga phải nâng cao tối đa ngân sách quốc phòng để đề phòng Mỹ làm kiệt quệ Nga hiện nay như đã làm với Liên Xô trong Chiến tranh lạnh bằng cuộc chạy đua vũ trang. Điều này cho thấy Nga luôn luôn cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khả năng có thể xẩy ra.

Thách thức thứ 4: Kinh tế Nga đang buộc phải thực hiện “kinh tế thời chiến”, ngân sách quốc phòng an ninh chiếm tới khoảng 40% ngân sách quốc gia; làm thế nào hài hòa giữa “kinh tế thời chiến” với sự phát triển bình thường của nền kinh tế quốc dân là một thách thức lớn, nghiêm trọng chưa từng có đối với Nga trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine ngày càng quyết liệt với sự viện trợ không ngừng gia tăng của Mỹ/phương Tây cho Ukraine. Do công nghiệp quốc phòng tăng trưởng mạnh, kinh tế Nga tháng 1/2024 tăng 4,6% nhưng lực lượng lao động thiếu và năng suất lao động thấp đã tạo nên nhiều vấn đề cho kinh tế tổng thể của Nga. Tỉ trọng ngân sách an ninh quốc phòng chiếm tới khoảng 40% ngân sách quốc gia, hạn chế Nga đầu tư vào các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế… Ở những khu vực công nghiệp quốc phòng phát triển, mức lương phổ biến được nâng cao nhưng Putin vẫn chưa thực hiện được cam kết sẽ có sự “đột phá mang tính quyết định” về mức sống của người dân được đưa ra từ 2018, mức sống nói chung chưa được nâng cao. Putin còn nhiều việc cấp thiết phải làm như giảm mức lạm phát đã lên đến 7,6% và giảm sức ép của việc mất cân đối ngân sách, tìm các biện pháp hỗ trợ gia đình để nâng cao tuổi thọ và tăng tỉ lệ sinh đẻ, nỗ lực giải quyết tình trạng dân số giảm trong nhiều năm.

Dự đoán GDP của Nga khi bị trừng phạt về kinh tế (đường màu đỏ) và ước tính GDP nếu không bị áp các lệnh trừng phạt (đường màu xanh); mốc năm 2021=100. Nguồn: Tính toán của IMF và Bộ Tài chính Mỹ

Thách thức thứ 5: Ekip lãnh đạo nước Nga đã “lão hóa”, cần thay đổi nhưng thay đổi thế nào trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” của đất nước, vừa bảo đảm mức độ trung thành với Putin và đường lối Putin, vừa có năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn chưa từng thấy. Đó không phải là điều đơn giản (Ekip cao cấp của Putin hiện có nhiều người đã lớn tuổi, như Cục trưởng An ninh Liên bang Alexander Botsnikov (72 tuổi), Ngoại trưởng Lavrov (74 tuổi), Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu (68 tuổi), Tổng tham mưu trưởng quân đội Crasimov (68 tuổi)…). Đất nước càng khó khăn, càng đòi hỏi phải có một đội ngũ lãnh đạo “đủ tâm, đủ tầm” để đưa đất nước ra khỏi khó khăn, tiếp tục tiến lên phía trước.

Trước những khó khăn thách thức lớn mang tính lịch sử đó, Nga đang tìm cách vượt qua và bước đầu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trong buổi lễ nhậm chức ngày 7/5, Tổng thống Putin tuyên bố “Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua một cách đầy tôn nghiêm thời kỳ khó khăn mang tính bước ngoặt này và sẽ hùng mạnh hơn… Quốc gia và chế độ xã hội nhất thiết phải được củng cố ổn định, có khả năng đối phó với bất cứ thách thức và uy hiếp nào; bảo đảm chắc chắn tính bền vững và tính ổn định của phát triển, bảo đảm quốc gia thống nhất và độc lập…”

Trước hết, ông Putin tìm cách củng cố và tăng cường năng lực, sức mạnh của cơ quan quyền lực phù hợp hơn với tình hình mới. Một mặt Putin tiếp tục trông cậy vào đội ngũ lãnh đạo già dặn, từng trải, thực tế đã chứng minh độ trung thành với chế độ, với Putin như Ngoại trưởng Lavrov đã 74 tuổi, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu với cương vị mới là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia đã 68 tuổi… vẫn sử dụng nhiều cán bộ cao cấp lớn tuổi khác, nhất là trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đặc biệt đáng chú ý là việc Putin đưa Phó Thủ tướng, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Andrei Belouscov, đã 65 tuổi ngồi vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Belouscov đã là Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế mậu dịch từ 2006, năm 2012 lên Bộ trưởng Bộ này, từ 2013 – 2020 là Trợ lý của Tổng thống Putin và là Phó Thủ tướng thứ nhất kể từ tháng 1/2020. Việc bổ nhiệm Belouscov, một người chưa qua công tác quân sự đứng đầu Bộ Quốc phòng trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine  đang ở mức quyết liệt nhất cho thấy sự tính toán toàn diện, lâu dài mang tính chiến lược của Putin trong tình hình mới. Công nghiệp quốc phòng đang là trụ cột của nền kinh tế thời chiến Nga nhưng dù công nghiệp quốc phòng phát triển đến đâu mà không nằm trong chiến lược phát triển kinh tế tổng thể quốc gia, không là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế quốc dân truyền thống thì không thể có một nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định lâu dài được. Belouscov, với nhãn quan của một nhà kinh tế và trên cương vị đứng đầu cơ quan điều hành chiến tranh, sẽ là người thích hợp để hài hòa sự phát triển của công nghiệp quốc phòng và phục vụ cho sự phát triển chung của kinh tế quốc dân, bảo đảm nền kinh tế Nga có thể phát triển bền vững, lành mạnh, trong điều kiện chiến tranh được dự báo là còn kéo dài. Đó chính là ý nghĩa chiến lược của việc đưa Belouscov vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng, cũng phản ánh tầm nhìn xa trông rộng của Putin.

Đồng thời Putin cũng đã trọng dụng nhiều lãnh đạo còn tương đối trẻ, sung sức như Chủ tịch Duma quốc gia Vyacheslav Volodin (60 tuổi), Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev (46 tuổi), Boris kovalchuk (46 tuổi, được đưa vào Văn phòng Tổng thống). Đặc biệt Putin đã trọng dụng hai nhân vật có thể sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai nước Nga: Một là Nicolay Platonovich Patrushev, sinh tháng 7/1971 (53 tuổi), Thư ký Hội đồng ANQG từ tháng 5/2008 đến 12/5/2024; được Putin đưa lên làm Trợ lý Tổng thống. Hai là Alexey Dyumin sinh 8/1972 (52 tuổi), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được Putin bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng thống và Thư ký Ủy ban Quốc vụ Liên bang. Với tư cách là Trợ lý Tổng thống, hai nhân vật này sẽ được giao nhiều trọng trách hơn, thường xuyên làm việc với Tổng thống hơn. Đặc biệt là Dyumin, người có khả năng được đào tạo để kế nhiệm Putin trong tương lai, hoặc vào 2030 hoặc 2036. (Dyumin đã từng là cận vệ của Putin, là Phó Cục trưởng Cục bảo vệ Tổng thống thuộc Tổng cục Cảnh vệ Liên bang Nga, Tư lệnh lực lượng tác chiến đặc chủng Liên bang Nga. Năm 2014, Dyumin đã vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy lực lượng đặc nhiệm thu hồi Crimea, được phong tặng danh hiệu anh hùng Liên bang Nga; sau đó Dyumin là Phó Tư lệnh thứ nhất kiêm tham mưu trưởng Lục quân Nga, cùng năm được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

Đặc biệt đáng chú ý là Putin đã và đang tích cực củng cố, mở rộng không gian chiến lược, thúc đẩy chiến lược hướng Đông: Đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thời đại mới với Trung Quốc là điểm sáng của chính sách hướng Đông của Nga. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Putin sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5 là đến Trung Quốc, tái khẳng định và nâng cao tầm vóc của quan hệ Nga – Trung, nhận thức chung về các vấn đề chính trị chiến lược càng thêm sâu sắc, mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác cùng có lợi mới giữa hai bên (hợp tác về năng lượng hạt nhân, cùng xây dựng nhiều công trình lớn, hợp tác khai thác Bắc cực, khai thác vùng Viễn Đông Nga; hợp tác Nga – Trung – Triều khai thác đường ra biển thông qua sông Đò Môn của Triều Tiên). Bên cạnh đó, Nga cũng tích cực thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, Đông Nam Á, với “thế giới phương Nam toàn cầu”, với Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ; củng cố vị thế của Nga tại Trung Đông – Bắc Phi, sử dụng các căn cứ quân sự tại khu vực này, tăng cường hợp tác Nga – Trung tại Trung Đông, hình thành trên thực tế tam giác chiến lược Nga-Trung-Iran, đẩy mạnh quan hệ với các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xeut. Một trọng tâm khác của việc mở rộng không gian chiến lược của Nga là tăng cường củng cố khu vực sân sau của Nga – khu vực Trung Á, liên minh kinh tế Á – Âu… Cùng với đó, Nga còn tích cực hoạt động và nâng cao ảnh hưởng trong BRICS, trong SCO… Trong khi đó, Nga vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Âu châu, với Mỹ, với Ukraine. Rõ ràng là không gian chiến lược của Nga vẫn tiếp tục được mở rộng và củng cố, ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế cơ bản không mất đi trước sự tấn công, bôi nhọ của bộ máy tuyên truyền của Mỹ/phương Tây. Ý đồ thu hẹp không gian chiến lược của Nga, cô lập tối đa Nga của Mỹ/phương Tây khó có thể trở thành hiện thực.

Tăng cường sức mạnh quân sự, đẩy mạnh sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại (năng lực sản xuất bom đạn của Nga gấp 5 lần của Mỹ/phương Tây), tăng cường sức mạnh của lực lượng không gian vũ trụ, kho vũ khí hạt nhân, diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus; tư thế mà Nga muốn cho Mỹ và phương Tây nhìn thấy và suy ngẫm là Nga đã sẵn sàng cho mọi khả năng diễn biến của tình hình, kể cả chiến tranh hạt nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp hẹp tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh, ngày 16/5/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những cố gắng của Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đã đem lại những kết quả thiết thực, đáng được ghi nhận.

Ngày 7/6/2024, tại diễn đàn kinh tế St.Petersburg, với chủ đề “Cơ sở của thế giới đa cực là hình thành các điểm tăng trưởng mới”, Putin cho biết, năm 2023 kinh tế Nga tăng trưởng 3,6%, cao hơn mức tăng trung bình của kinh tế thế giới (3%) và cao hơn nhiều so với các cường quốc khác (trung bình tăng 1,5%). Bước vào năm 2024 Nga vẫn duy trì được đà tăng trưởng này, quý I năm 2024 kinh tế Nga tăng trưởng 5,4%, càng bỏ xa các nước G-7 và OECD. Putin khẳng định sự tăng trưởng này chủ yếu bắt nguồn từ các ngành không dựa vào tài nguyên truyền thống mà xuất phát từ các ngành cơ bản như sản xuất, xây dựng, hậu cần, truyền thông và nông nghiệp; trên 40% tăng trưởng của kinh tế Nga năm 2023 là từ các ngành này và khoảng 60% là từ các ngành hỗ trợ như thương mại, khách sạn và dịch vụ tài chính, nghĩa là tăng trưởng của kinh tế Nga là sự tăng trưởng có chất lượng và bền vững. Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga đã thực hiện mục tiêu trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới (đầu tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã xếp Nga vào thứ 4, trên Đức và Nhật Bản về sức mua tương đương). Các mục tiêu của Nga còn bao gồm: lọt vào top 10 quốc gia có hàm lượng khoa học và sáng chế – thiết kế cao (R&D) trong 6 năm tới; tiến hành cách mạng kỹ thuật số, tăng năng suất lao động, dự kiến đến 2030, sẽ có ít nhất 40% doanh nghiệp lớn và vừa tham gia vào lĩnh vực nâng cao hiệu quả lao động, cải thiện chất lượng thị trường lao động, tiêu chuẩn hóa đầu tư toàn liên bang, cải thiện hệ thống thuế; đến 2030, tỉ trọng nhập khẩu của kinh tế Nga sẽ giảm xuống 17% so với 19% năm 2023. Putin khẳng định, bất chấp mọi trở ngại và trừng phạt, Nga vẫn là một trong những nước cống hiến chính vào thương mại toàn cầu; các nước thân thiện với Nga hiện đã chiếm ¾ kim ngạch thương mại của Nga.

Ông Putin cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cải thiện tính an toàn và hiệu quả của các giao dịch bằng đồng nội tệ, thông qua BRICS. Khối này đang xây dựng hệ thống thanh toán độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây, không chịu sức ép chính trị, không bị lợi dụng và can thiệp từ bên ngoài. Một trong những định hướng để Nga phát triển thương mại quốc tế là xây dựng và cải tạo các tuyến đường vận tải xuyên lục địa, trong đó Nga sẽ ưu tiên xây dựng các tuyền đường sắt hướng Đông tại Trung Quốc và các nước châu Á – Thái Bình Dương; Quy hoạch phát triển hành lang quốc tế Bắc – Nam cũng đã được phê duyệt. Tuyến đường biển phía Bắc của Nga đang trở thành huyết mạch quan trọng hàng đầu thế giới, hiện có khoảng 30 triệu tấn hàng hóa đi qua đây và trong tương lai sẽ tăng lên 150 triệu tấn. Nga cũng đang vạch lộ trình cho việc đưa người lên mặt trăng; Triển khai chiến lược phát triển không gian vũ trụ toàn cầu không thể không tính vai trò của Nga, vốn là quê hương của con người đầu tiên bước vào vũ trụ.

Thực tế đã và đang cho thấy, nước Nga của Tổng thống Putin không những đã đứng vững trước phong ba bão táp của thời cuộc mà còn tạo ra được những cơ sở vững chắc cho phát triển nước Nga trong tương lai. Nước Nga không những đã giữ vững vị thế của một cường quốc toàn cầu mà còn khẳng định vai trò hàng đầu của mình trong một thế giới phức tap, đầy biến động. Cục diện thế giới, hệ thống quan hệ quốc tế đương đại sẽ đi về đâu không thể không có sự đóng góp của nước Nga. Đây là một thực tế khách quan, không thể phủ nhận, dù xét từ bất cứ góc độ nào. Chỉ có cùng nhau chung sống trong một thực tế đó, thế giới mới có hòa bình, ổn định và phồn vinh.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC