Ngô Bắc dịch
Với Minh Họa Bằng Ảnh Chụp Của Tác Giả
Lời người dịch:
Đây là bài viết đầu tiên về Việt Nam và Đông Dương trên tạp chí lừng danh thế giới, National Geographic Magazine, Tháng Tám năm 1931, chứa đựng nhiều ảnh chụp rất quý hiếm, trong đó có 33 hình đen trắng, và 28 ảnh chụp màu tự nhiên. Đó là những tấm ảnh màu tự nhiên đầu tiên về Việt Nam xuất hiện trên một tạp chí bằng Anh ngữ tại Tây Phương.
————————–
Di tích nền văn minh Chàm chỉ còn lại những ngọn tháp đổ nát
Từ cao nguyên mát lạnh, chúng tôi lượn đường trôn ốc đổ xuống con đường dốc ngoằn ngoèo đến Tháp Chàm (Tourcham), trên các đồng bằng phồng cháy dưới ánh nắng mặt trời, để tiếp tục hành trình đến Đà Nẵng (Tourane), Huế và xa hơn nữa.
Trên một ngọn đồi khô cằn, nứt nẻ phủ đầy cây mâm xôi (bramble), không xa Tháp Chàm, có một ngọn tháp được bảo tồn rất tốt của người Chàm in hình dáng màu đỏ gạch của nó lên nền trời và đặt tên cho ngôi làng bằng chính tên gọi của nó.
Dọc theo bờ biển tới Đà Nẵng có nhiều tháp bằng gạch, giờ đây ở trong tình trạng hoang phế đổ nát, là những ngọn tháp đã được dựng lên khi nền văn minh Chàm ở vào đỉnh cao quyền lực của nó.
Người Chàm, với dòng máu Mã Lai chảy trong huyết quản và sở hữu nền văn hóa Hindu, đã phát triển từ các thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên cho đến khi bị chinh phục hoàn toàn vào khoảng thế kỷ thứ 17 bởi áp lực nam tiến ngày càng gia tăng của người An Nam. Cũng có thời người Chàm là đối thủ đáng sợ của người Khmer.
Ngày nay chỉ còn ít nhóm người Chàm biệt lập sinh sống tại miền nam An Nam (Trung Kỳ) và miền hạ Campuchia, và khó có thể phân biệt được họ với các cư dân khác.
Tháp Chàm là nhà ga đầu mối nơi đường sắt từ Đà Lạt nối với đường ray chính của miền nam Đông Dương, chạy từ Nha Trang đến Sài Gòn và Mỹ Tho. Một phần đáng kể của chặng đường leo dốc tới Đà Lạt là đường ray răng cưa, các dặm cuối cùng của nó hiện đang được xây dựng.
Người Pháp dự định hoàn thành tuyến đường ray dài 330 dặm nối Nha Trang và Đà Nẵng trong một khoảng thời gian ngắn. Khi đó các hệ thống bắc và nam sẽ được nối liền, sao cho sẽ có một dịch vụ thống nhất từ Mỹ Tho và Sài Gòn chạy dọc bờ biển, qua Hà Nội, đến Na Cham, tại biên giới Trung Hoa, và đến Vân Nam, thuộc Trung Hoa. Hiện tại, một chiếc xe buýt bưu điện của chính phủ hoạt động trên khoảng trống này của đường ray xe lửa.
Chúng tôi tăng tốc độ trên con đường ven biển, đi qua những đồng lúa, những khóm dừa, và các tháp Chàm.
Ngay bên ngoài Nha Trang, một chiếc cầu dài vắt ngang qua cửa vịnh dưới chân một ngọn đồi mà trên đỉnh có một tháp Chàm khác. Từ cao điểm này, người ta có được một cái nhìn toàn cảnh Vịnh Nha Trang với rất nhiều thuyền đánh cá bập bềnh trên mặt nước xao động. Xa hơn đó một chút, các ngọn núi của rặng An Nam [Trường Sơn] nối dài ra biển và tạo thành Mũi Varella (Mũi Diều) xinh đẹp.
Khi chiếc xe của chúng tôi leo lên đoạn đường ngoằn ngoèo cao hơn bờ biển, chúng tôi đã được ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ của các khúc lõm vĩ đại của biển, nơi những ngọn đồi mặc áo xanh đột nhiên mọc lên từ mặt nước xanh thẫm.
Trên một trong các đỉnh cao nhất của mũi đất hiện ra một tảng đá khổng lồ, trông giống như một tháp Chàm vĩ đại, có thể được nhìn thấy cách xa hàng dặm từ mọi hướng. Bởi vị trí độc đáo này, đã có nhiều truyền thuyết về nó. Nhìn từ một góc cạnh nào đó, nó có hình dáng như một người mẹ đang bồng con trong vòng tay. Người Mọi sẽ nói cho bạn hay rằng đây là vợ của một vị thần vĩ đại, người đã biến bạn đời của mình thành hòn đá bởi bà ta đã lừa dối ông. Do đó, bà đã vĩnh viễn đứng trên núi cao như một lời cảnh tỉnh cho các phụ nữ khác. Huyền thoại này đã được các nhà vẽ bản đồ người Pháp lưu giữ, họ đặt tên cho phần này của rặng núi là “Núi Mẹ và Con”.
Trên đường tới Đà Nẵng, chúng tôi đã dừng chân nghỉ đêm tại Tuy Hòa, và một lần nữa tại Quảng Ngãi, trong những căn nhà thấp (bungalow) đẹp đẽ mà chính phủ Pháp đã gìn giữ thật hoàn hảo ở đây và tại nhiều thị trấn nhỏ khác ở Đông Dương.
Vừa vượt quá làng chài Sông Cầu với những khóm dừa nằm rải rác, bờ biển bằng phẳng được đắp đê thành các ruộng muối rộng lớn để nước biển bốc hơi. Gần Qui Nhơn, nhiều tượng đài Chàm trên các ngọn đồi bao quanh mọc lên như những vọng gác trên các đồng bằng được canh tác tốt, được điểm xuyết bằng những ngôi làng An Nam đông đúc xây bằng các khung tre, tường trát bùn, và mái cỏ tranh.
Những chiếc xe hơi cắt đuôi ma quỷ đeo bám khách bộ hành
“Đường lộ thì tuyệt hảo, nhưng ngổn ngang súc vật và con người”, một cuốn sách mỏng của Pháp nhận xét chính xác về vùng này của An Nam, bởi tất cả những người An Nam, rồi chó và trâu, luôn luôn di chuyển. Mọi người với đòn gánh vắt ngang vai, đang đi ra chợ hoặc ra đồng.
Không có cảnh xin đi nhờ xe (quá giang) tại An Nam, bởi vì mọi người đều dạt về phía lề đường khi có một chiếc xe đang tiến tới — đúng thế, tất cả mọi người. Đôi khi một người già An Nam mê tín, tin rằng một hồn ma ác độc đang đeo bám mình, lý luận rằng nếu ông ta chạy ngang qua lối đi của chiếc xe hơi vào phút chót, con ma sẽ bị đụng và khi đó ông ta sẽ được giải thoát khỏi kẻ ám hại. Người ta dễ bị đoán sai tốc độ của một cỗ máy đang phóng tới; do đó có nguy cơ chiếc xe không chỉ đâm vào con ma, mà còn đâm cả vào đuôi áo đang tung bay.
Trong nhóm người An Nam đi chợ, không có màu sắc như người ta nhìn thấy tại Campuchia. Gần như tất cả mọi người đều mặc áo dài đen, quần trắng hoặc đen, đội trên đầu những chiếc nón rộng vành hình nấm làm bằng lá cọ, che mưa nắng đều tốt. Tại các ngôi chợ, chúng khiến ta liên tưởng đến một mái che bằng tranh chắc chắn cho những người đang tụ họp để mua bán, trao đổi.
Đà Nẵng là hải cảng chính yếu của trung phần Trung Kỳ. Năm 1858, chính tại địa điểm trọng yếu này, người Pháp đã chĩa súng khi nạn đàn áp các tín đồ Thiên Chúa Giáo xảy ra ở An Nam. Đà Nẵng là một thành phố tự quản, bởi nó là một trong các khu nhượng địa mà Vua Gia Long [sic] giao cho Pháp.
Cách phía nam vài dặm là thành phố Faifoo (Hội An) của người Hoa, nơi hoạt động chuyên chở bằng tàu khá nhộn nhịp. Đã có thời một khu định cư Nhật Bản hiện hữu nơi đây.
Các du khách cũng chú ý đến Ngũ Hành Sơn (Marble Mountains), cách Đà Nẵng ít dặm, nơi các nhà sư An Nam đã biến cải một số hang động thành tu viện.
Từ Đà nẵng, trạm dừng chân kế tiếp của chúng tôi là Huế, trung tâm sinh hoạt của An Nam. Giữa hai thành phố này, các ngọn núi đâm ra biển tạo thành Đèo Hải Vân (Col des Nuages, Pass of the Clouds), thành quả tuyệt đỉnh của thiên nhiên bên bờ biển Trung Kỳ. Tại đỉnh đèo có một đồn An Nam cũ, từ đó người ta có thể nhìn lại đường cong vĩ đại của Vịnh Đà Nẵng, trong khi nhìn về hướng kia là bờ biển dài và núi đồi dốc đứng. Ở một cao độ thấp hơn nhiều so với con đường màu vàng bao quanh các ngọn đồi phủ lá xanh, người ta có thể nhìn thấy đường ray xâm nhập vào đỉnh đèo qua vài đường hầm.
Khi chúng tôi đi xuống từ ngọn đèo, mặt trời trượt dưới các đỉnh núi và biến biển và mây thành một bài thơ màu sắc. Thiên nhiên thật trác tuyệt trong việc vẽ lại một bức tranh vốn đã sẵn đẹp đẽ.
Hai vương quốc thống nhất dưới ngọc trượng của vua Gia Long
Huế là kinh đô của An Nam xưa. Thời hiện đại của nó bắt đầu từ năm 1803 khi Nguyễn Ánh, một hoàng tử An Nam trẻ tuổi, sau này trở thành Hoàng Đế Gia Long, đã chiến thắng trên con đường tới ngai vàng An Nam với sự giúp đỡ của Giám mục địa phận Adran và một nhóm nhỏ các tay phiêu lưu người Pháp mà ông đã gặp tại Bangkok.
Cũng nhờ nỗ lực của Gia Long, các vương quốc Tonkin (Đàng Ngoài) và An Nam (Đàng Trong), trước đây đã bị phân chia do sự tranh giành trong gia tộc cầm quyền, một lần nữa được thống nhất dưới ngọc trượng của ông; nhưng lịch sử kế tiếp bị nhuộm đỏ bằng máu của sự đàn áp và chiến tranh.
Kể từ năm 1885, nước Pháp đã nắm giữ chế độ Bảo hộ trên Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Thành phố Huế tọa lạc cách biển một vài dặm, nằm bên bờ của dòng sông Hương uốn khúc – tên gọi này xuất phát từ những cây nở hoa có mùi thơm dịu ngọt dọc bờ sông.
Khu người An Nam của thành phố, với tòa thành có tường bao quanh, nằm một bên của con sông, còn dinh Trú Sứ (Residency) và khu người Pháp nằm ở bên đối diện.
Bên trong những bức tường thành trổ lỗ châu mai cổ xưa là các cung điện, các phòng của nhà vua, và các miếu thờ tổ tiên nơi đặt bàn thờ những vị vua đã mất. Tại một khu vườn có những chiếc đỉnh đồng khổng lồ được đúc một cách khéo léo. Những cây hoa đại và cây muồng hoa đào hồng thắm ngổn ngang nở rộ dọc theo các lối đi và tại các khu vườn rộng mở. Các cung điện có thiết kế kiến trúc kiểu Trung Hoa, được trang trí bằng sơn mài màu đỏ và vàng. Bên trong cung điện cũng chứa nhiều các sản phẩm khảm trai.
Lăng Khải Định ở Huế đem lại cho du khách một điểm giao hòa đẹp đẽ của những gì có tính chất An Nam.
Cách thị trấn không xa, trên các đồi nhỏ trồng cây, là các ngôi mộ tráng lệ của những vị vua băng hà, một số lăng rộng đến vài mẫu. Lăng của Khải Định, được xây dựng bằng xi măng và cẩm thạch, là lăng kiêu kỳ nhất cho đến nay. Một số nhà vua dành phần lớn đời mình để giám thị việc xây cất những nơi an nghỉ cầu kỳ của họ, vốn được thiết kế phù hợp với các tập quán và nghi lễ cổ xưa.
Một buổi chiều, trên đường quay trở về từ các lăng mộ, chúng tôi gặp một nhóm nữ sinh mặc áo dài tím đang đi picnic. Sau khi chúng tôi thuyết phục mãi, họ đồng ý cho chụp ảnh, như một lời chào thân thiện tới các nữ sinh Mỹ và các nước khác, những người có thể nhìn thấy ảnh chụp màu của họ trên tạp chí National Geographic.
An Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa ngay từ thế kỷ thứ nhì trước Công nguyên và còn nằm dưới bóng Trung Hoa gần như liên tục cho đến năm 1428 [sic], khi nó thoát ra khỏi sự cai trị của nhà Minh, nhưng sau đó vẫn gửi lễ vật triều cống cho đến tận thời vua Mãn Thanh. Bởi nằm dưới quyền chủ tể lâu dài của Trung Hoa, các nhà lãnh đạo của An Nam bị Kinh Lễ (Book of Rites) [sic] chi phối mọi hoạt động, và bao quanh họ là hệ thống bá quan văn võ mô phỏng theo triều đình Trung Hoa.
Trên một khoảng đất trống bên ngoài Huế, như từng được thực hiện tại Bắc Kinh, Hoàng đế cứ ba năm một lần lại cử hành các buổi lễ tế Trời và Đất với sự trợ giúp của quan lại.
Chuyến đi của chúng tôi tới Huế trùng hợp với cuộc thăm viếng của Quốc Vương và Hoàng Hậu nước Xiêm La. Trong suốt cuộc thăm viếng, họ đã được tiếp đón tại hoàng cung. Do vị Hoàng Đế trẻ tuổi Bảo Đại vắng mặt vì đang du học tại Pháp, Hoàng Thái Hậu đã đón tiếp họ. Đó là một cuộc đón tiếp với phép xã giao và nghi lễ giống như tại hoàng triều Bắc Kinh trước khi nó sụp đổ vào năm 1911.
Nhờ sự tử tế của Thượng Thư Bộ Lễ, tôi đã chụp được ảnh màu một số võ quan và văn quan mặc y phục thêu lộng lẫy và các đôi hia cao cổ có đầu mũi uốn cong, gợi nhớ đến trang phục của giới quan chức nhà Minh.
Một vị công chúa đãi trà
Kỷ niệm thích thú nhất trong cuộc thăm viếng của tôi tại Huế là sự đón tiếp chúng tôi tại cung điện của một vị công chúa có người cha và người anh đều từng ngự trên ngôi vua.
Một hôm, tôi đã chụp ảnh màu của bà trong trang phục chính thức, và ngày hôm sau, đã trở lại để trình cho bà kết quả (xem ảnh dưới). Khi việc chụp ảnh đã xong xuôi tại sân trong, chúng tôi được mời uống trà An Nam, cùng với những món đồ ngọt và bánh ngọt rất lạ miệng.
Theo đề nghị của chúng tôi, cô con gái của công chúa, một thiếu nữ xinh đẹp ở tuổi mười lăm, đã bằng lòng trình diễn cho chúng tôi một tiết mục đàn dây An Nam. Cô bé sau đó được phụ họa bởi người thày dạy nhạc lớn tuổi bị mù và một vài người khác với nhiều loại đàn dây khác nhau, trong khi những người đồng diễn trẻ tuổi hát các bài hát An Nam.
Trong suốt buổi trình diễn ca nhạc không chính thức, công chúa quan sát sự chú ý của chúng tôi từ chỗ ngồi được kê nệm trên một chiếc ghế lớn khảm xà cừ. Đằng sau bà, các thiếu nữ liên tục phe phẩy chầm chậm những chiếc quạt lông lớn.
Tôi cần phải kể đến một hoàng tử trẻ tuổi và vợ của ông ta, nhờ họ mà tôi đã có thể ngắm nhìn sự quyến rũ và màu sắc của Huế xưa. Hoàng gia vẫn sống tại Huế, mặc dù giới thẩm quyền Pháp có thể đứng một cách không mấy che đậy ở hậu trường.
Một buổi sớm mai, chúng tôi rời Huế đi Hà Nội, thủ đô của xứ Bắc Kỳ và trung tâm hành chính của toàn thể Dông Dương.