Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2025)

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam luôn tự hào với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường. Trong đó, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) là một trong những biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và tinh thần xung kích cách mạng. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng TNXP đã có những đóng góp to lớn cho thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả trong công cuộc xây dựng đất nước thời bình, lực lượng TNXP đã luôn tiên phong trên mọi mặt trận, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần làm nên những thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Việt Nam.

Lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam

Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 15/7/1950, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hậu cần cho chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950. Đội TNXP công tác đầu tiên gồm 225 đội viên, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên Thủ đô Hà Nội, được thành lập với tên gọi “Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương”, do đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy. Nhiệm vụ chính của họ là mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí, tải thương, phục vụ tiền tuyến chiến đấu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng TNXP đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tuyến vận tải chiến lược, đặc biệt là trong các chiến dịch lớn như Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Hòa Bình (1951–1952), Tây Bắc (1952) và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Theo thông tin từ Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, từ tháng 11/1953 đến tháng 6/1954, đã có khoảng 15.000 TNXP, chủ yếu từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, tham gia phục vụ trong kháng chiến chống Pháp.

Chiến dịch Biên giới năm 1950 là một bước ngoặt lớn trong kháng chiến chống Pháp. Để đảm bảo thông suốt tuyến vận tải chiến lược, lực lượng TNXP đã vượt qua những cung đường hiểm trở, gùi hàng vượt núi non trùng điệp, bất chấp mưa bom, bão đạn. Những đoàn TNXP đầu tiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở đường, làm cầu, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực tiếp viện cho chiến dịch. Chiến thắng Biên giới không chỉ là thắng lợi quân sự mà còn là minh chứng cho vai trò quan trọng của TNXP đối với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Sau chiến dịch Biên giới, lực lượng TNXP tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hình thành các đội, tổng đội tại nhiều chiến trường. Giai đoạn 1951 – 1954, hàng vạn TNXP đã tham gia phục vụ các chiến dịch lớn như Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Trên tuyến đường 13, đường 41, đường 6, các đơn vị TNXP đã không quản hy sinh, ngày đêm làm việc để bảo đảm giao thông thông suốt, tiếp tế kịp thời cho chiến dịch. Những hi sinh thầm lặng mà cao quý của họ đã đi vào những trang sử hào hùng, vẻ vang nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trên tuyến đường 41, các đơn vị TNXP đã làm việc không ngừng nghỉ giữa trời mưa rét, lầy lội, mở đường, tải đạn, cáng thương binh. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn TNXP đã tham gia phục vụ chiến dịch và nhiều người đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thuốc men qua những con đường hiểm trở, thường xuyên bị bom địch oanh tạc. Nhiều đội TNXP còn trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội để bảo vệ kho tàng, trận địa. Không chỉ tham gia vào hậu cần, lực lượng TNXP còn đảm nhiệm công việc khắc phục hậu quả sau các trận chiến, sửa chữa cầu đường, làm bến phà tạm và bảo vệ an toàn giao thông vận tải. Họ là “những người lính không quân phục” nhưng vai trò của họ được ví như mạch máu tiếp sức cho bộ bộ đội chủ lực.

Một trong những tấm gương tiêu biểu của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) trong kháng chiến chống Pháp là ông Nguyễn Văn Thọ, Đội trưởng đội phá bom thuộc Đại đội 404, Đội TNXP 40. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông Thọ đã chỉ huy đội phá bom thực hiện nhiệm vụ rà phá bom tại ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) – một tuyến giao thông huyết mạch thường xuyên bị địch ném bom. Dưới sự lãnh đạo của ông, đội đã dũng cảm phá gỡ hàng trăm quả bom, đảm bảo giao thông thông suốt cho việc vận chuyển lương thực, vũ khí và thương binh ra mặt trận, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Những tấm gương anh dũng như ông và đồng đội đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng nói riêng và sự toàn thắng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp nói chung.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp là giai đoạn thể hiện tinh thần đoàn kết và tính tổ chức cao của TNXP. Thời kỳ này, lực lượng TNXP trưởng thành nhanh chóng nhờ sự huấn luyện tận tình, khả năng sẵn sàng nhận lệnh di chuyển đến bất kỳ chiến trường nào để phục vụ kháng chiến. Nhiều người phải xa gia đình, sống trong rừng sâu, điều kiện thiếu thốn, nhưng vẫn kiên cường bám trụ. Không ít TNXP đã trở thành nguồn bổ sung quý giá cho lực lượng quân đội hoặc sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cách mạng. Họ chính là hình ảnh của một thế hệ thanh niên “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì vì Tổ quốc”, là tấm gương sáng cho thanh niên Việt Nam thuộc mọi thế hệ noi theo.

Cùng với sự phát triển của Cách mạng, lực lượng TNXP không chỉ hoạt động trong kháng chiến chống Pháp mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kinh tế miền Bắc giai đoạn sau năm 1954. Lúc này, TNXP tiếp tục được huy động để khai hoang, phục hóa, mở đường, xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế miền Bắc. Nhiều đội TNXP đã trở thành lực lượng chính hình thành nên các nông trường, lâm trường, đơn vị kinh tế quốc doanh, tiếp tục sứ mệnh xây dựng đất nước.

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng TNXP tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên tuyến lửa Trường Sơn – tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, lương thực và lực lượng từ miền Bắc vào miền Nam. Hàng vạn TNXP đã tham gia mở đường, giữ đường, vận chuyển, đảm bảo giao thông trên tuyến đường được mệnh danh là “xương sống của chiến tranh nhân dân”. Một trong những nơi hiểm trở và ác liệt nhất là Ngã ba Đồng Lộc – điểm nút chiến lược mà kẻ thù liên tục đánh phá. Tại đây, tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, bảo đảm đường thông xe. Câu chuyện về các chị đã trở thành biểu tượng của lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Không chỉ ở tuyến Trường Sơn, lực lượng TNXP còn có mặt tại hầu hết các chiến trường miền Trung, miền Nam và vùng ven đô thị. Họ đảm nhiệm công tác tiếp lương, tải đạn, cứu thương, dẫn đường, và thậm chí là trực tiếp cầm súng chiến đấu khi cần thiết. Nhiều người trong số họ đã bị thương tật suốt đời hoặc hy sinh. Đặc biệt, trong chiến dịch Tết Mậu Thân (1968) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), lực lượng TNXP đã tham gia hỗ trợ hậu cần và tham gia dẫn đường cho các mũi tiến công vào nội đô Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng 30/4 vĩ đại của dân tộc việt Nam. Những đóng góp của họ tuy âm thầm nhưng vô cùng to lớn và mang tính quyết định trong nhiều thời điểm chiến lược.

Đội viên tổ công binh Đại đội 912 Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Thái luyện thao tác hệ thống kíp bom điện, năm 1966. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, trong hàng vạn thanh niên xung phong đã cống hiến cho đất nước, nữ TNXP chiếm một tỷ lệ không nhỏ và có những đóng góp vô cùng đặc biệt. Họ làm việc dưới mưa bom bão đạn, đẩy xe chở đất đá, vận chuyển vũ khí, gùi hàng chục cân thực phẩm leo núi, vượt suối. Không những phải đối mặt với điều kiện sống gian khổ, bom đạn hiểm nguy mà nhiều người trong số họ còn hi sinh cả tuổi xuân, hạnh phúc cá nhân vì lý tưởng Cách mạng. Nhiều người sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã mang trên mình thương tật, ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, mất khả năng sinh nở, sống cuộc đời cô đơn, không lập gia đình.

Một tấm gương tiêu biểu là chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 – người đã cùng chín đồng đội anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc vào ngày 24/7/1968, khi tuổi đời còn rất trẻ. Trước lúc mất, chị để lại bức thư gửi mẹ đầy xúc động, thể hiện ý chí sắt đá và tinh thần lạc quan đến giây phút cuối. Chị Trần Thị Thêm, nguyên là TNXP ở Quảng Trị, suốt 50 năm sau chiến tranh sống độc thân, mang trên mình những mảnh đạn không thể mổ, vẫn lặng lẽ làm thiện nguyện, dạy học cho trẻ em nghèo. Những người phụ nữ ấy đã hóa thân thành những biểu tượng sống của lòng yêu nước, là minh chứng xúc động về sự hy sinh thầm lặng của nữ TNXP trong lịch sử dân tộc.

Như vậy, lực lượng TNXP được thành lập trong hoàn cảnh đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh, như một yêu cầu cấp thiết của cách mạng. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, quy tụ sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần hy sinh vì Tổ quốc. Với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, TNXP đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm hậu cần chiến lược, vận chuyển, xây dựng cơ sở hạ tầng chiến đấu, và đôi khi còn trực tiếp tham gia chiến đấu.

Hình ảnh những người TNXP gùi hàng, mở đường, vá đường, cứu thương, xẻ núi, vượt suối trong mưa bom bão đạn đã trở thành biểu tượng bất tử của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam. Những cống hiến, hi sinh to lớn của họ đã được ghi nhận trong các văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước, trong ký ức nhân dân và trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc.

Các hoạt động tri ân và phát huy tinh thần xung kích của lực lượng TNXP trong thời bình

Chính sách của Đảng, Nhà nước đối với TNXP

Nhằm ghi nhận công lao của lực lượng TNXP, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi đối với cựu TNXP, nhất là những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cựu TNXP và dân công hoả tuyến đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ xây dựng nhà ở. Những chính sách này góp phần ổn định đời sống và động viên tinh thần những người từng hy sinh tuổi xuân vì độc lập dân tộc.

Nhiều địa phương còn chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng như tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, các tỉnh có số lượng lớn TNXP từng hoạt động trên những chiến trường ác liệt nhất. Các hoạt động như xây dựng nhà tình nghĩa, tổ chức khám bệnh miễn phí, tặng quà nhân các dịp lễ lớn…. đã trở thành những nghĩa cử cao đẹp mà lãnh đạo và nhân dân địa phương gửi tới lực lượng TNXP. Việc đưa chính sách vào thực tiễn đời sống là minh chứng cho sự tri ân sâu sắc, thiết thực đối với những người đã cống hiến thầm lặng cho Tổ quốc.

Các công trình tưởng niệm, ghi công lực lượng TNXP

Hiện nay, nhiều di tích lịch sử gắn với TNXP đã được phục dựng, tôn tạo thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), hang Tám Cô (Quảng Bình)…

Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP vào ngày 24/7/1968. Năm 1989, địa điểm này được xếp hạng là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, và đến năm 2013, được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, khu di tích bao gồm nhiều hạng mục như khu mộ 10 nữ liệt sĩ, cụm tượng đài, nhà bia tưởng niệm gần 4.000 anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc, trở thành điểm đến thiêng liêng để tưởng niệm và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau.

Truông Bồn (Nghệ An) là một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi 13 chiến sĩ TNXP đã hy sinh vào rạng sáng ngày 31/10/1968, khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường huyết mạch cho chiến trường miền Nam. Khu di tích đã được xây dựng và tôn tạo với nhiều hạng mục như nhà tưởng niệm, tượng đài, và các công trình phụ trợ, nhằm ghi nhớ công lao của những chiến sĩ TNXP đã hi sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Khu tưởng niệm các chiến sĩ TNXP anh dũng hi sinh tại hang Tám Cô, tỉnh Quảng Bình

Hang Tám Cô nằm tại Km16 trên đường 20 – Quyết Thắng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là nơi 8 TNXP hi sinh vào ngày 14/11/1972. Vào thời điểm đó, trong lúc đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, nhóm TNXP gồm 4 nam và 4 nữ đã chạy vào hang đá để tránh bom Mỹ và không may bị một khối đá lớn đã lăn xuống, bịt kín cửa hang, khiến họ bị mắc kẹt bên trong. Mặc dù đồng đội đã nỗ lực cứu hộ trong nhiều ngày, nhưng do điều kiện khắc nghiệt và bom đạn ác liệt, mọi cố gắng đều bất thành. Sau 8 ngày đêm, cả 8 TNXP đã anh dũng hy sinh trong hang. Khu tưởng niệm Hang Tám Cô đã được trở thành một di tích lịch sử quốc gia, là sự ghi nhận của nhân dân địa phương và cả nước đối với tinh thần quả cảm và sự hy sinh cao cả của lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Qua nhiều thế hệ, các công trình này không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn là điểm đến thường xuyên của các đoàn học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên… Nhiều nhà trường, cơ sở, tổ chức giáo dục đã tổ chức các buổi tham quan, thuyết minh tại những di tích trên để giảng dạy cho thế hệ trẻ về lịch sử và lòng yêu nước, đồng thời cổ vũ, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong thời đại ngày nay.

Bên cạnh các khu tưởng niệm, các tượng đài, bia ghi công cũng được dựng lên tại nhiều nơi để tri ân lực lượng TNXP, đặc biệt là những địa điểm năm xưa từng là chiến trường ác liệt, nơi có nhiều TNXP ngã xuống vì màu xanh hoà bình của đất nước. Việc đầu tư cho các công trình này thể hiện sự quan tâm của xã hội và giúp những câu chuyện anh hùng sẽ còn được lan toả mãi mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Có thể kể đến một số tượng đài tiêu biểu như: Tượng đài TNXP Truông Bồn được khánh thành vào năm 2015, là biểu tượng tri ân và niềm tự hào của nhân dân địa phương; tượng đài Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc được khánh thành vào năm 1991, ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là điểm đến linh thiêng để tưởng nhớ và giáo dục truyền thống…

Nhiều tỉnh thành khác trên cả nước cũng đã dựng các bia tưởng niệm và đài kỷ niệm TNXP tại các chiến trường như: đền bia tưởng niệm TNXP tỉnh Bình Dương, khánh thành vào ngày 15/7/2015 tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng; đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP tỉnh Bình Định được khánh thành vào ngày 15/7/2020, ghi danh 150 liệt sĩ TNXP của tỉnh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; nhà bia tưởng niệm 7 liệt sĩ TNXP thuộc Đại đội 759 đã hy sinh vào ngày 3/7/1966, tại đồi Cha Quang, Km 21 đường 12A, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, được khánh thành vào ngày 21/12/2010… Tất cả đã góp phần lan tỏa câu chuyện về những “người lính không quân phục” và giáo dục thế hệ trẻ phát huy tinh thần xung kích của lực lượng TNXP.

Những buổi lễ tưởng niệm và gặp mặt truyền thống trang trọng, xúc động

Hàng năm, vào ngày 15/7 – ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, nhiều địa phương và cơ quan trung ương tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích TNXP. Những buổi lễ này thường có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cựu TNXP và thế hệ trẻ, thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ và tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đi trước.

Chiều ngày 29/12/2024, tại Hà Tĩnh, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh to lớn của các TNXP trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự kiện này không chỉ tạo nên sức lan tỏa lớn trong xã hội mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm tiếp nối truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP.

Ngoài ra, còn nhiều buổi gặp mặt, giao lưu giữa cựu TNXP và thanh niên hiện nay được tổ chức tại trường học, cơ quan, đơn vị quân đội, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ oanh liệt và những hy sinh thầm lặng của lực lượng xung kích đi đầu cả nước trong những cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Có thể kể đến như:

Tại Ninh Bình, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ đến thăm Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (12/1/1967 – 12/1/2022), huyện đoàn Yên Khánh phối hợp với Hội Cựu TNXP huyện tổ chức chương trình giao lưu, nói chuyện truyền thống tại Trường THPT Yên Khánh A. Sự kiện này đã tạo cơ hội cho học sinh lắng nghe những câu chuyện lịch sử từ các cựu TNXP, giúp các em hiểu hơn về tinh thần xung phong và lòng yêu nước của thế hệ đi trước.

Tại Thái Nguyên, nhân kỷ niệm 65 năm mở đường Hạnh Phúc (10/9/1959 – 10/9/2024), Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Tỉnh đoàn Thái Nguyên tổ chức chương trình giao lưu “Sáng mãi ngọn lửa Thanh niên xung phong Thái Nguyên”, nhằm tri ân những đóng góp của lực lượng TNXP và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh (28/3/1976 – 28/3/2024), Ban Thường vụ Thành hội đã tổ chức cuộc gặp mặt, giao lưu với đại diện Ban Liên lạc các đơn vị truyền thống TNXP trên địa bàn thành phố. Sự kiện có sự tham gia của đại diện Ban Liên lạc Cựu TNXP chống Pháp, chống Mỹ, nhằm ôn lại truyền thống và lan toả tinh thần Cách mạng của lực lượng TNXP tới thế hệ trẻ thành phố.

Những hoạt động giao lưu này không chỉ là dịp để tri ân các cựu TNXP mà còn là cơ hội quý báu để thanh niên Việt Nam ngày nay được học hỏi, tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng.

Hoạt động tích cực của Hội Cựu TNXP Việt Nam và các chương trình văn hoá – nghệ thuật tri ân lực lượng TNXP

Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam được thành lập ngày 19/12/2004, là tổ chức xã hội tập hợp, đoàn kết Cựu TNXP cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhằm tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của lực lượng TNXP Việt Nam, đồng thời chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.

Trong hơn 20 năm hoạt động, Hội đã trở thành cầu nối quan trọng giữa các cựu TNXP và các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong việc đề xuất chính sách ưu đãi và xác nhận người có công, phối hợp giải quyết chế độ chính sách về trợ cấp một lần, trợ cấp thường xuyên, mai táng phí cho hội viên. Nhờ sự nỗ lực kiên trì của Hội, nhiều TNXP đã được công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ trợ cấp, bảo hiểm và các phúc lợi xã hội khác theo quy định của Pháp lệnh Nhà nước. Các cấp hội cựu TNXP cũng thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động cán bộ, hội viên sống gương mẫu, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Cựu TNXP và địa phương phát động.

Bên cạnh những hoạt động xã hội tích cực của Hội cựu TNXP Việt Nam, tấm lòng tri ân đối với lực lượng TNXP còn được thể hiện qua các chương trình truyền hình, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, góp phần quan trọng vào việc tôn vinh hình ảnh TNXP.

Nhiều bộ phim tài liệu, phim truyện đã khắc họa sâu sắc hình ảnh người TNXP giữa chiến trường khốc liệt như: “Những cô gái Ngã ba Đồng Lộc” (1997) – phim điện ảnh do đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện, tái hiện câu chuyện cảm động về 10 nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh; Huyền thoại thanh niên xung phong” (2015) – phim tài liệu phát sóng trên VTV1, khắc họa hình ảnh những người TNXP trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Bên cạnh đó, các ca khúc như: “Cô gái mở đường” (nhạc sĩ Xuân Giao), “Bài ca không quên” (nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn), “Đường Trường Sơn xe anh qua” (nhạc sĩ Văn Dung)… đã trở thành những bản hùng ca bất tử về lực lượng TNXP trên chiến trường năm xưa.

Chương trình “Truông Bồn – Dấu chân anh hùng” được tổ chức tại khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 – 31/10/2023) nhằm tri ân các liệt sĩ TNXP trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Báo Nhân dân

Ngoài ra, không thể không kể đến các chương trình nghệ thuật lớn cũng được tổ chức như những sự kiện thường niên nhằm kỉ niệm, tri ân những đóng góp của lực lượng TNXP đối với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc. Có thể kể đến: chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc” (ngày 1/9/2012); “Đồng Lộc – Ngã ba bất tử” (ngày 24/7/2014), “Đồng Lộc – Cõi thiêng bất tử” (ngày 24/7/2015), “Cõi thiêng Đồng Lộc” (ngày 23/7/2017)… tưởng nhớ sự hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc; chương trình nghệ thuật “Truông Bồn – Dấu chân Anh hùng” (ngày 29/10/2023) tại Khu di tích Truông Bồn nhằm tưởng niệm và tôn vinh sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ TNXP trong kháng chiến chống Mỹ…. Tất cả đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả về một lực lượng xung kích, quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân của mình cho mùa xuân lớn của đất nước. Thông qua âm nhạc và nghệ thuật, công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, thêm hiểu biết và trân trọng những cống hiến của lực lượng TNXP trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Thanh niên Việt Nam hôm nay tiếp nối truyền thống lực lượng TNXP năm xưa

Ngày nay, tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của lực lượng TNXP đã được tiếp nối qua các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, “Mùa hè xanh”, “Đông ấm cho em”… do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, và được các đoàn viên thanh niên hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình. Những phong trào này quy tụ hàng triệu lượt thanh niên tham gia vào các hoạt động thiết thực như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân vùng khó khăn…

Các chương trình tình nguyện quốc tế tại Lào, Campuchia, các đảo tiền tiêu như Trường Sa, Cồn Cỏ… cũng ghi dấu sự kế tục tinh thần xung kích, lòng tự hào dân tộc mà thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay phát huy, học hỏi từ lực lượng TNXP năm xưa. Nhiều bạn trẻ coi TNXP là tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần dấn thân, sống đẹp và sống có ích. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của TNXP đang được thế hệ trẻ hôm nay kế thừa và phát huy trong điều kiện lịch sử mới, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đương đại.

Có thể nói, Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam là một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần xung kích, dấn thân và hy sinh vì Tổ quốc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng vạn TNXP đã không quản gian khổ, hiểm nguy, góp phần quan trọng vào những chiến thắng vang dội của dân tộc. Họ đã để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ trên những tuyến đường Trường Sơn khói lửa, mà còn trong lòng nhân dân, trong lịch sử đất nước như những “người lính không quân phục” thầm lặng mà kiên cường. Những tấm gương sáng ngời của họ mãi mãi là ngọn lửa truyền cảm hứng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2025), xin gửi lời tri ân sâu sắc tới những người con ưu tú đã cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết thanh xuân cho độc lập dân tộc, cho ngày hoà bình, thống nhất non sông. Giáo dục thế hệ trẻ hôm nay thấu hiểu, biết ơn và noi gương lực lượng Thanh niên xung phong, chính là cách thiết thực để tiếp nối mạch nguồn truyền thống, xây dựng một Việt Nam hùng cường và nhân văn, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình.■

Tuệ Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN