Ở triều đình Việt Nam thời xưa, quyền lực và nghi thức Hoàng gia không chỉ là biểu tượng của uy quyền mà còn là yếu tố định hình nền văn hóa và tư tưởng của quốc gia. Từ việc lựa chọn người kế vị, lễ đăng quang cho đến cách thức nhà vua cai trị và sinh hoạt hàng ngày, tất cả đều được thực hiện theo những nghi thức có từ ngàn xưa. Hình ảnh về một triều đình hoành tráng, nơi quan lại và người dân một lòng phụng sự, đã tạo nên một bức tranh sống động về xã hội phong kiến Á Đông. Tiếp nối kỳ trước, Tạp chí Phương Đông trân trọng mời độc giả tìm hiểu góc nhìn về quyền lực tuyệt đối này qua Chương 3 quyển Annam d’autrefois: Essai sur la constitution de l’Annam avant l’intervention française (An Nam thời xưa: Tiểu luận về thể chế An Nam trước khi Pháp can thiệp) của Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier, Société d’Éditions Geographiques, Maritimes et Coloniales xuất bản năm 1929.
*
Tôi vừa trình bày cho bạn một cách khái quát về vai trò lịch sử của nhà vua. Trước đây tôi đã cố gắng tìm hiểu, theo những quy định đạo đức và pháp luật, những phẩm chất chính của hoàng đế. Cách tốt nhất để tái hiện hình dáng vị hoàng đế xa xôi là trích dẫn những trang từ cuốn Souvenirs d’Annam (Hồi ký An Nam), viết về ngày lên ngôi của vị Vua hiện tại và về cái chết của vị Vua tiền nhiệm bởi một nhân chứng, ông Baille, người Pháp tại Huế, người biết sử dụng những phẩm chất thông minh vượt trội với một tâm hồn quyến rũ để miêu tả những sự việc xảy ra trước mắt mình.
“Vua Đồng Khánh vừa băng hà. Họ đã chọn một người con của Dục Đức làm người kế vị ngôi báu.
Các phái viên đến nhà người mẹ và nói chuyện với bà, yêu cầu bà chỉ cho họ đứa con trai lớn của mình: “Nó đây, bà nói, các ngài muốn gì từ nó?”. “Chính ngài ấy”, họ trả lời, “chúng tôi đến tìm ngài làm Vua An Nam”. Rồi bà bật khóc, bà không muốn đưa con mình đi và cầu xin họ cứu con bà khỏi điều kinh khủng như vậy; nhưng trời đã định, chúng ta phải tuân theo, ngay tối hôm đó đứa trẻ được đưa đến cung điện, trong một căn phòng cách điện đăng quang không xa và ở đó trong thời gian chờ lên ngôi, tại Nội các. “Ta đang ở đâu, các ngươi đưa ta đi đâu?”, ngài nói với người thông ngôn hoàng gia. “Thưa Điện hạ, ngài đang ở trong thư phòng, nơi sẽ là của ngài”. “Vậy được, đưa ta cuốn Luận ngữ của Khổng Tử”.
Vấn đề này mang tính lịch sử, và trên thực tế, đứa trẻ này 10 tuổi đã là một học giả.
Các viên Khâm Thiên Giám sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và quan sát nhiều lần đã nhận ra rằng ngày 01 tháng 2 là một ngày rất thuận lợi, lễ đăng quang đã nhanh chóng được ấn định vào ngày này.
Thái tử, theo nghi thức, hôm trước đã lạy tổ tiên ở điện Cần Chánh và nhận các đồ trang sức Hoàng gia ở đó. Lẽ ra Hoàng tử thậm chí còn phải nhận cái gọi là ấn ngọc “truyền thừa gia tộc”, ngọc tỷ. Nhưng Vua Hàm Nghi đã mang theo ấn ngọc này trong một chuyến đi và thất lạc ở vùng núi Quảng Bình. Thái tử được ban cho tấm ngà voi “lệnh Hoàng gia” để làm giấy thông hành đến nhận kim sách ở điện Cần Chánh.
Cuốn kim sách này, chỉ được mở vào đầu hoặc cuối mỗi đời Vua, được dâng lên vị Vua tương lai. Ký tự viết ở hàng kế vị sẽ là tên riêng của vị Vua.
Việc của tân vương là nhận sắc chiếu (ánh sáng trí tuệ). Các quan Nội các sau đó chọn một số cách diễn đạt văn học nhất định được tạo từ hai chữ, có ý nghĩa thuận lợi và đẹp đẽ nhất. Danh sách này được dâng lên cho vị vua mới chọn tên trị vì của mình. Tên này sau đó được chép vào kim sách và trưng bày trong tất cả các đền thờ của các vị vua trước đây và ở đàn tế Nam Giao (Đàn tế trời).
Vua An Nam chọn tên Thành Thái, mang ý nghĩa là hạnh phúc tuyệt đối và thành công trong tất cả mọi việc”.
Sau đây là lễ đăng quang.
“Các Hoàng thân, trong bộ phẩm phục, xếp hàng ở hai bên điện, tiến lên và đứng trước ngai vàng ở khoảng cách khoảng 15 mét, tiến tới và bắt đầu lạy mừng.
Hầu hết đều già nua, lưng còng vì tuổi tác; năm lần họ quỳ lạy, mặt úp xuống đất và bộ râu trắng quét qua các phiến đá; lần lượt quan Đại thần các bộ tiến tới và thực hiện những động tác quỳ gối giống nhau với vẻ uy nghiêm như nhau. Toàn bộ sân ngoài rộng lớn chứa đầy các quan lại đông đúc. Bên trái là quan cấp trên, bên phải là quan cấp dưới.
Sau đó, một điệp khúc kỳ lạ, một loại bài hát đơn giản trong cổ họng, khi nó tiếp tục, cuối cùng dường như là tiếng vang của chính nó, vang lên từ xa. Đây là tín hiệu. Và đám đông khổng lồ những quan lại này từ từ phủ phục úp mặt xuống đất và đụng đầu vào nền đá. Những tà áo dài nghìn màu uốn cong, trải dài ngập mặt đất với những nếp gấp của chúng.
Đoạn điệp khúc tiếp tục mãi. Khi nó ngừng lại, biển người bất động và tĩnh lặng trong giây lát, rồi lại di chuyển và đám đông đứng dậy. Bài hát lặp lại năm lần với sự đồng nhất đáng lo ngại và kỳ quái, cùng với nó là năm lần lạy bắt đầu.
Mặt trời đang thiêu đốt, tất cả những vầng trán ướt đẫm mồ hôi này vẫn tiếp tục hạ xuống và nhô lên, chỉ để hạ mình xuống vài giây theo lệnh của điệp khúc thiêng liêng, trong sự tôn thờ thầm lặng của họ. Không có cảnh tượng nào lớn hơn và hoành tráng hơn, cũng không có một dàn dựng nào được điều chỉnh tốt hơn để khiến chúng ta hiểu nguyên tắc quân chủ ở phương Đông là gì và nó thống trị đám đông đàn ông đến mức nào”.
Nhà vua cai trị với sự giúp đỡ của các cơ quan tham vấn và điều hành bằng cách sử dụng các Thượng quan của mình.
Có 2 cơ quan tham vấn được đặt gần Hoàng đế. Hội đồng Nhà nước lấy tên là “Cơ Mật”, nơi mọi vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích quốc gia đều được đệ trình.
Hội đồng tối cao này bao gồm bốn viên quan là hai Chánh Nhất phẩm và hai Tòng Nhất phẩm cùng các thư ký, quan lại cấp dưới. Bốn nhân vật cấp cao này, những người chỉ đạo chính phủ trong trường hợp khuyết ngôi báu hoặc khi nhà vua không ở trong cung, là Tứ trụ Triều đình. Các nhiếp chính của quốc gia được chọn từ bốn người này.
Tôi có vinh dự được biết vị quan vĩ đại qua đời ngày hôm nay, Ngài Nguyễn Trọng Hợp.
“Đó là một nhân vật nổi bật. Là nhiếp chính của triều đình An Nam, ông đã từng là kẻ thù của chúng tôi. Một chuyến đi đến Pháp, mà ông đã mang về một bài thơ đầy tính hiếu kỳ, đã củng cố lòng kính trọng của ông và thuyết phục ông rằng việc chiến đấu với chúng tôi là vô ích cũng như lợi ích mà đất nước của ông sẽ nhận được từ sự bảo hộ của chúng tôi”. Kể từ ngày đó, lão nhân phúc hậu này, nếu không phải là một người ủng hộ đấu tranh, thì ít nhất là một người thận trọng, rồi người ta không thể gặp nhân vật cao quý này mà không có sự kính trọng với nỗi u sầu và thanh thản không thể nhìn thấu của ông.
Sau “Cơ Mật” ta sẽ thấy “Nội Các”, đây là trung gian bắt buộc giữa Hoàng đế và các Bộ. Hội đồng này, xem xét tất cả các công việc của Hoàng đế, được chia thành 6 phần tương ứng với 6 bộ. Cuối cùng, chúng ta thấy một nhóm tổng thanh tra luôn sẵn sàng được cử đi làm nhiệm vụ ở các tỉnh.
Ở An Nam không có Bộ trưởng như chúng ta hiểu. Có các Bộ, mỗi Bộ bao gồm một Chủ tịch mà chúng ta gọi là Thượng thư, hai vị Tham tri và hai Thị lang mang chức danh Hữu hoặc Tả, tùy thuộc vào việc họ sống trong ngôi nhà nằm bên phải hay bên trái của phòng Thượng thư. Các quan chức cấp cao này được giúp đỡ bởi các viên chức và đại diện.
Các công việc của Bộ không chỉ do bộ trưởng quyết định giống như chúng ta mà còn phụ thuộc vào hội đồng trong bộ do Thượng thư chủ trì quyết định. Sự bất đồng quan điểm của một thành viên duy nhất trong hội đồng này cũng đủ dẫn đến việc phải trình lên nhà vua trước khi thực thi biện pháp.
6 bộ này gồm:
Bộ Lại nghĩa là Bộ Nội vụ
Bộ Hộ nghĩa là Bộ Tài chính
Bộ Lễ nghĩa là Bộ Nghi lễ
Bộ Hình nghĩa là Bộ Tư pháp
Bộ Binh nghĩa là Bộ Quốc phòng
Và Bộ Công nghĩa là Bộ Công vụ
Đó là tổ chức quyền lực trung tâm, chúng ta sẽ nghiên cứu về thể chế sau, xin nhắc lại một lần nữa rằng nó hoàn toàn dựa trên thể chế quan lại, tức là phân cấp vụ chỉ dựa trên công trạng. Như vậy, giữa những người dân An Nam, không có sự phân biệt xã hội nào khác ngoài sự phân biệt bởi chức năng và kiến thức.
Tuy vậy, Hoàng đế đôi khi khen thưởng một trong những thần dân của mình vì có hành động anh hùng cống hiến hết mình hoặc đã phụng sự một thời gian dài. Anh ta sẽ được phong danh hiệu danh dự, một tước hiệu quý tộc. Hệ thống cấp bậc quý tộc được chia thành 5 cấp. Các cấp bậc quý tộc này không liên quan tới các cấp bậc quan lại, một viên quan rất nhỏ có thể có được tước hiệu cao nhất, trong khi một quý tộc hạng nhất có thể có chức quan thấp hơn.
Nhưng không nên nhầm lẫn, đây không phải vấn đề về giới quý tộc hình thành một đẳng cấp quý tộc. Mong ước của Alphonse Karr trong cuốn sách Les femmes (Phụ nữ) của ông đã được hiện thực hóa ở An Nam.
“Tôi không hoàn toàn phản đối việc kế thừa một phần sự tôn trọng gắn với tên tuổi của người đàn ông nhân hậu và tài giỏi, ông nói. Đôi khi… đó là nghĩa vụ của tước hiệu. Nhưng với tôi, không thể chối cãi rằng đối với giới quý tộc, vì đây còn là cách gọi thể hiện sự tôn trọng, người ta cần tính toán và thực hiện hoàn toàn ngược lại những gì họ làm hiện nay. Đôi khi một vài gia tộc cần giữ thanh danh của họ, theo những quan điểm hiện nay về vấn đề này thì hậu duệ cuối cùng của đại thần còn cao quý hơn nhiều so với tổ tiên vinh quang của họ. Mặc dù sẽ hợp lý hơn nếu coi con trai của đại thần là một nửa phần quý tộc và cháu trai chỉ được coi là một phần nhỏ trong dòng dõi quý tộc, sẽ đến lúc mà thay vì trở thành quý tộc hạng cao nhất, người ta rơi xuống trở thành thường dân vì đã một thời gian dài không có ai là đại thần trong gia tộc của họ”.
Đó là lý thuyết của người An Nam. Ở An Nam, tước hiệu là gia truyền, nhưng sẽ lùi một bậc qua từng thế hệ. Trật tự 5 thứ bậc, coi như ta đang có cấp bậc cao nhất, truyền qua 5 đời phản ánh sự vinh quang của gia tộc.
Như vậy, tước hiệu chỉ đơn giản là sự phân biệt tạm thời, trao cho những đối tượng xứng đáng, giảm dần qua từng thế hệ, không bao gồm bất kỳ đặc quyền chính trị nào, không trao quyền điều hành chính sự quốc gia cho người được ban.
Thông thường, Hoàng đế thưởng cho những người phụng sự tận tụy nhất cũng như đảm bảo việc truy phong thành kính cho họ bằng cách ban thưởng đất đai.
Sau khi quan sát quyền lực trung ương, sẽ rất thú vị khi tìm hiểu tổ chức của triều đình và cuộc sống thường ngày của nhà vua. Tôi mượn từ tác phẩm của Baille những thông tin chi tiết thú vị về đời sống thường nhật của các vị vua xứ Viễn Đông này.
“Hậu cung của Vua có khoảng 100 người, được chia thành 9 bậc với những danh hiệu khác nhau. Họ được trả lương và cung cấp quần áo, nhưng theo cách bất bình đẳng: trong khi những người hạng nhất nhận được 500 quan tiền 1 năm, 250 phương gạo, 10 người hầu thì người ở hạng thứ chín chỉ được 180 quan tiền, 48 phương gạo và 3 người hầu. Tất nhiên là, ngân sách còn cung cấp một lượng nhất định các xấp lụa để may quần áo (48 mảnh cho người phụ nữ hạng nhất).
Nhưng thường là phải đáp ứng được ý muốn và làm Vua hài lòng để nhận thêm những khoản thưởng nhỏ, được ban bằng quà tặng là tiền hoặc hiện vật. Hoàng hậu nhận 1.000 quan tiền và 300 phương gạo, 60 xấp lụa.
Chưa kể đến Thái hậu. Trường hợp này là một mối quan hệ siêu giàu có. Bà nhận 10.000 quan tiền, 1.000 phương gạo, ngoài ra còn những món quà đủ các loại đổ dồn tới cung của bà.
Mỗi ngày, nhà Vua được phục vụ bởi một nhóm phi tần thuộc tất cả các cấp bậc trong cung. 30 người gác quanh phòng ngủ riêng. 5 người trong số đó luôn túc trực, thay phiên nhau, trông coi việc vệ sinh. Họ là người mặc quần áo; chăm sóc và tô điểm cho bộ móng tay dài của nhà Vua, móng tay điển hình của một nhà nho, cũng dài như những ngón tay; xức nước hoa; quấn quanh đầu Vua một dải khăn màu vàng nhạt mỏng mượt, cuối cùng là chăm chút những điều nhỏ nhất. Họ cũng là người phục vụ việc ăn uống. Bệ hạ thường dùng 3 bữa trong ngày: vào lúc 6 giờ sáng, 11 giờ trưa và 5 giờ chiều.
Mỗi bữa ăn của Vua được chuẩn bị từ 50 món ăn khác nhau, do các ngự thiện phụ trách, tổng cộng có 50 người, phục vụ cho nhà bếp của Hoàng gia. Mỗi người trong số họ chuẩn bị món ăn của riêng mình, và khi chuông reo, họ đưa món ăn đó cho các thị vệ, những người này sẽ chuyển nó cho các thái giám. Các thái giám, lần lượt, sẽ chuyển món ăn cho phi tần, và chỉ có các phi tần mới được vinh dự dâng món ăn, khi quỳ gối, lên bàn ăn của Vua. Nhà Vua chỉ nếm qua một số món ăn đó và uống một loại rượu đặc biệt, được làm từ hạt sen và thơm hương từ các loại thảo mộc.
Loại gạo mà nhà Vua ăn, món chính trong chế độ ăn của ngài, khi ngài ăn một mình và không buộc phải ăn theo kiểu châu Âu, phải thật trắng và được lựa chọn từng hạt một. Gạo được nấu trong một nồi đất và nồi này sẽ bị đập bỏ sau mỗi bữa ăn. Chất lượng của đôi đũa Vua dùng cũng không được qua loa. Đũa phải được làm từ ngọn tre mới nhú, “được thay mới hằng ngày”. Đũa bằng ngà voi dường như quá nặng với bàn tay của Vua. Số lượng gạo mà Vua ăn được xác định và cân đo: Vua không bao giờ ăn quá mức đó, và nếu Vua không ăn như thường lệ, nếu cảm thấy không thèm ăn nhiều, ngay lập tức Vua sẽ truyền thái y và yêu cầu họ cung cấp thuốc, mà Vua chỉ uống sau khi các thái y đã nếm thử trước.
Mỗi tỉnh trong cả nước phải gửi đến triều đình những sản phẩm tốt nhất từ vùng đất của mình để phục vụ cho bữa ăn của Vua, một phần trong số đó đến từ thuế nộp bằng sản phẩm. Trước đây, Nam Kỳ gửi gạo Ba Thác, cá đánh bắt từ hồ lớn, tôm khô, măng cụt, nhộng dừa, cá sấu con, vải thiều…”.
(Còn nữa)
Pierre Pasquier
Lê Hằng Nga dịch