
Bơi trải là một lễ hội dân gian truyền thống khá phổ biến ở nhiều làng quê Việt Nam, mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Trên dải đất hình chữ S đầy nắng gió, từ Bắc vào Nam, có hàng ngàn những dòng sông lớn nhỏ. Những sông suối ấy không chỉ là nguồn nước ngọt lành tưới mát cho ruộng đồng, nương rẫy thêm xanh, bồi đắp những dải phù sa phì nhiêu màu mỡ mà còn có biết bao cá tôm, sản vật,… nuôi dưỡng con người từ thuở hồng hoang cho tới ngày nay. Cái nôi của văn hóa Việt Nam không đâu khác là lưu vực của các dòng sông lớn, như châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả. Chính vì lẽ đó, tín ngưỡng thờ cúng thủy thần cùng các hoạt động trên sông nước như hội bơi trải, đua ghe đã sớm trở thành một tục lệ quan trọng và phổ biến trong văn hóa lễ hội cũng như trong đời sống tinh thần của nhân dân. Trong bài viết này, xin tập trung giới thiệu về tục bơi trải ở ngã ba Bạch Hạc.
1. Bạch Hạc – ngã ba sông huyền thoại vùng đất Tổ
Từ xưa, ngã ba Bạch Hạc được coi là vùng sông nước hữu tình, mảnh đất linh thiêng, trấn giữ phía đông kinh đô Phong Châu của nhà nước Văn Lang dưới thời đại Hùng Vương. Cũng như vô số những tên làng, tên núi, tên sông trên miền đất Tổ, địa danh ngã ba Bạch Hạc, hay ngã ba Hạc đã trở thành huyền thoại lưu truyền trong cả kí ức dân gian và đi vào lịch sử.
Theo truyền thuyết, vùng đất từ Ngã ba Bạch Hạc tới núi Nghĩa Lĩnh, bao gồm hạ huyện Phong Châu và thành phố Việt Trì ngày nay, xưa kia thuộc bộ Văn Lang, cũng là quốc đô đầu tiên gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Với thế sơn chầu thủy tụ, nơi đây thực sự là mảnh đất linh thiêng, kỳ thú: có núi Hùng là một điểm cao trong số “tam sơn cấm địa” trấn ngự suốt cả vùng; có sông Thao, sông Lô án ngữ hai bên; có ngã ba Hạc trước mắt là chướng ngại thiên nhiên ngăn chặn kẻ địch hành quân bộ từ xa tới.
Bạch Hạc là tên gọi chắc hẳn đã có từ rất lâu đời. Sách Lĩnh Nam Chích quái chép rằng: Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây chiên đàn, rất cao, cành lá rậm rạp, có chim hạc làm tổ ở trên, cho nên gọi đất ấy là Bạch Hạc. Cây đó sống đã lâu, không biết mấy nghìn năm. Trong cuốn“Dư địa chí” được Nguyễn Trãi biên vào thời Hậu Lê, cũng ghi nhận và lí giải về tên gọi của địa danh này: Đất Phong Châu thời cổ, có đàn hạc trắng làm tổ trên cây, nên gọi là Bạch Hạc. Còn trong ký ức dân gian, tên gọi Bạch Hạc được nhắc tới gắn liến với huyền thoại là nơi đất lành chim đậu, dồi dào khí thiêng sông núi. Tương truyền vào buổi đầu dựng nước, Lạc Long Quân từ trên núi Hùng – đỉnh núi cao trấn ngự suốt cả vùng, nhìn về phương Nam thấy ba con sông hợp lưu tạo thành bãi phù sa trù phú, có đàn hạc đậu trắng cả một vùng đẹp tựa tiên nga nên gọi đó là Bạch Hạc. Cũng có truyện kể lại rằng, nơi đây một thời là đất sinh tụ của loài hạc trắng, sớm sớm chúng bay lượn từng đàn rợp trời đi kiếm ăn, chiều chiều chúng tìm về nghỉ ngơi, nhộn nhịp và vui mắt. Nhân đó các cụ gọi đây là đất Tiên Sa và tên gọi Bạch Hạc cũng ra đời từ đấy.
Bạch Hạc là vùng đất ngã ba sông, nơi hợp lưu của ba dòng sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Trước kia, dòng sông Hồng đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì còn được gọi là sông Thao. Từ ngã ba Bạch Hạc bẻ xuống hướng Nam rồi đổ về xuôi, dòng sông mới mang tên gọi sông Hồng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ở mỗi thời kỳ, dòng sông ấy cũng có những tên gọi khác nhau, như sông Diệp Du, sông Mi Linh, sông Nhị, hay nôm na vẫn gọi là sông Cái. Dưới thời Lê mạt – Nguyễn sơ, đoạn sông Hồng chảy qua đất Bạch Hạc còn được gọi là sông Bạch Hạc. Đoạn từ Điệp Thôn (Mê Linh) đến Hải Bối – Đông Anh là sông Tráng Việt. Trên thực tế, tên gọi sông Hồng quen thuộc với ngày nay chỉ có từ cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đến nước ta đã dựa vào màu nước mà đặt tên thống nhất cho cả dải sông dài trên 500km. Sau khi hợp lưu với sông Đà (còn gọi là sông Bờ) ở ngã ba Hồng Đà, sông Hồng chảy thêm khoảng chừng chục cây số nữa thì gặp sông Lô (còn gọi là Thanh giang) tạo nên một vùng ngã ba mênh mông rộng lớn. Nước ba dòng sông Thao, sông Đà, sông Lô và hàng chục sông suối nhỏ trong vùng hòa làm một ở ngã ba Bạch Hạc, gọi tắt là ngã ba Hạc rồi mới đổ về xuôi. Nơi đây đời Lê gọi là Tam Giang Khẩu. Theo nghiên cứu về địa chất học dưới thời Pháp thuộc, ở quãng sông Lô chảy vào sông Hồng có hai ba chỗ sâu tới 30 mét. Thậm chí, trong sách “Địa chí tỉnh Hưng Hóa” (1899) có nêu nhận xét của Sara, một kỹ sư địa chất người Pháp đã phỏng đoán rằng vào một thời kỳ xa xưa, vùng Việt Trì – Bạch Hạc là biển cả. Ngày nay đã bị sa bồi thu hẹp lại nhưng chắc hẳn mặt nước vùng này xưa kia lớn lắm.
Cũng từ điểm giao nhau đặc biệt của tam giang, dòng nước đỏ nặng phù sa từ đồng bằng châu thổ hòa vào dòng thủy lưu xanh biếc từ núi cao đổ xuống tạo thành một màu sắc vô cùng huyền bí. Đúng như những vần thơ, phú của Lục bộ Thượng Thư, tiến sĩ Nguyễn Bá Lân, một người con của quê hương đất Tổ đã từng viết về địa danh cách nơi ông sinh ra và lớn lên chỉ chừng vài cây số:
“Vui thay Ngã Ba Hạc!
Vui thay Ngã Ba Hạc!
Dưới họp một dòng
Trên chia ba ngạc
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào;
Lênh lang dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc”.
Tương truyền vị Thủy thần trấn ngự vùng sông nước ở ngã ba Bạch Hạc là Thần Thổ Lệnh, còn gọi là Tam Giang Bạch Hạc Đại vương, Thánh Tam Giang Bạch Hạc, hay Thánh Hạc. Theo truyện kể, Thần Thổ Lệnh và em trai song sinh là Thạch Khanh vốn đều là những vị tướng tài có công phò tá Thánh Tản Viên dẹp Thục nên được nhân dân thờ tự. Trong một số thần tích cũng ghi lại chuyện đời Đường, khi Lý Thường Minh làm Thứ sử Giao Châu, một hôm nhàn du đến đây ngắm cảnh, nằm mộng thấy từ trên trời bay xuống hai thiên tướng. Hai thiên tướng này là hai anh em ruột: Thổ Lệnh – Thạch Khanh. Lý Thường Minh mời hai vị thi tài, ai hơn sẽ ở lại hưởng hương khói của dân làng Bạch Hạc. Đức Thổ Lệnh Đại vương là anh, bước một bước qua sông và một bước nữa thì lui về chỗ cũ, nên được chọn. Theo lời dân chúng, dấu tích bước chân của ngài còn in lại trên tảng đá với vết chân khổng lồ dài một thước rộng năm tấc. Bước chân bên mé sông Bạch Hạc là chỗ cửa Đình, nơi về sau thường chọn làm điểm xuất phát của tiệc bơi. Phía bên kia sông cũng có một dấu chân như thế nhưng qua thời gian đã bị phù sa che lấp. Còn em của Ngài là Đức Thạch Khanh Đại vương được dân làng Thọ Sơn thờ phụng. Trong suốt gần hai nghìn năm qua, mỗi khi đất nước bị quân ngoại bang xâm chiếm, Thánh Hạc đã nhiều lần hiển linh phù trợ nên được gia phong làm Hộ quốc bảo dân Đại vương và cho trang Bạch Hạc cùng nhiều địa phương tôn làm thành hoàng, bốn mùa cúng tế…
Bên cạnh đó, trong vùng còn có truyền thuyết về Thánh Hạc như sau: Ở ngã ba sông trước thành Văn Lang có một cây chiên đàn (còn được kể là cây ngô đồng) rất lớn, cành lá xum xuê. Một con hạc trắng thành tinh, thường bay lượn các nơi, bắt người tha về cây chiên đàn đó để ăn thịt; xương người chất thành đống ở bên sông. Nhà vua rất lo buồn mà không có cách gì trừ được còn yêu hạc đó. Một hôm từ dưới sông hiện lên một chàng trai tuấn tú, xin với nhà vua để mình trị con hạc trắng thành tinh. Người con trai cầm một chiếc câu liêm sắc bén rồi tìm đến cây chiên đàn. Con chim yêu quái từ trên cây bay sà xuống đất, người con trai cầm câu liêm ngoắc cổ chim, thế là con quái điểu lăn ra chết và người con trai cũng biến mất.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, ngã ba Bạch Hạc không chỉ là vùng đất mang trong mình nhiều huyền thoại từ vị trí đắc địa, sắc nước lạ kỳ, tới tên gọi địa danh… mà đã thành nơi hào khí linh thiêng nhờ những chiến thắng lẫy lừng đánh đuổi quân xâm lược của cha ông ta thuở trước. Theo sử sách, bãi Hạc và bến Tam Giang là địa danh có vị trí trọng yếu, là cửa ngõ trấn thủ phía Bắc.Từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đây là nơi bà Trưng Nhị cho quân binh tập luyện khi đóng dinh nữ binh ở xóm Ươm, Lâu Thượng. Theo các cụ già kể lại, đình Lâu Thượng thờ bà Trưng Nhị, dân kiếng húy ngài nên từ “nhị” được nói là “nhợi” hay “nhội”.
Dưới thời Trần, trong ba lần chống giặc Mông – Nguyên, ngã ba Hạc tuy không được chọn là điểm quyết chiến chiến lược nhưng nơi đây cũng là địa điểm quân ta bày binh bố trận và thường xuyên luyện tập thủy quân. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, truyền thuyết và dã sử cũng nói tới một số trận đánh giữa ta và địch từ khoảng Lâm Thao – Bạch Hạc trở xuống phía nam. Khi giặc đóng quân ở vùng Bạch Hạc để chờ đợi nhau, chúng thường bị dân binhh của ta đánh phá, quấy rối. Theo truyền thuyết, một người tên là Phùng Lộ Hộ, quê ở Đồng Bảng, Tùng Thiện – nay là huyện Ba Vì – Hà Nội đã cùng dân địa phương tổ chức dân binh, đánh giặc nhiều trận ở vùng Bạch Hạc, Sơn Vi, khiến quân giặc bị thiệt hại nhiều. Tuy nhiên, trước thế giặc như vũ bão, quân ta không chủ trương chặn đứng giặc ở ngã ba Bạch Hạc, mà chủ động rút lui đón địch ở đồng bằng. Nhưng khi toàn quân địch vượt sông, quân ta cũng đánh trả vô cùng mạnh mẽ.
Truyền thuyết lịch sử vẻ vang ấy không chỉ được lòng người ghi nhận mà đã tạc trên chùa Hoa Long, trên bài minh trên chuông Thông Thánh quán. Theo nghiên cứu của các nhà sử học, lời ký này do đạo sĩ Hứa Tôn Đạo viết và khắc trên chuông đền Thông Thánh ở Bạch Hạc từ năm 1321. Khi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, vị Hoàng tử tài ba trẻ tuổi được giao trọng trách trấn thủ các lộ Tuyên Quang, đã nhận ra vùng trời nước mênh mông với nhiều bến bãi và những trảng cát dài là nơi có vị trí chiến lược xung yếu ở miền Tây Bắc. Theo phỏng đoán, có lẽ bản doanh và trấn sở của ông được đặt tại ngã ba Bạch Hạc, nên dân trong vùng còn truyền lại những câu chuyện về việc hằng ngày ông cho luyện tập thủy quân bằng việc đua thuyền và những xưởng đóng thuyền chiến lớn có mặt ở vùng này từ khi đó. Vì mộ đạo Lão, nên tại đây từ trước khi quân Nguyên xâm lược lần 2, Trần Nhật Duật đã cho xây dựng ngôi đền Thông Thánh Quán và giao cho một đạo sĩ người Trung Hoa sang tị nạn là Hứa Tôn Đạo trông nom.
Ngay từ đầu năm 1285, một đạo quân Nguyên do Nạp Tốc Lạt Đinh từ Vân Nam tràn xuống lộ Tuyên Quang như vũ bão với âm mưu tạo thế gọng kìm cùng đạo quân của Thoát Hoan tiến vào từ biên giới Lộc Châu, Lạng Sơn, vị tướng chỉ huy mặt trận sông Thao cũng khiến quân thù phải dè chừng, chậm bước. Nhận định thế giặc mạnh, lại tiến công từ nhiều phía, Chiêu Văn vương cho quân ta giao chiến vài trận rồi rút lui, thoát khỏi vòng vây. Khi hay tin vua Trần đã đem quan quân rút khỏi Thăng Long ngày 18/2/1285 và ngày hôm sau Thoát Hoan đã tiến vào kinh, trong quân binh có nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Ngày 20 tháng 2, tức ngày thượng nguyên, rằng tháng Giêng, Trần Nhật Duật bèn cùng quân sĩ tới trước ngã ba sông Bạch Hạc, cùng nhau làm lễ cắt tóc tuyên thề trước thần linh: “Nguyện dốc hết lòng trung để báo đền quân thượng”, “rồi ông đem quân kỵ đi trước, qua vùng Man lão, thẳng tới ngự tiền”. Làm lễ xong, tinh thần quân sĩ lại lên cao. Chiêu Văn vương cùng các tướng sĩ trèo đèo vượt sông, tìm về với đại quân triều đình. Khi quân Vân Nam tới được Bạch Hạc thì quân của Chiêu Văn vương đã rút đi rồi, nhưng dọc đường hành quân giặc vẫn chịu nhiều tổn thất. Kế sách của quân giặc Nguyên Mông định thu hút lực lượng của ta ở mặt trận Tây Bắc để lợi dụng sơ hở cho đạo quân Toa Đô hùng hổ tiến vào từ phía Nghệ An đã hoàn toàn thất bại. Không những thế, chúng đã sa vào kế “vườn không nhà trống” ở kinh thành, rồi bất ngờ bị chặn ở phía Nam, nên không thể trở tay khi bị quan quân nhà Trần phản kích.
2. Tục bơi trải ở ngã ba Bạch Hạc
Ở mỗi địa phương, hội bơi trải thường được tổ chức gắn với tục thờ các vị thần cai quản một vùng sông, biển hay các danh tướng có tài đánh thủy. Đó là cuộc đua thể hiện tài năng của những chàng trai, cô gái rành nghề sông nước để trình diễn cho Thủy Thần chứng giám, với ước vọng cầu mong các vị thần linh phù trợ cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu, người chài lưới ra khơi thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, nhiều hội thi bơi trải không chỉ có mục đích cầu nước mà mang ý nghĩa lịch sử, nhằm tái hiện lại những trận chiến tưng bừng, từng đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là sự tiếp nối tinh thần thượng võ, truyền thống thủy quân lâu đời đã có từ hàng ngàn năm trước. Như lễ hội bơi trải ở làng Diêm Điền (Thái Bình) tưởng nhớ chiến công chống lại nhà Lương của Vua Lý Nam Đế; lễ hội bơi trải của các làng dọc hai bờ sông Cầu (Bắc Ninh – Bắc Giang), bắt nguồn từ tục diễn xướng chiến thắng Như Nguyệt của Thái úy Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược Tống. Hay lễ hội bơi trải Bạch Hạc được tổ chức hằng năm để nhắc lại tích thần Thổ Lệnh tiễn đưa Tản Viên Sơn Thánh về núi khi ngài đến thăm Bạch Hạc, đồng thời ôn lại khí thế luyện quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trên khúc sông này.
Theo các cuốn từ điển Tiếng Việt đã xuất bản từ hồi đầu thế kỷ 20 đến nay, “trải” là thuyền nhỏ và dài, thường dùng để bơi đua trong các cuộc thi bơi thuyền. Trải được làm từ những cây gỗ đẽo liền không nối, vốn là sự cách điệu, nâng cao hình ảnh các chiến thuyền thời xưa mà nguồn gốc của nó chính là những chiếc thuyền độc mộc. Điểm đặc biệt là mỗi chiếc trải đều được trang trí cầu kỳ như những vật thiêng mang biểu tượng thần nước: có loại đầu rồng đuôi én, có loại đầu rồng đuôi rồng, có loại đầu rồng đuôi tôm, hoặc đầu giao long đuôi tôm. Ở mỗi địa phương, trải được làm với kích thước khác nhau, như chải ở Bạch Hạc có tới 24 khoang, mỗi khoang từ 1m – 1,2m. Mái chèo trải rộng bản từ 10 đến 15 phân, cán ngắn, vừa tầm tay nên khi bổ mái chèo xuống nước mới ngọt mái.
Có thể nói, tục bơi trải, đua thuyền ở nước ta đã có từ rất lâu đời. Nó phản ánh lịch sử của việc sử dụng thuyền của tổ tiên ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ngay từ thời đại Hùng Vương, mặc dù chưa có các tài tiệu thành văn, nhưng tục bơi trải đã được truyền ghi lại trên những chiếc trống đồng, nơi lưu giữ tất cả các giá trị văn hóa và đời sống xã hội của người Việt cổ từ mấy ngàn năm trước. Theo quan sát và phân tích của các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, có thể dễ dàng nhận thấy trong các hoa văn, họa tiết được chạm khắc vô cùng tinh tế, đặc sắc đã phản ánh rõ ràng và sinh động về các lễ hội của người xưa. Trong đó, tục lệ bơi thuyền, bơi trải chắc hẳn là thứ hội lễ có tầm quan trọng nên mới “được người đương thời chú trọng mượn nghệ thuật tạo hình để ghi lại” . Trên mặt và thân của những chiếc trống đồng nổi tiếng nhất được tìm thấy ở Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà,…đều có chạm hình những chiếc thuyền đang trong các hoạt động tế lễ, đua bơi. Đó là những con thuyền độc mộc mũi cong, mình thon dài, đuôi én, trên có nhiều người ngồi hoặc đứng, hóa trang thành chim hoặc không, cầm vũ khí hoặc dầm bơi, đang hoạt động khẩn trương. Đó chính là những cuộc đua trong hội nước, là cảnh hội làng mà trong đó nghi lễ chủ yếu liên quan đến nước. Trên trống đồng Hy Cương (trống đồng Đền Hùng), được phát hiện ở chân núi Nghĩa Lĩnh, cách khu vực ngã ba Bạch Hạc không xa, cũng có 6 hình thuyền chở người hóa trang thành chim cách điệu ở phần tang trống. Mỗi chiếc thuyền chở người dài 35cm, xen kẽ với hình người hóa trang. Các thuyền và hình người được bố trí đồng đều, xen kẽ giữa các hoa văn lông công, vành tròn, vạch xiên…
Từ thời Tiền Lê, thời Lý… các triều đại phong kiến Việt Nam, các cuộc đua thuyền trên sông được tổ chức thường xuyên không chỉ là một lễ hội giải trí của triều đình mà cũng là một cách để luyện tập thủy quân, làm nên những chiến thắng vẻ vang. Trong số các tài liệu được được biên chép sau này, cũng ghi nhận đua thuyền, bơi trải là một phần của lễ hội trong năm của cư dân. Sách Tùy Thư (Địa lý chí) và Việt sử lược cũng đều cho biết: Thời Tiền Lê, thời Lý, nước An Nam thường tổ chức các lễ hội đua thuyền. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 2, chép về sự kiện đời Lý Thái Tổ, năm thứ 2 (1010): “Tháng Bảy, mùa thu. Bơi thuyền thi ở sông Phú Lương (tức sông Hồng), nhà vua ngự điện Hàm Quang để xem. Suốt đời nhà Lý, việc xem bơi trải trở thành lệ thường”.
Cũng như nhiều làng quê miền sông nước, tục bơi trải, đua trải đã trở thành truyền thống hội lễ dân gian đặc sắc ở vùng đất ngã ba sông Bạch Hạc. Các cuộc đua trải ở đây thường được tổ chức trong các kỳ tiệc làng, lễ thánh Tam Giang. Các nghi lễ tế thánh thường được tổ chức trang trọng, sử dụng thuyền rồng trong lễ rước, sau đó, thuyền rồng được sử dụng để bơi thi, nên thành ra thông lệ. Chẳng biết tự bao giờ, dân gian nơi đây đã có câu ca sự tiếp nối của các tiệc bơi: Rau gác, Hạc bơi; Hạc gác, Me bơi; Me gác, Đức Bác bơi; Đức Bác gác, Dạng bơi. Mở đầu là kẻ Rau (tức làng Cựu Ấp), có nghề trồng dâu nuôi tằm từ rất lâu đời, nên mở hội bơi chải cướp né tằm để cầu may. Tiếp đến tiệc bơi của kẻ Hạc, rồi tới tiệc bơi của kẻ Me, nay là xã Yên Lập huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau Me là tiệc bơi của làng Đức Bác và kẻ Dạng. Theo các cụ già kể lại, các tiệc bơi của những làng xã cổ dọc bên bờ sông Hồng, sông Lô, thuộc phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây trước kia vốn thường được tổ chức vào mùa hè, trong các tháng 5 và 6 âm lịch. Trong đó, hội bơi Hạc và Me được người các nơi về xem rất đông. Hàng trăm thuyền của các vạn chài và các xã vùng ngã ba Hạc đổ về xem đua trải. Quang cảnh hội trải tưng bừng náo nhiệt.
Trước kia, hội bơi trải ở Bạch Hạc được mở vào ngày 19, 20 tháng 5 âm lịch, nhưng sau này được tổ chức vào mùa xuân để phù hợp với lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương và tránh mùa nước lũ. Hội đua diễn ra giữa bốn giáp, gồm Tiên Hạc, Đông Nam, Thần Trúc, Bộ Đầu. Mỗi giáp một trải, mỗi trải sơn một màu sắc khác nhau. Trải ở Bạch Hạc là trải gỗ chò, có 24 khoang, gọi là phách với 48 tay chèo, một người lái và một người gõ mõ hiệu. Trải Tiên Hạc màu xanh, trải Thần Trúc màu đỏ, trải Đông Nam màu trắng, trải Bộ Đầu màu vàng. Khi thi đấu, tất cả quần áo của các tay chèo và cờ hiệu, mái chèo đều phải cùng màu với màu sơn của trải. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu bơi dạo để kiểm tra trải; ngày thứ hai các giáp đưa kiệu xuống trải bơi ra sông Hồng đón các thần về; ngày thứ ba bơi chính là cuộc đua vô cùng quyết liệt và náo nhiệt. Điểm xuất phát của các đội trải là cửa bến Đình (nay gọi là bến Đền Tam Giang), nơi gắn với huyền thoại về bước chân khổng lồ của Thánh Hạc, cũng là nơi gắn liền những chiến công của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Đường bơi bắt đầu từ cửa bến Đình, về làng Đức Bác rồi quay lại đền Tiên Cát. Khi đến đền Tiên Cát thì các đội ném thẻ trải xuống, các trải nhận thẻ và bơi về điểm xuất phát ban đầu.
Tục bơi trải ở ngã ba Bạch Hạc không chỉ là hội làng vui khỏe mà còn mang ý nghĩa lịch sử linh thiêng. Một mặt, dân làng Bạch Hạc giải thích cuộc bơi trải căn cứ trên một sự tích Đức Thổ Lệnh tiễn đưa Thánh Tản. Nhưng cũng theo tích xưa truyền lại, tục bơi trải nơi đây xuất phát từ những hoạt động nhằm huấn luyện thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước từ xa xưa. Khi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đóng quân ở nơi này, tục bơi trải đã trở thành phổ biến. Những cuộc đua trải về sau là sự tái hiện lại màn tập trận và những chiến công thủy chiến lừng lẫy trên sông Hạc năm xưa của vị tướng trẻ tài ba đã gắn bó nhiều năm với vùng ngã ba sông huyền thoại.
Hội bơi trải ở ngã ba Hạc là một lễ hội sông nước độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất Tổ. Sau nhiều năm bị ngắt quãng bởi chiến tranh, từ khi được khôi phục lại từ năm 1994, lễ hội được tổ chức rất quy mô, bài bản. Trong những năm gần đây, hội được tổ chức tại cụm di tích quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi và thắng cảnh Ngã ba sông Bạch Hạc đã thu hút được hàng vạn du khách trong và ngoài nước về tham dự. Lễ hội đã thực sự trở thành nét đẹp văn hóa, khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, nâng cao ý thức tinh thần đoàn kết những cư dân vùng sông nước cũng như toàn dân tộc Việt Nam.■
Dương Thị Thịnh