Học giả Mỹ đánh giá quan hệ Mỹ - Nhật sau Thế chiến II

Edwin O. Reischauer

Sau Thế chiến II, Mỹ đã nhìn nhận Nhật Bản như là một nhân tố quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Quan điểm của Mỹ về Nhật Bản đã được Giáo sư Edwin O. Reischauer (Đại học Harvard) viết trong cuốn sách Beyond Vietnam: The United States and Asia (tạm dịch: Bên ngoài Việt Nam: Nước Mỹ và Châu Á), xuất bản năm 1968. Những nhận định này được ông viết từ hơn 50 năm trước, nhưng dường như vẫn đúng với những gì đang diễn ra tại nước Nhật ngày nay. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần nói về quan hệ Mỹ – Nhật trong chương 3 của cuốn sách này.

Tàu khu trục USS Shaw của Mỹ nổ tung khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Hawaii) ngày 7/12/1941
Bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima (6/8/1945) phá hủy 70% các công trình của thành phố, khiến xấp xỉ 70.000-80.000 người thiệt mạng và 70.000 người khác bị thương (Ảnh: AFP)

Cuộc tranh luận ở Nhật Bản về ưu và khuyết điểm của Hiệp định An Ninh không phải là điểm rạn nứt duy nhất trong mối quan hệ Mỹ-Nhật. Sự hiện diện của khoảng 40.000 quân nhân Mỹ trong các căn cứ quân sự ở Nhật Bản không thể không gây ra một số lượng lớn các xung đột ở địa phương. Tương tự là vấn đề từ tiếng ồn mà máy bay phản lực Mỹ phát ra ở một đất nước đông dân cư, từ việc mở rộng các đường bay trong một xã hội đang thiếu đất, và từ những vụ rơi máy bay Mỹ xuống các khu dân cư Nhật Bản.

Nghiêm trọng hơn là việc tiếp diễn quyền kiểm soát quân sự trên quần đảo Ryukyu, khu vực mà trước chiến tranh là tỉnh Okinawa, vốn là tên của hòn đảo chính trong quần đảo Ryukyu. Hệ thống căn cứ quân sự Mỹ khắp nơi ở Okinawa, không bị trở ngại bởi giới hạn số lượng căn cứ quân sự ở Nhật nói chung, đã và đang trở thành lực lượng quân sự dự trữ của nước Mỹ trong các hoạt động quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc một chính quyền quân sự nước ngoài kiểm soát 950.000 người Nhật ở Okinawa trong hơn hai thập kỷ hậu chiến là một lý do ngày càng lớn cho sự khó chịu và quan ngại của thậm chí những người Nhật theo phe bảo thủ và cũng đang trở thành một mục tiêu cho sự tấn công của phe đối lập trên chủ đề liên minh Mỹ-Nhật khi mà năm 1970 đang đến gần. Nước Mỹ đã tuyên bố rằng “phần chủ quyền còn lại” ở Okinawa là của nước Nhật, có nghĩa là các quẩn đảo này sẽ “trở về” với nước Nhật khi mà các điều kiện ở vùng Viễn Đông cho phép, tuy nhiên lời hứa này là quá mơ hồ để có thể làm dịu tinh thần dân tộc của người Okinawa nói riêng và người Nhật nói chung.

Các xung đột kinh tế cũng đang dần hiện rõ trong mối quan hệ Mỹ-Nhật trong vòng 15 năm trở lại đây. Các xung đột về việc đánh bắt cá hồi ở Bắc Thái Bình Dương kéo dài dai dẳng, và người Nhật, phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ, cũng đặc biệt nhạy cảm với mọi dấu hiệu của sự cự tuyệt hàng Nhật ở Mỹ. Trái với những lời kêu gọi tự do hóa nhiều hơn thương mại thế giới, nước Mỹ đã áp lên Nhật Bản chính sách được gọi là “giới hạn tự nguyện,” một chính sách giới hạn lượng xuất khẩu của rất nhiều loại hàng, từ sản phẩm dệt may đến găng tay chơi bóng chày, từ Nhật sang Mỹ. Mặt khác, các thương gia Mỹ rất bất mãn với những giới hạn nghiêm ngặt mà chính phủ Nhật đang duy trì dưới dạng này hay dạng khác trên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và với việc đầu tư nước ngoài được mở rộng ở Nhật. Mới gần đây thôi, người Nhật còn nhận thức được sự phụ thuộc kinh tế của họ lên nước Mỹ tới mức họ thường nói rằng, khi New York hắt hơi thì Tokyo sẽ bị viêm phổi. Trong vài năm gần đây, khi mà nền kinh tế Nhật trở nên mạnh mẽ hơn và nước Nhật cảm thấy tự tin hơn, các căng thẳng nói trên đã giảm thiểu đáng kể, tuy nhiên vẫn còn lại một số vấn đề thương mại đang trở thành các tác nhân tiêu cực trong mối quan hệ kinh tế phức tạp giữa hai nước.

Chính sách ngoại giao của Mỹ dành cho Nhật Bản cũng đang trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Trong khi chính phủ Nhật Bản luôn luôn theo sát chính sách của Mỹ về Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc và công nhận chính thức Đài Loan, dư luận Nhật Bản rất nhạy cảm trước mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Người Nhật cảm thấy rằng vì nước Nhật ở rất gần Trung Quốc về mặt địa lý, họ có các mối liên hệ văn hóa với Trung Quốc trong suốt lịch sử của mình, và vì họ cần phải giao thương với tất cả các nước, bao gồm cả người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc, nước Nhật có một động lực lớn hơn nước Mỹ rất nhiều trong việc gây dựng một mối quan hệ đầy đủ và hữu nghị với Bắc Kinh. Cùng lúc, họ cảm thấy rằng, vì Nhật là một liên minh thân cận của nước Mỹ nên sự cứng đầu của nước Mỹ đang cản trở việc xây dựng một mối quan hệ tốt hơn giữa Tokyo và Bắc Kinh. Họ cho đây là một cái giá đắt đỏ mà họ phải trả vì mối quan hệ với nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong thực tế, Nhật Bản có những mối liên hệ quan trọng với Trung Quốc cộng sản. Thực ra, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, và có lẽ có một dòng chảy nhân lực giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vì lý do văn hóa hay thương mại, lớn hơn dòng chảy nhân lực giữa Trung Quốc với tất cả các nước khác. Tokyo không công nhận Bắc Kinh, nhưng đây cơ bản là vì họ công nhận chính phủ của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, vốn có mối quan hệ khăng khít với Nhật Bản, đồng thời là một đối tác thương mại lớn. Nhật Bản không thể làm giống như Pháp là gây sức ép để cắt đứt quan hệ với Đài Loan nhằm công nhận Bắc Kinh, vì mối quan hệ giữa Nhật và Đài Loan, cũng như với Trung Quốc, quan trọng hơn giữa Pháp và hai nước này.

Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và phu nhân Tống Mỹ Linh gặp Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi năm 1957

Người địa phương Đài Loan thể hiện cảm tình với những ông chủ thực dân cũ của họ, điều này khiến người Nhật hài lòng và cũng đáp trả một cách nồng hậu. Người Nhật cũng biết ơn Tưởng Giới Thạch vì ông này đã nhanh chóng gửi binh lính và thường dân Nhật bị mắc kẹt ở Trung Quốc về nước vào cuối chiến tranh, đối lập với việc Liên Xô bỏ tù trong một thời gian dài và đối xử tàn nhẫn với những người Nhật mà họ bắt được. Một số người Nhật cũng trông chờ vào một Đài Loan độc lập khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh vì lợi ích của Nhật Bản. Như vậy sự gắn bó của Nhật ở Đài Loan khiến cho vấn đề Trung Quốc của họ gần như giống với tình thế của nước Mỹ. Dù thế nào thì nước Mỹ cũng đang không cản trở mối quan hệ Nhật-Trung, và sự thiếu sót trong quan hệ giữa hai nước này về cơ bản là vì sự không khoan nhượng của Bắc Kinh và mối quan tâm của Nhật ở Đài Loan. Dù vậy, công chúng Nhật coi mối quan hệ kém tốt đẹp với Trung Quốc cộng sản là lỗi của nước Mỹ và đây là một trong những điểm gây căng thẳng giữa hai nước.

Như chúng ta đã thấy, cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng đã trở thành một điểm gây căng thẳng khác. Ở thời điểm nước Mỹ leo thang cuộc chiến bằng chiến dịch đánh bom miền Bắc vào tháng 2 năm 1965 và tiếp theo đó là gửi thêm sang miền Nam Việt Nam những đội quân lớn, công chúng Nhật đã thể hiện mãnh liệt nỗi lo lắng và thất vọng của họ. Họ cho rằng Washington đang bị lấn át bởi những kẻ quân phiệt không có đầu óc, như Tokyo trong những năm 1930, rằng nước Mỹ sẽ không thể tránh khỏi chiến tranh với Trung Quốc cộng sản, và Nhật cũng sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến vì sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa. Họ cảm thấy rằng nước Mỹ đang khơi mào một cuộc chiến vô vọng chống lại chủ nghĩa quốc gia ở châu Á, như người Nhật đã làm ở Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940. Là một đất nước gần như bị xóa sổ vì bị Mỹ đánh bom hai thập kỷ trước đó, người Nhật cảm thông với dân tộc Việt Nam hơn là với người Mỹ. Sự cảm thông này có lẽ cũng có một nguồn gốc nào đó liên quan đến sắc tộc. Chính phủ Nhật đã luôn bày tỏ “sự thấu hiểu” với chính sách của Mỹ, nhưng trên phương diện sự cảm thông của quần chúng, họ không thể có thêm phát ngôn nào. Từ nửa cuối năm 1965, những cảm xúc về Việt Nam đã dịu bớt hoặc ít nhất đã chững lại vì những dự đoán về một cuộc chiến thảm khốc với Trung Quốc vẫn chưa trở thành hiện thực, nhưng như tôi đã đề cập ở trên, một động thái leo thang đáng kể cuộc chiến ở Việt Nam có thể sẽ phá hủy toàn bộ mối quan hệ Nhật-Mỹ.

Một điểm quan trọng gây căng thẳng khác mang tính khái quát hơn chính là sự khác biệt giữa quy mô của hai nước. Người Mỹ gặp phải vấn đề này ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả với những đồng minh lớn ở châu Âu và người hàng xóm gần nhất là Canada. Nền kinh tế Mỹ mạnh hơn nền kinh tế Nhật tám lần, và sự khác biệt này còn bị thổi phồng lên vì các lý do lịch sử. Nước Mỹ tượng trưng cho nền văn hóa ngoại lai đã phá hủy trạng thái tách biệt “hạnh phúc” của Nhật Bản một thế kỷ trước, và đe dọa biến nước Nhật thành nô dịch về mặt kinh tế, nếu không phải là cả chính trị. Trong cuộc chiến tranh gần nhất, người Mỹ đã đánh bại và tàn phá gần như hoàn toàn nước Nhật, sau đó tiếp tục chiếm đóng ở Nhật và quyết định các chính sách của họ trong vòng 7 năm. Từ đó đến nay, nước Mỹ là “người anh cả” áp đảo của Nhật Bản, phòng vệ cho họ, trở thành thị trường lớn nhất của họ cũng như cung cấp cho họ những mối liên hệ bạn hàng quan trọng nhất, và gây áp lực lên mối quan hệ văn hóa giữa Nhật và thế giới. Sẽ thật dễ để người Mỹ có thể mong muốn có một mối quan hệ trên cơ sở bình đằng với người Nhật, những sẽ khó để người Nhật có thể hoàn toàn cảm thấy bình đằng với người Mỹ. Những vấn đề của thế giới – cũng như của Nhật Bản – có thể dễ dàng bị đổ là lỗi của nước Mỹ. Có khả năng cao là người Nhật luôn thấy bất mãn vì bị đối xử bất công bởi nước Mỹ, và nếu không phải là bất mãn thì là thái độ cảnh giác và nghi ngờ.

Tất cả những điều trên tập hợp lại thành một vận động mang tính bài Mỹ ở Nhật Bản, nhưng chúng ta có thể tìm thấy phản ứng này ở mọi nơi trên thế giới. Đây là cái giá mà nước Mỹ phải trả cho quy mô và tầm quan trọng của họ. Ở Nhật, phản ứng này đặc biệt mang màu sắc văn hóa và lịch sử. Phần lớn giới cánh tả ở Nhật Bản đều có xu hướng bài Mỹ. Trong số những người thuộc thế hệ trước trong giới bảo thủ có thể tìm thấy nhiều người vẫn oán giận Mỹ sâu sắc vì giai đoạn chiếm đóng, vì trong giai đoạn này, nhiều người đã bị tước đi của cải và quyền lực họ đã có trước kia và một số người còn bị bỏ tù vì là những tội nhân chiến tranh. Tuy nhiên sự oán giận vì đã tàn phá Nhật Bản trong chiến tranh, và kể cả việc Mỹ sử dụng bom nguyên tử, lại ít gay gắt một cách đáng ngạc nhiên. Người Nhật chấp nhận rằng họ đã gây ra tội lỗi trong cuộc chiến đó.

Thêm vào đó, dưới bề mặt che phủ bởi chủ nghĩa bài Mỹ là một luồng sóng còn lớn hơn mang tính thân Mỹ. Trên phương diện cá nhân thì phần lớn người dân đều rất thân thiện với người Mỹ. Người ta ngầm khẳng định rằng mọi mặt ở Mỹ đều có tiêu chuẩn cao. Kể cả những người chỉ trích nước Mỹ cũng thấy rằng những lời chỉ trích nhằm vào nước Mỹ có hiệu quả hơn là nhằm vào phe đối lập, vì họ cho rằng người Mỹ biết suy nghĩ và thường cư xử dựa trên các nguyên tắc rõ ràng. Việc đổ lỗi cho nước Mỹ vì mọi vấn đề trên thế giới, nhìn theo cách khác, là một sự ngợi ca tầm quan trọng của nước Mỹ. Ở cấp độ dân chúng thông thường thì xu hướng thân Mỹ là rất mạnh mẽ. Mọi thứ đến từ Mỹ – từ các thiết bị cho đến phong cách sống và các thể chế chính trị – đều được cho là tốt hơn mọi nơi trên thế giới. Những người dân Nhật Bản ca ngời người Mỹ theo cách rõ ràng nhất – họ bắt chước người Mỹ. Các quảng cáo cho thấy việc khẳng định rằng một sản phẩm được ưa chuộng ở New York có hiệu quả hơn khẳng định nó được ưa chuộng ở Paris hay London, không nói đến ở Bắc Kinh hay Mát-xcơ-va.

Vấn đề Quốc phòng

Như chúng ta đã thấy, trong vài năm gần đây, người Nhật đã bắt đầu thử nghiệm tham gia vào công cuộc quốc tế, tìm kiếm một vai trò trên thế giới và đồng thời tìm cách xác định “căn cước dân tộc” của họ. Gần đây nước Nhật bị cuốn vào một cuộc tranh luận lớn – chủ yếu là về chính sách đối ngoại, nhưng cũng là về quốc phòng. Lần đầu tiên sau chiến tranh, những người có thể tranh luận về các chủ đề quân sự được coi là đáng kính trọng về mặt tri thức. Dẫn đầu bởi các học giả trẻ, người Nhật đã bắt đầu xem xét với tư duy phê bình và mang tính xây dựng tất cả những giáo điều của cả cánh hữu và cánh tả, những giáo điều được củng cố vững chắc trong suốt 20 năm vừa qua.

Các sự kiện gần đây ở Trung Quốc cũng đã làm rung chuyển những ấn tượng trước đó về đất nước này. Từ khi lực lượng Cộng sản chiếm được Trung Quốc, đa số người Nhật đã cố gắng để thấy được chỉ những điều tốt đẹp ở cuộc thí nghiệm mang tên chủ nghĩa cộng sản ở nước láng giềng. Đó là vì sự ngưỡng mộ truyền thống mà họ dành cho văn hóa Trung Hoa, sự thiếu tự tin của bản thân dân tộc Nhật Bản, ảnh hưởng mạnh mẽ của các học thuyết Mác-xít ở Nhật, và cảm giác tội lỗi sâu sắc vì Nhật đã làm đảo lộn Trung Quốc trong thế kỷ trước đó. Tuy nhiên, tất cả những sự vô lý của Cách mạng Văn hóa và phong trào Hồng vệ binh đã làm thay đổi tất cả. Các sự kiện này khiến cho người Nhật liên tưởng đến sự quá đáng trong giai đoạn quân phiệt của chính họ, và thể hiện rằng Trung Quốc lạc hậu hơn Nhật Bản rất nhiều.

Sự cực đoan của Cách mạng Văn hóa đã khiến Nhật thay đổi thái độ đối với Trung Quốc

Trong khi thái độ của người Nhật với Trung Quốc, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, là mâu thuẫn và không rõ ràng, đa số người Nhật đồng ý rằng nước Nhật cần phải tăng lượng viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho các nước kém phát triển hơn, đặc biệt là các nước ở Đông và Đông Nam Á, mặc dù làm thế nào và ở nhịp độ nào vẫn còn là những câu hỏi cần thảo luận. Một vấn đề thảo luận gây tranh cãi hơn liên quan đến những yêu cầu quốc phòng của Nhật, tương lai của mối quan hệ đồng minh với Mỹ, và cán cân quan hệ giữa Nhật Bản với các nền dân chủ phương Tây và các nước cộng sản lớn.

Phần lớn người Nhật nhận ra rằng các lợi ích quốc tế quan trọng nhất nằm ở mối quan hệ với nước Mỹ và các nước phát triển còn lại ở phương Tây. Nước Mỹ, như ta đã thấy, là thị trường cho 30% lượng xuất khẩu cũng như nhập khẩu của Nhật – một con số không hoàn toàn chệch khỏi sự thật là Mỹ kiểm soát gần 1/3 lượng của cải của thế giới. Canada, Úc, và New Zealand chiếm khoảng 12% lượng nhập khẩu của Nhật, và cùng với Tây Âu, chiếm khoảng 18% lượng xuất khẩu. Trái lại, thương mại với tất cả các nước cộng sản, sau một vài năm liên tục tăng trường, chỉ chiếm 6 hoặc 7% thương mại Nhật. Các nước cộng sản về bản chất vốn không phải các nước thương mại lớn – không phải là kiểu đối tác mà Nhật Bản cần vì lý do địa chất tồi tàn của mình. Các mối liên hệ văn hóa và tri thức của Nhật cũng phần lớn là với các nước phương Tây, nhất là nước Mỹ. Phong cách sống hiện đại của họ gần với khối dân chủ ở phương Tây hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Thiếu đi các mối quan hệ thân thiết và gần gũi với các nước này, Nhật Bản sẽ là một đứa trẻ mồ côi cô đơn.

Thập niên 1960 chứng kiến sự bùng nổ kinh tế và thương mại của Nhật Bản với Mỹ và các nước phương Tây

Tuy vậy, những ràng buộc quốc phòng của Nhật với nước Mỹ bị giới cánh tả cho là một lời nguyền, và khiến giới bảo thủ khó chịu về nhiều thứ. Chủ nghĩa trung lập, không vũ trang hay có vũ trang, với một số người, đều có vẻ an toàn hơn là liên hệ đồng minh với bất kỳ quyền lực quân sự nào. Cách tiếp cận của chủ nghĩa de Gaulle cũng thu hút người Nhật như với các dân tộc khác. Sự lệ thuộc quá lớn vào Mỹ làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc, và một số người Nhật tự hỏi liệu họ có phải trở nên hùng mạnh về mặt quân sự để có thể đóng một vai trò đáng kể nào trên thế giới. Thậm chí các loại vũ khí hạt nhân cũng có sức hút riêng, cho dù chỉ vì các mục đích làm tăng thanh thế.

Cuộc tranh luận không thể tránh khỏi tiếp tục xoay quanh những câu hỏi này, đặc biệt là khi chúng ta đang đến gần năm 1970. Tuy nhiên, trong quá trình tranh luận thì một số hoàn cảnh thực tế có lẽ sẽ trở nên rõ ràng với công chúng Nhật hơn là hiện nay. Chính sách trung lập không vũ trang rõ ràng không phải là một chính sách thực tế cho một nước công nghiệp lớn nằm ở vị trí địa lý như Nhật. Chính sách này sẽ khiến của cải của nước Nhật có thể bị đe dọa quân sự bởi gần như bất kỳ nước nào khác – những đe dọa từ vũ khí hạt nhân, rắc rối trên đường vận chuyển, và các vấn đề tương tự. Mặt khác, chính sách trung lập có vũ trang hay chủ nghĩa de Gaulle sẽ là vô cùng đắt đỏ cho một nước với vị thế như Nhật. Thụy Điển, Thụy Sĩ, và Pháp đều đã phải trả giá cho những chính sách tương tự đắt hơn nhiều lần chi phí quân sự trung bình. Thêm vào đó, các nước này có ưu thế nằm ở một khu vực ổn định của thế giới, gần như nằm trọn trong khu vực liên minh phòng thủ NATO, vốn là nguồn chính tạo ra an ninh cho họ, cho dù họ có thừa nhận điều này hay không. Nhật Bản là nước hiện đại duy nhất nằm ở khu vực bất ổn của thế giới.

Hải quân Nhật Bản ngày nay được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới
Lực lượng hải quân và không quân Mỹ – Nhật trong cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Keen Sword 19 vào tháng 10, 11/2018

Một nước Nhật trung lập sẽ phải gánh vác chi phí quân sự lớn hơn rất nhiều lần con số 1,2% GNP mà người Nhật vẫn đang chi trả cho quốc phòng. Con số này là thấp hơn rất nhiều con số 4 đến 6% GNP mà các nước cùng tầm cỡ và mức độ phát triển chi trả – không nói đến 8 đến 10% mà nước Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc cộng sản phải chi trả trung bình. Chủ nghĩa trung lập sẽ ăn mòn sự thịnh vượng của Nhật Bản cũng như thu nhỏ vai trò kinh tế mà nước Nhật có thể có ở châu Á, và chính sách tái vũ trang kế tiếp chính sách này sẽ khiến cho nhiều nước láng giềng quay lưng với Nhật.

Lý do lớn nhất người ta đưa ra để kêu gọi cho chủ nghĩa trung lập ở Nhật là vị thế trung lập sẽ cứu vớt được nước Nhật nếu như chiến tranh nổ ra giữa Mỹ và các cường quốc cộng sản, nhưng lý do này chỉ đúng nếu xem xét một cách hời hợt. Bản thân Trung Quốc chỉ có khả năng tham chiến ở mức độ địa phương, nghĩa là Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng nếu chiến tranh có khả năng mở rộng ra thành một cuộc chiến nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô thì Nhật Bản, với vai trò là một nước thương mại phát triển, sẽ cùng sụp đổ với nền văn minh nhân loại, dù cho họ có là đồng minh của ai đi chăng nữa.

Mặt khác, chủ nghĩa trung lập sẽ lấy đi của nước Nhật tình trạng an ninh mà họ đang có. Phòng thủ chống lại sự xâm lược của nước ngoài là một vấn đề nhỏ. Vồn là một đảo quốc vững vàng, đây là một điểm mạnh của Nhật. Người Nhật cũng có thể tự xây dựng một cái ô hạt nhân để ngăn chặn khả năng hạt nhân có giới hạn của Trung Quốc. Người Nhật đã phát triển sẵn một hệ thống tên lửa cho mục đích này, và họ nắm giữ bí quyết sản xuất cũng như cơ sở công nghiệp để có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Nhưng, xét xu hướng hòa bình mạnh mẽ trong công chúng và nỗi lo sợ đặc biệt của họ về vũ khí hạt nhân, xuất phát từ cuộc đánh bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, liệu một hướng chính sách như vậy là khả dĩ hơn hướng tiếp tục liên minh với nước Mỹ hay không? Dù thế nào thì hướng chính sách này cũng sẽ không giúp được Nhật ngăn chặn nguy cơ tấn công hạt nhân từ Liên Xô. Ta có thể kết luận rằng, với địa hình hẹp như ở Nhật, người Nhật thực sự không có lựa chọn nào tốt hơn cái ô hạt nhân miễn phí từ nước Mỹ.

