Kỳ 2: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thế giới Mã Lai
Chúng ta có thể suy luận một cách an toàn rằng Việt Nam đã tiếp xúc với thế giới Mã Lai từ xa xưa, mặc dù đôi khi các cuộc tiếp xúc có thể diễn ra gián tiếp qua trung gian là Champa. Sự mở rộng thương mại hàng hải quốc tế, đặc biệt là sự phát triển thời kỳ đầu của tuyến hàng hải nối bán đảo Mã Lai, biển Java, quần đảo Sulu và bờ biển Việt Nam. Mạng lưới này vẫn hoạt động cho đến rất gần đây, với những chuyến đi thường xuyên của các tàu buôn từ Trengganu đến các địa điểm khác nhau ở vịnh Xiêm, xa đến tận Sài Gòn và các cảng khác ở miền Nam Việt Nam trong những năm ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Những mối quan hệ này không chỉ bị giới hạn trong các giao dịch thương mại nhất thời. Một đoàn thương nhân Mã Lai có vẻ đã đến định cư lâu dài ở Biên Hòa, gần Sài Gòn, từ cuối thế kỷ XVII. Có vẻ như vùng bờ biển Hà Tiên về phía Tây cũng đã từng che chở cho các kiều dân Mã Lai vào cùng khoảng thời gian đó.
Tuy nhiên, các văn bản lịch sử hiếm khi đề cập đến sự giao lưu giữa hai bên. Chính vì thế, chúng ta không biết liệu các mối quan hệ văn hóa đã từng được thiết lập lâu dài hay không. Sử sách Việt Nam ghi lại rằng, một hoàng tử nhà Trần là Trần Nhật Duật, mất năm 1330, nổi tiếng là thích ngoại ngữ và phong tục tập quán. Ông là người duy nhất trong triều đình có thể làm thông dịch viên khi các sứ thần Mã Lai đến Việt Nam từ Sách Mã Tích (chỉ Temasek, tên gọi cũ của Singapore, vốn phát triển hưng thịnh vào đầu thế kỷ XIV). Nhưng trường hợp của Trần Nhật Duật quá đặc biệt để có thể suy luận rằng một cuộc gặp gỡ thực sự đã từng diễn ra giữa hai nền văn hóa. Tương tự như vậy, chúng ta cũng không nên kết luận một cách có hệ thống rằng các mối quan hệ chính trị đã không ngừng diễn ra, chỉ vì sử sách Việt Nam cho biết rằng một số quốc gia Mã Lai đã gửi cống phẩm đến triều đình Việt Nam theo định kỳ.
[…]
Nói chung, các tài liệu lịch sử liên quan đến mối quan hệ giữa Mã Lai và Việt Nam sai lệch ở nhiều khía cạnh. Trước hết, các tác giả Việt thời xưa đều không có hiểu biết đầy đủ về thế giới Mã Lai. Mượn thuật ngữ địa lý từ Trung Quốc, họ đặt cho các quốc gia trên bán đảo Mã Lai và quần đảo Indonesia những cái tên là phiên bản Hán Việt của tên tiếng Trung. Nhưng dường như họ thường không biết chính xác những cái tên này biểu thị thông tin địa lý gì. Kết quả là họ dễ có xu hướng gộp tất cả các khu vực và dân cư của các vùng biển phía Nam vào cùng một thuật ngữ chung chung là Chà-và, một trong những cái tên người Trung Quốc đặt cho Java (Chawa, Shepo, Dupu) nhưng phát âm theo kiểu Việt Nam. Do đó, sử sách thời xưa thường có những đoạn như: “Năm 1789, các sứ thần từ vương quốc Tà-ni (tức Pattani), một cái tên của nước Chà-và, đến để chào hàng các sản vật địa phương và xin hỗ trợ chống lại Xiêm.” Thuật ngữ địa lý là một trong vô số những vấn đề mà các nhà nghiên cứu lịch sử quan hệ Việt Nam – Mã Lai phải đối mặt.
Hiện tại, bài viết này chỉ đơn thuần tìm cách xác định niên đại mối quan hệ Mã Lai – Việt Nam cho đến giữa thế kỷ XIX.
Từ đầu thế kỷ X
Dưới ách thống trị của Trung Quốc, từ năm 111 TCN đến năm 939, miền Bắc Việt Nam – Giao Chỉ (Jiaozhi) cùng Quảng Đông và Quảng Tây tạo thành Giao Châu (Jiaozhou). Sau khi thiết lập quan hệ thương mại và chính trị giữa Trung Quốc và các vùng biển phía Nam (Nam Hải), Giao Châu trở thành bến cuối trong thương mại đường biển. Cảng chính là Liên Lâu thuộc Giao Chỉ, có lẽ ở rìa châu thổ sông Hồng, gần Hà Nội ngày nay. Điều này không có nghĩa là tàu thuyền Mã Lai đi qua các cảng Đông Nam Á đến miền Nam Trung Quốc không tới Quảng Châu. Nhưng các thương gia có lẽ thấy việc đi ra ngoài Giao Chỉ là bất tiện và không cần thiết, vì họ đã giao dịch được một cách dễ dàng ở đây. Những thương nhân nước ngoài đến Liên Lâu là những người đến từ Champa và Phù Nam, người Mã Lai, người Java, người Ấn Độ, người Ceylon (Sri Lanka ngày nay), và người Ả Rập.
Sau thế kỷ V, do những thăng trầm chính trị và các cuộc tấn công vùng duyên hải của Champa, Quảng Châu đôi khi vượt Liên Lâu về tầm quan trọng thương mại. Tuy nhiên, Giao Chỉ tiếp tục khai thác một phần lớn thương mại hàng hải với các quốc gia nằm bên ngoài vịnh Xiêm và eo biển Malacca. Sau đó, năm 758, Quảng Châu bị các thương nhân Ba Tư và Ả Rập quay lưng vì họ bất bình với sưu cao thuế nặng của quan lại Trung Quốc. Cộng đồng thương nhân nước ngoài, đặc biệt là các thương nhân tham gia vào tuyến đường hàng hải phía Nam, bắt đầu chuyển sang buôn bán trên bờ biển Việt Nam. Khu vực thuộc Hà Nội ngày nay được hưởng lợi nhiều nhất từ việc di dời cơ sở hoạt động của các thương gia nước ngoài. Đây vẫn là trung tâm thương mại vùng Nam Hải cho đến cuối thế kỷ VIII, và sự thịnh vượng của nó đã khiến bờ biển miền Bắc Việt Nam bị đánh phá vào năm 767 bởi những người từ “Shepo và Kunlun”, những người có lẽ đến từ bán đảo Mã Lai hoặc các đảo của Indonesia để tranh giành ưu thế về thương mại. Thành công về kinh tế của Liên Lâu cũng ảnh hưởng đến thương mại của Quảng Châu, đến mức vào năm 792, thủ lĩnh vùng Lĩnh Nam đã phải thỉnh cầu Hoàng đế Trung Hoa cho đóng cửa chợ miền Bắc Việt Nam.
[…]
Nhưng dân đi biển Mã Lai chịu trách nhiệm mở rộng toàn bộ tuyến đường biển từ Ấn Độ đến Trung Quốc cũng có thể là một trở ngại lớn cho sự phát triển thương mại của miền Bắc Việt Nam thời xưa. Vào thế kỷ V, tàu thuyền của người Java bị đe dọa bởi nạn cướp biển trong khu vực bờ biển Champa. Bên cạnh cuộc đột kích năm 767, sử liệu Trung Quốc cũng cho biết bờ biển miền Bắc Việt Nam đã bị cướp biển Kunlun cướp phá dưới thời nhà Đường (618-906). Dân đi biển “Kunlun” được hưởng lợi từ buôn bán lẫn từ cướp bóc: Nếu việc tấn công vào người dân vùng ven biển hoặc vào một đoàn tàu nào đó bị coi là rủi ro, họ sẽ tỏ ra là các thương nhân ôn hòa; còn nếu họ cảm thấy mình đủ mạnh, thì họ sẽ hành động như những tên cướp biển. Nhưng vì những hành động cướp biển này mà cư dân tất cả các vùng biển trong khu vực, từ Vịnh Bắc Bộ đến Java, từ bán đảo Mã Lai và Sumatra đến Moluccas, đều ở trong tình trạng liên tục trả đũa nhau. Chúng ta cũng đã thấy rằng các vua Champa từng cử những người đi biển này xâm lược lãnh thổ Việt Nam trong các cuộc viễn chinh mang lại lợi ích cho Champa và đồng thời cải thiện tình trạng kinh tế của cộng đồng thương mại nước này.
Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV
Mặc dù khôi phục được nền độc lập vào giữa thế kỷ X, Việt Nam lại đánh mất thứ hạng trước đây của mình trong thương mại vùng Nam Hải. Có rất ít bằng chứng về sự tham gia của Việt Nam vào thương mại hàng hải. Với sự gia tăng số lượng các cảng mới trên bờ biển Đông Nam Trung Quốc (Phúc Châu và Tuyền Châu bổ sung cho địa điểm cũ là Quảng Châu), Trung Quốc thấy việc giành lại thuộc địa cũ không còn đem lại nhiều lợi ích thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam dần dần thích nghi với các mô hình thương mại mới đang hình thành vào thế kỷ XI, khi sự tập trung tuyến đường quốc tế qua các cảng của Srivijaya dọc theo eo biển bị gián đoạn bởi cuộc tấn công của Chola năm 1025, và các cảng phía đông Java bắt đầu thu hút thương nhân từ Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á lục địa, cũng như từ các đảo phía Đông.
Sử sách Việt Nam ghi lại rằng vào năm 1066, những viên đá quý phát quang đã được các thương gia người Java mua với giá cao. Nhưng chỉ đến năm 1149, người ta mới chính thức nhắc đến sự xuất hiện của các tàu buôn từ ba nước Java, “Lộ Hạc” (Lavo hoặc Lopburi) và Xiêm. Những thương nhân này đã xin được ban cho một địa điểm để họ sinh sống và buôn bán. Sau đó, họ được phép thành lập một khu định cư gọi là Vân Đồn trên một hòn đảo ngoài khơi thị xã Quảng Yên ngày nay, nằm ở phía Đông Hà Nội. Vị trí này được chọn trên hết với mục đích ngăn chặn người nước ngoài xâm nhập vào nội địa. Tuy nhiên, không lâu sau, Vân Đồn đã trở thành một hải cảng hưng thịnh kết nối với các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông của Trung Quốc, nơi tập trung của các tàu buôn đến từ khu vực giáp với Vịnh Xiêm và từ các đảo, đặc biệt là Java. Sự xuất hiện của các thương nhân từ Tam Phật Tề (Palembang) được ghi lại cụ thể vào năm 1184. Cái tên Vân Đồn, nghĩa đen là “đồn mây”, ban đầu có thể ám chỉ việc các tàu buôn nước ngoài tụ tập ở đó như những đám mây.
Vân Đồn không phải là trung tâm thương mại quốc tế duy nhất của Việt Nam. Người nước ngoài còn được phép cư ngụ tại ba cảng biển khác ở trung tâm tỉnh Nghệ An. Hoạt động của các cảng này rõ ràng có liên quan đến sự phát triển của một tuyến đường thương mại trên bộ vào thế kỷ XI. Tuyên đường này đi từ bờ biển về phía Tây, băng qua các dãy núi đến thung lũng sông Mê Kông, sau đó xuống Campuchia. Qua đó, vàng bạc của Việt Nam có thể đã đến Campuchia, đến Kelantan trên bờ biển phía Đông bán đảo Mã Lai, đến Srivijaya trên bờ biển phía Đông Sumatra, và cuối cùng là đến Java. Đổi lại, người Việt Nam lấy được gia vị cùng nhiều hàng hóa địa phương và quốc tế có giá trị khác.
Sau thế kỷ thứ XIII, dưới thời nhà Trần, cùng với sự suy tàn của các cảng biển Nghệ An, tầm quan trọng của Vân Đồn tăng lên, lối vào cảng này ngày càng được bồi đắp. Năm 1349, nơi này hình thành được một tổ chức hành chính có cấu trúc hơn nhiều và mở rộng hoạt động. Đặc biệt, chức vụ thanh tra các vấn đề hàng hải đã được thiết lập, và một đơn vị đồn trú được đặt ở đây để duy trì trật tự. Nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ hơn vì trong năm trước đó, các tàu buôn Java đã lừa mua ngọc trai từ ngư dân địa phương, từ đó tước đi nguồn thu có lợi của triều đình.
Kế vị nhà Trần vào thế kỷ XV, nhà Lê ban hành các quy định chặt chẽ hơn đối với việc buôn bán và ra vào của người nước ngoài. Theo đó, các thương nhân nước ngoài chỉ được phép vào một số nơi cụ thể, trong đó có Vân Đồn. Theo quy định mới, họ phải có giấy phép thương mại và hàng hóa của họ phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Người bản xứ thì phải xin giấy phép để được bán hàng cho người nước ngoài. Bất kỳ ai không có lý do chính đáng mà vào khu định cư hoặc trạm kiểm soát của Vân Đồn ở vùng biên cương sẽ bị trừng phạt bằng tù khổ sai hoặc trục xuất. Nhưng một số quy tắc về thủ tục tiếp đón “các sứ thần Champa, Lào, Xiêm, Java và Lạt Gia (Malacca)” tại kinh đô cũng được ban hành vào năm 1485. Có sự phân biệt rõ ràng giữa thương nhân và quan lại triều đình. Theo đó, quan hệ ngoại giao thường xuyên đã từng bước được thiết lập. Sử sách Việt Nam cũng đề cập đến một cuộc tiếp đón một đại sứ người Java tên là “Na-bôi” tại triều đình, và cống phẩm được dâng lên vua Lê vào năm 1467 bởi các tàu đi biển từ “Tô Môn Đáp Lạp” (tiếng Trung là Sumendala, chỉ Sumatra).
Có vẻ kỳ lạ nhưng Malacca dường như chỉ được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1485, trong khi nơi này từ lâu đã nổi lên như một trung tâm thương mại lớn của khu vực. Dù thế nào, vào nửa sau thế kỷ XV, Việt Nam đã gửi mặt hàng chính của mình là vàng bạc đến Malacca, đặc biệt là để đổi lấy lưu huỳnh. Vàng Việt Nam, được đánh giá là tốt nhất Đông Nam Á, kết hợp với lượng lớn hơn đến từ Sumatra, đã giúp Malacca trở thành trung tâm vàng chính ở châu Á, mặc dù không phải trên thế giới. Tuy nhiên, nếu chúng ta đề cập đến tác phẩm lớn đầu tiên của Bồ Đào Nha về châu Á, “Suma Oriental” do Tomé Pires viết ngay sau khi người Bồ Đào Nha chinh phục Malacca năm 1511, thì có rất ít tàu Việt Nam đến thẳng Malacca. Thay vào đó, Quảng Châu là bến cảng chính của người Việt Nam, và họ đi từ đó đến Malacca trên những chuyến tàu chở hàng của Trung Quốc.
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII
Tình hình thương mại Đông Nam Á thay đổi mạnh mẽ vào thế kỷ XVI. Sau khi chinh phục Malacca vào năm 1511, người Bồ Đào Nha đã giành được quyền chỉ huy toàn bộ trọng tâm chiến lược và thương mại của eo biển Mã Lai. Sự thâm nhập của họ là nhằm mục đích đưa các “hòn đảo gia vị” ra cạnh tranh quốc tế trong những năm tiếp theo. Năm 1567, nhận thấy rằng các biện pháp quân sự không đủ để dập tắt nạn buôn lậu và cướp biển trên bờ biển Trung Quốc, nhà Minh đã dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán tư nhân với Đông Nam Á. Sau đó, vào cuối thế kỷ, người Tây Ban Nha và người Hà Lan bước vào cuộc chiến và nhanh chóng xây dựng trung tâm của riêng họ tại Manila và Batavia.
Những sự kiện này dường như không ảnh hưởng ngay lập tức đến Việt Nam, vì có rất ít bằng chứng cho thấy thương mại Việt Nam đã tham gia vào những thay đổi đang diễn ra như thế nào. Có lẽ Việt Nam đã tiếp tục giao thương với Quảng Châu, và bắt đầu buôn bán với trung tâm mới của Bồ Đào Nha là Macao vào nửa sau thế kỷ XVI. Người Việt có thể đã giao thương trên Biển Đông với Brunei, Johor và Malacca thuộc Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, tình hình nội bộ rắc rối, cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Nho giáo và thành kiến của nó đối với thương mại, chắc chắn đã ảnh hưởng đến các hoạt động buôn bán đó.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi quyền lực được chuyển giao vào tay hai gia tộc đối địch là chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Sau khi chia cắt đất nước vào đầu thế kỷ XVII, nhà Trịnh ở miền Bắc và nhà Nguyễn ở miền Nam đều mở rộng thương mại quốc tế nhằm đảm bảo có đủ phương tiện cho cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên. Ở miền Bắc Việt Nam, đầu tiên là người Hà Lan, sau đó là người Anh và người Pháp được chúa Trịnh cho phép thành lập nhà máy ở Phố Hiến nằm trên sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 60 km về phía Đông Nam, trước khi họ được phép định cư ở kinh đô. Theo đó, nhiều mối quan hệ đã được phát triển với các khu định cư của người châu Âu ở Batavia và Bantam (Java). Người Hoa, người Xiêm, người Nhật, người Mã Lai từ Trengganu đổ xô đến Phố Hiến. Tuy nhiên, sự quan tâm của chúa Trịnh đối với thương mại không kéo dài được bao lâu. Nó lụi tàn ngay sau khi cuộc giao tranh với nhà Nguyễn chấm dứt vào năm 1672, theo đó nhu cầu về vật liệu chiến tranh trở nên ít cấp thiết hơn. Hoạt động của người châu Âu ngày càng bị cản trở. Đến đầu thế kỷ XVIII, họ đều bỏ cuộc, nhường chỗ cho các thương nhân Trung Quốc – những người bảo toàn được ưu thế của mình không chỉ nhờ quyền tự chủ hành chính mà họ được hưởng, mà còn vì khoảng cách gần với Trung Quốc và mạng lưới thương mại mà họ hình thành với cộng đồng người Hoa trên khắp Đông Nam Á.
Ở phía Nam vĩ tuyến 18, nhà Nguyễn cởi mở hơn với thương mại quốc tế. Chúa Nguyễn cũng tham gia vào đó với tư cách cá nhân, nhằm củng cố tài chính và tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Vào khoảng năm 1600, cảng Hội An, hay còn được người châu Âu gọi là Faifo, đã phát triển để đáp ứng các dòng chảy mới của thương mại quốc tế và nhu cầu của nhà nước miền Nam về hàng hóa và ngân quỹ. Các con tàu cảng này tiếp nhận di chuyển theo gió mùa: Tàu thuyền đến từ phía Bắc (Trung Quốc, Nhật Bản) cập bến với gió đông bắt đầu vào tháng 10 và khởi hành với gió hè bắt đầu vào tháng 4; còn những người đến từ Ấn Độ, Malacca, Trengganu hoặc Batavia thì cập cảng với gió hè và rời đi khi gió đông thổi.
Tầm quan trọng tương đối của các nhóm thương nhân khác nhau đối với nhà Nguyễn được thể hiện trong khoản thuế mà họ phải chi trả vào thế kỷ XVII. Mức thấp nhất thuộc về những người ở ngay các bờ biển liền kề (500 chuỗi tiền khi cập bến, 50 chuỗi tiền khi khởi hành); mức thấp thứ hai dành cho các thương gia từ Phúc Kiến, Xiêm và Manila (2000 và 200), tiếp đến là Thượng Hải và Quảng Châu (3000 và 300), sau đó là các tàu từ Macao và Nhật Bản (4000 và 400), và cuối cùng là các tàu khác được cho là đến từ “biển phương Tây” (8000 và 800). Thomas Bowyear, phái viên Công ty Đông Ấn tại triều đình Huế vào năm 1696, đã ghi nhận rằng tàu thuyền thường xuyên đến Hội An không chỉ từ Quảng Châu và Macao, mà còn từ Nagasaki, Ayudhya, Phnom Penh, Manila và Batavia.
Nhưng một cuộc khủng hoảng sâu sắc đã làm lay chuyển phương Nam. Giữa thế kỷ XVIII, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế miền Nam Việt Nam bắt đầu đổ vỡ. Thương mại quốc tế bị ảnh hưởng, kéo theo sự suy tàn của Hội An. Sau đó, cuộc nội chiến bùng nổ đã xua đuổi nhà Nguyễn khỏi kinh đô của họ. Hoàng tử Nguyễn Ánh, người kế vị ngai vàng triều Nguyễn, bị kẻ thù truy đuổi và phải chịu cảnh giam cầm khổ cực ở vịnh Xiêm. Vì tuyệt vọng, ông thậm chí còn quyết tâm đến Batavia hoặc Malacca để nhờ người Hà Lan hỗ trợ. Chúng ta biết rằng vua Xiêm đã viện trợ cho ông; nhưng chúng ta có thể giả sử một cách hợp lý rằng ông ta cũng đã cố gắng liên lạc với một số quốc vương Mã Lai để nhận được sự giúp đỡ trong việc giành lại lãnh thổ. Bằng mọi giá, ông ta đã cử các phái đoàn đi mua vũ khí và đạn dược, chắc chắn là tới Batavia và Malacca, ngoài ra còn đến Penang, Singapore và Johor.
Sau những cuộc tiếp xúc này, những mối quan hệ đặc quyền chắc chắn đã được thiết lập với một số quốc gia ở bán đảo Mã Lai. Điều này giải thích sự hiện diện của nhiều thương nhân Mã Lai ở Sài Gòn sau khi Nguyễn Ánh tái chiếm nơi này vào năm 1788. Vào thập niên cuối thế kỷ XVIII, Sài Gòn đã trở thành một trong những cảng chính trong thương mại quốc tế ở Biển Đông. Mặt khác, các cuộc trao đổi phái đoàn ngoại giao và quà tặng qua lại giữa hai bên đã diễn ra sau đó: sử sách nhà Nguyễn ghi lại những chuyến viếng thăm của các sứ thần Pattani năm 1789; sứ thần nước “Tam hoạt”, tên là “Giáp-tat-dan-diên” năm 1790; sứ thần “Chê-phi” của vua “vương quốc Java” năm 1795; sứ đoàn của “vương quốc Java” với cống phẩm năm 1797; và cuối cùng là sứ thần “A-bang-ca trac” của quốc vương Johor vào năm 1798. Tài liệu Trung Quốc “Hải lục chú” (Hai lu zhu), dựa trên lời kể của một thương gia Trung Quốc đi du lịch ở bán đảo Mã Lai từ năm 1782 đến năm 1795, đã chứng thực một phần các văn bản tiếng Việt khi kể về sự kiện triều cống thường niên của các vị vua Trengganu cho Việt Nam. Có vẻ như ngay trước khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, vương triều này đã thiết lập được mối quan hệ chính trị thường xuyên và công bằng với thế giới Mã Lai. Tuy nhiên, sau khi Gia Long giành lại ngai vàng ở Huế, các nguồn sử liệu Việt Nam không còn nhắc đến vấn đề này nữa.
Nửa đầu thế kỷ XIX
Đến thăm Việt Nam vào năm 1822, John Crawfurd, phái viên của Công ty Đông Ấn, cho biết rằng trong quá trình buôn bán, vương quốc này đã thu được hạt tiêu, đinh hương, hạt nhục đậu khấu, gỗ đàn hương và thiếc từ các nước Mã Lai, và rằng một vài người Việt thường xuyên đến buôn bán tại các cảng châu Âu ở eo biển Malacca, đặc biệt là Singapore. Trong các khoản thuế triều đình thu được, một tỷ lệ tương đối là từ Hạ Châu, nghĩa là thuế do các thương thuyền từ Singapore, Penang và Malacca nộp. Do đó, quan hệ giao thương với bán đảo Mã Lai tương đối quan trọng trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, mặc dù một chỉ dụ năm 1809 đã cấm tàu Mã Lai đi lên phía Bắc Đà Nẵng thuộc miền Trung Việt Nam. Các thương nhân người Việt và người Hoa cư trú tại Việt Nam cũng phải xin giấy phép trước khi được đến các cảng Mã Lai ở nước ngoài. Tuy nhiên, không lâu sau, Jean-Baptiste Chaigneau, người được bổ nhiệm làm lãnh sự Pháp năm 1821 tại Huế, nhận xét rằng: “Chỉ còn rất ít người Mã Lai xuất hiện ở các cảng Nam Kỳ.”
Liệu có phải sự suy giảm hoạt động thương mại của người Mã Lai là do nạn cướp biển tái diễn trong vùng biển vịnh Xiêm và eo Malacca? Đến năm 1825, nạn cướp biển đã thực sự trở nên bền vững. Từ Penang đến New Guinea và từ Java đến Philippines, các hạm đội đã lùng sục khắp vùng biển để truy tìm kẻ cướp và nô lệ. Đặc biệt, eo biển Malacca tràn ngập những tên cướp biển. Những tên hung dữ nhất là người Lanun từ Mindanao và Balanini từ Biển Sulu. Với hải đoàn từ 10 đến 20 tàu, chúng đi dọc toàn bộ bờ biển bán đảo Mã Lai từ Trengganu đến Kedah, đồng thời cũng đến cả Bangka và Java. Sau khoảng năm 1840, hoạt động thương mại bản địa của các Khu định cư Eo biển Malacca bắt đầu phải đối mặt với một kẻ thù mới: người Hoa. Mặc dù thường giới hạn hoạt động ở bờ biển của họ hoặc ở vịnh Xiêm, nhưng người Hoa cũng thường xuyên xuất hiện xa về phía Nam như ở khu vực lân cận Singapore. Những tàu buôn không được trang bị vũ khí và thường đi một mình hoặc theo nhóm chỉ 3 – 4 tàu dễ dàng trở thành con mồi của những tên cướp biển này.
Cướp biển thường đánh phá vùng duyên hải miền Nam Việt Nam, chủ yếu là Hà Tiên, nhưng đôi khi cũng bao gồm cả các tỉnh xa hơn về phía Bắc như Bình Thuận và Khánh Hoà. Các nhà cầm quyền Việt Nam đã chiến đấu trong vô vọng để chống lại những kẻ cướp bóc được gọi bằng cái tên chung là “cướp biển Chà-và”. Một đơn vị đồn trú được đóng trên đảo Phú Quốc ngoài khơi bờ biển Hà Tiên vào năm 1833 và một pháo đài được dựng trên đảo Poulo Condor vào năm 1836, nhưng tất cả đều không hiệu quả trước một đối thủ có đặc điểm lớn nhất là tính cơ động cao.
Tuy nhiên, cướp biển không phải nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm trong hoạt động thương mại của người Mã Lai. Điều này chủ yếu xuất phát từ một xu hướng nhận thấy được từ những năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XIX. Nhận thức được mối đe dọa tiềm tàng do sự xuất hiện của người châu Âu ở các vùng biển phía Nam đem lại, triều đình Huế đã thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ nhằm hạn chế hoạt động thương mại nước ngoài ở quy mô lớn. Do đó, thái độ nghi ngờ đối với người ngoại quốc lan rộng. Năm 1825, hai tàu có vũ trang cùng một phái đoàn quan lại đã được cử đến Singapore với lý do là mua len và đồ thủy tinh. Trên thực tế, mục tiêu thực sự của các phái viên này là báo cáo về điều kiện và quan điểm của những người châu Âu định cư tại eo biển Malacca. Kể từ đó, hàng năm, các phái đoàn của triều đình được cử đến Batavia, Singapore, Penang và Manila để giao thương, nhưng mục đích chính của họ là thu thập thông tin về tình hình chính trị và các kế hoạch của người châu Âu. Triều đình đương nhiên vẫn duy trì độc quyền của mình đối với các giao dịch với những trung tâm thương mại này. Những giao dịch đó được thực hiện ở quy mô khá nhỏ: xuất khẩu đường, gạo, ngà voi, sừng tê giác, đồng, lụa, quế, đổi lại là nhập khẩu thiếc, diêm tiêu, vũ khí và quần áo. Tuy nhiên, sự độc quyền của triều đình vẫn không diệt trừ được thương mại tư nhân thông qua trung gian là các thương nhân người Hoa, mặc dù các tàu không có vũ khí của họ khó có thể chống lại được những cuộc tấn công của cướp biển.
Trong suốt phần tư thứ hai của thế kỷ XIX, quan hệ với thế giới Mã Lai bị giới hạn ở một vài địa điểm. Những địa điểm này rõ ràng được lựa chọn vì chúng là các trung tâm bị châu Âu chi phối. Chúng hoàn toàn ngừng hoạt động sau năm 1850, khi nguy cơ Pháp can thiệp ngày một tăng đã kích động triều đình Huế ngừng cử tàu thuyền của mình ra nước ngoài, và ngăn cản dân chúng tiếp xúc với người nước ngoài. Người Hoa khi đó là những thương nhân ngoại quốc duy nhất ghé thăm các cảng của Việt Nam và làm đầu mối liên lạc của Việt Nam với thế giới bên ngoài. Điều này giải thích tại sao sau năm 1860, khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ và mở cảng Sài Gòn cho hoạt động thương mại tổng hợp, việc nhập khẩu của thuộc địa mới của Pháp phần lớn là do các thương nhân Singapore tài trợ; và một số tàu thuyền qua lại giữa các cảng của Pháp và Singapore là do thương nhân người Hoa ở eo biển Malacca sở hữu. Đặc biệt, Singapore đã xử lý một phần đáng kể lượng gạo xuất khẩu của Sài Gòn, một phần lớn trong số đó được tái xuất khẩu sang các nước lân cận.
Thông qua nghiên cứu trên, ta thấy dải đất phương Đông này đã có sự liên kết chặt chẽ thông qua thương mại, văn hóa… giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia, để cùng phát triển và tồn tại trong tiến trình lịch sử nhân loại. Mối quan hệ giữa Đông Dương và thế giới Mã Lai không chỉ chứng minh quan hệ ngoại giao truyền thống giữa Việt Nam và Malaysia mà còn là minh chứng cho sự kết nối lâu bền giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, cũng là minh chứng cho tính chất vừa thống nhất vừa đa dạng của khu vực ASEAN. Dựa trên nền tảng hợp tác cơ bản của khu vực Đông Nam Á, một ASEAN đã được hình thành tạo ra tiếng ra chung để cùng nhau phát triển, cùng nhau giải quyết những mối đe dọa đến an ninh và ổn định của khu vực. Đây là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, và có tính chất then chốt để tạo ra một Đông Nam Á hòa bình, thịnh vượng.■
(Hết)
Bài: Nguyễn Thế Anh; Dịch: Khánh Linh
(Theo Tạp chí Phương Đông)