Cơ quan tình báo quân sự Anh MI5: Bắt hụt gián điệp

LTS: Trong kỳ trước, các bạn đã có dịp làm quen với các nhân vật của MI5 trong bài “Cơ quan tình báo quân sự Anh MI5: Bắt gián điệp”. Nhờ có thông tin của Golitsin và những điệp viên đào nhiệm khác từ Liên Xô, MI5 đã mở lại điều tra và bắt John Vassal, nhân viên văn phòng Công tước Carrington, khi đó là Công tước thứ nhất của hải quân Anh, thay mặt chính phủ tại Bộ tư lệnh hải quân. Hồ sơ về Kim Philby, nhân viên của MI5 từ lâu bị tình nghi là gián điệp của Liên Xô, cũng được mở lại. Sau khi xác định Kim Philby là gián điệp của Liên Xô, MI5 ở thế khó, không biết xử lý thế nào và cuối cùng Kim đã chạy từ Beirut thoát về Liên Xô. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với các bạn bài “Cơ quan tình báo quân sự Anh MI5: Bắt hụt gián điệp” về vụ Kim Philby. Phần đầu của bài về MI5 phát hiện ra Kim là gián điệp là từ cuốn “Spy Catcher” (Người bắt gián điệp) và phần sau về việc Kim trốn chạy là tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.

Một trong những điều được giữ bí mật nhất trong thông tin của Golitsin, sỹ quan cấp cao của KGB đào nhiệm sang phương Tây năm 1961 (xem tạp chí Phương Đông số 2/2020), là thông tin về việc Liên Xô xâm nhập vào MI5. Golitsin nói rằng KGB còn có tài liệu của tình báo Anh được KGB gọi là tài liệu kỹ thuật: một tài liệu dày liệt kê các phương tiện của Tình báo Anh. Anh ta không thể nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu này vì chỉ được yêu cầu xem có thể dịch những đoạn nhỏ trong tài liệu đó mà thôi. Anh ta còn nói thêm cơ cấu ở sứ quán Liên Xô tại London khác với các sứ quán khác. Ở London không có sỹ quan an ninh đặc biệt. Golitsin cho rằng không cần có sỹ quan an ninh đặc biệt do Liên Xô đã xâm nhập được vào MI5. Và rồi đến vụ việc Crabb (người nhái của MI5 mất tích khi thăm dò tàu Ordzhonikidze của Liên Xô đỗ tại cảng Portmouth của Anh), anh ta cho biết rằng KGB đã nhận được cảnh báo trước về nhiệm vụ của Crabb.

Tháng 8 năm 1962, trong khi bận rộn với việc phân tích thông tin của Golitsin thì MI5 có được một sự đột phá trong phân tích thông tin về Kim Philby. Victor Rothschild, điệp viên của MI5, gặp Flora Solomon, người Nga gốc Do Thái trong một cuộc chiêu đãi ở Israel. Flora nói với Victor rằng cô ta rất bực vì những bài báo chống Do Thái của Philby. Cô ta cũng nói với Victor là cô ta biết rằng Philby là điệp viên mật từ những năm 1930. Khó khăn lắm Victor mới thuyết phục được Flora gặp Arthur Martin ở Luân Đôn để kể lại câu chuyện của cô.

….

Với thông tin do Golitsin và Solomon cung cấp, cả Dick White, Tổng giám đốc MI6 (Cơ quan tình báo bí mật của Anh), và Roger Hollis, Tổng giám đốc MI5, đồng ý với nhau rằng cần phải thẩm vấn Philby ở Bây-rút. Từ tháng 8 năm 1962, Evelyn McBarnet chuẩn bị một tập tài liệu dày cộp cho cuộc đối đầu ở Bây-rút. Nhưng đến phút cuối lại có thay đổi. Arthur ban đầu định đi Bây rút. Anh ta theo hồ sơ Philby từ năm 1951 và hiểu biết về hồ sơ này hơn ai hết. Tuy vậy, anh ta nhận được thông báo là Nicolas Elliott, bạn thân của Philby, trạm trưởng vừa về trụ sở MI5 từ Bây-rút, sẽ đi thay. Elliott tin rằng Philby có tội và mọi người nghĩ rằng Elliott sẽ có thể đánh vào lòng tự trọng của Philby. Số ít người làm việc cho MI5 biết được quyết định này đều hoảng. Vấn đề không phải ở lòng tự trọng, tuy lòng tự trọng cũng đóng góp một phần nào đó. MI5 chưa bao giờ nghi ngờ rằng Philby vô tội. Bây giờ MI5 lại có bằng chứng để dồn anh ta vào chân tường. Bạn của Philby, kể cả chỉ huy của Elliott, lại luôn cho rằng Philby vô tội. Họ muốn giữ điều đó là bí mật của MI5. Việc chọn Elliott làm nhiều người phật lòng. Tuy nhiên quyết định đã xong và ngày 10 tháng 1 năm 1963, Elliott bay đến Bây-rút với lời đề nghị miễn truy tố. 

Điệp viên Kim Philby (phải) trong một cuộc họp báo năm 1955.

Ngày 12 tháng 1 năm 1963, Philby đến gặp N. Elliott tại nhà của Peter Lumn, trạm trưởng MI6. Hai người bạn thân, hai điệp viên kỳ cựu của tình báo Anh bắt tay nhau và bắt đầu nói chuyện. Elliott hỏi thăm Philby về sức khoẻ và tình hình gia đình. Philby nói:

– Này đừng nói với tôi là anh bay từ Luân-Đôn đến đây chỉ để hỏi thăm tôi?

Elliott tỏ vẻ căng thẳng nhưng vẫn đi thẳng vào vấn đề:

-Chúng ta hiểu nhau quá rõ. Nếu anh không phiền chúng ta sẽ đi vào điểm chính. Thật không may điều đó lại không dễ chịu tý nào. Tôi muốn nói với anh rằng quá khứ của anh đã bắt kịp anh rồi.

Philby phản ứng mạnh và nói:

-Các anh lại rồ lên rồi à? Anh lại muốn bắt đầu từ đầu à? Sau ngần ấy năm rồi. Anh mất tính hài hước rồi. Anh lại định làm trò cười à?

-Không, chúng tôi không mất gì. Chúng tôi có thông tin bổ sung về anh. Tất cả đều khớp.

-Thông tin nào? Khớp gì?

Elliott trả lời:

-Nghe này, Kim. Anh biết tôi luôn luôn đứng về phía anh trong suốt thời gian qua khi người ta nghi ngờ anh. Nhưng nay đã có những thông tin mới. Mọi người đã cho tôi xem và tôi hoàn toàn tin rằng anh đã làm việc cho tình báo Liên Xô. Anh làm cho họ đến năm 1949.

Philby hiểu tại sao lại có mốc năm 1949. Đó là năm Philby được cử đến Washington. Nếu Philby nhận vẫn hoạt động gián điệp cho Liên Xô trong thời gian ở Mỹ thì James Angleton, CIA và FBI muốn biết Philby đã đánh cắp được bí mật nào của Mỹ và đã chuyển cho Liên Xô những bí mật nào. Như vậy Philby có thể bị dẫn độ và ra toà tại Mỹ. Nếu như vậy thì cuộc mặc cả miễn tội cho Philby sẽ không có giá trị nữa.

Philby vẫn tiếp tục phản bác. Cuối cùng Elloitt chơi bài ngửa. Nếu thú tội thì Philby sẽ được quay trở lại Luân Đôn, nếu không thì cứ ở lại Bây-rút. Philby sẽ đươc miễn truy tố, nhưng phải khai ra tất cả, mọi mối liên hệ với tình báo Liên Xô, mọi điệp viên đang hoạt động ngầm ở Anh và mọi bí mật đã chuyển cho Liên Xô.

Elliott còn đe doạ nữa. Kết thúc cuộc gặp Ellioitt nói:

-Nếu anh chấp nhận hợp tác, chúng tôi sẽ miễn truy tố. Sẽ không có thông tin nào được công bố. Anh có 24 giờ để quyết định. Hãy trở lại đây vào 4 giờ chiều mai.

Chiều hôm sau, hai người lại gặp nhau….

Một tuần sau Elliott quay trở lại Luân đôn hoàn thành sứ mệnh. Philby đã thú tội. Anh ta nhận đã làm gián điệp từ năm 1934. Anh ta cũng đang dự kiến trở về Luân đôn. Anh ta còn viết bản nhận tội. Cuối cùng điều bí ẩn từ lâu nay đã được giải mã.

Nhiều người trong thế giới ngầm đã già vào thời điểm Philby nhận tội. Nghi ngờ sự thật là một lẽ nhưng nghe sự thật từ miệng của chính người trong cuộc lại là điều khác. Một người như Philby, một người bạn có thể thích, hoặc uống rượu và khâm phục mà lại phản bội tất cả; cứ nghĩ về các điệp viên và hoạt động gián điệp bị phung phí hay nghĩ về tuổi thanh niên và ngây thơ đã qua đi thì chúng ta thấy rằng giai đoạn đen tối đang bắt đầu.

Một vài ngày sau, Arthur chặn Peter ở lối ra vào. Trông anh ta cứ như là vừa bị tai nạn ô tô.

“Kim chạy rồi”, Anh ta nhỏ nhẹ nói với Peter.

“Trời! sao vậy…”

Arthur cười nhạt. “Như năm 1951 khi hai nhóc chạy …”

Một trong số rất nhiều poster của Anh cảnh báo người London về nguy cơ gián điệp được cài cắm ở khắp nơi

Kim Philby đã trốn khỏi Bây rút như thế nào lại là một chủ đề tranh luận giữa các cơ quan tình báo Anh và các nước khác. Tuy nhiên, một phiên bản được nhiều người chấp nhận là Philby chạy trốn trên một con tàu thương mại của Liên Xô từ cảng Bây-rút.

Vào lúc 6 giờ tối vài ngày sau khi Nicolas Elliotte rời Bây rút, Kim Philby đứng trên ban công căn hộ của mình ở đường Kantari, tay cầm quyển sách.

Liên lạc với KGB được thiết lập nhanh chóng. Kim Philby gặp điệp viên Liên Xô vài giờ sau đó. Kim đã thông báo với điệp viên này là MI5 đã có được thông tin về hoạt động của Philby từ Golitsin. Tại cuộc gặp tiếp theo, điệp viên KGB thông báo với Philby là Philby phải chạy trốn, không còn cách nào khác. KGB cần thời gian để tổ chức cuộc đào thoát và Kim Philby cũng phải hành động nhanh chóng và dứt khoát. Điệp viên KGB cho Philby biết vào thời gian như trước, điêp viên KGB sẽ đi bộ trước căn hộ của Philby và nếu anh ta cầm tờ báo thì có nghĩa là muốn gặp Philby và nếu cầm cuốn sách thì có nghĩa là việc bố trí cho Philby chạy trốn đã xong.

Ngày 23 tháng 1 năm 1963, Bí thư thứ nhất sứ quán Anh và vợ mở tiệc chiêu đãi, mời một số phóng viên trong đó có Kim Philby và vợ. Cả buổi sáng hôm đó Philby ngồi trên ban công căn hộ của mình uống cà phê. Bên ngoài trời mưa to, tuy nhiên vẫn có một người đi bộ trước nơi Philby uống cà phê, tay cầm một cuốn sách, không hề ngẩng lên nhìn về phía căn hộ một lần nào.

Chiều ngày hôm ấy, Philby rời căn hộ nói với vợ rằng cần đi gặp một nguồn tin nhưng sẽ quay về lúc 6 giờ tối để thay đồ đến tiệc chiêu đãi. Philby đến khách sạn St George. Sau vài ly rượu, Philby xin người phục vụ gọi điện thoại nhờ. Anh ta gọi về nhà và Harry, con trai anh ta bắt máy và nói vọng vào bếp cho mẹ là: “Bố sẽ về muộn. Bố dặn là sẽ gặp mẹ ở bữa tiệc lúc 8 giờ tối”.

Đến 8 giờ tối, vẫn không thấy Philby tại tiệc. Mọi người chờ đến 9 giờ 30 và bữa tiệc bắt đầu. Bên ngoài trời vẫn mưa to. Tuy nhiên vẫn có một chiếc ô tô mang biển ngoại giao chạy về phía cảng Bây-rút. Trên xe có Kim Philby, Pavel Nedosekin, trạm trưởng KGB tại Bây-rút. Chiếc xe chạy dọc theo bến cảng rồi đỗ lại bến tàu Dolmatova đang chuẩn bị rời đi Odessa. Thuyền trưởng người Nga bắt tay Philby và điệp viên đi cùng trao cho Philby hộ chiếu mang tên Villi Maris, một thương nhân ở Riga.

Trước khi trời sáng, tàu Dolmatova rời khỏi cảng một cách vội vàng. Nhiều thùng hàng vẫn còn nằm lại trên bến, chưa kịp chất lên tàu. Tàu Dolmatova cũng để lại cảng một thành viên trong đội thuỷ thủ, một người Latvia mang tên Villi Maris. Khi tỉnh rượu, anh ta phát hiện ra rằng mình mất hộ chiếu và lỡ chuyến tàu trở về Odessa.

Như vậy người thứ ba trong “bộ ngũ” chạy trốn an toàn. “Bộ ngũ” đã hoạt động rất lâu trong chiến trường tình báo, gây nhiều rắc rối cho mạng lưới tình báo Anh và Mỹ và để lại nhiều hệ luỵ về sau.

Vụ chạy trốn thành công của Kim Philby làm rung động cộng đồng tình báo phương Tây. Một cuộc săn lùng gián điệp Liên Xô được tổ chức ngay trong MI5 và MI6. Ngay cả Elloitt cũng bị điều tra và phải rất lâu mới chứng minh được mình vô tội. Trong cộng đồng tình báo Mỹ, một loạt điều tra được tiến hành để xem còn có điệp viên Liên Xô nào đang nằm trong các cơ quan tình báo Mỹ hay không. Hăng hái nhất trong chiến dịch “săn lùng gián điệp Liên Xô” là “bạn thân” của Kim Philby ở Washington, James Angleton, trùm phản gián trong CIA. Vụ chạy của Philby làm Angleton không thể tin một ai nữa. Angleton tin rằng Philby không thể hoạt động đơn độc mà có thể có cả một mạng lưới điệp viên ở Mỹ. Ông còn nghĩ rằng nếu Philby đã lừa được ông thì ắt là hắn phải có rất nhiều điệp viên KGB ở vị trí quan trọng ở phương Tây. Trong suốt một thập kỷ sau vụ đào thoát của Philby, Angleton vẫn tiếp tục tìm kiếm điệp viên Liên Xô trong nội bộ CIA. Hoạt động này đã gây bầu không khí nghị kỵ trong cộng đồng tình báo Mỹ đến mức có những lời buộc tội rằng chính Angleton cũng là điệp viên Liên Xô./.

Nguyên Mi (tổng hợp)

Theo Tạp chí Phương Đông

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN