Cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran đã kéo dài nhiều thập kỷ, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo và vụ xâm phạm sứ quán Mỹ ở Iran năm 1979.
Lịch sử quan hệ căng thẳng Mỹ – Iran
Ngày 4 tháng 11 năm 1979, hàng trăm sinh viên Hồi giáo đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Tehran, khởi đầu cho mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước kéo dài cho tới hiện nay. Iran đã bắt giữ hàng chục nhà ngoại giao Mỹ tại Tehran trong suốt thời gian 444 ngày. Hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và Washington đã áp trừng phạt lên Iran sau đó. Từ đó, Mỹ – Iran vẫn coi nhau là “kẻ thù không đội trời chung”.
Quan hệ hai nước nhiều lần căng thẳng trong suốt 4 thập niên sau sự kiện 1979. Năm 1987, Mỹ tham gia vào hàng loạt các cuộc đối đầu với lực lượng Iran. Năm 1988, tàu Hải quân Mỹ Vincennes đã bắn nhầm máy bay của Iran bay trên vùng Vịnh, khiến toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từ năm 1993 tới 2001, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Iran sau khi cáo buộc Tehran đỡ đầu cho khủng bố cũng như theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân. Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt Iran, nhằm ngăn cản các quốc gia khác đầu tư lớn vào Iran.
Dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush từ 2001 tới 2009, vấn đề mâu thuẫn nhất giữa hai nước là chương trình hạt nhân của Iran. Mỹ cáo buộc Iran tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân trong khi phía Tehran khẳng định mục đích chương trình hạt nhân của họ chỉ là năng lượng.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từ năm 2009 tới 2017, mối quan hệ giữa Mỹ – Iran được cải thiện, đặc biệt là sau khi 2 nước ký thỏa thuận hạt nhân. Vào tháng 7 năm 2015, Iran và nhóm cường quốc thế giới, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã đạt được thỏa thuận hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán. Theo thỏa thuận này, các lệnh trừng phạt do Mỹ, Liên minh Châu Âu EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân của nước này. Quan hệ hai nước từ đó có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt.
Căng thẳng gia tăng dưới thời Trump
Đến khi Tổng thổng Donald Trump nắm quyền, quan hệ Mỹ Iran trở nên xấu đi thấy rõ. Trump coi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran của chính quyền Obama là “tệ hại”. Tháng 5 năm 2018, Trump chính thức rút khỏi thỏa thuận và tiến hành chính sách trừng phạt kinh tế nhằm gây “áp lực tối đa” lên Iran.
Trong suốt thời kỳ Trump nắm quyền cho tới gần đây, áp lực mà Mỹ đặt lên Iran hầu như chỉ là kinh tế. Mỹ đã gia cường hàng loạt biện pháp trừng phạt lên hơn 1.000 người, tập đoàn và các công ty liên quan tới Iran nhằm làm tê liệt nền kinh tế quốc gia Trung Đông này.
Các biện pháp trừng phạt gần như bóp nghẹt Iran về kinh tế, thổi bùng biểu tình khắp đất nước để phản đối chính phủ Iran tăng giá nhiên liệu. Lãnh đạo Iran bị tố đàn áp các cuộc biểu tình dẫn tới việc hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị bắt. Ban đầu, Iran đã đáp trả dè dặt trước các động thái gây hấn của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp khiến Iran bị dồn vào thế buộc phải hành động.
Iran kháng cự lại trừng phạt bằng hành động quân sự, để cho thấy nước này không dễ bị bắt nạt. Cụ thể vào tháng 5 năm 2019, Tehran quyết định sử dụng vũ lực. Đầu tiên là các cuộc tấn công bằng mìn vào các tàu vận tải biển quốc tế vào tháng 5 và 6. Sau đó Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ. Mỹ không phản ứng trả đũa về quân sự và Iran ngày càng quyết liệt hơn. Từ đầu tháng 10 năm 2019, chính quyền Mỹ thống kê có tới 10 vụ tấn công vào thủ đô Baghdad từ nhóm dân quân Kataib Hezbollah thân Iran. Đến tháng 9, các tên lửa của Iran bắn vào cơ sở dầu mỏ ở Abqaiq của Ả rập Xê út. Các nhóm phiến quân người Shia bắt đầu bắn rocket vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, dẫn đến cái chết của một nhà thầu quân sự Mỹ vào ngày 27 tháng 12 năm 2019. Mỹ cuối cùng đáp trả bằng các cuộc không kích vào một số vị trí của lực lượng phiến quân này ở Iraq và Syria, hai ngày sau cái chết của nhà thầu Mỹ, khiến 25 tay súng dân quân thiệt mạng, 51 người bị thương. Tức giận vì các cuộc không kích của Mỹ, hàng nghìn người biểu tình hôm 31 tháng 12 đã phá tường, xông vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Đỉnh cao của sự việc là cuộc không kích giết chết tướng Soleimani, Tổng thống Trump đã ra lệnh tiến hành vụ không kích nhắm vào Soleimani khi phát hiện ông này đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Baghdad vào rạng sáng ngày 3 tháng 1 năm 2020.
Tại sao Mỹ lại giết chết tướng Iran?
Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Soleimani trong nhiều năm qua liên quan đến âm mưu tấn công người Mỹ ở nhiều quốc gia, bao gồm Iraq, Syria và Lebanon. Mỹ khẳng định Soleimani đã cung cấp vũ khí hiện đại cho Kataib Hezbollah tấn công Mỹ.
Tướng Soleimani cũng là người đóng vai trò trọng yếu trong việc mở rộng ảnh hưởng quân sự của Iran tại Trung Đông, với tư cách là người điều hành các hoạt động bí mật bên ngoài Iran. Ông được coi là người quyền lực thứ hai ở Iran sau lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Tình báo và quân đội Mỹ trong nhiều năm qua đã tăng cường theo dõi Soleimani ở Trung Đông, nhưng chưa hành động do lo ngại căng thẳng gia tăng.
Tuy nhiên, gần đây những cuộc tấn công liên tục do các nhóm phiến quân Iran hậu thuẫn vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông khiến Mỹ cảm thấy ngày càng bất an. Mỹ quyết định hành động để tiêu diệt người mà Mỹ cho là chủ mưu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công kế tiếp nhắm vào Hoa Kỳ. Một lý do nữa là Mỹ gần đây ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Iran đối với giới cầm quyền ở Iraq, trong đó Tướng Soleimani cũng đóng vai trò quan trọng.
Chính vì thế, việc tiêu diệt Tướng Soleimani được cả các thành viên đảng Cộng hòa trong cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ ủng hộ. Phe Cộng hoà cho rằng cái chết của Soleimani đã “gửi thông điệp mạnh mẽ” tới Iran. Chính quyền Mỹ khẳng định Soleimani chủ mưu hành vi khủng bố của Iran trong nhiều thập kỷ, trong đó có cái chết của hàng trăm người Mỹ, nên xứng đáng phải phải trả giá và nước Mỹ đã an toàn hơn sau cái chết của Soleimani.
Tuy vậy, nội bộ Mỹ đang mâu thuẫn nghiêm trọng. Nhiều nghị sĩ Mỹ đặc biệt thuộc phe Dân chủ cho rằng hành động có nguy cơ châm ngòi cho leo thang bạo lực nguy hiểm hơn, thậm chí đến mức không thể cứu vãn. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ trích Trump đã ra lệnh tiến hành vụ không kích mà không “có sự ủy quyền sử dụng vũ lực” chống lại Iran cũng như không tham vấn với quốc hội.
Kịch bản nào tiếp tới cho xung đột Mỹ – Iran
Có thể khẳng định vụ không kích giết chết Soleimani sẽ là mồi lửa châm thùng thuốc súng, bởi nó nhắm vào một trong những quan chức quân sự quan trọng nhất của Iran.
Ngay lập tức, dư luận Iran sục sôi và các quan chức hàng đầu Iran đã kêu gọi báo thù. Các cuộc biểu tình lớn chống Mỹ đã nổ ra ở Tehran cùng với những tuyên bố của người đứng đầu nhà nước Iran Khomeini đuổi Mỹ khỏi Trung Đông. Với bối cảnh lúc này, có thể tiên liệu một số khả năng tiếp theo.
Thứ nhất, gần như chắc chắn, cuộc chiến quy mô nhỏ giữa Iran và Mỹ sẽ nổ ra. Iran sẽ phản công và vấn đề chỉ là tấn công vào đâu và tấn công như thế nào.
Iran chắc chắn sẽ lên nhiều kế hoạch tấn công khác nhau và sử dụng tuỳ thuộc vào phản ứng của Hoa Kỳ.
Iran có đủ tiềm lực để tiến hành nhiều cuộc tấn công tên lửa nhắm vào các căn cứ Mỹ ở Trung Đông, hoặc các hạ tầng dầu mỏ quanh vùng Vịnh. Sự chính xác của cuộc không kích do Iran tiến hành nhắm vào cơ sở dầu Abqaiq là đáng kinh ngạc và không có gì ngạc nhiên nữa nếu Iran lựa chọn hành động quyết liệt hơn bằng cách nã tên lửa vào các mục tiêu Mỹ.
Iran cũng có thể nhắm đến các đại sứ quán Mỹ bằng hình thức tập hợp biểu tình quy mô lớn hoặc thậm chí tấn công thẳng. Tehran cũng có thể tấn công tàu hàng Mỹ ở Vùng Vịnh, cũng như cơ sở hạ tầng của các đồng minh Mỹ như Ả rập Xê út và Israel thông qua nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon hoặc dân quân Palestine.
Cần lưu ý là thông qua nỗ lực của tướng Soleimani, Iran đã xây dựng quan hệ gắn bó với chính phủ Syria và nhiều nhóm vũ trang ở Gaza, Lebanon, Iraq, Yemen. Quy mô của mạng lưới này cho phép Iran có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào ở Trung Đông dựa vào các lực lượng phiến quân được Iran tài trợ. Mỹ chắc chắn sẽ hứng chịu thêm các cuộc tấn công từ các nhóm dân quân người Shia ở Iraq, và lực lượng vũ trang, giới ngoại giao, cũng như dân thường Mỹ sẽ thiệt mạng. Iraq là nơi cuộc không kích của Mỹ diễn ra và do đó là nơi hợp lý nhất để Iran đáp trả tức thời.
Không chỉ ở Iraq, nhóm Hezbollah ở Lebanon có quan hệ mật thiết với Iran khả năng cao sẽ tấn công các mục tiêu Mỹ ở Lebanon. Các nhánh của Hezbollah dầy đặc ở Trung Đông có thể tấn công Mỹ ở bất kì nơi nào trong khu vực.
Nước cờ táo bạo nhất của Iran sẽ là tiến hành một cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ hoặc ám sát một quan chức cấp cao của Mỹ. Việc này sẽ khó xảy ra nhưng Iran cũng đã tuyên bố nếu làm như vậy cũng là một sự trả đũa tương xứng.
Thứ hai, đụng độ chắc chắn sẽ diễn ra, vấn đề là ở quy mô nào, có bùng phát thành cuộc chiến tổng lực mang tính hủy diệt lẫn nhay hay không? Thế giới đang lo ngại sự việc này có thể là “giọt nước tràn ly” làm bùng phát xung đột quân sự tổng lực và trực diện giữa Iran và Mỹ.
Kịch bản này không dễ xảy ra bởi sự phản đối của thế giới và trong nội bộ Hoa Kỳ khiến Tổng thống Trump cũng không dễ đưa ra một quyết định phát động chiến tranh. Hiện, các nước như Nga, Trung Quốc, Iraq và Syria đều lên án hành động của Mỹ. Phương Tây phản ứng dè dặt và khuyến nghị hai bên kìm chế. Trong nội bộ Mỹ, Hạ viện Mỹ sẽ giới thiệu và bỏ phiếu về nghị quyết quyền chiến tranh tuần này nhằm hạn chế hành động quân sự của Trump với Iran. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã yêu cầu Tổng thống không thực hiện thêm hành động thuộc quyền quyết định của quốc hội và các hoạt động quân sự của chính quyền Mỹ liên quan tới Iran phải chấm dứt trong vòng 30 ngày. Hiến pháp Mỹ đã quy định chỉ quốc hội mới có quyền tuyên chiến.
Tuy khó xảy ra nhưng không thể loại trừ khả năng này trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng hiện nay. Chính Trump đã tuyên bố nếu Iran tấn công bất cứ công dân hay tài sản nào của Mỹ, họ sẽ tấn công 52 địa điểm của Iran. Tổng thống Mỹ Trump đã chứng minh nhiều lần ông này không phải là người chỉ nói mà không làm. Trước đó, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei cũng thề sẽ “báo thù” cho tướng Soleimani. Gholamali Abuhamzeh, một chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, cũng tuyên bố nước này đã “xác định 35 mục tiêu Mỹ trong tầm ngắm”, và nếu Mỹ tấn công Iran, nước này sẽ tấn công các đồng minh của Mỹ là Dubai và Israel.
Với tính chất như thế này, bất kỳ một kịch bản nào cũng có thể xảy ra ở Trung Đông. Ngay cả các các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông cũng tỏ ra im lặng một cách bất thường và đều không có bất cứ phát ngôn nào do lo sợ đối đầu quân sự trực tiếp với Iran. Israel cũng phủ nhận mọi sự liên quan tới vụ hạ sát tướng Soleimani để tránh biến Israel thành mục tiêu trả thù của Iran. Các quốc gia đều lo ngại chiến tranh bùng phát trên diện rộng ở Trung Đông sẽ dẫn tới huỷ diệt.
Chắc chắn rằng Trung Đông và cả thế giới sẽ phân cực hơn nữa sau những căng thẳng hiện nay. Phong trào bài Mỹ ở Trung Đông sẽ dâng cao và Trung Đông ngày càng chia rõ thành hai phe: theo Mỹ và chống Mỹ. Cuộc xung đột này cũng sẽ kéo thế giới vào cuộc chiến. Nhiều nước lớn kêu gọi các bên cần kiềm chế; NATO đã họp khẩn cấp rút lực lượng khỏi Iraq, Syria và Li-băng. Mâu thuẫn của các cường quốc với Hoa Kỳ sẽ bị khoét sâu thêm. Các nhà máy lọc dầu của các nước xung quanh vùng Vịnh lo sợ bị tấn công. Kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với giá dầu tăng cao nếu bạo lực bùng phát. Iran cũng chắc chắn rút khỏi mọi thoả ước về hạt nhân, để ngỏ khả năng phải tự phát triển vũ khí này để tự vệ.
Như vậy, tình hình Trung Đông chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp theo hướng gia tăng bạo lực trong năm 2020. Quy mô và chiều hướng của xung đột quân sự sẽ phụ thuộc vào tính toán và mức độ đáp trả của đôi bên. Cuộc xung đột quân sự này có thể kéo dài dai dẳng, ở quy mô cục bộ, nhưng có thể chỉ một tính toán sai lầm hay nước đi cực đoan của một trong hai nước cũng dẫn khu vực và thế giới vào một cuộc chiến đẫm máu.
Nguyễn Văn Hưởng