Chiến dịch đột kích của Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh Baghdadi của IS, song cuộc chiến chống tổ chức khủng bố này vẫn còn tiếp tục

Al-Baghdadi từng bị Mỹ treo giải 25 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin giúp bắt sống hoặc tiêu diệt người sáng lập và cầm đầu Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khét tiếng này. Sau nhiều lần bị đồn đoán rằng đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng phải lẩn trốn tại vùng sa mạc Syria sau các cuộc đột kích của liên quân quốc tế, thủ lĩnh tổ chức khủng bố khét tiếng IS Abu Bakr Baghdadi đã chính thức bị tiêu diệt trong một chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Mỹ vào ngày 26/10 vừa qua.

Lầu Năm Góc cũng công bố trên Twitter cảnh quay từ máy bay không người lái ghi lại cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ở phía tây bắc Syria hôm 26/10. Hình ảnh này cho thấy vụ nổ đã phá hủy địa điểm ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, nơi trùm khủng bố IS  Abu Bakr al-Baghdadi ẩn náu. Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cũng đăng tải video trên Twitter những hình ảnh được giải mật từ cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS hôm 26/10 cho thấy các chiến binh gần khu vực này bắt đầu bắn vào máy bay Mỹ trong cuộc đột kích. Trả lời phóng viên, Tướng Frank McKenzie, người đứng đầu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết bốn người đàn ông và hai phụ nữ đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Ngoài ra còn có hai đứa trẻ “dưới 12 tuổi” cũng bị mất mạng khi trùm IS Baghdadi kích nổ áo khoác bom. Tướng McKenzie cho rằng có thể trong trong những giây phút cuối cùng của mình, Baghdadi đã bắn trả từ đường hầm khi chạy thoát thân. Theo Tướng McKenzie, phân tích ADN cho thấy “không còn nghi ngờ gì” người đàn ông bị tiêu diệt hôm 26/10 là Baghdadi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Phó Tổng thống Mike Pence (thứ hai từ trái sang), Bộ Trưởng Quốc phòng Mark Esper (thứ ba từ phải sang) cùng các quan chức tình báo theo dõi cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ vào hang ổ của Baghdadi ngày 26/10/2019

Báo chí Mỹ tường thuật lại rằng: Ngày 26/10, Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng vào khoảng 16h30 giờ miền Đông Mỹ (22h30 giờ Syria) sau khi chơi golf ở Virginia. Vào khoảng 17h, ông có mặt tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng cùng với Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và các quan chức tình báo khác để theo dõi cuộc đột kích kéo dài khoảng hai giờ qua video được truyền trực tiếp khi đặc nhiệm Mỹ vào hang ổ và kết liễu Baghdadi. Sau 17h giờ miền đông Mỹ, 8 trực thăng chở đặc nhiệm Delta cất cánh từ một địa điểm ở Trung Đông đã lao nhanh trong màn đêm 26/10, đưa các đặc nhiệm Mỹ đến khu nhà thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi ẩn náu. Các trực thăng đã bay hơn một giờ trên khu vực có nhiều quốc gia kiểm soát, bao gồm lực lượng Nga và Syria. Trước cuộc đột kích, Mỹ đã xin phép Nga, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ bay qua không phận của họ. Mỹ thông báo trước cho họ rằng Mỹ đang triển khai một chiến dịch nhưng không cho biết chi tiết về nhiệm vụ và mục tiêu.Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết: Các quan chức tình báo Mỹ “xác định” vị trí chính xác của y hai tuần trước: một khu nhà nhỏ ngoài làng Barisha ở Idlib, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 5 km về phía nam. Chiến dịch hôm 26/10 được Tổng thống Trump chấp thuận vào sáng hôm đó, sau khi ông nhận được “thông tin tình báo đáng để hành động”. Thủ lĩnh tối cao của IS tới khu vực bị đột kích ở Idlib trước đó 48 tiếng, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Baghdadi ở cùng vợ và các con trước thời điểm bị tiêu diệt. Idlib là thành trì cuối cùng của phe đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chủ yếu được kiểm soát bởi liên minh phiến quân chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, hàng trăm chiến binh IS được cho là vẫn ở đây.

Ngay trước khi hạ cánh ở khu nhà mục tiêu, lực lượng Mỹ đã hứng chịu hỏa lực. Máy bay Mỹ bắn trả, loại bỏ mối đe dọa trước khi hạ cánh an toàn.

Sau khi trực thăng hạ cánh, đặc nhiệm làm nổ các bức tường của khu nhà để tạo ra lỗ hổng. Họ tránh đi qua cửa chính vì tin rằng nó đã bị đặt bẫy. Lực lượng Mỹ nhanh chóng đưa ra khỏi khu nhà “những người đầu hàng, bị bắn hoặc bị giết”. 11 đứa trẻ được đưa ra, chúng không bị thương và được một bên thứ ba chăm sóc. Lính Mỹ cũng bắt một số chiến binh IS.

Baghdadi chạy trốn xuống đường hầm của khu nhà, đưa theo ba đứa con nhỏ. Lực lượng Mỹ kêu gọi Baghdadi đầu hàng bằng tiếng Arab nhưng ông ta từ chối. Đặc nhiệm Mỹ đã thông hiểu rất chắc cấu trúc ngôi nhà từ trước, ghi nhớ mọi ngóc ngách, nơi ẩn nấp và mọi lối thoát có thể. Biết rằng Baghdadi đang chạy vào ngõ cụt, các đặc nhiệm di chuyển chậm và điều chó nghiệp vụ đuổi theo. Tuyệt vọng khi không còn đường lui, Baghdadi kích hoạt áo đánh bom tự sát, kết liễu đời mình và ba đứa con, khiến đường hầm sụp đổ một phần. Xác tên này bị nát vụn sau vụ nổ nhưng cuộc kiểm tra cho thấy, phần xác chính là của Baghdadi. Không lính Mỹ nào bị thương trong chiến dịch, tuy nhiên, một con chó nghiệp vụ bị thương nghiêm trọng.

Thủ lĩnh tổ chức khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi (Ảnh: AP)

Đến chiều tối 27/10, chiến dịch tái tranh cử của Trump đã sẵn sàng biến cuộc đột kích thành chiến thắng chính trị. Họ gửi văn bản tới những người ủng hộ rằng: “Trump đã đưa thủ lĩnh khủng bố khét tiếng ra trước công lý. Ông đang giữ cho nước Mỹ an toàn”.Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien cho biết thi thể Baghdadi sẽ được “xử lý hợp lý”. Ông để mở khả năng Mỹ sẽ xử lý tương tự cách từng làm với trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011 là thủy táng vì lo ngại ngôi mộ của hắn có thể trở thành địa điểm hành hương cho những kẻ cực đoan và khủng bố. Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, hài cốt của Al-Baghdadi đã được mai táng trên biển theo quy trình phù hợp với luật pháp Mỹ và luật xung đột vũ trang (luật nhân đạo quốc tế). Ông chủ Nhà Trắng còn cho rằng thủ lĩnh tối cao của IS chết như “một kẻ thất phu” khi tự kích nổ áo gắn bom và cho rằng thành tích lần này của Mỹ còn “lớn hơn cả vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden”.

Nhưng liệu sau cái chết của al-Baghdadi, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã được thảnh thơi hay đứng trước thách thức mới?

Tháng 10-2011, Mỹ chính thức liệt al-Baghdadi, người sáng lập và thủ lĩnh hàng đầu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào danh sách những kẻ khủng bố gắt gao nhất thế giới. Không nhiều người hiểu rõ về nhân vật này cùng hành trình gian nan truy nã trùm khủng bố số 1 thế giới. Lần duy nhất al-Baghdadi xuất hiện công khai là tại giáo đường Hồi giáo Grand Nuri ở Mosul, Iraq tháng 7-2014. Phương tiện truyền thông khi đó cho thấy, nhân vật này đã có bài phát biểu rất dài. Tại đó, Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố mình là Caliph Ibrahim, lãnh tụ tinh thần tự xưng của một tôn giáo có 1,6 tỷ tín đồ.

Baghdadi sinh ra ở Diyala hoặc Samarra vào năm 1971, và từng theo học Đại học Hồi giáo ở Baghdad để nghiên cứu văn hóa Hồi giáo và lấy bằng Tiến sĩ luật. Al-Baghdadi làm giáo sĩ trong một nhà thờ Hồi giáo Samarra cho đến khi Mỹ mở cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Một năm sau đó, al-Baghdadi bị bắt trong cuộc nổi dậy của người Sunni chống lại sự chiếm đóng của Mỹ. Sự xâm lược của ngoại bang, cùng với xung đột sắc tộc và sự phân biệt đối xử dưới chế độ của Tổng thống Saddam Hussein đã tạo điều kiện cho một giáo phái IS ra đời với tư tưởng báo thù tàn bạo.

Theo tài liệu công bố năm 2014, al-Baghdadi đã bị giam giữ có lẽ cho đến năm 2009, dưới cái tên Ibrahim Awad Ibrahim Al Badry, ở trại Bucca chuyên giam cầm các lãnh đạo IS và thủ lĩnh thánh chiến tương lai quan trọng khác do Mỹ kiểm soát. Nhà tù dường như đã khiến con người này thay đổi tất cả. Thế giới chỉ biết đến tên tuổi al-Baghdadi khi hắn trở thành thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) ở Iraq, trước đây gọi là al-Qaeda ở Iraq. Nhóm của al-Baghdadi đi vào hoạt động một cách có tổ chức, bao gồm tống tiền người dân địa phương, cướp ngân hàng, mở các cuộc tấn công lớn hơn và cuối cùng tuyên bố xây dựng Vương quốc Hồi giáo. Vào thời điểm đó, người ta cho rằng tuyên bố của IS có vẻ như vô lý bởi không một nhóm nổi dậy nào có thể kiểm soát được lãnh thổ đầy hỗn loạn như Syria. Nhưng IS đã thắng thế và ngày càng mở rộng. Thế giới phải đối mặt với một nhóm khủng bố ngày càng manh động và tàn bạo, mà chính sự tàn ác ấy lại là “chất xúc tác” khiến IS ngày càng tập hợp được những phần tử thánh chiến khát máu và cực đoan.

Không còn xuất hiện công khai kể từ sau lần duy nhất ở Mosul năm 2014, thủ lĩnh đầu sỏ Baghdadi không chỉ đạo hoạt động cụ thể mà cho phép mình trở thành nhà dẫn dắt tâm linh bao trùm tư tưởng thánh chiến lan truyền như virus trên Internet. Đó là thứ thu hút những người đàn ông trẻ và loạn trí ở những miền đất xa xôi như Libya, Brussels và Paris mạnh mẽ đến mức họ sẵn sàng cướp đi mạng sống của người khác và cả của mình chỉ để tỏ lòng trung thành với nó.

Là trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Baghdadi được cho là luôn giữ bí mật ngay cả với những người ủng hộ mình. Suốt từ lần xuất hiện công khai duy nhất tại Mosul, Iraq vào tháng 7-2014, Baghdadi “bặt vô âm tín” đến mức giới tình báo gọi hắn là “bóng ma”, là “lãnh tụ vô hình”. Theo một số nguồn tin chưa được chứng thực, Baghdadi đeo mặt nạ ngay cả khi gặp mặt các chỉ huy của mình. Hắn ta được cho là đã sử dụng nhiều biện pháp để tránh sự giám sát, không bao giờ sử dụng điện thoại di động, thường xuyên thay đổi nhà an toàn và tránh đi lại trong các đoàn xe có thể thu hút sự chú ý.

Mặc dù hành tung bí ẩn như vậy nhưng al-Baghdadi vẫn lọt vào tầm ngắm của lực lượng tình báo Mỹ và quốc tế. Ít ai có thể đoán rằng hắn ta ở Idlib, miền Bắc Syria vì tỉnh này đang bị lực lượng Nga và Syria bao vây, lại chủ yếu do Hayat Tahrir al-Sham, một nhóm dân quân Hồi giáo đối lập với IS kiểm soát và sẵn sàng săn lùng, hành quyết những người bị nghi là thành viên IS. Một số người đã suy đoán rằng gần đây, Baghdadi “trôi dạt” về Idlib để trốn khỏi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Bắc Syria.

Chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố al Baghdadi được thực hiện sau nhiều năm truy tìm tung tích và nơi ẩn náu của thủ lĩnh IS. Theo CNN, các điệp viên của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) đã định vị được Baghdadi ở phía bắc Syria và chia sẻ thông tin với Lầu Năm Góc.

Một quan chức tình báo Iraq ngày 27-10 nói với Reuters rằng tình báo Iraq cung cấp cho liên minh do Mỹ dẫn đầu tọa độ chính xác của al-Baghdadi, mở đường cho cuộc đột kích. Cơ quan này biết được vị trí của al-Baghdadi từ các tài liệu được tìm thấy tại một địa điểm bí mật ở sa mạc phía Tây Iraq sau khi bắt giữ 2 người, một nam và một nữ “thân cận” với thủ lĩnh IS. Theo các quan chức tình báo Iraq, Muhammad Ali Sajid al-Zobaie – người thân của Baghdadi – cũng là một nhân vật quan trọng trong cuộc săn lùng ông trùm IS.  Muhammad Ali Sajid al-Zobaie đã dẫn họ đến một đường hầm sa mạc ở biên giới giữa Syria và Iraq, bên trong có nhiều vật dụng liên quan đến thủ lĩnh IS như vũ khí, túi y tế, sách tôn giáo và một túi xách nhỏ chứa bản đồ… Một người vợ và một người cháu trai của Baghdadi cũng hợp tác và dẫn quân Iraq và người Kurd đến một khu vực gọi là Jebel al-Druze vào đầu tháng 9-2019, nơi Baghdadi thường xuyên đổi chỗ ở và sống ở một trong rất nhiều ngôi nhà.

Trong khi đó, Polat Can, cố vấn cấp cao của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, nói rằng cuộc đột kích của Mỹ phần lớn là kết quả của công tác tình báo SDF, mặc dù bị gián đoạn bởi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Polat Can viết trên Twitter: “Kể từ ngày 15-5, chúng tôi đã phối hợp cùng CIA để theo dõi al-Baghdadi. Nguồn tin riêng của chúng tôi, người đã có thể tiếp cận al-Baghdadi, đã mang đồ lót của al-Baghdadi để tiến hành xét nghiệm DNA và đảm bảo 100% rằng đối tượng chính al-Baghdadi”. Trong các cuộc phỏng vấn với báo chí Mỹ ngày 28-10, chỉ huy SDF, tướng Mazloum Kobani, cũng đề cập đến một điệp viên của SDF trong vòng thân tín của Baghdadi. Ông Mazloum xác nhận trên truyền hình NBC rằng tình báo của SDF có mặt ở khu nhà Baghdadi khi vụ tấn công bắt đầu. Người này hoạt động với tư cách là cố vấn về an ninh cho thủ lĩnh IS và phản bội Baghdadi nhằm trả thù. Trong bài phát biểu ngày 27-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Nga vì sự hợp tác của họ.

Hồi tháng 3-2019, IS đã chịu đầu hàng tại thành trì cuối cùng của mình tại thành phố Baghouz của Syria. Đó là sự kết thúc của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng, đánh dấu sự suy sụp, không còn khả năng phục hồi của IS. Thất bại đó đã khiến thủ lĩnh tối cao al-Baghdadi xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau 5 năm trong một video. Hành động này được hiểu là nỗ lực củng cố vai trò lãnh đạo của hắn ta trước sự bất đồng trong hàng ngũ và cũng như để chứng minh rằng nhóm tiếp tục tồn tại ngay cả khi không còn lãnh thổ.

Baghdadi không chỉ là một nhà lãnh đạo thánh chiến mà còn là một biểu tượng về tinh thần khi tự nhận là hậu duệ của cháu trai nhà tiên tri Muhammad. Bởi thế, cái chết của nhân vật này cho thấy, những tên trùm khủng bố khát máu và nguy hiểm đến đâu cũng có ngày đền tội và từ giờ, IS cũng không còn lý do “thần bí” gì để tồn tại, chúng cũng giống như các nhóm cực đoan bạo lực khác mà thôi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thủ lĩnh IS chỉ chủ yếu mang tính biểu tượng, vì hắn ta không nắm thực quyền, chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động. Việc loại bỏ al-Baghdadi chắc chắn sẽ khiến IS khó xây dựng lại được thanh thế và thu hút tân binh, nhưng không đủ để chấm dứt một cuộc nổi dậy và ý thức hệ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã sinh ra các nhóm liên kết từ Afghanistan đến Tây Phi. IS có thể sẽ vẫn là trung tâm của phong trào thánh chiến toàn cầu. Tổ chức này phân cấp linh hoạt và quyền hạn phi tập trung nên rất có thể sẽ có thủ lĩnh khác lên thay. Vì thế, thế giới sẽ còn phải nỗ lực nhiều để triệt tiêu và xử lý các phần tử thánh chiến theo IS hiện nay.

Với việc các thành viên chủ chốt của IS bị tiêu diệt, đã xuất hiện nhiều đồn đoán về người kế nhiệm để lãnh đạo tổ chức cực đoan này. Truyền thông phương Tây cho rằng người có thể thay thế al-Baghdadi là Abdullah Qardash, nhân vật phụ trách ban bố quy định, luật lệ của IS.

Chính quyền Mỹ xác định Qardash với cái tên là Amir Muhammad Said Abdal-Rahman al-Mawla. Tên này được cho là quen biết với al-Baghdadi trong ít nhất 15 năm và từng bị giam chung trong nhà tù của Mỹ kiểm soát ở miền nam Iraq.

Chính quyền Mỹ hồi tháng 8 miêu tả al-Mawla là một trong những nhà lý luận cấp cao nhất của tổ chức cực đoan và là người kế nhiệm tiềm năng của thủ lĩnh IS al-Baghdadi, đồng thời treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ al-Mawla.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thông báo người thay thế thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng đã bị tiêu diệt. Tổng thống Trump đã viết trên Twitter ngày 29.10: “Vừa được xác nhận rằng người thay thế số một của Abu Bakr al-Baghdadi đã bị lính Mỹ kết liễu. Khả năng cao (hắn) đã nhận được vị trí thủ lĩnh. Nhưng giờ hắn cũng đã chết”. Tổng thống Trump không công bố danh tính của người bị tiêu diệt nhưng CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói nhiều khả năng đó là phát ngôn viên Abu Hassan al-Muhajir của IS. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ al-Muhajir bị lính Mỹ trừ khử tại khu vực gần thành phố Jarablus, tỉnh Aleppo (Syria). Quan chức này miêu tả al-Muhajir là người phát ngôn và cũng là nhân vật số 2 đứng sau al-Baghdadi.

Mặc dù thủ lĩnh  Baghdadi cùng nhiều nhân vật cầm đầu quan trọng khác của tổ chức IS đã bị tiêu diệt những Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vẫn xác định cuộc chiến chống khủng bố của nhà nước Hồi giáo tự xưng vẫn còn lâu dài./.

Hoàng Ngọc

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN