Liên hiệp Châu Âu có thể bị chia rẽ khi quan hệ Pháp - Nga có dấu hiệu nồng ấm hơn

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/8 có chuyến thăm Pháp một ngày và hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng cũng như quan hệ song phương Nga – Pháp. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm chính thức tới nước Pháp kể từ khi ông Macron đắc cử tổng thống. Chuyến thăm này diễn ra chỉ ít ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Biarritz, Pháp.Trước đó, hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp đã có các cuộc thảo luận trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản trong tháng 6 vừa qua và bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina tháng 11 năm ngoái.

Dư luận thế giới, nhất là ở Châu Âu đặc biệt quan tâm tới cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp. Hãng thông tấn Nga cho biết: Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp đã tổ chức một cuộc họp lần đầu tiên tại dinh thự mùa hè trong khu nghỉ dưỡng ở miền Nam nước Pháp. Ngoài cuộc gặp mở rộng giữa hai bên, ông Putin và ông Macron sẽ có cuộc gặp hẹp với chương trình nghị sự thảo luận về quan hệ song phương, hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), tình hình ở Ukraine, Syria, Libya, Iran.

Tổng thống Nga Putin hội kiến Tổng thống Pháp Macron

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Tổng thống Pháp Emanuel Macron cần một cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để củng cố vị thế của mình, cả trong nước và quốc tế, sau khi nhà lãnh đạo Pháp đã trải qua một năm khó khăn, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng gây ra bởi phong trào phản kháng của phe “Áo vàng”. Tổng thống Pháp cũng hiểu rằng khi thảo luận về các vấn đề quốc tế, không thể bỏ qua lập trường của Nga.

Giới quan sát châu Âu đang theo dõi rất chặt chẽ các động thái mới trong quan hệ Pháp-Nga, khi có không ít ý kiến cho rằng, giới ngoại giao Pháp đang muốn xích lại gần Nga để tạo nên một đối trọng với Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang dần xa lánh các đồng minh châu Âu, với chính sách ưu tiên quyền lợi nước Mỹ trên hết. Các chuyên gia nhận định, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp sẽ giúp cởi bỏ phần nào những nút thắt, và có thể sẽ tạo những bước tiến khởi sắc trong quan hệ song phương, cũng như giải quyết những vấn đề quốc tế “nóng” hiện nay và tạo ảnh hưởng đến cục diện chính trị-an ninh tại châu Âu. Hai nước cũng đã ký một số thoả thuận quan trọng về hợp tác kinh tế và văn hoá.

Quan hệ giữa Pháp và Nga trong thời gian qua đang có dấu hiệu nồng ấm, từ việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm và làm việc tại Pháp hồi tháng 6/2019 đến việc Pháp ủng hộ Nga quay trở lại Hội đồng châu Âu sau 5 năm Nga bị treo tư cách thành viên vì khủng hoảng Ukraine. Mặt khác, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ 4 ngày trước khi diễn ra Thượng đỉnh G7 tại Pháp cũng được cho là thông điệp cho thấy Pháp có thể có ý định ủng hộ Nga sớm trở lại nhóm này.

Ngày 09/09/2019 vừa qua, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quân Lực Pháp đã đến Matxcơva gặp các đồng nhiệm Nga, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao 2+2 với tên gọi chính thức là Hội đồng hợp tác an ninh Pháp-Nga.

Với Paris, nước Nga của ông Putin là một đối tác chiến lược không thể thiếu trong các vấn đề quốc tế quan trọng. Quan điểm này của Pháp đang gây chia rẽ giới quan sát và các nước thành viên trong Liên Hiệp.

Đây là lần đầu tiên Pháp và Nga nối lại đối thoại sau cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra năm 2014. Mục tiêu chuyến công du Matxcơva lần này của hai bộ trưởng Pháp là tìm kiếm những “điểm chung” mà hai bên có thể hợp tác với nhau trong một loạt các vấn đề quốc tế Ukraina, Syria, Iran hay những thách thức chiến lược, sau việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Thực ra, chiến dịch ngoại giao này của Tổng thống Macron là sự nối tiếp truyền thống ngoại giao của Paris đối với Matxcơva có từ thời Tướng De Gaulle hay thời Tổng thống Mitterrand. Thế nhưng, sáng kiến này của Pháp trong hoàn cảnh hiện nay lại không nằm trong đường lối ngoại giao chung của Liên Hiệp Châu Âu. Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu với Nga tuy chưa bao giờ bị đoạn tuyệt, nhưng đã trở nên căng thẳng kể từ sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hay sau những tiết lộ về các mưu toan gây bất ổn tiến trình bầu cử tại châu Âu.

Việc Pháp chìa bàn tay thân thiện với Nga đã làm cho một số nước thành viên nhất là các nước Đông Âu tỏ ra quan ngại. Nước Đức cho rằng để tái lập quan hệ « nghiêm túc » với Nga, chính quyền Matxcơva phải thay đổi chính sách nhất là về Ukraina.

Do vậy, Berlin chỉ trích Tổng thống Pháp Macron đơn phương hành động và rơi vào bẫy của Tổng thống Nga muốn chia rẽ trục Pháp – Đức, như nhận xét của ông Milan Nic, chuyên gia về Đông Âu và Nga thuộc cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Berlin (DGAP) được báo Le Monde trích dẫn.

Các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, nhìn sự việc với cặp mắt đầy lo ngại. Quan điểm kiến tạo một cơ cấu an ninh mới cho châu Âu mà ông Macron muốn có sự tham gia của Nga lại không tương thích với xu hướng thân Mỹ của Ba Lan, vì chính quyền Vacxava lo ngại sự hồi sinh của những “xu hướng đế chế” và  “những mưu toan thay đổi biên giới châu Âu”.

Thế nhưng, thiện chí nối lại quan hệ của Pháp lại được một số nước như Ý, Hy Lạp hay Phần Lan ủng hộ. Các quốc gia này đều cho rằng Nga là một tác nhân không thể thiếu trong nhiều vấn đề quốc tế lớn. Và điều này cần thiết cho việc bảo đảm an ninh chung của châu Âu.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu trước những làn sóng chỉ trích tuy phải tái khẳng định tầm quan trọng của mối liên kết xuyên Đại Tây Dương, nhưng cũng xem “sáng kiến của Pháp như là cách không để châu Âu bị cô lập” trong bối cảnh chính trường quốc tế có nhiều biến động.

Dư luận quốc tế đặt câu hỏi liệu rằng chính sách  “Xóa toàn bộ cái cũ và làm lại từ đầu” theo kiểu của Tổng thống Macron có thể vận hành được hay không ? Quan hệ Pháp – Nga cũng như là Liên Hiệp Châu Âu với Nga có được cải thiện hay không còn phụ thuộc nhiều vào thái độ và hành động của Tổng thống Nga Putin và chúng ta còn phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình này trong thời gian tới./.

Hoàng Ngọc

Theo Tạp chí Phương Đông

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN