Bức ảnh “Vụ hành quyết ở Sài Gòn” góp phần thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam

Cách đây 55 năm (30/1/1968), cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân của đồng bào ta ở miền nam đã được phát động. Quân giải phóng và Quân đội nhân dân Việt Nam đánh vào hầu hết các tỉnh, thành phố, thị trấn ở miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn. Vào thời điểm đó, có một sự việc đã xảy ra ở Sài Gòn làm chấn động nước Mỹ. Đó là Nguyễn Ngọc Loan, khi đó là Tổng trưởng Cảnh sát Cộng hoà Việt Nam, đã dùng súng lục bắn vào đầu một tù binh giữa ban ngày trên đường phố Sài Gòn.

Cách đó mấy mét là Eddie Adams, phóng viên ảnh của hãng AP (Mỹ). Ông đứng đó mắt dính chặt vào ống kính máy ảnh. Ông đã thu được vào máy ảnh của mình thời điểm viên đạn được bắn ra, giết chết người tù binh.

Trong bức ảnh, Tổng trưởng Cảnh sát Việt Nam Cộng hoà quay lưng vào máy máy ảnh, tay phải cầm súng nhằm vào người tù binh và tay trái để bên hông. Người bị bắn mặc áo sọc, quần soóc, hai tay bị còng phía sau lưng. Mặt của người tù binh nhăn lại do viên đạn bay vào đầu. Cũng cùng một lúc, phóng viên hãng NBC cũng có mặt và đã quay được những thước phim về vụ “hành quyết Sài Gòn” như sự việc sau này được đặt tên.

Tướng VNCH Nguyễn Ngọc Loan bắn một người nghi là chiến sĩ Việt Cộng ngay trên đường phố Sài Gòn vào ngày 1/2/1968. Ảnh: Eddie Adams/AP

Sáng ngày hôm sau, giây phút cuối cùng của cuộc đời người tù binh đó đã trở nên bất tử trên trang nhất của nhiều tờ báo trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là tờ Thời báo New York. Bức ảnh này và những thước phim được chiếu trên kênh truyền hình NBC đã góp phần tạo ra bước chuyển quyết định trong dư luận Mỹ về chiến tranh Việt Nam.

Một nhà sử học Mỹ chuyên về phong trào chống chiến tranh trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đã từng viết: “Bức ảnh vụ hành quyết ở Sài Gòn làm chúng ta đau nhói theo cách mà chỉ có bài viết có hình ảnh có thể làm được…”, “bức ảnh này đã làm cho tin tức về Tết thay đổi đến mức bạn không thể định lượng được là bao nhiêu người đã chuyển thái độ chống chiến tranh vào thời điểm đó”.

Lính VNCH bắt giữ người chiến sĩ biệt động ngay trước khi vụ hành quyết diễn ra. Ảnh: Eddie Adams/AP

Vào ngày vụ hành quyết xảy ra, hai ngày sau khi quân và dân miền Nam Việt Nam phát động cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, bộ đội ta đã tấn công vào hơn 40 thành phố và thị trấn, tập trung vào Sài Gòn và Huế. Quân ta cũng đã tấn công vào khu Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Với lính Mỹ, đây là cú sốc lớn vì lính Mỹ đã được tướng Mỹ chỉ huy cao nhất ở miền Nam khi đó là Westmoreland trấn an rằng quân đội “Bắc Việt Nam” đã không còn đủ sức chiến đấu.

Một chuyên gia về chiến tranh Việt Nam tại Đại học George Mason cho biết: Cuộc tổng tiến công “làm cho mọi người nghi vấn liệu chính quyền có nói dối họ hay không và liệu cuộc chiến có đang được tiến hành thuận lợi như họ vẫn được thông tin và nghi ngờ liệu cuộc chiến có thể thắng được nếu kẻ thù được cho rằng đang lo sợ lại có vẻ mạnh mẽ và sung sức hơn”.

Bức ảnh “Vụ hành quyết ở Sài Gòn” làm công chúng Mỹ nghi ngờ liệu nước Mỹ có đang chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa hay không. Cùng với nhiều sự kiện khác, “hành quyết ở Sài Gòn” đã làm cho nhiều người Mỹ đi đến kết luận rằng Mỹ không những không thể thắng được trong chiến tranh Việt Nam mà chiến tranh Việt Nam còn là cuộc chiến không nên có. “Hơn thế nữa, nhiều người bắt đầu nghi ngờ liệu chúng ta có còn là người tốt hay không trong cuộc chiến này”.

Tác động lớn đến dư luận, bức ảnh “Vụ hành quyết ở Sài Gòn” đã được trao giải Pulitzer năm 1969 và Tạp chí Time của Mỹ đã đưa bức ảnh này vào danh sách 100 bức ảnh có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay do Time lựa chọn.

Với Nguyễn Ngọc Loan, sau khi bức ảnh này được đăng tải trên báo chí Mỹ, ông ta hầu như không được coi trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Tháng 5/1968, Loan bị thương do trúng đạn của chiếc trực thăng UH-1B của Mỹ bắn nhầm vào khu vực Bộ chỉ huy của ông ta ở khu vực Chợ Lớn. Nhiều người nghi ngờ là chiếc trực thăng trên được điều đến để trừ khử Nguyễn Ngọc Loan. Chỉ vài ngày sau khi bị thương, Loan buộc phải thôi chức vụ Tổng trưởng Cảnh sát Việt Nam Cộng hoà. Năm 1969, Nguyễn Ngọc Loan về hưu.

Tuy nhiên bức ảnh “Vụ hành quyết ở Sài Gòn” còn theo Nguyễn Ngọc Loan cho đến khi ông ta qua đời năm 1998, 30 năm sau. Loan di tản sang Mỹ ngày 30/4/1975 và định cư ở bang Virginia. Ông ta có một cửa hàng bán pizza nhỏ. Tuy nhiên, người dân địa phương nhận ra Loan. Nhiều người hăm doạ Loan hoặc bôi bẩn lên tường nhà ông ta. Đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Báo chí địa phương nhiều lần có bài viết nhắc lại vụ “hành quyết ở Sài Gòn”. Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ đã coi Nguyễn Ngọc Loan là “khách không được hoan nghênh” và nhiều lần tìm cách trục xuất ông ta ra khỏi Mỹ. Năm 1998, Loan qua đời vì ung thư, thọ 68 tuổi. Đúng là luật nhân – quả.

Bài viết về Nguyễn Ngọc Loan ngày 26/3/1988 trên Nhật báo Ludington, một tờ báo địa phương ở Mỹ

Dù thế nào chăng nữa, sau năm 1968 cuộc chiến tranh Việt Nam đã dần bước sang thời kỳ mới, Mỹ rút quân sau đó, quân và dân ta tiến tới ngày giải phóng hoàn toàn đất nước 30/4/1975.■

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN