CIA kích động cuộc di dân năm 1954 như thế nào?

Tôn giáo, đặc biệt là Công giáo, đã đóng vai trò như một công cụ quan trọng đầu tiên để Hoa Kỳ, cụ thể là CIA, sử dụng để tạo vốn chính trị cho Ngô Đình Diệm ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết.

Biểu hiện bên ngoài rõ ràng nhất trong mưu đồ sử dụng Công giáo của CIA là cuộc di cư ồ ạt của cộng đồng Công giáo miền Bắc vào Nam vào những năm 1954 – 1955. Đây là một trong những cuộc di dân lớn nhất từng diễn ra trong lịch sử Việt Nam, bị ảnh hưởng bởi nhiều khía cạnh phức tạp trong đó không thể kể đến tác động bên ngoài, cụ thể là tình báo Mỹ. 

CIA “kích động” cuộc di dân lịch sử

Hiệp định Geneve năm 1954 quy định vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam Bắc và khoản 14d của Hiệp định cho phép một khoảng thời gian 300 ngày cho việc di dân tự do giữa hai miền Nam Bắc. Sử liệu từ các nguồn có sự vênh nhất định nhưng đều khẳng định có ít nhất 810,000 người đã di cư từ Bắc vào Nam trong đó ít nhất 75% số đó là tín đồ Công giáo.

Linh mục Nguyễn Viết Khai viết về làn sóng Công giáo di cư này trong tài liệu của an ninh Việt Nam: “Nhiều xứ đạo bà con Công giáo không chịu làm ăn gì nữa, mà chỉ lo bán ruộng, bán nhà, bán trâu bò, lúa gạo, thu gom tiền bạc để khi chính quyền cấp phép là có thể lên đường. Nhiều người chờ không được đã lẻ tẻ trốn ra Hà Nội, bám xe lửa xuống Hải Phòng. Nhiều gia đình vùng biển đã liều lĩnh đem cả đồ đoàn và gia đình xuống thuyền nhà, giả bộ đi đánh cá, mà thật ra là đem gia đình trốn ra Hải Phòng (để từ đó tìm đường vào Nam – NV).”[1]

Tại sao lại có quá nhiều người bỏ miền Bắc thời kỳ 1954 – 1955 và tại sao đa phần trong số họ lại là người Công giáo? Hai câu hỏi này liên quan trực tiếp với nhau và trả lời được câu hỏi thứ hai sẽ góp phần giải đáp câu hỏi thứ nhất.

Một điểm cần lưu ý trước tiên là vào thời điểm diễn ra Hội nghị Geneve 1954, có khoảng 1.900.000 tín đồ Công giáo ở Việt Nam trong đó chỉ có 520.000 người sống ở phía Nam vĩ tuyến 17, chủ yếu tại Sài Gòn và Huế. Số lượng người Công giáo trong Nam lúc đó chỉ chiếm hơn ¼ tổng số người Công giáo trên toàn Việt Nam. Các số liệu thu thập bởi Việt Nam Cộng Hoà vào tháng 10/1955 cho biết có khoảng 676,348 tín đồ Công giáo từ Bắc đã di cư vào Nam, đẩy số người Công giáo chỉ riêng ở hai giáo khu tại Sài Gòn và Huế lên tới con số 1.170.000 tín đồ.

Con số khổng lồ những người Bắc di cư là sản phẩm của một hỗn hợp các động cơ bên trong và ảnh hưởng bên ngoài, mà yếu tố chi phối bên ngoài lớn nhất chính là các hoạt động “chiến tranh tâm lý” của CIA, cụ thể là Đại tá tình báo Mỹ Lansdale và cấp dưới Lou Conein.

Hoạt động chiến tranh tâm lý toàn diện này đã được nhiều sử liệu ghi lại và được công bố trong các tài liệu đã giải mật năm 2009 của Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ. Tài liệu này cho biết nhóm tình báo của Lansdale cài lại Bắc Việt cho tới ngày 9 tháng 10 năm 1954 đã hậu thuẫn cho hơn 900,000 người (chủ yếu là Công giáo) rời bỏ quê cha đất tổ vào Nam. Nhiệm vụ chính của nhóm này là tiến hành những biện pháp ngầm ở miền Bắc nhưng Lansdale chủ yếu sử dụng nhóm cho việc tuyền truyền kích động di cư.

Một sử gia đã mô tả chiến dịch chiến tranh tâm lý đẩy người Công giáo miền Bắc vào Nam của CIA là “một trong những chiến dịch tuyên truyền táo bạo nhất trong lịch sử hoạt động gián điệp”[2]. Nhóm tình báo của Lansdale đã vẽ ra những thông điệp tôn giáo đầy mê tín như “Chúa đã đến miền Nam”, “Đức Mẹ Đồng Trinh đã rời miền Bắc”. CIA cũng thuê các chuyên gia chiêm tinh “soạn lịch dự báo số phận thảm khốc cho giới lãnh đạo Cộng sản và đội ngũ dưới quyền, đồng thời những tin đồn đáng sợ về kế hoạch của Việt Minh được lan truyền.”[3] Linh mục Nguyễn Văn Thuận sau này đã thừa nhận với an ninh Việt Nam rằng những thông điệp như “Đức Mẹ khóc, Chúa đi vào nam” là “những lời xuyên tạc phi lý” để “kích động giáo dân.”[4]

Những thông điệp và tin đồn này được phát tán bằng cả những truyền đơn thả từ máy bay. Lansdale tin rằng biện pháp hiệu quả nhất là “kích động tâm lý sợ hãi rằng Việt Minh sẽ tịch thu tài sản cá nhân”[5], và khẳng định chỉ riêng biện pháp này đã khiến số lượng người đăng ký di cư tăng gấp ba lần.

Không chỉ kích động, Mỹ còn hỗ trợ phương tiện và hậu cần cho việc di cư vào Nam. Tài liệu tổng kết chiến tranh xuất bản tại Mỹ viết: “Mỹ đã tổ chức một lực lượng đặc nhiệm gồm khoảng 50 chiếc thuyền theo một chương trình mang cái tên mĩ miều “Hành trình đến Tự do” và song song với những hoạt động từ thiện tư nhân, họ đã thành lập nhiều trung tâm đón tiếp, cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo và thuốc men khẩn cấp cho dân di cư.”[6]

Mỹ đã tổ chức một lực lượng đặc nhiệm gồm khoảng 50 chiếc thuyền theo một chương trình mang cái tên mĩ miều “Hành trình đến Tự do”

Một cách khách quan, phải thừa nhận rằng có những nguyên nhân khác của cuộc di cư hậu Geneve. Một trong số đó là tình hình kinh tế bi đát ở miền Bắc những năm 1954. Theo báo cáo của Đại sứ Ba Lan đầu tiên đặt chân tới Hà Nội vào tháng Chạp năm 1954, Tomasz Pietka, “vấn đề di cư đã tăng lên trong thời gian vừa qua, không những người Công giáo mà cả người không Công giáo cũng xin đi vào Nam. Nguyên nhân tình trạng này là nạn thiếu lương thực, thất nghiệp, và cả chiến dịch tuyên truyền Mỹ – Pháp vẫn tiếp tục triển khai.”[7]

Nạn thiếu lương thực từ những năm 1945 ở vùng nông thôn Việt Nam vẫn kéo dài dai dẳng, báo cáo của phái đoàn Ba Lan có nhiệm vụ giám sát Hiệp định Geneve ghi nhận: “những dấu hiệu thiếu đói gây ra bất mãn, ngay trong những người đã tham gia kháng chiến, là những người đã quen ăn rễ củ để tiếp tục chiến đấu giành lại tự do cho Tổ Quốc… Gặp những người phụ trách những bộ quan trọng của Chính Phủ, nhiều khi thấy họ rơm rớm nước mắt khi nói tới những vấn đề của họ.”[8]

Tuy vậy, vai trò của CIA trong việc thúc đẩy người Bắc di cư là then chốt. Tình báo Mỹ tìm mọi cách đẩy dân Công giáo vào Nam để hỗ trợ và tạo vốn chính trị cho Diệm, làm cơ sở dân cư cho tương lai chính trị của Diệm. Diệm không sinh ra ở miền Bắc nhưng là một nhân vật Công giáo nổi bật sinh ra trong một gia đình Công giáo nổi tiếng ở Việt Nam. Đại tá tình báo Mỹ Lansdale đã “cảnh tỉnh” Diệm về vai trò quan trọng của cộng đồng Công giáo đông đảo bởi, khi một cuộc bầu cử ở miền Nam Việt Nam diễn ra, cộng đồng Công giáo lớn sẽ là những “lá phiếu” quan trọng cho Diệm, một người Công giáo thuần thành.

Về phía ngược lại, nhiều người Bắc di cư giai đoạn hậu Geneve muốn đi về phía Diệm với hi vọng những lợi ích cá nhân và lợi ích Công giáo của họ sẽ được đảm bảo tốt hơn nhờ Diệm.

“Ngô Đình Diệm tích cực nuôi dưỡng hình ảnh của ông với vai trò vị cứu tinh của những người có ý định di cư, ra Hà Nội nhiều lần vào mùa hè và mùa thu năm 1954 nhằm thúc giục người dân ở đó cùng ông ta tham gia vào một hành trình vì một Việt Nam tự do trong khu vực phi Cộng Sản”[9].

Linh mục Nguyễn Văn Thuận tổng kết: “Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, cắt đôi nước Việt Nam, Mỹ hất cẳng Pháp, và đưa một người Công giáo ra: Ông Diệm, nhờ đó mới lôi kéo được một triệu giáo dân di cư vào Nam, do các vị lãnh đạo Giáo hội hướng dẫn.”[10]

Xây dựng “pháo đài Công giáo” bảo vệ chế độ Diệm

Cho dù đã thành công trong việc kích động một lượng lớn người di cư, Đại tá tình báo Mỹ Lansdale sau này cho rằng vai trò của CIA trong việc kích động người ra đi không nổi bật bằng việc vận động cho những chương trình tái định cư họ ở miền Nam Việt Nam. Linh mục Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ một số ý đồ tái định cư và sử dụng người Công giáo của Hoa Kỳ:

(1) Biến các khu định cư của người Công giáo thành vòng tròn bảo vệ đầu não chế độ: “Trước hết Mỹ Nguỵ đã bố trí dân di cư làm vòng đai quanh Sài Gòn: Vò Gấp, Xóm Mới, Xóm Chiếu ở trong, Hố Nai, Gia Kiệm, Biên Hoà ở ngoài. Đắc Lắc, Kontum, Pleiku ở Cao nguyên và Ba biên giới – Cái sẵn ở Rạch Giá, biên giới Việt Nam Campuchia, Cộng sản muốn xuống đồng bằng, muốn vào Sài Gòn phải qua các trại định cư ấy.”[11]

Linh mục Nguyễn Viết Khai, một lãnh đạo Công giáo di cư vào Nam, có cùng quan điểm này: “Phong trào di cư là kế hoạch chiến lược chống Cộng của Mỹ, và cũng là hình thức lợi dụng khối Công giáo. Các khối lớn như Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Hoá, Hải Phòng, đều được tập trung vào quận Tân Bình làm vòng đai bảo vệ đô thành và phi trường Tân Sơn Nhất, hoặc làm vòng đai thứ 2 ở Hóc Môn, Thủ Đức, hoặc vòng đai 3 ở Biên Hoà, Gia Kiệm, Dốc Mơ. Dân di cư Vinh vào trễ thì kể như cho đi các tỉnh làm chốt chặn các đường giao liên của Việt Cộng, 1 trại ở Quy Nhơn, 1 trại ở Tuy Hoà, 3 trại ở Nha Trang, 6 trại ở Phan Thiết, 6 trại ở Bình Tuy, 3 trại ở Bình Giã, 3 trại ở Phú Cường, 8 trại ở Buôn Ma Thuột, 1 trại ở Đà Lạt, 1 trại ở Cà Mau, 1 ở Phú Quốc. Các trại di cư Vinh đã lên tới con số 37.”[12]

(2) Biến thanh niên Công giáo thành “chiến sỹ” chống Cộng: “Thanh niên các trại định cư là thành phần bổ sung và quân đội trung kiên nhất. Trước đây có Tiểu đoàn 7 đi đâu cũng có tiếng chống Cộng, chỉ gồm người Bùi Chu Phát Diệm. Nếu không phải là tất cả, thì nói được hầu hết biệt kích Mỹ thả xuống miền Bắc, do đại tá Tung huấn luyện đều là dân di cư.”

“Một phần rất lớn binh sỹ quân đội miền Nam Việt Nam là người Công giáo di cư. Vì thế, ông Diệm đã tổ chức Nha Tuyên uý Công giáo để “lo việc thiêng liêng” cho lính, thực chất dựa vào tuyên uý để “làm những sỹ quan chiến tranh tâm lý về tôn giáo”, “nếu lương tâm không ổn thì không sẵn sàng chết mà chống Cộng”[13]

(3) Tận dụng người Công giáo làm gián điệp cho chế độ Sài Gòn: “Dù vĩ tuyến 17 chia cắt, nhưng Mỹ Nguỵ vẫn âm mưu lợi dụng tôn giáo ở phía Bắc, chúng tung biệt kích nhảy dù xuống miền Bắc, đa số là giáo dân, để len lỏi vào các khu có giáo dân, móc nối làm gián điệp, liên lạc với các giáo sỹ, Nguyễn Viết Khai đã đóng một vai trò năng nổ trong vụ này.”[14]

Linh mục Nguyễn Viết Khai cũng đã thừa nhận có hợp tác với Phòng 6 Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Ngô Đình Diệm đã thành lập đơn vị này với “nhiệm vụ đặc biệt là tung cán bộ ra miền Bắc, dò la tin tức và phá hoại các cơ sở”[15]. Phòng 6 do Đại tá Lê Quang Tung trực tiếp chỉ huy đã tung một số gián điệp là Công giáo ra Bắc nhưng hầu hết các điệp vụ này đều bị vô hiệu hoá bởi an ninh Việt Nam.

Sử dụng Công giáo Quốc tế để chống Cộng

Hoa Kỳ đã không chỉ vận dụng được khối Công giáo miền Nam ủng hộ Ngô Đình Diệm chống Cộng, mà đã vận dụng được cả Công giáo quốc tế ủng hộ ông Diệm như một pháo đài chống Cộng ở Đông Nam Á.

Hồng y Francis Spellman, Tổng Giám mục New York, người đỡ đầu cho Diệm, đã triệt để ủng hộ phong trào di cư từ Bắc vào Nam. Ông này đã bênh vực Diệm trước chính phủ Hoa Kỳ, giục Giáo hội Hoa Kỳ gửi viện trợ và lập văn phòng ở Sài Gòn. Bên Giáo hội Việt Nam, Giám mục Phạm Ngọc Chi lập nên văn phòng di cư với hàng chục linh mục làm việc, chỉ đạo cho hàng trăm linh mục tiếp thu viện trợ và điều hành các trại di cư.

Linh mục Nguyễn Văn Thuận viết:

“Để ủng hộ người con đỡ đầu của mình, Hồng y Spellman đã yêu cầu Tổng thống Eisenhower rộng rãi viện trợ cho dân di cư, đồng thời kêu gọi giáo dân hoa Kỳ đóng góp, do đó đã có nhiều tặng vật, và đã mở Văn phòng cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ tại Sài Gòn, do giám chức Harnett phụ trách, ông Diệm chịu nhà cửa, còn CIA qua USAID cũng khéo léo lọt vào theo.”

“Hồng y Spellman còn có một lợi thế khác, đó là tình sư đệ đối với Đức Giáo hoàng Pio XII, lúc còn làm Hồng y Quốc vụ khanh, Giáo hoàng Pio XII đã dùng Spellman làm thư ký, nên sau đã nhớ mà phong lên Hồng y, bây giờ Spellman trình bày thì Pio xii nghe ngay và kêu gọi thế giới giúp định cư ở miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hoàng, Giáo hội Cộng hoà Liên bang Đức sai Giám chức A.Danieh sang thăm Việt Nam và bắt đầu viện trợ, Giáo hội Pháp sai Giám chức Rodham… và Giáo hội Úc thì chính Hồng y Gilroy, bạn học cũ của Giám mục Thục, sang. Có thể nói chưa bao giờ được sự quan tâm của Giáo hội bên ngoài như thế, và cũng có thể nói nếu không phải là ông Diệm thì cũng không được như thế.”[16]

Hoa Kỳ mà cụ thể là tình báo Mỹ đã thành công trong việc tạo ra dòng di cư Công giáo ồ ạt từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Geneve và tận dụng thành công dòng người này như một tấm lá chắn bảo vệ chế độ Ngô Đình Diệm. Cộng đồng Công giáo miền Nam Việt Nam lớn mạnh hơn nhiều nhờ dòng di cư này. Một số người miền Nam sau năm 1954 đã đi đạo theo cộng đồng Công giáo hùng hậu này chỉ để khỏi bị tố là Việt Cộng và được cứu trợ vật chất. Sau khi ông Diệm bị ám sát, nhiều người bỏ đạo mà họ gọi là “đạo ông Diệm”.

(Trích Phán xét, Nguyễn Văn Hưởng)

 

Chú thích:

[1], [12],[15]  Nguyễn Viết Khai. Tự thuật của Linh mục Nguyễn Viết Khai. Bản viết tay trong thư viện độc lập của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.

[2],[3],[5],[9]Peter Hansen (2009). Bắc Di Cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc và vai trò của họ tại Việt Nam Cộng Hoà, 1954 – 1959. Journal of Vietnamese Studies, Vol. 4, No. 3. Bản dịch của Đỗ Hải Yến đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế.

[4],[10],[11], [13],[14],[16] Nguyễn Văn Thuận. Tự thuật của Linh mục Nguyễn Văn Thuận. Bản viết tay trong thư viện độc lập của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.

[6] Herring, G. (2013). Cuộc chiến dài ngày giữa Mỹ và Việt Nam, 1950-1975. McGraw-Hill Higher Education.

[7],[8] , Trần Thị Liên. (2005). Vấn đề Công giáo miền bắc Việt Nam
qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956). Văn bản trên Tạp chí Thời Đại Mới.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN