Xung đột Ukraine sắp đi vào ngày thứ 500 và có vẻ như chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nga đã không thành công trong chiến dịch đầu tiên trong tháng 2/2022 nhằm “phi phát xít hóa” Ukraine, nghĩa là lật đổ Chính phủ Ukraine và không có vẻ thành công trong cuộc chiếm giữ lãnh thổ được cho là của mình ở Ukraine. Cuộc xung đột vẫn tiếp tục.

Chết chóc vẫn xảy ra, bạo lực ngày càng tăng. Cuộc xung đột này đang trở thành cuộc chiến tiêu hao sinh lực và không bên nào thắng bên nào ở chiến trường. Nga đang chịu mất mát rất lớn, nhưng không chịu từ bỏ mục tiêu của mình giữ được vùng đất mình đã chiếm được từ tháng 2/2022 đến nay. Không những thế, trong những tuần gần đây, cuộc chiến đã có những diễn biến căng thẳng ở đông và nam Ukraine và có dấu hiệu leo thang vào lãnh thổ Nga. Tin tức cho thấy máy bay không người lái thậm chí đã tấn công điện Kremlin. Tài liệu mật của Mỹ trên mạng Internet để lộ Ukraine có kế hoạch chiếm các làng của Nga, ném bom đường ống dẫn dầu của Nga đến Hungary và dùng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Thực ra, cuộc xung đột không còn là giữa Ukraine và Nga nữa. Với vũ khí, viện trợ quân sự, tài chính và huấn luyện của Mỹ và NATO, cuộc xung đột đang trở thành cuộc chiến giữa một bên là Nga và một bên là Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine.

Cuộc xung đột đã trở thành cuộc chiến tổng lực. Ukraine tìm mọi cách để làm chậm bước tiến của Nga; Nga cố thủ để giữa vùng đất mình đã chiếm được. Cuộc chiến trở nên đắt đỏ hơn và chiến tuyến trở nên ổn định hơn. Trận chiến đang giống như cuộc chiến đấu dọc theo chiến hào trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Tình thế này có lợi cho Nga vì Nga có quân số nhiều hơn, nguồn lực đồi dào hơn và sẵn sàng chấp nhận tử vong lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng mất mát của cả hai bên là quá sức chịu đựng và do vậy năm 2023 sẽ phải là năm có tính quyết định. Trong các chuyến thăm Pháp, Đức, Anh vừa qua, ông Zelenskyy cũng đã tiết lộ năm 2023 sẽ là năm quyết định đối với thắng lợi của Ukraine.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky tại khu dinh thự Chequers ở Buckinghamshire, Anh, tháng 5/2023. Ảnh: Carl Court/AP

Tổn thất của cả hai phía là rất cao, tuy khó có thể kiểm chứng được. Nhiều nhà quan sát ước lượng tổn thất của Nga và Ukraine lên đến hàng trăm ngàn quân mỗi bên. Cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, cho đến nay chưa bên nào đề cập đến khả năng đình chiến mà vẫn bầy tỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình.

Về phần mình, Ukraine đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây, không chỉ viện trợ vũ khí bao gồm cả vũ khí hiện đại, huấn luyện quân mà cả viện trợ nhân đạo và kinh tế. Điều này cổ vũ Ukraine tấn công nhằm đánh bại Nga. Tiền bạc, vũ khí và phương tiện chiến tranh của phương Tây đang đổ vào Ukraine để chuẩn bị cho cuộc phản công lớn nhằm mục tiêu giành vùng lãnh thổ Nga đã chiếm được trước và sau ngày 24/2/2022, kể cả vùng Crimea. Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu cho biết cho đến nay Ukraine đã nhận được 98% vũ khí, xe tăng … do Mỹ và phương Tây cung cấp. Ngày tiến hành cuộc phản công sẽ do Ukraine quyết định.

Các nhà nghiên cứu cho rằng bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ kết thúc bằng đàm phán. Điều này đúng nhưng các cuộc chiển đều kết thúc khi một bên hay hai bên có lợi thế. Đây là điều hai bên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tìm kiếm để tiến đến đàm phán.

Nga đã nhiều lần đưa ra điều kiện để tiến hành đàm phán chấm dứt xung đột. Tháng Mười hai năm 2022 khi tăng cường quân ở biên giới chuẩn bị đánh Ukraine, Nga đã đưa ra những đề xuất về an ninh cho Mỹ và NATO, nêu mối quan ngại về an ninh cũng như yêu cầu NATO không mở rộng và không triển khai quân và vũ khí ở các nước là thành viên NATO sau tháng 5/1997. Như vậy, Mỹ và phương Tây sẽ không có mặt ở gần một nửa số nước thành viên. Đây là điều Mỹ và phương Tây không chấp nhận.

Một ngày sau khi xung đột xảy ra, Bộ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine chỉ sau khi quân Ukraine hạ vũ khí, hay nói một cách khác là đầu hàng. Tháng 3/2022, Tổng thống V. Putin đề xuất năm điều kiện để chấm dứt chiến tranh: Ukraine trở thành nước trung lập không gia nhập NATO; Crimea được công nhận là một phần lãnh thổ Nga; cộng hoà Donetsk và Luhansk được trao trả độc lập; Ukraine tiến hành phi quân sự hoá và giao lại vũ khí có thể đe doa Nga; Ukraine phải “phi phát xít hóa”, điều này có nghĩa là có thay đổi chế độ được Nga chấp nhận; tiếng Nga phải được công nhận là tiếng chính thức thứ hai ở Ukraine.

Tháng 9/2022, Nga tuyên bố sáp nhập bốn vùng của Ukraine, như vậy bốn vùng này trở thành một phần của nước Nga. Đồng thời Nga tiến hành tổng động viên một phần và tăng quân. Điều này cho thấy Nga kiên quyết không trả lại bất cứ vùng lãnh thổ nào.

Tháng 11/2022. Tổng thống Zelenskyy đưa ra điều kiện để có thể có hoà bình: chấm dứt chiến sự và quân Nga rút khỏi Ukraine; khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Nga rút quân khỏi nhà máy điện nguyên tử ở Zaporizhzhia; Nga chấm dứt can thiệp vào việc xuất khẩu lương thực của Ukraine; hồi hương toàn bộ tù binh chiến tranh và dân thường, kể cả trẻ em bị buộc phải đi Nga; thiết lập toà án đặc biệt để đánh giá tiền bồi thường cho Ukraine. Ukraine còn cho rằng tội phạm chiến tranh Nga phải bị trừng trị, các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn được áp dụng và Nga không được giữ ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với Nga, giải pháp thông qua đàm phán có những nguy cơ nhất định. Nga đã huy động toàn bộ đất nước tham gia cuộc chiến và nếu có giải pháp thì Nga cũng phải chứng minh được những gì đạt được thông qua đàm phán là tương xứng với chi phí lớn Nga đã phải chịu. Một lý do khác nữa là Nga không muốn đàm phán với Ukraine không thôi vì muốn kẻ thù mình lớn hơn nhiều so với Ukraine. Nga vẫn tuyên bố chính thức là đang chiến đấu với NATO.

Dù sao chăng nữa thì giải pháp thông qua đàm phán sẽ buộc cả hai bên từ bỏ mục tiêu đã công khai tuyên bố. Nhiều nhà phân tích cho rằng kết cục như vậy ít có khả năng xảy ra nếu hai bên không có những trận đánh quyết định trên chiến trường. Hiện tại thì hai bên vẫn chưa bên nào chịu thua bên nào. Trong tình thế này, ít có khả năng hai bên bước vào đàm phán ngay được mà không có bước đệm.

Trong bài phát biểu tại Lễ duyệt binh mừng ngày chiến thắng phát xít tháng 5/2023, Tổng thống Nga Putin nói rằng “một cuộc chiến tranh thực sự đang được tiến hành chống lại nước Nga”. Ảnh: Gavriil Grigorov /TASS

Nhiều khả năng bước đệm đó là thoả thuận ngừng bắn. Thoả thuận ngừng bắn có nghĩa Nga sẽ tiếp tục chiếm đóng vùng lãnh thổ đã giành được trong cuộc xung đột (một thành công của Nga) trong khi Ukraine vẫn bị đe doạ. Hai bên xung đột đều có thể cho rằng mình đã thắng (Ukraine đã giành lại được gần một nửa vùng lãnh thổ Nga chiếm được từ khi bắt đầu xung đột). Do ngừng bắn có nghĩa là duy trì hiện trạng, chiến sự vẫn có khả năng quay trở lại bất cứ lúc nào. Các nước phương Tây sẽ khó tiếp tục ủng hộ các biện biện pháp trừng phạt đối với Nga và đồng thời duy trì hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Tuy nhiên do tương quan lực lượng trên chiến trường, hai bên sẽ phải chấp nhận ngừng bắn.

Về phần mình, Ukraine mong muốn tiến hành cuộc phản công mùa xuân sau khi đã có 40 lữ đoàn trang bị vũ khí hiện đại của phương Tây và một số lữ đoàn được huấn luyện ở Mỹ và châu Âu. Nhiều nhà phân tích cho rằng với 40 lữ đoàn này Ukraine có thể giành thêm lãnh thổ đã mất. Tuy nhiên, đây là điều khó vì lính mới khó có thể trở thành lực lượng tinh nhuệ trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, nhiều người lại cho rằng đưa ra công khai cuộc phản công mùa xuân, nhưng lại dựa vào vũ khí của Mỹ và phương Tây và gặp nhiều khó khăn trong việc huy động tân binh tham gia cuộc chiến. Ukraine cũng rất mong chứng minh được rằng quân đội mình không bị hao binh tổn tướng và vẫn có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Về phía Nga, họ đã chiếm được một số vùng đất chiến lược mang tính phên dậu cho lãnh thổ Nga. Diễn biến tình hình cho thấy Nga đang chuyển sang thế phòng ngự, xây dựng các phòng tuyến bảo vệ vùng đất đã sáp nhập vào Nga. Các cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine đã giảm. Nga chủ yếu dùng tên lửa, bom nhằm huỷ hoại các cơ sở hậu cần và tiêu hao tiềm lực của Ukraine. Nga ráo riết chuẩn bị đối phó với NATO nếu cuộc chiến tranh leo thang.

Trong lịch sử các cuộc xung đột kéo dài hơn một năm có khả năng sẽ kéo dài vài năm nữa và khó chấm dứt ngay được. Tuy nhiên, các nước phương Tây không muốn lâm vào tình thế xung đột kéo dài và không thể tạo lợi thế cho Ukraine. Dù sao chăng nữa thì các nhà phân tích cho rằng phải quan sát tình hình xem điều gì có thể xảy ra ở cuộc chiến này. Hiện tại bên nào thắng hay bên nào thua chúng ta đều chưa biết được, nhưng điều chúng ta có thể biết là kết thúc đối đầu quân sự sẽ mở ra đàm phán tiến đến chấm dứt xung đột. Trong những tuyên bố gần đây của mình, ông Zelenskyy vẫn tỏ rõ quyết tâm lấy lại vùng đất đã bị Nga chiếm và mong muốn kết thúc xung đột trong năm 2023.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho thấy tương quan lực lượng Nga hoàn toàn vượt trội Ukraine về dân số, số quân tại ngũ, vũ khí… Ukraine duy trì được xung đột là nhờ viện trợ vũ khí và đạn dược của Mỹ và phương Tây. Nếu Ukraine không giành được mục tiêu như đã tuyên bố, Mỹ và phương Tây sẽ khó duy trì mức độ viện trợ như hiện tại. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu tổng thống Mỹ hay chính quyền ở nước khác thay đổi. Trong bối cảnh này, có khả năng Mỹ sẽ phải giải quyết tình hình Ukraine như đã làm ở Việt Nam năm 1975 và Afghanistan năm 2021.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC