Khi nước Anh có một vị thủ tướng mới là ông Boris Johnson thì đồng thời cũng nhận được một cam kết: London sẽ rời EU (Brexit) theo đúng lịch trình, dù với bất cứ giá nào.
Điều đó có nghĩa là sau 23 giờ ngày 31-10 tới (giờ London), Anh sẽ không còn là một thành viên của EU nữa, dù có đạt được một thỏa thuận mới với EU hay không.
Mà khả năng đạt được một thỏa thuận như vậy là quá xa vời. Ông Boris Johnson bày tỏ vẫn muốn Anh rời EU với một thỏa thuận nhưng thỏa thuận này phải có những thay đổi lớn so với thỏa thuận mà người tiền nhiệm là bà Theresa May đã ký với EU (bị Quốc hội Anh phủ quyết tới 3 lần). Ở chiều ngược lại, Brussels luôn khẳng định rằng sẽ không đàm phán lại.
Thời hạn cuối cùng đã đến rất gần rồi.
Những hệ lụy
Khi mở chiến dịch vận động người dân Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về số phận của nước Anh có gắn với EU hay không, những người theo chủ trương ly khai đã vẽ nên một tương lai với nước Anh sẽ được rất nhiều, nếu có mất thì chỉ mất đi “xiềng xích” (với EU).
Nhưng đời không là mơ! Chẳng cần phải là một nhà kinh tế học chuyên sâu cũng có thể thấy là nếu Anh rời EU theo kịch bản Brexit không thỏa thuận thì sự gãy đổ đột ngột mối quan hệ đã được thiết lập trong nhiều thập niên qua với EU sẽ có những tác động không nhỏ đến nhiều ngành kinh tế của Anh.
Tờ Thời báo tài chính cho biết lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng sẽ là luồng dữ liệu kỹ thuật số cá nhân khổng lồ giữa Anh và EU liên quan đến công dân của hai bên sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tập đoàn công nghệ, các công ty chăm sóc sức khỏe hay bất kỳ một dịch vụ chăm sóc khách hàng nào liên quan đến EU.
Hãy hình dung một cách đơn giản là nhiều công ty của Anh, đặc biệt là trong lĩnh vực vừa và nhỏ, sẽ phải dừng hoạt động do các rào cản về mặt pháp lý, bởi vì Anh khi đó đã rời EU mà không có bất cứ một thỏa thuận nào về sự tiếp nối, do vậy không được đối xử như với một thành viên của EU.
Trong nhiều thập niên qua, Anh với thủ đô London làm đầu tàu vẫn được coi là một trung tâm tài chính lớn của châu Âu và cả thế giới. Nếu Anh rời EU với kịch bản Brexit “cứng” không thỏa thuận, lợi thế đó sẽ mất đi vì các công ty tài chính có trụ sở tại Anh không có quyền hoạt động ở thị trường chung EU.
Mới chỉ trong thời gian đàm phán vài năm qua cho tiến trình Brexit, người ta đã chứng kiến hàng loạt công ty tài chính quốc tế tháo chạy khỏi Anh, tìm kiếm những địa điểm thuận lợi hơn ở châu Âu.
Ngay cả đối với những công ty tài chính còn trụ lại ở Anh cũng sẽ không có quyền tiếp cận sâu vào thị trường như khi London vẫn còn là một thành viên đầy đủ của EU.
Việc Anh rời EU không thỏa thuận đồng nghĩa với việc London đương nhiên rời khỏi liên minh hải quan với EU. Điều khoản “rào chắn”, một trong những bất đồng lớn nhất và chưa thể hóa giải giữa Anh với EU, quy định đường biên giới mở giữa Bắc Ireland thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland thuộc EU, sẽ không có tác dụng.
Anh khi ấy không còn trong liên minh hải quan nữa và như thế đồng nghĩa các cơ sở kiểm soát hải quan trên biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland sẽ được tái lập. Hàng trăm ngàn công ty của Anh sẽ phải tiếp nhận hàng loạt thay đổi về nhãn mác trên các sản phẩm, những tiêu chuẩn kiểm tra dịch tễ trên các tờ khai hải quan.
Mà đến thời điểm chỉ vài tháng trước thời hạn cuối cùng Brexit có thể diễn ra, thực tế cho thấy phần lớn các công ty của Anh có giao dịch làm ăn với EU vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản rời khỏi liên minh hải quan với EU.
Đó chỉ là vài hệ lụy nếu Anh “hạ cánh cứng” với Brexit.
Lạc lối
Người ta vẫn không lý giải được vì sao quá trình Brexit của Anh lại diễn ra đầy trắc trở đến thế, khi mà người dân Anh đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức năm 2016, ủng hộ đề xuất Anh rời bỏ EU.
Mâu thuẫn diễn ra ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Nhiều người dân từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit bỗng tá hỏa nhận ra rằng họ chưa tìm hiểu kỹ về Brexit cũng như những hệ lụy mà nó gây ra cho nước Anh cũng như bản thân gia đình họ.
Một tài liệu mật của chính phủ Anh bị rò rỉ trên tờ Thời báo Chủ nhật của Anh trước khi ông Boris Johnson tiến hành chuyến công du châu Âu vào hạ tuần tháng 8 này cho thấy những đánh giá khá bi quan về tác động của tiến trình Brexit đối với người dân.
Tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, nhiên liệu có thể xảy ra, giá cả hàng hóa gia tăng, mất việc làm…, dẫn tới những biến động, làm gia tăng căng thẳng trong xã hội.
Dường như nhận thức sớm được điều này nên ngay sau khi quyết định Brexit được đưa ra, đã dấy lên một làn sóng sôi sục đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về tư cách thành viên EU của Anh. Gần 4 triệu chữ ký, số lượng người ký tên nhiều nhất trong lịch sử nước Anh, đã được thu thập để đòi hủy tiến trình Brexit.
Mâu thuẫn ngoài xã hội đã vọng vào chính trường nước Anh. Sau một thời gian đàm phán cam go cùng với nhiều lần dời lại thời hạn Anh chính thức rời EU, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đạt được một dự thảo thỏa thuận với EU. Khi đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội Anh, bản dự thảo này bị bác bỏ 3 lần! Cái giá phải trả là Thủ tướng Theresa May phải rời bỏ nhiệm sở, thay thế bằng ông Boris Johnson.
Nhưng điều khiến các nhà phân tích quốc tế cảm thấy bối rối là không hiểu với việc kiên trì phủ quyết dự thảo thỏa thuận với EU, các nghị sĩ Anh muốn gì? Một số muốn rời EU với một thỏa thuận, tất nhiên rồi. Một số khác muốn ở lại. Nhưng khi viễn cảnh về một tiến trình rời EU mà không có thỏa thuận sắp sửa diễn ra, những người phản đối khả năng này vẫn còn đang loay hoay với những dàn xếp, những cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một chiến lược chung.
Để có thể ngăn cản việc Anh rời khỏi EU không có thỏa thuận, các nhà lập pháp Anh phải hoặc là tìm cách thay thế chính phủ ông Boris Johnson bằng một cuộc bầu cử sớm, hoặc Quốc hội Anh phải thông qua một đạo luật cản trở tiến trình rời EU nếu không có thỏa thuận. Cả hai khả năng này đều hết sức phức tạp. Lý do vì sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng Bảo thủ và Công đảng Anh khiến cho khó có thể nhanh chóng thành lập được một chính phủ mới.
Còn nếu Quốc hội Anh muốn ra luật cản trở tiến trình Brexit thì điều này lại tùy thuộc vào chính phủ hiện tại của ông Boris Johnson, không cho phép phe đối lập trong Quốc hội có thể tự tung tự tác ra được luật mới.
Sau hơn 3 năm trời kể từ khi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về quan hệ với EU, nước Anh vẫn lạc lối trong màn sương mù mang tên Brexit.
Ngọn hải đăng le lói
Khi chìm đắm trong màn sương mù rời EU không thỏa thuận, Thủ tướng Boris Johnson có thể tìm kiếm đường đi theo hướng ngọn hải đăng le lói phía bên kia đại dương: nước Mỹ.
Hay nói cho chính xác hơn, nếu nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ thì nước Anh có thể tìm được đường ra khỏi những rắc rối của một tiến trình Brexit đầy bất trắc.
Việc ông Boris Johnson cử cả Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liz Trus và Ngoại trưởng Dominic Raab tới Washington ngay trong trung tuần tháng 8 vừa qua nhằm thảo luận về một hiệp định thương mại từng phần với Mỹ cho thấy mong muốn sớm đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ của London.
Quá trình đàm phán như vậy cũng có thể được ông Boris Johnson làm đòn bẩy để gây sức ép lên EU với hy vọng có được một thỏa thuận sửa đổi như mong muốn.
Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, bất chấp một thực tế là Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều phen lên tiếng ủng hộ ông Boris Johnson cũng như tiến trình Brexit. Khi gần như đã chặt đứt mọi cầu nối giữa Anh với EU, ông Boris Johnson chẳng có gì để mang đến bàn đàm phán với Washington.
Cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Lawrence Summers từng tổng kết: “Khi đối tác của bạn đang tuyệt vọng, đó là khi bạn đạt được thỏa thuận tốt nhất!”.
Với ông Donald Trump, một người được coi là có sở trường đàm phán bậc thầy cùng với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, vị thế đàm phán trên thế yếu của London rõ ràng khiến cho nước Anh sẽ phải chấp nhận trả những cái giá nhất định nếu muốn nhanh chóng có được một thỏa thuận thương mại với Washington. Một lập trường cứng rắn hơn đối với (thỏa thuận hạt nhân) Iran? Thỏa hiệp cho phép Mỹ quyền được tiếp cận thị trường nông sản và dược phẩm của Anh mà không có bất kỳ một sự nhân nhượng nào?
Như vậy, một thỏa thuận thương mại với Mỹ nhằm giúp nước Anh có thể thoát khỏi một cú “hạ cánh cứng” nhiều đau đớn, tùy thuộc vào việc nước Anh sẽ chấp nhận trả cái giá như thế nào trong những cuộc đàm phán, không phải với Brussels mà với Washington.
Yên Ba/CAND