Đòn quyết định: Khám phá vụ Ôn Như Hầu

Tạp chí Phương Đông sưu tầm được bài viết về vụ phá án ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, ngày 12/7/1946, của ông Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ông Nguyễn Tài là một trong số các chiến sĩ công an phá vụ án này, nên những điều ông viết lại về vụ án là những tư liệu quý giá của quốc gia, minh chứng cho sự hào hùng của cách mạng Việt Nam và của công an Việt Nam trong những ngày đầu lập nước. Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử bảo vệ chính quyền cách mạng, mà còn nói lên tính độc lập, sự sáng tạo, các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật trong đánh địch ngay từ khi mới thành lập của các bậc tiền bối lực lượng an ninh Việt Nam, trong đó có ông Nguyễn Tài, người lãnh đạo, người chỉ huy tài năng, nhiệt huyết, đức độ, mẫu mực của lực lượng công an nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20-21.

Trải qua 50 năm chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam đã làm đúng chức trách của mình.

Hoạt động trên nhiều lãnh vực, trong nước cũng như ngoài nước, những thành tích và chiến công của toàn lực lượng Công an ta trên mọi miền của Tổ quốc gom lại, đã chứng minh Công an Nhân dân Việt Nam xứng đáng là “thanh bảo kiếm bảo vệ mình, tiêu diệt địch”.

Tuy nhiên, trong quãng đời 50 năm của Công an Nhân dân Việt Nam, hiếm có trường hợp chỉ bằng một vụ phá án – chỉ một vụ mà thôi – Công an Nhân dân Việt Nam đã có thể đóng góp trực tiếp và đắc lực vào việc bảo vệ an toàn chế độ nhà nước cách mạng, bảo vệ Chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, và làm sụp đổ uy tín của một chính đảng đã có bề dày lịch sử, nhưng đã để bọn lưu manh chính trị thao túng, như vụ phá án 132 Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân) và 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), mà mở đầu cuộc phá án là ở 132 Duvigneau Hà Nội, ngày 12/7/1946.

Thời kỳ đó, tôi mới chỉ phụ trách một số công việc nhỏ trong Sở Công an Bắc Bộ. Nhưng do hoàn cảnh đặc biệt, nên tôi đã được chứng kiến một số chi tiết quan trọng, trong rất nhiều sự kiện dồn dập ùa đến. Kể lại những chi tiết ấy, tôi hy vọng có thể đóng góp chút ít vào việc dựng lại một cách chính xác sự kiện lịch sử này của ngành Công an.

Tháng 9/1945, ở chiến khu Tân Trào về Hà Nội cùng anh Lê Giản, tôi cũng được phân về công tác ở Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Ban đầu theo dõi những công việc “mật” cho lãnh đạo. Đến khi có việc “trung lập hóa” Công an năm 1946, tôi về Phòng Chính trị (tức là An ninh bây giờ) làm công tác nghiên cứu, vẫn giữ một số công việc “mật”, đồng thời làm Bí thư chi bộ Đảng.

Thời đó, ai có gia đình thì ở tại nhà riêng, còn một số chúng tôi vẫn ở chung tại ngôi nhà chéo góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng hiện nay. Cùng ở đó, ngoài anh Lê Giản (Tổng Giám đốc Nha Công an), anh Hoàng Mỹ (Phó Giám đốc Sở), còn có anh Bùi Đức Minh (Trưởng phòng Chính trị), anh Phạm Gia Nội, Bùi Văn Thái (Phòng Quản trị) và tôi. Tại căn phòng lớn trên gác hai có một giường to, một bàn dài để họp, sàn gỗ, nên nếu thiếu chỗ thì trải chiếu nằm ở sàn.

Như ta đã biết, khi quân Tàu Tưởng rút khỏi miền Bắc Việt Nam sau ngày 6/3/1946, phía Pháp được đưa một lực lượng quân đội của họ đóng ở Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc (trong lúc thực dân Pháp đã tiến hành chiến tranh xâm lược ở phía Nam).

Bọn Quốc dân đảng, trước đây dựa thế lực Tàu Tưởng, đã thiết lập ở Hà Nội các trụ sở công khai, ra báo công khai chống đối chính quyền cách mạng; thậm chí chúng còn chiếm hẳn khu Ngũ Xã, biến thành một căn cứ phản cách mạng ngay ở Thủ đô. Dựa vào chính sách thành lập Chính phủ Liên hiệp, lại có 70 Đại biểu Quốc hội là người của chúng. Sau khi quân Tưởng đã rút, bọn Quốc dân đảng vẫn duy trì tất cả các trụ sở và hoạt động chống đối như cũ.

Công an ta vẫn coi bọn phản động Quốc dân đảng là một đối tượng đấu tranh nguy hiểm. Nên, ngoài việc phải đối phó với Pháp, vẫn thường xuyên trinh sát, nắm tình hình bọn Quốc dân đảng là việc dễ hiểu.

Trụ sở của Việt Nam Quốc dân đảng tại nhà số 132 Bùi Thị Xuân

Như đã trình bày đoạn trên, tuy tôi không làm công tác trinh sát, nhưng cùng một số đồng chí ở bộ phận nghiên cứu, nên các báo cáo tình hình địch đều được biết.

Hồi đó, cũng có một chủ trương đặc biệt của Đảng là: Để đảm bảo bí mật, các đồng chí Lãnh đạo của cơ quan không tham gia sinh hoạt chi bộ, mà sinh hoạt Đảng đoàn; nhưng Bí thư chi bộ thì ngoài việc sinh hoạt chi bộ, được dự họp Đảng đoàn. Ban đầu, anh Hoàng Mỹ là Bí thư chi bộ; với chủ trương trên, tôi làm Bí thư chi bộ, và được bầu làm Bí thư Đoàn Công an cứu quốc. Do đó, ngoài việc ở cùng nhà, với chức trách Bí thư chi bộ, tôi cũng được biết nhiều nội dung quan trọng trong Ngành.

Tôi không đi sâu vào những chủ trương và hoạt động của các lực lượng trinh sát của Nha Công an và của Công an Bắc Bộ hồi ấy.

Tôi chỉ nhớ rằng khi đó ngoài lực lượng Trinh sát chính trị do anh Lê Hữu Qua phụ trách, đã có thêm anh Nguyễn Tạo ở Nha Công an cũng có lực lượng Trinh sát riêng; đồng thời anh Lê Giản cũng có riêng một đội do anh Mạnh làm đội trưởng (anh Mạnh là Đảng viên sinh hoạt trong chi bộ do tôi làm Bí thư – anh Mạnh đã hy sinh ngay trong đêm 19/12/1946).

Hồi đó, tuy lập Nha Công an, nhưng Nha cũng chỉ dùng có một căn nhà quay ra đường Trần Bình Trọng hiện nay. Còn lại các nhà khác dọc đường Trần Bình Trọng thì các anh Phan Mạnh Hân, Vũ Đình Khoa ở; sau anh Nguyễn Tạo cùng ở một nhà. Việc gặp nhau rất dễ dàng.

Ngày 12/7/1946, mới tờ mờ sáng, anh Nguyễn Tạo đến ngôi nhà chéo góc đường, đã kể đoạn trên. Anh Tạo gọi chúng tôi dậy, và cho xem một tờ truyền đơn còn ướt mực. Đó là của bọn Quốc dân đảng, kêu gọi lật đổ chính quyền cách mạng.

Anh Lê Hữu Qua hồi đó ở cùng gia đình ở phố Lò Đúc, nên không có mặt buổi sáng sớm ấy. Chỉ có anh Lê Giản, anh Hoàng Mỹ, anh Bùi Đức Minh, anh Phạm Gia Nội và tôi. Hồi đó anh Hoàng Hữu Nam là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thường hay đến gặp các anh Lãnh đạo Công an tại ngôi nhà chúng tôi đang ở.

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì sau khi có bằng chứng nói trên, hình như anh Lê Giản có liên lạc với anh Hoàng Hữu Nam. Nên một lát sau, anh Hoàng Hữu Nam đến. Xem tài liệu, rồi cùng anh Lê Giản đi đâu đó.

Sau tôi được nghe kể lại, là cụ Huỳnh Thúc Kháng thấy tận mắt bằng chứng nói trên, đã phải thốt ra: “Bọn này đểu!” Và với cương vị Quyền Chủ tịch nước (thay Bác Hồ đang đi Pháp), và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh đã đồng ý cho trấn áp.

Những diễn biến sau đó như thế nào, mọi người đều đã biết, vì vụ án này đã được xử công khai.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Nếu không có được bằng chứng cụ thể như trên, chắc chắn không thể trình bày để cụ Huỳnh có quyết định một cách nhanh chóng như thế.

Mở đầu cuộc trấn áp lớn đó là khám bắt đối với nhà số 132 Duvigneau, là nơi đang in truyền đơn. Liên tục trong ngày là khám bắt đối với các trụ sở khác ở Hà Nội. Trong số đó, trọng điểm là nhà số 80 Quán Thánh. Nhà số 7 Ôn Như Hầu, tuy cũng là một nơi khám bắt, nhưng ngay từ đầu, không phải do ta đã biết rõ những tội ác đáng ghê tởm của bọn phản động ở đây đâu.

Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu

Có mấy chi tiết mà tôi nhớ:

– Việc bắt Phan Kích Nam ở trụ sở số 7 Ôn Như Hầu: Ban đầu y dựa thế là Đại biểu Quốc hội, rút kiếm ra dọa. Công an ta tuy chưa biết rõ y, vẫn cứ bắt. Suốt ngày, phải đối xử tử tế. Cho đến chiều, mới xin được văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi đọc cho nghe, Phan Kích Nam sụt hẳn, tái mặt và cúi đầu. Xẩm tối, dẫn y xuống trại giam ngay trong vòng rào của Sở Công an.

– Các tài liệu thu được tại trụ sở ở số 80 Quán Thánh là nhiều nhất. Tôi đã lựa, xem ngay. Đã tìm được một tờ biên bản làm việc giữa Việt Nam Quốc dân đảng và Đại Việt Quốc dân đảng. Nội dung đại ý: Gác lại những việc bất đồng giữa hai Đảng, rút bớt những chữ “Việt Nam” và chữ “Đại Việt”, chỉ còn dùng chữ “Quốc dân đảng” khi xưng danh, vừa để bí mật với Việt Minh, vừa để hư trương thanh thế trong dân; sự phân biệt về mặt tổ chức là việc nội bộ của hai đảng.

– Việc phát hiện các vụ giết người ở nhà số 7 Ôn Như Hầu: trước tiên do nhà này thông liền với nhà ở phố Ha-Le mà ta có nhiều tin tức và đã chú ý hơn. Có một người bị chúng bắt để tống tiền, còn bị giam ở đây. Từ đó ta biết bọn phản động khi giết người đã vứt xuống hồ Ha-Le ( hồ Thuyền Quang bây giờ), và ta tiếp tục phát hiện có người bị chôn ngay ở gốc chuối nhà số 7 Ôn Như Hầu. Chính sự phát hiện này khi được công bố đã làm cho nhân dân kinh tởm bọn Quốc dân đảng. Và với vụ án xử công khai, bọn phản động Quốc dân đảng đã bị lột mặt nạ hoàn toàn. Sau đó có chủ trương phá toàn bộ tổ chức của bọn Việt Nam Quốc dân đảng, và mọi bọn Quốc dân đảng trong cả nước.

– Âm mưu đồng lõa với giặc Pháp để lật đổ Chính quyền cách mạng, cộng với hành động cướp của giết người ghê tởm như trên, là cơ sở để Nhà nước cách mạng Việt Nam đặt bọn Quốc dân đảng ngoài vòng pháp luật. Đây là đòn quyết định hết sức quan trọng về chính trị đối với chúng.

Có ý kiến nói rằng ta đã bắt Nguyễn Tường Tam, Đỗ Đình Đạo… vào dịp này. Tôi nhớ là không phải như vậy.

Nếu có như thế, thì làm sao có các sự kiện sau:

1 – Việc Nguyễn Tường Tam, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cuỗm một số tiền lớn của công quỹ và bỏ trốn. Sau này, khi tôi hoạt động ở miền Nam lúc chống Mỹ, thì Nguyễn Tường Tam có lúc trở về Sài Gòn. Báo chí Sài Gòn làm rùm beng ca ngợi. Nhưng sau, vì lý do gì đó, y tự sát; báo chí lại một dịp đưa tin ầm ĩ.

2 – Vũ Hồng Khanh cũng sống ở Sài Gòn, muốn khôi phục hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng không đạt như ý. Sau 30/4/1975, y ra trình diện, học tập cải tạo; và có viết nhiều lời khai.

3 – Trong kháng chiến chống Pháp, Đỗ Đình Đạo ở nội thành Hà Nội.

4 – Nghiêm Kế Tổ, hồi đó là Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ Liên hiệp. Đi Pháp cùng phái đoàn đàm phán, nhưng buôn bán, bị vạch mặt. Hôm y về đến ga Hà Nội, là sau ngày 12/7/1946, tôi còn nhờ anh Trần Kim Xuyến (bên Bộ Thông tin – đã hy sinh) bảo y đứng trên toa xe lửa chụp ảnh kỷ niệm, nhưng chính là để cho Công an ảnh của y.

Vụ phá án ở nhà số 132 Duvigneau mở đầu cho việc triệt hạ toàn bộ bọn phản động Quốc dân đảng từ thực lực đến ảnh hưởng chính trị đã đi vào lịch sử như một chiến công hết sức to lớn của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng: Trong thời gian Công an Việt Nam mới ra đời được khoảng một năm, tự nghĩ ra cách làm, cách đánh (dựa vào dân, biết sử dụng người của địch để đánh lại địch), từ một vụ án cụ thể, khuếch trương kết quả, thành một đòn chính trị trí mạng đánh vào cả tổ chức phản động Quốc dân đảng, đồng thời phá tan một âm mưu đảo chính của thực dân Pháp ngay tại Thủ đô (trong khi chúng đã xâm lược ở miền Nam), là một chiến công rực rỡ, một đòn đánh được hai kẻ thù.

Đó là bài học của tinh thần cách mạng, tự lực, và sáng tạo.

Hà Nội, ngày 5 tháng 3 năm 1995.

 

Trích sách “Về với cội nguồn”, Nguyễn Tài, NXB Công an Nhân dân, 1997

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN