Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Nguyễn Quang Dy

G-20 được chính thức thành lập từ năm 1999, chiếm 85% nền kinh tế thế giới. G-20 gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) là Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada, sau đó thêm Nga (G-8). Sau này, có thêm 12 nước khác tham gia G-20 là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Argentina,  Brasil, Mexico, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và EU. Vì vậy, cũng có người nói G-20 là kết tinh của hai nhóm G-7 và G-77.

Từ năm 2008, G-20 đồng thuận mở rộng hợp tác về tài chính-tiền tệ và họp theo cơ chế summit. G-20 không có Ban thư ký mà ghế chủ tịch luân phiên hàng năm giữa các thành viên được chọn từ nhóm các nước khu vực khác nhau. Ghế chủ tịch là một phần của nhóm quản trị gồm 3 thành viên luân phiên (gọi là Troika). Chủ tịch đương nhiệm năm 2019 là Nhật (nước chủ nhà) lập ra ban thư ký lâm thời trong nhiệm kỳ của mình để phối hợp công việc và tổ chức các cuộc họp của G-20. Vai trò của Troika nhằm đảm bảo hoạt động liên tục của G-20.

Đúng 11 giờ ngày 28/6/2019, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã khai mạc G-20 Osaka summit 2019, với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới. Khách mời gồm 8 quốc gia (trong đó có Việt Nam), và lãnh đạo của Liên Hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi dự G-20 Thủ tướng Việt Nam nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Abe. Sau khi dự G-20, Tổng thống Trump đến thăm Hàn Quốc và bất ngờ đến khu phi quân sự (Bàn Môn Điếm) gặp ông Kim Jong-un “để chào và bắt tay” mà không cần chuẩn bị trước.

G-20 Osaka Summit và Mỹ-Trung

Trong diễn văn khai mạc G-20 Osaka, Thủ tướng Abe nhấn mạnh 3 vấn đề quan trọng hiện nay là mậu dịch tự do và công bằng (free and fair trade), kinh tế kỹ thuật số (digital economy), và xử lý các vấn đề môi trường một cách sáng tạo. Nhưng đối đầu Mỹ-Trung và khủng hoảng Iran như đám mây đen đang ám ảnh thế giới, nên 3 vấn đề mà ông Abe đặt ra có thể bị lu mờ trước các cuộc gặp tay đôi bên lề G-20 Osaka (như cuộc gặp Trump-Tập).

Hội nghị G-20 Summit tại Osaka 2019 dự kiến kết thúc vào chiều 29/6, thông qua tuyên bố chung, sau đó Thủ tướng Abe với tư cách chủ tọa sẽ chủ trì họp báo để thông báo kết quả. Nhưng cũng giống G-20 Summit tại Buenos Aires 2018, cuộc gặp Trump-Tập (29/6/2019) là sự kiện quan trọng nhất thu hút sự chú ý của dư luận, với thỏa thuận “nối lại đàm phán” (back on track). Theo học giả Cheng Li (Brookings), ông Trump và Tập đều chịu sức ép nên cả hai đều cần có tiến bộ và thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại.

Trong khi ông Trump muốn nhân dịp này ép Trung Quốc tiếp tục đàm phán thương mại như là một “thắng lợi” của Mỹ, thì ông Tập cũng muốn nhân dịp này thuyết phục Mỹ tiếp tục bán linh kiện điện tử (chips) cho Huawei, như một thắng lợi của Trung Quốc. Nói cách khác, tuy đây là trò chơi “vừa đánh vừa đàm”, hai bên đều cần thỏa thuận dù tạm thời, nên chắc không ai ngây thơ (naïve) tin rằng xung đột lợi ích chiến lược Mỹ-Trung đã chấm dứt.

Lập trường hai bên còn rất khác nhau và không có lý do để hai bên thay đổi lập trường vào lúc này. Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc “thành tâm” (sincere) nhưng đàm phán phải “công bằng” (equality) và “tôn trọng lẫn nhau” (mutual respect). Trung Quốc thỏa thuận nhập thêm nhiều hàng Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, và Mỹ thỏa thuận không tăng thêm thuế nhập khẩu (300 tỷ USD) như Trump dọa. Nhưng hai bên không có ngay một văn bản thỏa thuận để ký tại G-20, nên thỏa thuận đàm phán tiếp chỉ là kế hoãn binh (truce) khoảng 2-3 tháng để xoa dịu căng thẳng (cooling-off period). Trong cuộc đàm phán kéo dài 80 phút (29/6) có các cố vấn chủ chốt của Trump như Robert Lighthizer (đại diện thương mại), Mike Pompeo (ngoại trưởng), Steven Mnuchin (bộ trưởng tài chính), Peter Navarro (cố vấn thương mại).

Nhưng Trump có một nhân nhượng đáng kể và bất ngờ là cho phép các công ty công nghệ Mỹ tiếp tục bán linh kiện điện tử (chips) cho tập đoàn Huawei (nếu linh kiện đó không ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia). Trên thực tế, nhân nhượng này đã đảo ngược lệnh cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ (tháng trước) đối với Huawei vì “những hoạt động đe dọa đến an ninh quốc gia”. Nếu cấm vận có hiệu lực, Huawei có thể mất khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong năm nay, và xô đẩy Mỹ-Trung vào một cuộc chiến tranh lạnh mới về công nghệ.

Theo Ely Ratner (CNAS/CFR), “đây là hưu chiến tạm thời…Nó không giải quyết được các vấn đề cơ bản là trung tâm của cuộc tranh chấp”.  Nhiều nghị sỹ của hai đảng đã lên tiếng phản đối quyết định của Trump cho các công ty Mỹ tiếp tục bán chips cho Huawei. TNS Marco Rubio nói: “Nếu Tổng thống Trump đồng ý đảo ngược lệnh trừng phạt Huawei, thì ông ấy mắc sai lầm tai hại” (catastrophic mistake)… Điều này sẽ phương hại đến uy tín của Chính quyền vì đã cảnh báo về mối đe dọa của Huawei…Nay còn ai còn tin họ nữa”.

Quyết định của Trump về Huawei lập tức dẫn đến phản ứng chính trị tại Washington. Theo TNS Charles Schumer (Senate Minority Leader), “Huawei là một trong vài đòn bẩy để Mỹ ép Trung Quốc phải thay đổi hành vi thương mại. Nếu Tổng thống Trump lùi bước (backs off) thì sẽ phương hại lớn đến khả năng làm thay đổi hành vi thương mại của Trung Quốc”. (Trump allows US firms to sell technology to Huawei after G-20 talks with Xi, David Lynch, Damian Paletta, David Nakamura, Simon Denyer, Washington Post, June 29, 2019).

Tại cuộc họp báo (ngày 29/6), khi Trump được hỏi là ông nhận được gì từ Trung Quốc để đánh đổi lại nhân nhượng về Huawei, Trump nói Trung Quốc đồng ý mua thêm nhiều nông sản Mỹ, nhưng không đưa ra con số cụ thể hay cam kết nào của Trung Quốc. Trước đây Trump đã nhiều lần nói như vậy trong khi các trại chủ Mỹ vẫn phàn nàn. Việc Trump thường thay đổi như vậy làm nhiều người Mỹ đặt câu hỏi vậy mục tiêu tối hậu của Mỹ là gì. Theo Aaron Friedberg (Princeton University), “đã có sự điều chỉnh lớn để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng nơi bất ổn nhất chính là Tổng thống, vì Trump thay đổi thất thường (run hot and cold). Câu hỏi đặt ra là Trump quan tâm đến đâu về các vấn đề không phải thương mại”.

Đàm phán thương mại tác động lớn đến kinh tế của cả hai nước và có hệ quả chính trị đối với Trump, nên ông đã chuẩn chi 20 tỷ USD cho các trại chủ nhằm ngăn chặn họ phản ứng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tình hình xuất khẩu thực phẩm của Mỹ đã giảm 7% từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu 2019 đã giảm 20.8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 12.8% tương ứng. Riêng xuất khẩu thịt gà giảm 10% và xuất khẩu đậu tương giảm 32% (từ 15 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD). Nên nhớ đậu tương là sản phẩm chủ yếu của mấy tiểu bang đã ủng hộ Trump (như Iowa, Illinois, Ohio, Nebraska). Chắc Trump lo nếu không ép được Trung Quốc mua đậu tương thì ông sẽ mất nhiều phiếu trong bầu cử sắp tới.

Việc hưu chiến không đánh thuế tiếp để tiếp tục đàm phán là một tiến triển tích cực cho thị trường (trong ngắn hạn), nhưng hưu chiến không có nghĩa là cuộc chiến kết thúc. Thuế nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD vẫn còn nguyên, và hai bên phải đàm phán để thỏa thuận. Nói cách khác, đây chỉ là hưu chiến tạm thời giữa hai siêu cường kinh tế, chứ không phải là giải pháp lâu dài cho cuộc chiến đang làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Trump đã nói với báo chí lúc kết thúc hội nghị G-20 tại Osaka rằng không đánh thuế thêm (new taiffs) nhưng vẫn giữ nguyên thuế cũ (existing duties): “Tôi hứa ít nhất lúc này, chúng ta không bỏ thuế đánh vào hàng Trung Quốc, nhưng chúng ta không đánh thuế thêm (300 tỷ USD). Việc hoãn binh này là kết quả đàm phán 80 phút ngày 29/6, nhằm vạch ra lộ trình đàm phán tiếp. Nó gần giống thỏa thuận Trump-Tập tại G-20 Buenos Aires Summit 2018.

Cũng như Trump, Tập Cận Bình cần hưu chiến để hoãn binh, vì kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Tăng trưởng kinh tế chỉ còn khoảng 6%, chứng khoán sụp đổ và dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc khi dân chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rời Trung Quốc và chuyển sang các nước lân cận (như Ấn độ, Việt Nam, Malaysia). Nạn thất nghiệp và lạm phát là hai vấn đề đau đầu đang gây áp lực chính trị đáng kể cho ông Tập, trong khi vòng vây đang xiết chặt về công nghệ đánh vào Huawei và hàng trăm công ty khác, có thể làm tê liệt sức sản xuất và phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Dư luận cho rằng Trung Quốc đã giành được thắng lợi ngắn hạn (a short-term success) và hai bên đạt được một giải pháp tạm được (second-best solution). Trung Quốc muốn Mỹ bỏ toàn bộ thuế, nhưng lại không muốn cải tổ mô hình kinh tế dựa trên doanh nghiệp nhà nước và bao cấp công nghiệp (industrial subsidies). Trong khi đó, Mỹ muốn duy trì mức thuế (broad tariffs) lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiều tháng hay nhiều năm. Vì vậy, thỏa thuận này không rõ ràng, kết cục không đảm bảo, còn nhiều bất định (uncertainty) nên sự khác biệt có thể làm trật đường ray quá trình đàm phán bất cứ lúc nào (A China US Trade Truce Could Enshrine a Global Economic Shift, Keith Bradsher, New York Times, June 29, 2019).

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN