Dưới triều đại của Vua Thành Thái, triều đình An Nam đã có được một nền quân chủ tuyệt đối, nơi Hoàng đế không chỉ là người đứng đầu quốc gia mà còn là biểu tượng tôn giáo, đạo đức và pháp lý tối cao. Quyền lực Hoàng đế không bị giới hạn bởi quy định của triều đình, mà chịu sự điều phối tinh tế từ triết lý Khổng Tử và truyền thống dân tộc. Trong xã hội An Nam, từ những quy định nghiêm ngặt trong cung đình cho đến quản lý nông nghiệp, tất cả đều phản ánh sự thống nhất giữa đạo lý và quyền lực. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc những tìm hiểu của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier trong Chương 3 quyển Annam d’autrefois: Essai sur la constitution de l’Annam avant l’intervention française (An Nam thời xưa: Tiểu luận về thể chế An Nam trước khi Pháp can thiệp) về vấn đề này.
*
Hôm nay, tất cả các nước Viễn Đông đều đang ăn mừng lễ hội[1], từ vương quốc Mặt Trời mọc (Nhật Bản), vùng đất yên bình phía Nam (An Nam), đến đất nước của “buổi sáng thanh bình” (Hàn Quốc), và cả trên Thiên đình, mọi người đều vui mừng.
Tiếng pháo chói tai đánh thức toàn thế giới. Mỗi người dân trồng những cột hoa trước cửa nhà và dán các câu đối viết trên giấy đỏ với nét chữ đẹp đẽ lên nhà mình. Bàn thờ tổ tiên đầy ắp lễ vật. Đêm qua mọi người đã tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị cho ngày trọng đại này.
Hôm nay là ngày mùng 1 âm lịch; ngày đầu năm mới của châu Á. Đối với những người không biết nghỉ ngơi ngày Chủ nhật này, dịp Tết; khi mọi công việc đều dừng lại, dịp các quan lại tự mình cất chiếc ấn quyền lực trong những chiếc hộp sơn mài mà họ để lại ở kinh thành; đã trở thành một lễ hội chính trị và tôn giáo thực sự.
Trong 8 ngày, cuộc sống của các quốc gia này sẽ chỉ dành cho nghi lễ và những cuộc vui chung hoặc riêng. Những người nghèo nhất cũng cố gắng phi thường để có thể đốt một chuỗi pháo đỏ mừng năm mới.
Hôm nay, người dân An Nam ăn mừng ngày đầu tiên của của năm “Giáp Ngọ” và là năm thứ 17 Vua Thành Thái, hoàng đế của họ.
Nhân dịp này, cho phép tôi nói rằng, mỗi ngày, chúng ta biết rõ hơn về phong tục và tôn giáo của đất nước này; rằng, mặc dù là những kẻ chinh phục, chúng ta biết cách hiểu các giáo lý đáng ngưỡng mộ của họ, cũng như biết cách tôn trọng thể chế của họ; và do đó, trong năm mới này chúng tôi mong muốn gửi lời chúc chân thành, là từng chút một, theo thời gian và thiện chí bình đẳng, người da vàng ở Viễn Đông và người da trắng ở Viễn Tây học hỏi, dần hiểu nhau hơn, quý trọng lẫn nhau một cách xứng đáng nhất với phẩm hạnh của mỗi dân tộc
Bên trên các tổ chức tư nhân như gia đình và các tổ chức công cộng như công xã là quyền lực trung ương được xác định theo Hoàng đế và những người đại diện của ông. Đứng đầu một chế độ quân chủ thuần túy và tuyệt đối, không có tầng lớp quý tộc nào ngăn cách Hoàng đế với thần dân của mình. Những người trung gian là các quan lại đến từ chính người dân, và con cháu của họ sẽ quay về là dân thường nếu họ không thể vươn lên nhờ công lao hay phấn đấu làm quan. Bản thân các nho sĩ không tạo thành một giai cấp. Mặc dù nho sĩ có sức ảnh hưởng lớn, họ chỉ đại diện cho tầng lớp thượng lưu trong dân chúng mà từ đó tương lai được tuyển chọn làm quan thông qua thi cử.
Quyền lực tuyệt đối này, chế độ chuyên chế này không được quy định bởi bất kỳ hiến pháp thành văn nào. Nó chỉ tìm thấy những giới hạn, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong học thuyết của Khổng Tử, vốn xoay quanh đạo đức vị lợi. Thông qua việc nghiên cứu học thuyết này, chúng ta có thể giải thích và hiểu được sự trái ngược rõ ràng giữa việc tập trung hóa, thống nhất hành động của các cơ quan được giao phó cho quan lại với các quyền tự do chung và những đặc quyền vô hạn được trao cho người cha trong gia đình.
Khi nghiên cứu những nhân vật chính của chế độ quân chủ An Nam, đôi khi chúng ta thấy có sự hiện diện của những luật lệ hoặc hành động xuất phát từ một quyền lực toàn năng. Điều này có thể khiến chúng ta nghi ngờ về hiệu quả thực tế của những lời răn đáng ngưỡng mộ do các triết gia Trung Quốc quy định và những gì chúng ta đã thấy xã hội và gia đình áp dụng. Nhưng chúng ta đừng vội phán xét chúng bằng lương tâm phương Tây, ta cần có một tâm lý tế nhị hơn. Những gì đôi khi chúng ta hiểu là sự lạm dụng quyền lực kinh khủng hay những quyền lực khủng khiếp xúc phạm phẩm giá con người thì người An Nam chỉ coi đó là một hành động công bằng và bình thường.
Đức Hoàng đế giống một vị Đại giáo chủ, là vị thẩm phán tối cao và thánh thiện, là “cha và mẹ” của thần dân. Thiên tử, bắt nguồn từ sứ mệnh của mình, ông nhân danh toàn thể dân tộc làm lễ tế long trọng tới vị Hoàng đế vĩ đại và tối cao của vạn vật và linh hồn – Thượng đế. Ông đã hoàn thành chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm một cách tỉ mỉ. Một thời gian trước giờ cúng tế trời đất và thành hoàng hoàng gia, được cử hành trong chùa hoặc trên bàn thờ thánh, Vua ra lệnh cho các quan bộ Lễ và quan lại kinh đô chuẩn bị bằng việc ăn chay và kiêng cữ. Thậm chí khá thú vị khi biết rằng, nếu các quan lại trong thời kỳ này không tuân thủ nghiêm ngặt pháp lệnh sẽ bị trừng phạt bằng hình thức đánh trượng.
Thiên tử, Hoàng đế phải chịu trách nhiệm về những bất hạnh có thể ập đến với thần dân của mình. Hoàng đế công khai thú nhận sự bất xứng của mình và tìm cách rút lui và làm lễ thanh tẩy như cách để xoa dịu thần linh. Nhưng đôi khi, trong quá trình lịch sử, chúng ta chứng kiến những vị Hoàng đế có chính quyền độc tài đàn áp dân chúng quá mạnh mẽ. Sau đó, một người can đảm xuất hiện, người dám tuyên bố rằng đấng tối cao đã thất bại trong sứ mệnh của mình, rằng ông ta đã đánh mất sự ủy thác của Thượng đế, và sự phạm thượng này, hành động bất kính đối với chính Thiên tử này được hợp pháp hóa bởi hoàn cảnh. Các vị Vua phải hứng chịu vạ tuyệt thông[2] này của người dân đều chứng kiến triều đại của mình sụp đổ trong các cuộc nổi dậy và nội chiến. Do đó, bằng cách tương tự, Hoàng đế trị vì và bị phế truất. Chủ quyền nhân dân đặt dưới vỏ bọc của thần thánh, việc trả thù và lật đổ triều đại được tiến hành bằng một trò bập bênh chính trị rất phương Đông mang tên lý thuyết về quyền thiêng liêng. Trong thời bình, việc kế vị ngai vàng tuân theo thứ tự ngày sinh; nghĩa là, con cả trong số các con của hoàng hậu, người phụ nữ hạng nhất, là Người kế vị được chỉ định. Nữ nhân không thờ phụng được, không thể lên ngôi; tôn giáo đã áp đặt một luật Salic[3] thực sự, tuy nhiên điều này không ngăn cản việc trao quyền nhiếp chính cho Hoàng hậu.
Sau đây chúng ta sẽ thấy, bằng cách xem xét mặt công lý, Hoàng đế hoàn thành vai trò thẩm phán tối cao của mình như thế nào, và bằng cách áp dụng các luật hành chính, ông xứng đáng với danh hiệu cao đẹp là “cha, mẹ” của thần dân ra sao.
Chắc chắn là người ta thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa để bảo vệ uy tín và sự sống của vị Hoàng đế này. Bộ luật quy định những hình phạt khủng khiếp đối với những kẻ dám phản bội đất nước mình hoặc những kẻ nổi dậy chống lại quyền lực hoàng gia. Làm hại hoàng thân, phá hủy bài vị tổ tiên của Vua, phá hủy chùa chiền, lăng mộ hay cung điện đều là những hành vi phản loạn, mà chánh phạm phải chịu hình phạt tử hình. Nhà lập pháp tàn nhẫn không xử phạt một mình chủ mưu của cuộc tấn công mà tổ tiên, người cha, các con trai, anh em, chú bác và cháu trai của kẻ này, thậm chí cả những người sống cùng hắn đều bị xử trảm. Họ tiêu diệt gia đình, rải xương cốt của tổ tiên những kẻ phạm tội. Còn phụ nữ thì trở thành người hầu cho các quan lại xứng đáng. Tài sản bị nhà nước tịch thu.
Vì vậy phải hết sức liều lĩnh hoặc rất chắc chắn trước sự bất bình của toàn dân mới dám tấn công Hoàng gia và nêu cao thủ đoạn phản nghịch.
Dưới mục “Binh luật”, trong phần dành cho “Hoàng cung”, chúng tôi tìm thấy những hướng dẫn chi tiết và các hình phạt xử phạt liên quan đến việc ngay lập tức bảo vệ người Hoàng gia.
Không được phép vượt qua ngưỡng cửa đền thờ tổ tiên của nhà Vua hoặc cửa lăng Vua mà không có lý do chính đáng. Người ta không thể vượt qua các bức tường của cung điện, và nếu đó là thành viên tùy tùng của Hoàng đế, một tấm bảng bằng gỗ hoặc ngà voi treo trên triều phục là dấu hiệu để phân biệt. Ngay cả những quan lại của các bộ đi làm vào lúc 5 giờ sáng cũng chính thức bị cấm đi qua một số cửa mà chỉ dành riêng cho Hoàng đế.
Những chỉ dẫn nghiêm khắc liên quan đến đoàn hộ tống Hoàng gia, lính canh cung điện, quy định từng chi tiết nhỏ nhất. Con đường dành riêng cho vua vào trong điện, mở từ cửa trung tâm ra cầu ngoài; chỉ được dùng bởi Hoàng đế, và khi nhà Vua rời đi trước thì đám binh lính và vệ sĩ của ông hành quân thành hai hàng, bất kỳ ai cũng bị cấm vào các khoảng thời gian quy định và bị trừng phạt treo cổ nếu vi phạm. Khi gặp đám rước hoàng gia, chúng ta phải quỳ và cúi đầu mà không được nhìn.
Những điều khoản này, những biện pháp phòng ngừa chi tiết này được lặp lại dưới những tựa đề sau đây của Bộ luật:
Phàm những kẻ tự tiện vào bên trong cửa cung điện;
Quân túc vệ và thủ vệ các cổng thành;
Các cung điện của nhà Vua;
Nhắm vào cung điện mà bắn tên[4].
Và chúng ta sẽ thấy rằng được truyền gọi vào cung không phải lúc nào cũng dễ chịu. Nếu công việc buộc các quan lại phải nhờ đến người thợ thì những người làm đó không được phép quên rằng mình chỉ được ở trong cung đến khi hoàn thành công việc. Nếu đến giờ về họ không có mặt ở cổng mà vẫn ở trong thành thì không thể chấp nhận được. Những nghệ nhân quá chú tâm vào công việc và không rời khỏi hoàng cung đúng giờ sẽ bị kết án treo cổ.
Những người làm trong cung, thái giám, người hầu hay quan lại cấp thấp cũng không nằm ngoài những quy định hà khắc này và bộ luật trừng phạt họ với những lý do như “không rời khỏi cung khi cần thiết” hoặc khi vào cung dù “không có quyền làm vậy”.
Ngự trù và thái y phải chịu trách nhiệm về chất lượng món ăn hoặc thuốc của họ.
Các viên Khâm Thiên Giám cũng không được phép mắc sai lầm về các hiện tượng thiên văn lớn.
Không một thần dân nào được phép gọi tên riêng của Hoàng đế. Kể cả khi ai đó là một nhà sưu tập say mê, sẽ có những bức chân dung các hoàng đế của triều đại trước hay một số con dấu Hoàng gia cổ xưa bằng vàng hoặc ngọc bích mà họ không thể sở hữu, và chỉ có thể có nếu họ được cho phép. Họ cũng không có quyền mặc quần áo màu vàng vì màu vàng là dấu hiệu của quyền lực tối cao.
Bên cạnh những quy định có vẻ trẻ con này đối với chúng ta, tôi tin rằng những người trong số các bạn phải chịu đựng hàng giờ chờ đợi trong hành lang của một bộ nào đó sẽ đánh giá cao giá trị thực sự của chúng đối với những luật kết án chặt đầu quan chức của bộ Lễ cố ý đến muộn trong buổi diện kiến vua hay gây khó khăn cho một vị quan mới không thể triều kiến bày tỏ lòng vui mừng trước Vua[5].
Khi nhà Vua thiết triều và đưa ra một câu hỏi chung, thì chức sắc bậc cao nhất sẽ trả lời trước và tiếp đó là chức sắc bậc thấp hơn: bất cứ ai làm gián đoạn trật tự sẽ bị đình chỉ hoạt động trong một tháng[6].
Nếu các quy tắc xã giao tồn tại trong mọi sự ở An Nam, nếu cả Hoàng đế cũng cư xử như vậy, thì nó đã cho phép toàn dân giữ gìn được sự đoan trang và lịch sự mà người Pháp chúng ta nên đánh giá cao hơn bất kỳ giá trị nào khác.
Không nên nghĩ rằng các Vua chúa An Nam là những ông Vua lười biếng, sống nhàn hạ trong triều đình xa hoa. Trong suốt lịch sử và dù thuộc triều đại nào, công lao của họ cũng rất đáng kể, họ đều hướng tới sự mở rộng và thống nhất của dân tộc An Nam. Họ đã chiến đấu chống lại các cuộc xâm lược từ Trung Quốc với sự kiên trì đáng ngưỡng mộ vô cùng và biết cách đẩy lùi các đợt tấn công trở lại của thế lực này, vốn là đội tiên phong của các dân tộc phương Nam. Họ đã diệt trừ mối đe dọa sự đoàn kết từ nhà nước phong kiến ấy nhờ vào việc lập ra những gia tộc hùng mạnh mơ ước nền độc lập ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Cuối cùng, và là đặc điểm chính của các Hoàng đế: Họ đều là những nhà lập pháp vĩ đại đặt nhu cầu phát triển nông nghiệp của đất nước lên trên hết. Trong những năm dài khi đất nước của họ phải chịu sự lệ thuộc vào người hàng xóm hùng mạnh, họ biết cách tiếp nhận từ Trung Quốc những đạo đức, triết lý, chữ viết và nhiều phong tục. Người dân đã chứng tỏ trí tuệ của mình bằng cách đến Bắc Kinh để tranh tài và giành những vị trí đầu bảng trong các kỳ thi văn chương lớn.
Quay lại không xa hơn năm 1250, chúng ta gặp một vị Vua mang trong mình những đặc điểm đáng chú ý nhất của các Hoàng đế An Nam.
Trước hết, người An Nam là một nhà nông, Vua “Trần Thái Tông” hiểu rằng việc hướng mọi nỗ lực của mình vào việc điều chỉnh một số phong tục ảnh hưởng đến nông nghiệp là một nhu cầu chính trị cần thiết. Sự tồn tại và đời sống sinh hoạt của người dân, sức mạnh của dân tộc cũng như việc củng cố sức mạnh cho tất cả các triều đại về sau đều phụ thuộc vào công cuộc này. Luật pháp tạo điều kiện cho đời sống nông nghiệp phát triển đã trở thành một công cụ hỗ trợ và là phương tiện cai trị đắc lực trong tay các vua An Nam. Vua “Trần Thái Tông” tuy không phải người đầu tiên nghĩ ra các chính sách này nhưng đã làm rõ và vạch rõ đường đi cho nó. Ông đặt ra nguyên tắc phải canh tác tất cả đất đai, ông thành lập Ty khuyến nông chịu trách nhiệm đánh giá mức bồi thường cho những địa chủ bị thu hồi đất để đắp đê và ông thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa kiện tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đất. Mặt khác họ đã xây dựng những con kênh mà ngày nay các kỹ sư của chúng tôi vẫn ngưỡng mộ.
Trong số các vị Vua trước đây, vị Vua vĩ đại nhất là người sáng lập triều đại hiện tại, vị Hoàng đế phi thường “Gia Long”, người sau khi giành lại ngôi vương từ quân Tây Sơn, đã mở một cuộc điều tra rộng lớn để sửa đổi tất cả các loại thuế của đất nước, lập một địa bạ mới, hệ thống hóa tất cả các luật rải rác và phong tục của đất nước trong một quyển duy nhất, xây dựng những công trình vĩ đại ở mọi nơi và những công trình khổng lồ để thúc đẩy tương lai nông nghiệp trải khắp cả nước.■ (còn nữa)
Pierre Pasquier
Lê Hằng Nga (dịch)
Chú thích:
[1] Chương này được trình bày trong một buổi hội thảo vào ngày 25/1/1906, tương ứng với ngày mùng 1 Tết Âm lịch
[2] Theo Công giáo, vạ tuyệt thông là một hình phạt nhằm loại bỏ một cá nhân khỏi cộng đồng Giáo hội và cấm họ tham gia vào các nghi thức thánh, như tham dự Thánh Lễ hoặc nhận các bí tích. Vạ tuyệt thông được áp dụng khi một cá nhân phạm phải các tội nghiêm trọng chống lại giáo luật hoặc giáo lý, chẳng hạn như bội giáo, lạc giáo, hoặc phạm các hành vi gây thiệt hại lớn cho Giáo hội. Ở đây có thể hiểu là người dân đã không còn tin tưởng vào nhà vua đang trị vì.
[3] Salic là một bộ luật cổ có nguồn gốc từ người Frank, một trong những bộ tộc Germanic sống ở vùng Gallia (nay là Pháp) vào thời kỳ cuối của Đế chế La Mã và đầu thời Trung Cổ. Một trong những điểm chính của bộ luật này là cấm phụ nữ kế thừa ngai vàng.
[4] Tham khảo điều 166, 167, 172, 174, 179, mục A, Binh luật, Hoàng Việt Luật Lệ
[5] Tham khảo điều 152, mục B, luật Lễ, Hoàng Việt Luật Lệ
[6] Tham khảo điều 151, mục B, luật Lễ, Hoàng Việt Luật Lệ