Tuy nhiên, còn quan trọng hơn bản thân việc xây dựng quốc phòng cho Nhật Bản là vấn đề duy trì sự ổn định ở Đông Á, và bảo đảm an ninh cho các tuyến đường biển. Cả hai vấn đề này đều có ý nghĩa quan trọng sống còn với Nhật Bản. Đây là những lợi ích chính mà nước Nhật có được qua mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Chủ nghĩa trung lập sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động các căn cứ Mỹ ở Nhật và có lẽ ở cả Okinawa. Căn cứ Mỹ ở Okinawa, chưa nói đến hệ thống kiểm soát hành chính Mỹ ở đảo này, sẽ trở nên bất khả thi về mặt chính trị. Mất đi những căn cứ quân sự này sẽ tăng cao chi phí và làm giảm đi sự hiệu quả của các chiến dịch quân sự còn lại của Mỹ ở phía Đông Thái Bình Dương. Cụ thể, nó sẽ khiến cho nước Mỹ mất khả năng duy trì an ninh cho Hàn Quốc và duy trì Hạm đội 7 ở mức hoạt động hiện thời ở Viễn Đông. Tôi cũng tin rằng nó sẽ làm suy yếu sự quyết tâm của nước Mỹ trong việc duy trì một sự hiện diện quân sự ở phía Đông Thái Bình Dương. Chiến tranh Việt Nam đã phần nào tạo ra hiệu quả này. Sự quay lưng của đồng mình quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực và cũng là nước có nhiều lợi ích nhất từ các chính sách quốc phòng Mỹ sẽ là một cú đòn còn lớn hơn. Giá trị tức thời quan trọng duy nhất của sự hiện diện quân sự Mỹ ở Đông Á chính là khả năng bảo vệ Nhật Bản. Nếu như điều này bị xóa bỏ thì công chúng Mỹ có thể sẽ không muốn cố gắng còn nhiều hơn chỉ vì những lợi ích dài hạn chưa chắc chắn.

Căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản
Hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương

Nếu như nước Mỹ từ bỏ vai trò bình ổn của mình, thì chắc chắn bất ổn sẽ gia tăng ở khắp châu Á và theo đó là sự chững lại của tiến trình phát triển kinh tế. Dù tình huống này sẽ là một đòn tấn công vào những kỳ vọng về hòa bình thế giới, nhưng nó sẽ không thực sự ảnh hưởng đến những lợi ích tức thời của nước Mỹ. Trái lại, nó sẽ gây ra những hiệu quả tiêu cực ngay lập tức lên nước Nhật. Gần ¼ sản lượng xuất khẩu của Nhật là đến các nước phi cộng sản ở Đông và Nam Á. Gần một nửa nguồn năng lượng mà Nhật sử dụng – dầu mỏ từ Trung Đông – được chuyển qua Eo biển Malacca. Nếu như Nhật không muốn hợp tác với Mỹ trong những nỗ lực phát triển sự ổn định ở châu Á thì tôi tin rằng người Mỹ sẽ có xu hướng để mặc người Nhật tự đối mặt với các vấn đề này. Việc Mỹ xa lánh khỏi các vùng kém phát triển ở châu Á, điều mà tôi lo rằng sẽ xảy ra như một kết cục của Chiến tranh Việt Nam, sẽ hoàn toàn có khả năng xảy ra, và bên cạnh các nước nằm trong khu vực này, Nhật Bản sẽ là nước bị mất mát nhiều nhất.

Hiệp ước An ninh rõ ràng mang lại những lợi ích lớn lao cho nước Nhật – thậm chí là nhiều hơn những gì nước Mỹ nhận được. Tôi tin rằng sự thật đơn giản này đang ngày càng rõ ràng ở Nhật, khi mà ngày càng nhiều người dần coi đây là “lẽ thường tình.” Tôi không thấy có khả năng lớn nào cho việc Nhật từ bỏ hiệp ước vào năm 1970, dù cho phe cánh tả ắt hẳn sẽ thấy cần phải thể hiện sự phản đối vào thời điểm đó. Tôi dự đoán rằng Hiệp ước An Ninh sẽ được duy trì như hiện trạng vô thời hạn, như đã được kỳ vọng vào năm 1960 khi lần đầu tiên hiệp ước này được thỏa thuận.

Lãnh đạo hai nước Nhật – Mỹ ký Hiệp ước Hợp tác và An ninh tại Washington D.C., năm 1960 (Ảnh: AP)

Tất nhiên, quan hệ quốc phòng thực tế giữa hai nước sẽ tiếp tục thay đổi, như đã từng trong quá khứ. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật sẽ tiếp tục giảm xuống, khi mà nước Nhật chịu trách nhiệm cho phần lớn, nếu không phải là hoàn toàn, trách nhiệm phòng vệ trực tiếp cho các quần đảo cũng như các vùng biển và vùng trời lân cận. Chính phủ Nhật đã đề ra kế hoạch sử dụng 2% GNP vào mục đích quốc phòng, mục tiêu mà tôi cho là khá thực tế nếu như quan hệ đồng minh với Mỹ được tiếp tục.

Okinawa là một vấn đề cấp bách hơn. Căn cứ của Mỹ ở đây là vô cùng quan trọng cho toàn bộ chiến lược quân sự Mỹ ở Đông Á vào thời điểm hiện tại và vì thế cũng có giá trị rất lớn với an ninh của chính Nhật Bản. Một phần lớn kinh tế của quần đảo cũng phụ thuộc vào chi tiêu quốc phòng của Mỹ ở đây. Cùng lúc đó thì những mong muốn mang tính dân tộc của gần một triệu người Nhật sống ở quần đảo Ryukyu và phản ứng của 100 triệu đồng bào của họ ở tổ quốc không thế bị phớt lờ trong thời điểm và thời đại này. Vùng lãnh thổ lâu đời thuộc về Nhật nhưng hiện đang bị Mỹ kiểm soát này quá lớn và không thể tránh khỏi bị cuốn vào những cảm xúc dân tộc sâu sắc và từ đó nghiêng về những giáo điều của cánh tả cũng như chủ nghĩa bài Mỹ. Đây là một vấn đề cần phải được nhanh chóng giải quyết, trước khi cuộc khủng hoảng của năm 1970 thêm dầu vào ngọn lửa đang âm ỉ.

Cần phải tìm được một cách để “trả lại” Okinawa cho Nhật Bản mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những lợi ích an ninh của các Nhật và Mỹ. Dù các căn cứ quân sự lớn ở Okinawa có những ràng buộc sâu sắc với cuộc sống của người dân địa phương, người ta hoàn toàn có thể tìm ra các phương thức để tách biệt các căn cứ này khỏi quyền điều hành chính trị. Sự khác biệt giữa các quyền bị giới hạn phần nào ở các căn cứ Mỹ tại Nhật và các quyền về lý thuyết là không bị giới hạn ở các căn cứ Okinawa thực ra không lớn, đặc biệt là khi ta nhận ra rằng không một chiến dịch quân sự lớn nào của Mỹ ở khu vực Triều Tiên – Trung Quốc – Siberia là khả dĩ nếu thiếu đi sự hỗ trợ, hoặc ít nhất là sự đồng thuận ngầm, của Nhật Bản. Tất nhiên là một thỏa thuận hợp lý nằm đâu đó ở giữa tình trạng của các căn cứ nói chung ở Nhật và các căn cứ ở Okinawa, thỏa thuận sẽ cho phép việc trả lại Okinawa cho Nhật Bản, có thể đạt được trước năm 1970 – hoặc ít nhất là trước thời gian hạn định tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Theo một cách hiểu thì đây là Vấn đề Ưu tiên số 1 trong mối quan hệ Mỹ – Nhật. Cả hai quốc gia đều quá quan trọng cho lợi ích của nhau để cho một vấn đề như vậy đe dọa mối quan hệ của họ.

Thu Uyên dịch

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN