Bàn về Hậu Brexit

Ngày 17.10.2019, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã thông qua thỏa thuận mới về việc nước Anh rời khỏi khối này (Brexit). Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tuck đánh giá kết quả này là “tích cực”. Thủ tướng Anh Boris Johnson thì khẳng định ông sẽ thuyết phục được Quốc hội Anh chấp nhận và thông qua kết quả này! Tuy nhiên, hai ngày sau đó, ngày 19.10.2019, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu hoãn quyết định về thỏa thuận Brexit mới đạt được và yêu cầu Thủ tướng Boris Johnson đàm phán lại với Liên minh châu Âu để lùi thời hạn Brexit….

               Việc hoãn không thông qua thỏa thuận là một bước thụt lùi, chưa phải là một dấu chấm hết. Tuy nhiên Brexit đang ngày càng trở nên phức tạp. Các phe nhóm tại Hạ viện quá bất đồng và chia rẽ để có thể đạt được sự ủng hộ của đa số cho bất kỳ thỏa thuận nào. Hiện vẫn chưa chắc chắn Brexit sẽ diễn biến theo cách thức nào, khi nào và liệu sẽ có Brexit hay không, khi ngay ngày 19.10.2019 hàng chục nghìn người dân Anh đã đổ xuổng đường biểu tình đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích bối cảnh dẫn Anh đến quyết định Brexit, đâu là mâu thuẫn giữa Anh và Liên minh châu Âu? và cùng bàn về Hậu Brexit và những tác động của nó tới các mối quan hệ kinh tế quốc tế trước mắt và trong tương lai.

       Năm 2013, Cựu Thủ tướng Anh ông David Cameron đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến khả năng Anh sẽ rời khỏi châu Âu (Brexit). Ý tưởng này của phái bảo thủ được đưa ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tụt dốc và khu vực đồng Euro bị khủng hoảng mạnh, mặt khác, Liên minh châu Âu cùng với sự mở rộng của mình cũng trở nên cồng kềnh hơn. Chính trong bối cảnh đó, Brexit được những người ủng hộ đón nhận cuồng nhiệt vì hy vọng Brexit sẽ giúp nước Anh “mở ra một tương lai tươi sáng hơn” và “bản sắc Anh sẽ được củng cố và giữ vững”. Mặt khác, Brexit sẽ giúp “tái cấu trúc lại Châu Âu”, các quốc gia sẽ bảo vệ được đầy đủ chủ quyền của mình. Năm 2016 cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được tiến hành, đa số cử tri Anh đã ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (BREXIT).

          Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu của Anh? Nhìn lại lịch sử quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Anh chúng ta có thể thấy rằng Anh chưa bao giờ coi mình là “một thành viên đầy đủ và thực sự” của tổ chức này. Anh không chấp nhận tham gia vào khu vực đồng tiền chung Châu Âu, không tán thành nguyên tắc về một thị trường đơn nhất châu Âu rộng lớn, cũng như chính sách tự do đi lại trong các nước thành viên. Phái bảo thủ ở  Anh cho rằng Liên minh Châu Âu không có tự do v.v.. và cần phải sửa đổi lại nội dung một số hiệp ước đã ký. Trên thực  tế, tuy là nước thành viên, song, đối với nhiều chính sách và quy định của Liên minh về thương mại, tự do di chuyển, Anh cũng “dành” quyền áp dụng theo cách riêng của mình!! Trong khi nhiều nước thành viên ra sức xây dựng một Liên minh với nhiều thẩm quyền rộng lớn hơn, đoàn kết hơn và gắn bó hơn về mặt luật lệ, môi trường, kể cả chính sách đối ngoại và quốc phòng thì nước Anh không ủng hộ xu thế này. Có thể nói Anh tham gia vào Châu Âu như đi dự một bữa tiệc mà ở đó họ phải được chọn món chứ không bao giờ  sử dụng một “thực đơn chung”! Trong thỏa thuận Brexit cuối năm 2018, điều khoản “chốt chặn” để buộc Anh phải tuân thủ các quy định thuế quan của Liên minh châu Âu thời hậu Brexit cho đến khi hai bên đạt được các thỏa thuận thương mại chính là mâu thuẫn lớn nhất. Ngay khi mới lên cầm quyền, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố loại bỏ kế hoạch này và khẳng định quyết tâm kết thúc quá trình Brexit bằng mọi giá đúng vào ngày 31.10.2019. Trong một quyết định táo bạo, ngày 2.10.2019 vừa qua, ông Johnson đã  đưa ra một đề nghị mới như “một nước cờ quyết định” với trọng tâm đặt vào vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, thiết lập vùng quản lý chung cho toàn bộ đảo Ireland (Tất nhiên cần có sự đồng ý của CH Ireland). Mục đích chính là làm sao đưa nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu mà vẫn độc lập về hải quan, và thuế quan với phần còn lại của Liên minh châu Âu, vẫn bảo đảm không có một điểm kiểm soát nào ở biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland. Thỏa thuận mới ngày 17.10 vừa được Liên minh châu Âu và Anh ký đã không còn điều khoản “chốt chặn”, quy chế hải quan “kép” tại Bắc Ireland sẽ được áp dụng. Tuy nhiên ông đã không thuyết phục được hạ viện Anh thông qua thỏa thuận mới đạt được mà cá nhân ông và cộng sự đã rất tự hào.

Một điều chắc chắn rằng,với Brexit, quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu không thể  là một mối quan hệ tốt đẹp. Việc Anh rời khỏi Liên minh đã phá vỡ các mối liên kết kinh tế, thương mại và chính trị giữa hai bên và tạo một tiền lệ xấu. Theo The UK in a Changing Europe, với kế hoạch mới, dự báo GDP bình quân đầu người của Anh sẽ giảm 6% so với việc nước này vẫn là thành viên Liên minh châu Âu (2.000 bảng) tương đương 2.570 USD. Các rào cản thương mại sẽ khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm hơn. Anh sẽ không được hưởng những ưu đãi chỉ dành cho các nước thành viên của Liên minh về thuế quan, chi phí cho xuất nhập khẩu sẽ tăng. Một khi rời Liên minh Châu Âu, Anh sẽ trở thành một nước bên ngoài, sẽ phải thương lượng để ký lại một hoặc nhiều hiệp định để hiện thực hóa mối quan hệ đối tác trong tương lai với Liên minh châu Âu. Theo một số nhà nghiên cứu độc lập, nếu trong 15 năm tới, Anh vẫn là thành viên của Liên minh châu Âu thì tăng trưởng kinh tế thực tế sẽ khoảng 1,5% năm. Tuy nhiên, nếu rời khỏi Liên minh, tăng trưởng của Anh sẽ giảm 0,4% so với tốc độ tăng trưởng trên. Anh cũng là một trong những nước có lượng đầu tư FDI lớn nhất thế giới mà trong đó 42,6% (đến tháng 1.2018) đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu. Rời khỏi Liên minh châu Âu, sức “hấp dẫn” của Anh đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm sút nhanh chóng, thêm vào đó khả năng sản xuất, dịch vụ, thương mại, tài chính của Anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một tương lai không hề tươi sáng với người dân Anh.

Trong quan hệ quốc tế, Brexit đang và sẽ gây ra sự chia rẽ và xáo trộn. Cùng với quá trình hình thành và thương lượng, Brexit đang thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào dân tộc chủ nghĩa, chống lại sự thống nhất của châu Âu. Với khẩu hiệu “sửa chữa lại những sai lầm của quá khứ”, những cá nhân và tổ chức có xu hướng dân túy ở một số nước như Hà Lan, Đức, Pháp đã ca ngợi Brexit như “là khởi đầu cho sự kết thúc của Liên minh Châu Âu, hy vọng sẽ có sự ra đời của một Châu Âu bao gồm các nhà nước của riêng mình, một Châu Âu hợp tác” (Marine Le Pen – Đảng Dân tộc Pháp – Đảng cực hữu). Chủ tịch đảng Alternative for Germany của Đức đã tuyên bố “những người Anh đã rời bỏ con đường tập thể điên rồ và đã hành động vì nền dân chủ và chủ quyền dân tộc”. Lãnh đạo của Đảng Tự do (PVV) của Hà Lan thì coi Brexit như là khởi đầu của “mùa xuân của những người yêu châu Âu”. Brexit đã kích động được lòng kiêu hãnh thái quá của một bộ phận dân chúng ở Anh và ở châu Âu. Họ coi việc có các đường biên giới chung như “một sự đe dọa” và cần phải thiết lập lại một trật tự mới (Tây Âu sẽ là cốt lõi). Ông Donald Trump đã khẳng định rằng Brexit đánh dấu bước khởi đầu cho một trật tự thế giới mới, dựa trên độc lập và bản sắc của từng quốc gia. “Brexit được xây dựng để chống lại mối đe dọa chung của châu Âu là Bruxelles”. Thêm vào đó là sự xuất hiện của nhiều tổ chức  “Hậu Thực dân” (ủng hộ cho việc Anh quay trở lại thời kỳ thực dân) không chỉ ở riêng nước Anh mà còn ở ngay các nước thuộc địa cũ của Anh. Dư luận chung đang rất lo ngại về xu thế này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg  đã cảnh báo rằng “một châu Âu bị phân cực và chia rẽ sẽ đe dọa lớn đến  an ninh chung châu Âu”, rằng “Brexit đã tạo ra một sự bất ổn về trật tự thế giới và quan hệ quốc tế”.

Một cuộc biểu tình phản đối Brexit

      Anh là nước có nền kinh tế mở rất lớn, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đang và sẽ gây xáo trộn cho nền kinh tế toàn cầu cũng như quan hệ kinh tế thương mại song phương với các nước. Ngay trong tối 17.10.2019, giá vàng trên thế giới đã tăng vụt do lo ngại về Brexit. Chứng khoán Mỹ đi lên ngay sau phiên giao dịch 17.10. Đây là những phản ứng trước mắt cho thấy tác động ngay tức thì của Brexit. Điều này càng chứng minh rằng Brexit không phải là chuyện riêng giữa Anh và Liên minh châu Âu. Nhận định về tác động của sự kiện này đối với trật tự kinh tế thế giới,nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra ba khả năng: Một là khuôn khổ kinh tế xuyên Đại Tây Dương, với quá trình hòa nhập dần dần giữa kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu. Nếu có, quá trình này sẽ là quá trình thành lập các thị trường riêng biệt, tự do hóa, hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, và sẽ bao gồm tất cả các nước châu Âu thành viên Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ý tưởng này đã nhanh chóng bị các thành viên của TABC (Hội đồng kinh doanh Liên Đại Tây Dương), một tổ chức có 70 thành viên là các công ty đa quốc gia Mỹ và châu Âu, bác bỏ. Theo TABC, các quy định của Liên minh châu Âu rất hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, thế giới cần phải có nền kinh tế Liên minh châu Âu riêng biệt để cân bằng và “đối phó” với các nền kinh tế mới nổi. (Ý muốn nói tới Trung Quốc, Braxil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi của khối BRICS). Kịch bản thứ hai là Liên minh kinh tế xuyên Đại Tây Dương chỉ có Anh và Mỹ. Và chính liên minh kinh tế này sẽ cạnh tranh với Liên minh châu Âu (Dưới góc độ nào đó, đây chính là ý tưởng của phái bảo thủ ở Anh từ thế kỷ 19). Nhiều nhà kinh tế nhận xét rằng kịch bản này (Anh- Mỹ) “không phù hợp với chính sách dựa trên quyền sở hữu trí tuệ, tự do cá nhân, các giá trị tinh thần cốt lõi” của các mối quan hệ quốc tế hiện đại và khó thực hiện vì cả Anh Mỹ đều chỉ chú trọng đến lợi ích của mình, ít nhượng bộ. Kịch bản thứ ba đó là phải làm sao tăng thêm sức sống cho Khối thịnh vượng chung và coi nó như là một trong những khu vực  kinh tế năng động trên thế giới. Những người ủng hộ kịch bản này đổ lỗi cho việc gia nhập Liên minh châu Âu đã ngăn cản Anh tham gia vào các sáng kiến nhằm tạo ra một khu vực tự do thương mại của Khối thịnh vượng chung. Những người có tiếng nói mạnh mẽ trong Brexit đã chủ trương xây dựng một môi trường kinh tế chỉ của riêng Khối thịnh vượng chung. Tuy nhiên kịch bản này ngay từ khi mới manh nha đã bị phản đối. 53 thành viên của Khối thịnh vượng  đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị yêu cầu Anh ở lại châu Âu. Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung Patricia Scotland tuyên bố “Khối thịnh vượng chung được thành lập không phải để cạnh tranh với Liên minh châu Âu mà chúng ta là đối tác của nhau”. Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đề nghị rằng hậu Brexit thì quan hệ giữa Úc và Anh phải được xây dựng dựa trên cơ sở “việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước phải được miễn thuế và quota; các quy định của  nước này phải được nước kia công nhận. Những người Úc phải được tự do đi lại và sống ở Anh và cũng như vậy đối với công dân Anh”. Nhiều nước thành viên khác của Khối thịnh vượng chung, đặc biệt là những nước kém phát triển đã rất cảnh giác trước xu thế muốn quay trở lại mối quan hệ thương mại dựa trên nguyên tắc “Ưu tiên Anh trắng” đã tồn tại trong Khối thịnh vượng chung Anh từ trước những năm 1970. Theo họ, trục kinh tế này sẽ gây ra những tác động ảnh hưởng xấu. Những nước này có xu hưởng ủng hộ chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu, không muốn bị đưa vào vòng ngắm của kịch bản Khối thịnh vương chung (Anh) hoặc vào vòng xoáy của thị trường Anh. Trên thực tế, quan hệ giữa Liên minh châu Âu và các nước vùng Caribe, Châu Phi, Thái Bình Dương vẫn phát triển tốt. Trong khi đó, đa số các nước châu Phi lo sợ Brexit sẽ giảm sự trợ giúp hợp tác phát triển của Anh trên thế giới cũng như thương mại song phương. Những người ủng hộ Brexit sẽ không dễ lôi kéo hoặc gây ảnh hưởng với các nước thành viên nhằm mục đích làm sống động lại “khu vực ảnh hưởng của “Anh trắng” tại Khối thịnh vượng chung và trên thế giới.

Với Vương quốc Anh, Brexit thực sự là một cuộc khủng hoảng chính trị, đã và sẽ tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, lòng tin. Chưa khi nào nước Anh bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay. Chính phủ và quốc hội đã luôn luôn bất đồng về những điều khoản trong các thỏa thuận Brexit được ký hồi cuối tháng 11 năm 2018 và 17.10 năm 2019. Bản thân thủ tướng Boris Johnson đã không thành công trong việc thuyết phục những người phản đối kịch bản rời bỏ Liên minh châu Âu không thỏa thuận. Việc ông phải khai trừ 21 hạ nghị sỹ đã ủng hộ Công đảng đã làm Đảng Bảo thủ mất đi đa số tại Hạ viện. Chiến dịch mang tên “Cuộc bỏ phiếu của người dân” đã thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người và buộc chính phủ không thể làm ngơ trước làn sóng phản đối giận dữ đòi xem xét lại Brexit thông qua một trưng cầu dân ý mới.

          Điều rõ ràng là Brexit không chỉ là “ một hiện tượng mang tính đặc trưng Anh”, không chỉ dừng lại ở các cuộc thương lượng kỹ thuật mà nó mang tính chính trị sâu sắc và cho thấy sự phức tạp của các mối quan hệ quốc tế mà ở đó các mưu đồ chính trị và các lợi ích chồng chéo, đan xen nhau. Nó có tác động không nhỏ đến quan hệ quốc tế, trật tự quốc tế và trật tự kinh tế thế giới. Nó đã và đang nhắc nhở chúng ta về sự trỗi dậy của trào lưu dân tộc chủ nghĩa, chống lại toàn cầu hóa và nền dân chủ. Trào lưu này sẽ không chỉ dừng lại ở Anh mà có thể sẽ lây lan như một dịch bệnh sang các nước khác, đặc biệt các nước là thành viên của Liên minh Châu Âu, đe dọa sự thống nhất của châu Âu và sẽ tác động không nhỏ đến bối cảnh địa chính trị thế giới, buộc chúng ta không thể lơ là.

Nguyên Mi

                                                                                 (Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN