Mùa thu đã trở thành một phần đặc biệt không chỉ gắn liền với khí hậu, cảnh quan đô thị mà đã trở thành một không gian văn hoá tinh thần, một biểu tượng gắn liền với thủ đô Hà Nội. Nhắc đến mảnh đất kinh kì, người ta vẫn thường mơ mộng về một bầu trời thu xanh biếc, sắc mây trong vắt, hương hoa sữa nồng nàn, mùi thị, mùi cốm mát thơm… Mùa thu Hà Nội đã đi vào trong thi ca, nhạc hoạ và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, ý niệm về mùa thu phương Bắc vẫn luôn là một ấn tượng không dễ mờ phai trong trái tim những người đã trót đem lòng yêu mến mảnh đất này. Tuy vậy, giữa thời hiện đại, khi các giá trị ít nhiều đổi thay, môi trường và tâm thế sống của con người cũng đã khác xưa, việc gìn giữ không gian thu Hà Nội có phần khó khăn hơn trước. Làm sao để gìn giữ những nét tinh tuý đặc trưng ấy, để mùa thu luôn được tôn vinh như một “đặc quyền tinh thần” mà thành phố sở hữu, vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm giữa không khí tưng bừng của Festival Thu Hà Nội (29/9 – 1/10/2023), khi thành phố đang sống trong những ngày đẹp nhất của tháng Mười lịch sử, kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô giữa tiết thu mênh mang.
Mùa thu là thời điểm mà nhiều vị khách nước ngoài, kể cả các nguyên thủ quốc gia, lựa chọn đến thăm Hà Nội. Theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sang thăm Việt Nam từ ngày 10 – 11/9 vừa qua, đúng vào thời điểm mùa thu Hà Nội đang ở độ đẹp nhất, sắc thu tinh khôi đến nao nức lòng người. Trời đã bớt oi nồng, những tia nắng vàng dịu dàng chảy qua các hàng cây xanh thẫm, toả bóng mát vời vợi dọc theo các tuyến phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu… những con đường đã trở thành nơi lưu giữ không gian thu sống động nhất của thành phố. Các biệt thự, di tích lịch sử xây dựng từ thời Pháp thuộc, kết hợp với kiến trúc đình, chùa có niên đại hàng thế kỷ; tất cả tập trung quanh khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ; đã làm nên một diện mạo văn hoá độc đáo cho thủ đô. Khi thu về, những công trình ấy cũng như khoác lên mình chiếc áo màu thiên thanh cổ kính, trầm mặc đứng giữa đất trời Hà Nội như chứng tích về những thăng trầm đã qua. Chốn kinh kỳ trải mấy mùa nắng mưa, nhưng hễ thu về là nhịp sống hối hả dường như chậm lại. Cơn gió dìu dặt, khoăn thai của mùa thu êm đềm tựa một bài hát ru, hàn gắn mọi vết thương chiến tranh mà thành phố âm thầm nhận lấy suốt những năm tháng gian lao, vất vả của dân tộc. Những sinh ly tử biệt tưởng như có thể chữa lành trong một khoảnh khắc thu sâu lắng, một mùi hương hoàng lan đêm giắt nhẹ sau mái tóc mây của một thiếu nữ Hà Thành…
Nhưng thu Hà Nội không chỉ lặng lẽ hiện hữu qua cảnh vật, thời tiết; mà chính thơ ca, nghệ thuật đã biến mùa thu trở thành một biểu tượng riêng của thủ đô. Năm 1948, nhà thơ Nguyễn Đình Thi – một người con xứ kinh kỳ ở chiến khu Việt Bắc, khi hồi tưởng lại cái ngày từ giã quê hương để bước vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã để lại cho đời những câu thơ tuyệt đẹp về mùa thu Hà Nội:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách – người đầu tiên đưa hoa sữa trở thành một hình tượng nghệ thuật tiêu biểu cho mùa thu Hà Nội, đã viết nên thi phẩm hoà quyện giữa tình yêu học trò trong sáng, vụng dại, ngây ngô với một mùi hương ngây ngất, nồng nàn giữa đất trời thủ đô:
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ,
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.
Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu,
Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc.
Đặc biệt, các nhà thơ, nhạc sĩ miền Nam cũng đem lòng cảm mến mùa thu Hà Nội, nhờ những tưởng tượng, hình dung về Hà Nội gắn liền với một vùng khói sương lãng đãng mà để lại cho đời những tuyệt tác thi ca, âm nhạc bất hủ. Tô Như Châu (1935 – 2000), thi sĩ người Đà Nẵng, bắt gặp hình ảnh những cô gái Bắc di cư, xoã tóc thề ngồi bên phím dương cầm mà viết nên thi phẩm “Có phải em là mùa thu Hà Nội” (1970). Theo lời thi sĩ, nhiều thanh niên miền Nam trước năm 1975, trong đó có cả nhà thơ, thường say đắm các cô gái Bắc di cư và mơ mộng thật nhiều về mùa thu Hà Nội. Trong hình dung của họ, Hà Nội vào thu bao giờ cũng mênh mang, diệu vợi tựa chốn tiên cảnh bồng lai, “nàng thơ” Hà Nội là những tiên nữ bước ra từ truyện cổ, dệt nên bao vần thơ của biết bao thi sĩ miền Nam bấy giờ:
May mà có em cho đường phố vui
May còn chút em trang sức sông Hồng
Một sáng vào Thu bềnh bồng hương cốm
Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng…
Bài thơ sau đó đã được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc và ca sĩ Hồng Nhung thể hiện rất thành công. Xúc động hơn, thi phẩm này ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, cả nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ Trần Quang Lộc đều chưa từng đặt chân đến Hà Nội. Toàn bộ những thi ảnh về các danh thắng, sự kiện lịch sử… chốn kinh kỳ được tái hiện trong tác phẩm đều là kết tinh của trí tưởng tượng tài hoa và nỗi nhớ thương, khao khát, lòng mến yêu Hà Nội da diết, khôn nguôi. Có phải em mùa thu Hà Nội lúc bấy giờ nổi tiếng trong giới văn nghệ miền Nam tới mức nó từng bị cấm lưu hành dưới chế độ Sài Gòn cũ vì nội dung khơi gợi tình yêu Bắc Việt và mối hoài cảm với thủ đô Hà Nội.
Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 – 2001) cũng có một bài ca bất hủ về mùa thu Hà Nội, sáng tác sau khi đất nước đã thống nhất, ông có dịp ra Bắc để thưởng lãm mùa thu thủ đô. Nhớ mùa thu Hà Nội (1996) là nhạc phẩm khắc hoạ cảnh sắc thần tình của thành phố lúc vào thu. Trong ca khúc, nhạc sĩ không quên nhắc tới mùi hương hoa sữa và mùi cốm thơm ngát, những vẻ đẹp êm dịu nơi đất Bắc đã sưởi ấm tâm hồn một con người miền Nam:
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.
Cứ thế, cảnh sắc, kiến trúc cho tới con người và các di sản tinh thần dần dần hoà quyện thành các tầng trầm tích văn hoá về mùa thu Hà Nội. Di sản ấy không chỉ được người Hà Nội tôn vinh, mà còn trở thành một biểu tượng mỹ học lớn trong văn hoá dân tộc, để thương để nhớ người Việt Nam ở bất cứ đâu trên thế giới. Biểu tượng về Hà Nội trở thành biểu tượng của đất nước, niềm tự hào của dân tộc mà người Việt mang theo đi khắp muôn nơi. Sống nơi xứ người, không ít lần những trái tim Việt Nam ngắm nhìn mùa thu vàng lộng lẫy ở Paris, Moscow… mà nhớ thương “mùa thu xanh” của Hà Nội. Ấy là một mùa thu đằm thắm, duyên dáng, giản dị mà trầm tư, mang phong vị rất riêng mà không nơi nào trên thế giới có được. Đó cũng là một di sản tinh thần quý báu mà chúng ta cần gìn giữ cho thủ đô, cho đất nước, cho muôn đời sau còn được sống mãi trong không gian thơ mộng của mùa thu Hà Nội.
Thiết nghĩ, đứng trước thực trạng trên, thành phố cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để gìn giữ không gian tẤy vậy mà, cũng chính trong mùa thu này, khi người người nhà nhà đổ ra đường để chiêm ngưỡng, thưởng thức không khí thu, ta mới thấy dường như mùa thu Hà Nội cũng đang chênh vênh, chao đảo giữa một nhịp sống hiện đại hối hả, xô bồ. Các tác động từ môi trường cũng như quá trình đô thị hoá nhanh chóng khiến cho Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác không thể bảo lưu được nguyên vẹn kiểu khí hậu, thời tiết bốn mùa đặc trưng vốn có. Không gian xanh của thành phố cũng đang bị thu hẹp dần, nhường chỗ cho những toà nhà cao ốc, những quán xá vỉa hè chật chội, nóng bức, rác thải, xe cộ ùn tắc… cứ thế lấp dần những khoảng trống cần thiết để không khí mùa thu được lan toả. Các công viên không được cải tạo, địa điểm vui chơi công cộng thưa vắng dần, và đặc biệt những tụ điểm sinh hoạt văn hoá cũng ít được đầu tư, mở rộng. Thêm vào đó là khi mạng xã hội bùng nổ, hàng loạt phong trào chụp ảnh, check-in… nở rộ, dẫn đến lối sống ồ ạt, a dua theo thị hiếu nhất thời mà làm tổn hại đến các giá trị bền vững, trong đó có không gian thu Hà Nội. Cuối tháng Tám, đầu tháng Chín vừa qua; rất nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, chen lấn, xô đẩy trên con đường cây xanh “huyền thoại” ở phố Phan Đình Phùng để được chụp ảnh, tạo dáng với các xe hoa rong, ai ai cũng muốn có được những bức ảnh thật là “thu Hà Nội”. Song ít ai nhận ra rằng, những gì mình đang làm không phải để tôn vinh mùa thu, mà đang khiến cho hình ảnh của mùa thu ở thủ đô trở nên ngày càng méo mó. Những tuyến phố đặc trưng cho không gian thu không còn giữ được vẻ tĩnh lặng, thanh sạch vốn có của nó, thay vào đó là rác thải và sự ồn ào, hỗn tạp của các cuộc trao đổi, mua bán… Tất cả đã tạo ra một tác động tiêu cực tới không gian thu Hà Nội vốn nổi tiếng với sự trầm dịu, thanh tĩnh, êm ả. hu nói riêng và các không gian văn hoá – tinh thần của thành phố nói chung. Việc tổ chức Festival Thu Hà Nội vào cuối tháng Chín năm nay cho thấy ý nghĩa của việc bảo tồn các giá trị văn hoá thủ đô đã và đang được nhận thức và thấu hiểu sâu sắc. Song trên thực tế, đây vẫn chỉ là một giải pháp tạm thời. Trong thơi gian tới, Hà Nội cần định hình, triển khai một kế hoạch lâu dài nhằm cải tạo, gìn giữ không gian mùa thu đang có nguy cơ biến mất dần trong lòng thành phố. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tái tạo và phát triển thêm các khoảng “xanh”, các không gian thiên nhiên với những đường phố rợp bóng cây, những công viên có quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu giái trí đa dạng của người dân đang sinh sống và làm việc tại thủ đô. Đây là điều quan trọng mà rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đã thực hiện được, để người dân, thay vì tràn ra đường chụp hình, vui chơi, có thể có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn, mà chủ yếu tập trung tại những khu vực “xanh” như vậy. Do đó, bên cạnh các vấn đề còn tồn đọng về môi trường như rác thải, khí thải… đã và đang được triển khai xử lý trong suốt thời gian qua, việc cơi nới, mở rộng cảnh quan với những không gian xanh để mùa thu được “thở”, được lan toả chính là một yếu tố tiên quyết mở đầu cho bảo lưu không gian thu của thủ đô.
Không những thế, mùa thu Hà Nội sẽ không thể đẹp trọn vẹn, hoặc vẻ đẹp của nó sẽ không được nhiều người biết đến nếu không có những không gian quảng bá, những người nghệ sĩ tài hoa đã phát hiện, ngợi ca và phú cho nó một ý nghĩa thật sống động qua từng vần thơ, bản nhạc, biến nó thành một thứ biểu tượng, một kiểu diễn ngôn về thủ đô. Nói cách khác, các nghệ sĩ, học giả… không chỉ đưa biểu tượng mùa thu Hà Nội đi khắp năm châu mà còn là nhân tố chính để nuôi dưỡng và phát triển các không gian tinh thần của thành phố. Chắc hẳn ai cũng biết, thủ đô được xem là trung tâm văn hoá – chính trị lớn nhất của một quốc gia. Một thành phố khó có thể xứng tầm thủ đô nếu nó thiếu vắng hoặc ít đầu tư vào những không gian tinh thần, những nơi chốn để thưởng lãm nghệ thuật và thực hành tri thức như các bảo tàng, triển lãm, thư viện… đặc biệt là khi cộng đồng tinh hoa vốn được sản sinh ra từ chính những không gian như thế. Vậy để Hà Nội có thể sánh vai với các thủ đô văn minh trên thế giới, để mùa thu Hà Nội với những nét đẹp độc đáo còn sống mãi, đã đến lúc chúng ta cần cơ cấu lại các giá trị cốt lõi; chăm lo và phát triển hơn nữa những không gian sinh hoạt văn hoá, tinh thần của thành phố. Đó chính là yếu tố sống còn đối với một thủ đô – gương mặt đại diện cho cả một quốc gia, dân tộc.
Chúng ta đang sống trong những ngày đẹp nhất của mùa thu Hà Nội. Có thể nói, đã lâu lắm rồi, thành phố mới lại được cảm nhận bầu không khí mát lành, mây trời xanh biếc, mặt nước hồ Gươm trong vắt như tấm gương soi chiếu lịch sử ngàn năm. Vẻ đẹp của thành phố vẫn luôn hiện hữu giữa những gì bình dị, thân thuộc nhất; dẫu tháng năm dần trôi, cuộc sống lại biến thiên với muôn ngàn giá trị mới. Những người yêu mến Hà Nội không khỏi xót xa trước những đổi thay về cảnh vật, con người; nhưng chẳng bao giờ thôi nuôi dưỡng niềm tin rằng những giá trị đích thực sẽ còn mãi, sau khi tất cả mọi bon chen, xô bồ đã qua rồi. Màu xanh vốn có của thành phố sẽ toả thêm bóng mát, những không gian tinh thần sẽ ngày càng rộng mở; cũng giống như mùa thu Hà Nội – không chỉ ngự mãi trong lòng thành phố, nó sẽ còn lan toả, bay đi khắp bốn phương trời xa…■
Đinh Thảo
(Theo Tạp chí Phương Đông)